Chùa Keo: Ngôi cổ tự có kiến trúc độc đáo thế kỷ 17, điểm đến lý tưởng cho dịp du xuân lễ hội đầu năm

Chùa Keo: Ngôi cổ tự có kiến trúc độc đáo thế kỷ 17, điểm đến lý tưởng cho dịp du xuân lễ hội đầu năm

(Vietnamarchi) - Là ngôi chùa cổ được bảo tồn hầu như nguyên vẹn kiến trúc 400 năm tuổi, chùa Keo là một phần quan trọng trong văn hóa kiến trúc truyền thống của Việt Nam, biểu tượng của sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật và tâm linh. Đây là địa điểm lý tưởng cho dịp du xuân lễ hội đầu năm cho những ai yêu thích văn hóa và tôn giáo.
00:44, 13/02/2024

Ngôi cổ tự sở hữu nghệ thuật kiến trúc độc nhất vô nhị

Chùa Keo có tên chữ là Thần Quang Tự, nằm ở thôn Dũng Nhuệ, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư (xưa là xã Dũng Nhuệ, tổng Hành Dũng, tỉnh Nam Định). Đây là một trong những ngôi chùa của Việt Nam còn giữ lại được nguyên vẹn nét kiến trúc xưa với kiến trúc cổ gần 400 năm và được coi là một trong 10 công trình kiến trúc cổ tiêu biểu của Việt Nam.

Chùa được xây dựng vào năm 1630 dưới triều đại vua Lê Trung Hưng, thời gian thi công chùa lên đến 28 tháng.

Chùa Keo ngoài mục đích thờ Phật và Bồ Tát như những ngôi chùa khác, địa điểm tôn giáo này còn thờ Thánh Dương Không Lộ (tức tiền Phật, hậu Thánh). Thánh Dương Không Lộ là một nhà sư thời Lý với kiến thức uyên bác về Phật pháp. Có thể nói chùa Keo là một trong những công trình sáng giá nhất trong hệ thống chùa dạng thức “tiền Phật hậu Thánh” cũng như dạng thức chùa “trăm gian” ở Việt Nam.

Trải qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo, chùa Keo vẫn giữ nguyên bản sắc kiến trúc độc đáo có từ thời Lê Trung Hưng. Hiện nay, toàn bộ kiến trúc chùa Keo gồm 17 công trình với 128 gian, phân bố trên diện tích 2022 m2 với các công trình kiến trúc chính như Tam quan, Chùa Phật, Điện Thánh, gác chuông, hành lang, khu tăng xá….

Ngôi chùa cổ lưu giữ được hầu như nguyên vẹn kiến trúc xưa. Ảnh: Dân Việt. 

Chùa được xây theo kiểu “nội công, ngoại quốc”, với những cụm kiến trúc đăng đối chặt chẽ… Toàn bộ ngôi chùa được làm bằng gỗ lim, không sử dụng đinh tán mà chỉ dùng mộng gỗ ghép lại với nhau. Mặc dù trải qua gần 4 thế kỉ, kết cấu của toàn bộ kiến trúc gỗ công trình này vẫn rất chắc chắn. Các cột đỡ, vì kèo được các nghệ nhân điêu khắc thời Hậu Lê chạm khắc vô cùng tinh xảo. Đặc biệt là gác chuông 3 tầng cao hơn 11 mét được dựng trên một nền gạch xây vuông vắn với bộ khung kết cấu bởi gần 100 con sơn chồng lên nhau, được gọi là 100 đàn đầu voi liên kết bằng mộng gỗ, nâng đỡ 12 mái ngói cong thanh thoát. Theo đó, công trình kiến trúc nổi tiếng gác chuông chùa Keo được biết đến là một công trình nghệ thuật bằng gỗ độc đáo, tiêu biểu cho kiến trúc cổ Việt Nam thời hậu Lê.

Nhìn tổng thể, Tam quan ngoại của chùa cao và thoáng hơn Tam quan nội. Tam quan ngoại của gồm 3 gian, hai chái, khung gỗ, 4 chân hàng cột, mái lợp ngói mũi hài. Kết cấu vì chính theo kiểu giá chiêng, kết cấu vì nách theo kiểu chồng rường. Tam quan nội là bộ cánh cửa gian trung quan chạm rồng chầu - một kiệt tác chạm khắc gỗ thế kỷ XVII (Bộ cửa hiện nay là hiện vật phục chế, bộ cửa gốc hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam). Có thể nói, Tam quan nội mang đặc trưng của ngôi nhà xưa truyền thống của vùng đồng bằng Bắc bộ với cửa, mái nhà, hiên nhà...

Khu chùa Phật là nơi tập trung nhiều nhất các pho tượng Phật có giá trị nghệ thuật cao vào thế kỷ 17, 18 đó là tượng Tuyết Sơn, La Hán, Quan Thế Âm Bồ Tát… Trong đó, gồm 3 công trình: Chùa Ông Hộ, Ống muống và toà Tam Bảo. Tất cả được bố cục theo kiểu chữ “công”.

Đặc biệt tại toà Thượng Điện hiện có pho tượng đã ngót nghìn năm tuổi. Đó là pho tượng thiền sư Không Lộ bằng gỗ trầm hương được đặt trong cung cấm. Tại chùa Keo ngày nay còn lưu giữ những cổ vật quý hiếm như đôi chân đèn thời Mạc, bàn thờ quý thời Lê, bộ thuyền rồng, bộ nhạc khí và 2 quả chuông đồng. Chùa Keo cũng là nơi lưu giữ bảo vật quốc gia - Hương án chùa Keo, hiện vật gốc độc bản, mang giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, có hình thức độc đáo. Ngoài ra, chùa còn là nơi lưu giữ 197 di vật, cổ vật gắn với lịch sử hình thành và phát triển của chùa (từ thế kỷ XVII đến nay), được tạo tác từ nhiều loại chất liệu (gỗ, đá, đồng), có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đặc sắc.

Do đó, với những giá trị đặc biệt về văn hóa lịch sử, năm 2012, quần thể chùa Keo được công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt. Đến năm 2017, lễ hội chùa Keo (Thái Bình) đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Kiến trúc độc đáo tại chùa Keo. Ảnh: Dân Việt.

Lễ hội chùa Keo – điểm đến lý tưởng cho dịp du xuân lễ hội đầu năm

Là một trong những lễ hội được tổ chức vào những ngày đầu tiên của năm mới, lễ hội chùa Keo, xã Duy Nhất (Vũ Thư) đã trở thành điểm đến thân thuộc của người dân trong tỉnh cũng như du khách thập phương.

Theo Ban Chỉ đạo lễ hội chùa Keo mùa Xuân 2024 huyện Vũ Thư, lễ hội năm nay được tổ chức với quy mô cấp huyện, diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 13/2 - 16/2/2024 (tức ngày 4 - 7 tháng Giêng năm Giáp Thìn) tại di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư với quy mô lớn hơn lễ hội mùa xuân các năm trước.

Trong đó, ngày 13/2, tức ngày mùng 4 tháng Giêng năm Giáp Thìn là ngày lễ hội chính. Lễ hội gồm hai phần. Phần lễ sẽ có lễ khai chỉ, lễ khai mạc, diễn ra theo nghi thức truyền thống của lễ hội chùa Keo mùa xuân thường niên. Phần hội kéo dài liên tục trong 4 ngày và có nhiều hoạt động sôi nổi, phong phú hơn lễ hội mùa xuân mọi năm, tiêu biểu sẽ có các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian như: múa rối cạn, múa rối nước, du thuyền hát hội, bắt vịt, hội thi thổi cơm, hội thi cờ tướng, giao lưu hát chèo…

Đặc biệt, trò chơi kéo lửa thổi cơm là trò chơi cổ được lưu truyền nhiều năm và là nét đẹp gắn với sinh hoạt của cư dân nông nghiệp.

Nhiều sự kiện đặc sắc sẽ được diễn ra trong suốt lễ hội. Ảnh: Kinh tế Đô thị.

Ý nghĩa của trò chơi xuất phát sau khi Đức Thánh đi Tây trúc thỉnh kinh, đi giữa quãng đường lửa hết không có lửa thổi cơm, Đức Thánh mới nghĩ ra việc bổ đôi cây nứa lấy cỏ gianh để mồi lửa.

Khi cành nứa sát vào nhau, tàn lửa tích tụ lại bén xuống cỏ gianh, người kéo phải thổi hơi thật mạnh tạo lửa nấu cơm. Đây không chỉ là điểm hẹn của những thanh niên trai tráng, khéo léo trong làng Keo để làm ra mâm cơm dâng lên lễ Thánh mà hội thi này luôn thu hút sự quan tâm, theo dõi hào hứng, phấn khởi của du khách thập phương, tạo tinh thần, khí thế phấn khởi, hứa hẹn một năm nhiều thuận lợi và may mắn.

Bên cạnh đó, năm nay, ban tổ chức cũng bổ sung thêm nhiều hoạt động hấp dẫn như: diễn múa rối nước của phường rối nước Nguyên Xá (Đông Hưng) vào tối ngày mùng 4, mùng 5; khai bút đầu xuân, liên hoan văn hóa làng, giải cờ tướng, giao lưu các câu lạc bộ chèo…

Lễ hội mùa xuân năm 2024 tại chùa Keo hứa hẹn nhiều điều mới mẻ và niềm vui cho người dân làng Keo nói riêng, huyện Vũ Thư nói chung. Đây sẽ là điểm đến không thể bỏ lỡ của du khách gần xa mỗi dịp đầu năm mới.

Pháp lý xây dựng

Khám phá miễn phí những công trình kiến trúc nổi tiếng trên "giao lộ di sản"

Nằm ngay ở trung tâm Hà Nội, nhiều di sản kiến trúc nổi tiếng như: Nhà hát Lớn, Nhà khách Chính phủ, Đại học Quốc gia Hà Nội… người ta vẫn đi qua hoặc chỉ dừng lại để 'check-in' mà không biết những công trình ấy lưu giữ nhiều bí ẩn thú vị.

Chùa Trầm, chùa Trăm Gian - nơi lưu giữ giá trị kiến trúc dân gian độc đáo

Cụm di tích chùa Trầm, chùa Trăm Gian thuộc huyện Chương Mỹ, nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km. Đây đều là những di tích có lịch sử xây dựng từ khá sớm và còn giữ được nhiều di vật có giá trị từ thời Trần, Lê, Nguyễn...

Ấn tượng kiến trúc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam mới sắp mở cửa đón khách miễn phí

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam mới được xây dựng với thiết kế hiện đại, nhiều công năng, kiến trúc công trình trưng bày về lịch sử chiến tranh và tạo một không gian chung để khách tham quan tương tác và trải nghiệm về cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Bảo tàng chính thức mở cửa đón, phục vụ khách tham quan miễn phí từ 01/11/2024 đến hết tháng 12/2024 tại địa chỉ Km 6+500 Đại Lộ Thăng Long, Phường Tây Mỗ, Đại Mỗ, Quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.

Những ngôi nhà tạ trong kiến trúc cung đình Nguyễn

Không có mặt trong những cung điện quan trọng nhất - nơi tổ chức các điển lễ của Hoàng triều - hay chốn miếu mạo thâm nghiêm - nơi thờ cúng thần linh và các vị hoàng đế - quy mô kiến trúc cũng không bề thế, hoành tráng nhưng nhà tạ (tạ gia hay thuỷ tạ) vẫn là một loại hình kiến trúc rất quan trọng và đặc sắc góp phần tạo nên sự phong phú cùng vẻ đẹp thanh thoát, lãng mạn của quần thể kiến trúc cung đình Nguyễn tại kinh đô Huế.

Nghệ thuật kiến trúc cổ tại Đà Lạt

Đà Lạt, đô thị đã trải qua nhiều kỳ quy hoạch bài bản. Mỗi kỳ kiến tạo là một ý tưởng, nhưng đều dựa trên yếu tố cốt lõi là nghệ thuật kiến trúc kết hợp cảnh quan và tài nguyên nhân văn.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi