Các xu hướng tiêu biểu của kiến trúc hiện đại miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975
Xu hướng Hiện đại – Quốc tế nhấn mạnh vào công năng, thiết kế đơn giản và sử dụng hiệu quả, tương tự như Chủ nghĩa Công năng. Xu hướng Hiện đại – Nhiệt đới tối ưu hóa khả năng thích nghi với khí hậu nhiệt đới, tận dụng thông gió tự nhiên và giảm thiểu sự phụ thuộc vào năng lượng nhân tạo. Xu hướng Hiện đại – Dân tộc kết hợp yếu tố truyền thống Việt Nam vào kiến trúc hiện đại nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa. Kết luận từ nghiên cứu cho thấy, trong bối cảnh hiện nay, xu hướng Hiện đại – Nhiệt đới có tiềm năng khai thác cao nhất nhờ khả năng đáp ứng các tiêu chí về phát triển bền vững và thân thiện môi trường, phù hợp với yêu cầu tiết kiệm năng lượng và đô thị hóa nhanh chóng. Các nguyên tắc thiết kế của 03 xu hướng này có thể được kết hợp thêm với công nghệ tiên tiến để tạo ra những công trình đáp ứng yêu cầu của xã hội hiện đại mà vẫn giữ được sắc thái địa phương và khu vực.
1. Giới thiệu
1.1. Sự hình thành các xu hướng kiến trúc hiện đại miền Nam Việt Nam (1954 - 1975)
Sự ra đời các xu hướng kiến trúc hiện đại ở miền Nam Việt Nam (1954 - 1975) chịu tác động sâu sắc của bối cảnh lịch sử, xã hội và các luồng tư tưởng kiến trúc quốc tế. Trong thời kỳ này, miền Nam Việt Nam, đặc biệt là Sài Gòn, trải qua sự gia tăng đáng kể tốc độ đô thị hóa và dân số, thúc đẩy nhu cầu về số lượng lớn các công trình kiến trúc mới để đáp ứng yêu cầu sinh hoạt, làm việc và giao lưu văn hóa. Sau năm 1954, chính quyền sở tại chủ trương phát triển kiến trúc theo hướng hiện đại, chối bỏ ảnh hưởng của kiến trúc cổ điển phương Tây đã kéo dài gần 100 năm, nhằm xây dựng một diện mạo kiến trúc phản ánh tinh thần quốc gia độc lập. Bên cạnh đó, các kiến trúc sư miền Nam còn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ Chủ nghĩa Hiện đại, một trào lưu kiến trúc phổ biến của thế giới vào giữa thế kỷ 20. Chủ nghĩa Hiện đại đề cao công năng, sự đơn giản và hiệu quả trong thiết kế, loại bỏ chi tiết trang trí không cần thiết, và ưu tiên sử dụng các vật liệu công nghiệp như bê tông, thép và kính. Kiến trúc sư miền Nam áp dụng nguyên lý này để tạo nên những công trình có tính ứng dụng cao; hơn nữa còn sáng tạo, điều chỉnh để phù hợp với điều kiện khí hậu và đặc trưng văn hóa dân tộc, tạo nên một phong cách kiến trúc hiện đại mang dấu ấn riêng.
Kiến trúc hiện đại miền Nam Việt Nam (1954 - 1975) có thể được phân thành ba xu hướng chính:
1. Xu hướng Hiện đại – Quốc tế: tiếp thu các nguyên lý cơ bản của kiến trúc hiện đại toàn cầu, đặc biệt là Chủ nghĩa Công năng, với những tiêu chuẩn thiết kế có tính khuôn mẫu. Các công trình kiến trúc theo xu hướng này tập trung vào công năng, với các đường nét hình học đơn giản, hạn chế trang trí cầu kỳ, và sử dụng vật liệu công nghiệp; thường ứng dụng cho các thể loại công trình đòi hỏi tính thực dụng và hiệu quả cao như các tòa nhà khách sạn, công xưởng và nhà ở.
2. Xu hướng Hiện đại – Nhiệt đới: các kiến trúc sư miền Nam đã phát triển những giải pháp kiến trúc hiện đại kết hợp với yếu tố điều hòa vi khí hậu nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực (nhiệt độ và độ ẩm cao) của vùng khí hậu nhiệt đới. Các công trình theo xu hướng này thường có mái vươn xa, hệ thống cửa sổ lớn, hàng hiên rộng kết hợp lam chắn nắng,… đảm bảo sự thoáng mát và tiết kiệm năng lượng; cho thấy sự kết hợp khéo léo giữa kiến trúc hiện đại và yếu tố bản địa để tạo ra môi trường sống phù hợp với điều kiện tự nhiên của miền Nam.
3. Xu hướng Hiện đại – Dân tộc: là sự kết hợp giữa tính hiện đại và các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời thể hiện ý thức về bản sắc dân tộc. Các công trình kiến trúc thuộc xu hướng này thường tận dụng yếu tố truyền thống như mái ngói, khung cột gỗ, hoặc các hoa văn trang trí, được điều chỉnh để phù hợp với ngôn ngữ kiến trúc hiện đại. Bằng cách này, các kiến trúc sư miền Nam đã sáng tạo ra những công trình không chỉ đáp ứng yêu cầu của xã hội hiện đại mà còn mang biểu tượng văn hóa, góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc.
Sự phát triển của kiến trúc hiện đại miền Nam (1954 - 1975) đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong lịch sử kiến trúc Việt Nam, nơi các công trình hiện đại không chỉ mang tính thẩm mỹ và công năng mà còn chứa đựng các giá trị văn hóa và tư tưởng của thời kỳ. Ba xu hướng kiến trúc nói trên đã hình thành phong cách kiến trúc miền Nam độc đáo, thể hiện sự giao thoa giữa ảnh hưởng quốc tế và bản sắc dân tộc, đặt nền móng cho sự phát triển kiến trúc hiện đại trong những thập kỷ tiếp theo.
1.2. Mục tiêu nghiên cứu
Bài nghiên cứu này đặt ra 03 mục tiêu chính như sau:
1) Nhận diện đặc điểm của các xu hướng kiến trúc hiện đại miền Nam Việt Nam: phân tích đặc trưng thiết kế của các xu hướng kiến trúc qua yếu tố hình thức, công năng và vật liệu, nhằm làm rõ sự khác biệt và nổi bật của kiến trúc hiện đại trong giai đoạn 1954-1975.
2) Xác định giá trị tiêu biểu của các xu hướng kiến trúc hiện đại miền Nam: đánh giá giá trị của từng xu hướng trong bối cảnh lịch sử và văn hóa miền Nam Việt Nam, góp phần hiểu rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của những giá trị kiến trúc trong thời kỳ này.
3) Chọn lọc các đặc điểm tiêu biểu để khai thác trong giai đoạn hiện nay: xem xét mối quan hệ giữa kiến trúc miền Nam với các xu hướng kiến trúc thế giới đang thịnh hành, từ đó xây dựng mô hình tương tác và chọn lọc các đặc điểm có giá trị cao để tiếp tục khai thác, phát huy, đáp ứng những yêu cầu cũng như thẩm mỹ mới của thời đại.
Những mục tiêu này nhằm cung cấp cái nhìn sâu sắc, có hệ thống về các xu hướng kiến trúc hiện đại miền Nam Việt Nam (1954 - 1975), đồng thời chọn lọc các giá trị kiến trúc độc đáo để kế thừa trong hiện tại và tương lai.
2. Phương pháp nghiên cứu
Trong năm 2022 và 2023, nhóm nghiên cứu đã thực hiện 02 chuyên đề là “Tổng quan về nhóm công trình kiến trúc xây dựng giai đoạn 1954-1986 tại khu vực phía Nam” và “Xác định giá trị các công trình kiến trúc giai đoạn 1954-1986 - khu vực phía Nam”. Các chuyên đề này tập trung vào việc nhận diện bối cảnh hình thành và phát triển kiến trúc miền Nam (1954 – 1986); xác định đặc điểm về công năng, hình thức, kỹ thuật và vật liệu xây dựng của các công trình kiến trúc thời kỳ này; đánh giá thực trạng công tác bảo tồn và phát huy kiến trúc miền Nam hiện nay; lập danh mục dữ liệu các công trình kiến trúc có giá trị; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá và lựa chọn công trình, đồng thời thu thập dữ liệu bản vẽ và khảo sát kiểm chứng đối với 10 công trình tiêu biểu được chọn.
Qua các chuyên đề trên, nhóm nghiên cứu đã áp dụng phương pháp kết hợp giữa thu thập thông tin tư liệu, phân tích - tổng hợp các đặc điểm và giá trị của kiến trúc miền Nam cùng với công tác điền dã thực địa. Phương pháp này giúp nhận diện ba xu hướng biểu hiện chính trong kiến trúc miền Nam, gồm: xu hướng Hiện đại – Quốc tế, xu hướng Hiện đại – Nhiệt đới và xu hướng Hiện đại – Dân tộc.
3. Kết quả nghiên cứu
3.1. Đặc điểm của các xu hướng kiến trúc hiện đại miền Nam Việt Nam (1954 - 1975)
Tổng hợp dữ liệu điển hình về mặt bằng [Hình 1] và hình thức kiến trúc [Hình 2] có thể nhận diện đặc điểm chung và riêng của các xu hướng kiến trúc hiện đại miền Nam như sau:
3.1.1. Đặc điểm chung - Tính hiện đại
- Tổ hợp mặt bằng dạng hình học cơ bản (hình vuông, chữ nhật, hình tròn, hình sao nhiều cánh…) cho các thể loại công trình. Ngoài ra, nhiều công trình có hình dạng tự do, linh hoạt theo khu đất xây dựng. Đáng chú ý là mặt bằng kiến trúc thời kỳ này còn lồng ghép các ý nghĩa về biểu tượng văn hóa phong phú. [Hình 3]
- Bố cục phổ biến là dạng hợp khối (gồm các kiểu: tập trung, hướng tâm, phân nhóm hoặc theo tuyến) hoặc bố cục hỗn hợp (kết hợp giữa phân tán và hợp khối). Các hình thức bố cục này khá thuận lợi để sắp đặt công năng theo dây chuyền hiện đại. Ngoài công trình tôn giáo và hành chính thường có bố cục hợp khối - đối xứng thì các thể loại còn lại linh hoạt giữa hình thức đối xứng và bất đối xứng tùy theo nhu cầu và ý tưởng thiết kế. [Hình 4].
- Phân khu chức năng rõ ràng: tiếp thu tinh thần của Chủ nghĩa công năng cùng với việc ứng dụng dây chuyền hiện đại, các công trình kiến trúc miền Nam được thiết kế phân khu rõ ràng, đề cao công năng và hiệu quả sử dụng.
- Tổ chức không gian mở, linh hoạt: do ứng dụng bê tông cốt thép trong cấu trúc xây dựng nên tường không còn mang chức năng chịu lực, các không gian ít bị ngăn chia làm gia tăng tính linh hoạt; không gian kiến trúc trở nên rộng mở và thoáng đãng hơn trước.
- Khối hình học đơn giản: các công trình kiến trúc thường sử dụng khối hình học đơn giản, mạnh mẽ và rõ ràng. Các khối hình chữ nhật, hình vuông, hình tròn… kết hợp với đường nét ngang thẳng hoặc đường cong có qui luật tạo nên tính thẩm mỹ hiện đại, giúp tối ưu hóa công năng. [Hình 5].
- Mái bằng bê tông cốt thép: là yếu tố nhận diện quan trọng của kiến trúc hiện đại miền Nam so với các giai đoạn tiền kỳ. Phương vị ngang của mái tạo cảm giác mạnh mẽ và ổn định, thể hiện tinh thần của kiến trúc hiện đại.
- Hệ thống cửa mở lớn, bố trí tự do: do tường không còn đóng vai trò chịu lực nên hệ thống cửa bố trí linh hoạt và tự do, trải dài trên các bề mặt công trình. Cửa mở lớn giúp tận dụng ánh sáng tự nhiên và làm cho không gian nội thất trở nên sáng sủa, thoáng đãng hơn, tăng sự kết nối với thiên nhiên bên ngoài công trình. [Hình 6]
- Màu sắc trung tính: màu sắc thường được sử dụng là màu trung tính như trắng và xám, kết hợp với màu tự nhiên của các vật liệu gỗ, đá, và bê tông. Những gam màu này tạo cảm giác nhẹ nhàng, tinh tế, làm nổi bật hình khối đơn giản và sự tương phản giữa các vật liệu. [Hình 7]
- Vật liệu hiện đại: sử dụng các vật liệu xây dựng tiên tiến hơn so với trước đó, bao gồm bê tông cốt thép, thép, kính, đá rửa, đá mài, gạch bông, tấm fibrocement, và các loại vật liệu tự nhiên như đá chẻ, gạch, gỗ. Đá rửa được ưa chuộng nhờ màu trắng xám đồng nhất, mang đến vẻ ngoài hài hòa cho công trình. Đá mài và gạch bông phổ biến trong hoàn thiện nội thất. Những vật liệu này không chỉ phản ánh sự tiến bộ về kỹ thuật mà còn góp phần định hình phong cách kiến trúc đặc trưng của miền Nam Việt Nam.
- Tạo hình kiến trúc mang tính biểu tượng: việc tạo hình cho nhiều công trình trong giai đoạn này còn còn mang vẻ đẹp trừu tượng, gắn kết ý nghĩa biểu trưng về tôn giáo hay ý niệm về nguyên lý vận hành vũ trụ,... [Hình 8]
3.1.2. Đặc điểm riêng – Tính bản sắc
- Sử dụng lớp hành lang rộng: điểm đáng chú ý của kiến trúc giai đoạn này là việc sử dụng nhiều lớp hành lang ở các bề mặt công trình, bên ngoài cùng là lớp tường hoa. Hành lang - tường hoa kết hợp với nhau mang đến yếu tố đặc trưng của kiến trúc khí hậu nhiệt đới; tạo thành vùng đệm giúp hạn chế ánh nắng chiếu trực tiếp vào không gian sử dụng. Ngoài ra, trong nhiều công trình còn có lớp hành lang bao quanh khu vực sân trong. [Hình 9]
- Lam chắn nắng (Brise-soleil): là yếu tố phổ biến trong kiến trúc hiện đại miền Nam nhằm giảm thiểu tác động của ánh nắng trực tiếp vào không gian nội thất; tạo nên hiệu ứng ánh sáng độc đáo khi nắng xuyên qua. Các lam chắn nắng thường tạo hình hoa văn cách điệu nhằm tăng tính thẩm mỹ cho công trình. [Hình 10]
- Tường hai lớp (Double skin): là giải pháp hiệu quả giúp giảm nhiệt lượng truyền từ bên ngoài vào bên trong công trình, tạo ra môi trường vi khí hậu thích nghi cho người sử dụng. Tường hai lớp bao gồm một lớp ngoài (thường là lam chắn nắng) và một lớp trong (là tường chứa cửa đi và cửa sổ), ngăn cách ở giữa là dãy hành lang kéo dài.
- Kết hợp tự nhiên vào không gian sinh hoạt: các không gian sử dụng thường gắn liền với yếu tố sân vườn, hồ nước, sân trong, mảng xanh… để tăng cường sự hiện diện của tự nhiên và góp phần cân bằng vi khí hậu công trình.
- Mái dốc kiểu truyền thống: thường được sử dụng cho các công trình tôn giáo như chùa và nhà thờ, là kiểu kết hợp giữa mái dốc và các yếu tố trang trí hoa văn truyền thống. [Hình 11]
- Hàng cột hiên và dãy hành lang: là những yếu tố quen thuộc trong kiến trúc truyền thống, tạo ra không gian chuyển tiếp thoáng mát, che chắn nắng mưa, đồng thời mang lại nhịp điệu thẩm mỹ cho bề mặt công trình. [Hình 12]
- Dầm console và tàu mái bê tông: sự sáng tạo trong việc sử dụng dầm console và tàu mái bê tông ở các công trình văn hóa và nhà ở không chỉ tăng cường tính thẩm mỹ mà còn gợi nhớ đến hình ảnh “kẻ đỡ tàu đao, lá mái” của kiến trúc truyền thống Việt Nam. [Hình 13].
- Hoa văn cách điệu trên tấm chắn nắng: sử dụng họa tiết truyền thống như chữ Triện và các biểu tượng văn hóa dân tộc. Hoa văn trên tấm chắn nắng không chỉ mang lại dấu ấn nghệ thuật mà còn thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại trong kiến trúc. [Hình 14]
3.2. Giá trị của các xu hướng kiến trúc hiện đại miền Nam Việt Nam (1954 - 1975)
Từ việc nhận diện đặc điểm chung và riêng của kiến trúc miền Nam (1954 - 1975) có thể xác định 03 giá trị tiêu biểu, tương ứng với 3 xu hướng biểu hiện kiến trúc. Đó là: giá trị hiện đại, giá trị thích ứng với tự nhiên và giá trị khai thác truyền thống.
Sơ đồ [Hình 15] phân tích mối quan hệ giữa các đặc điểm hình thức và công năng của kiến trúc miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975 với 03 giá trị tiêu biểu. Thông qua việc xác định số lượng kết nối của từng giá trị với các đặc điểm kiến trúc, có thể thấy thứ bậc quan trọng của các giá trị này, cũng như vai trò của chúng trong việc định hình phong cách kiến trúc miền Nam.
3.2.1. Giá trị hiện đại
Kiến trúc miền Nam Việt Nam (1954 - 1975) nổi bật với tinh thần hiện đại quốc tế qua việc ứng dụng vật liệu và công nghệ tiên tiến như bê tông cốt thép, kính và các kỹ thuật xây dựng mới. Phong cách kiến trúc này đề cao cấu trúc hình học rõ ràng, ưu tiên sự đơn giản, loại bỏ các chi tiết trang trí phức tạp để tạo nên vẻ ngoài gọn gàng, thanh thoát, đồng thời nhấn mạnh công năng, đáp ứng yêu cầu sử dụng phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, thay vì sao chép nguyên bản phong cách hiện đại phương Tây với tính công nghiệp hóa và cứng nhắc, kiến trúc miền Nam đã chuyển hóa các yếu tố hiện đại để phù hợp hơn với khí hậu và lối sống. Từ đó, không gian kiến trúc trở nên thông thoáng, linh hoạt và gần gũi với thiên nhiên.
Sơ đồ [Hình 15] cho thấy giá trị hiện đại có số lượng kết nối nhiều nhất (21 kết nối). Đây là giá trị nền tảng của kiến trúc miền Nam, là điểm chung của cả 03 xu hướng; thể hiện tính hội nhập với phong trào kiến trúc toàn cầu, nơi các công nghệ và vật liệu tiên tiến được áp dụng để đáp ứng yêu cầu của cuộc sống đô thị hiện đại.
3.2.2. Giá trị thích ứng với tự nhiên
Yếu tố thích ứng với tự nhiên thể hiện sự sáng tạo đặc sắc của kiến trúc miền Nam giai đoạn này, đặt ra chuẩn mực thiết kế mới trong việc thông gió và chiếu sáng, thích nghi với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Khác với xu hướng kiến trúc quốc tế cùng thời vốn tập trung vào công nghiệp hóa và công năng tối đa, kiến trúc miền Nam đi theo hướng linh hoạt, kết hợp chặt chẽ với thiên nhiên. Các kiến trúc sư đã triển khai những thiết kế mở, sử dụng hành lang rộng, sân trong và cửa sổ lớn để tối ưu hóa sự lưu thông không khí, hạn chế tác động tiêu cực của nắng và nhiệt độ cao, giảm thiểu sự phụ thuộc vào điều hòa cơ học. Kết hợp với các yếu tố như gạch bông gió, lam chắn nắng, các công trình không chỉ được làm mát mà còn đạt tính thẩm mỹ đặc trưng.
Sơ đồ [Hình 15] cho thấy giá trị thích ứng với tự nhiên có 16 kết nối, thể hiện khả năng linh hoạt của kiến trúc miền Nam khi điều chỉnh các yếu tố hiện đại để phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương. Với cách tiếp cận này, kiến trúc miền Nam tạo ra nền tảng cho thiết kế bền vững, khẳng định năng lực sáng tạo của các kiến trúc sư Việt Nam.
3.2.3. Giá trị khai thác truyền thống
Tinh thần khai thác có chọn lọc các yếu tố truyền thống là điểm nổi bật trong kiến trúc miền Nam, khi các kiến trúc sư đã kết hợp khéo léo những giá trị văn hóa bản địa vào thiết kế hiện đại. Đây không chỉ là việc bảo tồn mà là sự sáng tạo dựa trên các yếu tố truyền thống để tạo nên phong cách riêng, đáp ứng nhu cầu của xã hội đang phát triển. Các yếu tố như mái dốc trong công trình tôn giáo, hàng cột hiên và hành lang vừa tạo không gian chuyển tiếp thoáng mát, vừa giúp bảo vệ công trình khỏi tác động của thời tiết, đồng thời tạo nên nhịp điệu thẩm mỹ. Sáng tạo trong việc sử dụng dầm console và tàu mái bê tông, kết hợp hoa văn trên tấm chắn nắng với họa tiết chữ Triện và các biểu tượng văn hóa Việt đem đến sự hài hòa giữa tính truyền thống và tính hiện đại.
Sơ đồ [Hình 15] cho thấy giá trị khai thác truyền thống có 14 kết nối, phản ánh tinh thần dân tộc trong thiết kế kiến trúc giai đoạn này. Khác với kiến trúc quốc tế cùng thời kỳ có xu hướng Sơ đồ [Hình 15] cho thấy giá trị khai thác truyền thống có 14 kết nối, phản ánh tinh thần dân tộc trong thiết kế kiến trúc giai đoạn này. Khác với kiến trúc quốc tế cùng thời kỳ có xu hướng đồng nhất hóa phong cách, kiến trúc miền Nam vẫn chọn lọc và kết hợp tinh tế những giá trị truyền thống, tạo nên sự khác biệt và giữ gìn bản sắc trong nhiều công trình.
Thứ bậc của các giá trị trong sơ đồ lần lượt là giá trị hiện đại > giá trị thích ứng với tự nhiên > giá trị khai thác truyền thống. Điều này cho thấy kiến trúc miền Nam (1954 - 1975) tập trung vào tính hiện đại và công năng, đồng thời vẫn chú trọng đến yếu tố khí hậu và bản sắc văn hóa. Sự kết hợp giữa 03 giá trị này tạo nên phong cách kiến trúc độc đáo, vừa hội nhập quốc tế, vừa phù hợp với môi trường tự nhiên và tôn vinh văn hóa dân tộc.
3.3. Chọn lọc các đặc điểm của kiến trúc hiện đại miền Nam (1954 - 1975) để khai thác và phát huy trong giai đoạn hiện nay.
3.3.1. Sự tương đồng với các xu hướng kiến trúc thế giới đương đại
Kiến trúc hiện đại miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975 thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa phong cách quốc tế và các yếu tố bản địa, mang nhiều điểm tương đồng với các xu hướng kiến trúc đương đại, tạo ra nhiều tiềm năng khai thác và phát huy. Các thiết kế trong thời kỳ này nổi bật với cấu trúc không gian mở, hệ thống thông gió tự nhiên, tận dụng ánh sáng và sử dụng vật liệu thích ứng khí hậu nhiệt đới. Những yếu tố đó phản ánh nguyên lý của Kiến trúc bền vững (Sustainable Architecture) và Kiến trúc xanh (Green Architecture) ngày nay. Bằng cách sử dụng sân vườn, hồ nước, hành lang, lam chắn nắng và cửa mở rộng, các công trình miền Nam không chỉ hòa nhập với tự nhiên mà còn thể hiện tư duy thân thiện môi trường – một yêu cầu quan trọng trong kiến trúc hiện đại.
Ngoài ra, kiến trúc miền Nam còn cho thấy sự giao thoa với Chủ nghĩa khu vực phê phán (Critical Regionalism) và Kiến trúc bản địa mới (Neo-Vernacular Architecture) nhờ việc giữ gìn bản sắc văn hóa qua các chi tiết như mái dốc kiểu truyền thống, cấu trúc dầm console và tàu mái bê tông, dãy hành lang và khung cột, vật liệu tự nhiên... Các kiến trúc sư thời kỳ này đã sáng tạo trong việc sử dụng chất liệu và hình thức trang trí bản địa, từ đó mang lại sự hài hòa giữa truyền thống và hiện đại – một điểm nhấn quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa. Sự giao thoa này không chỉ tạo ra các công trình độc đáo mà còn nâng cao giá trị văn hóa, thích ứng với xã hội hiện đại mà vẫn giữ gìn tính bản sắc.
Thêm vào đó, kiến trúc hiện đại miền Nam, với đặc trưng là sự đơn giản trong hình khối, công năng và bố cục rõ ràng, biểu tượng hóa các ý niệm về tôn giáo và vũ trụ,… cũng có mối tương quan với xu hướng Kiến trúc hiện đại mới (Neo-Modernism). Các thiết kế có tính linh hoạt, sử dụng hình khối đơn giản và vật liệu hiện đại, loại bỏ các chi tiết không cần thiết. Điều này không chỉ đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ và công năng mà còn phù hợp với sự phát triển của công nghệ và tính linh hoạt cao – đặc trưng cốt lõi của Kiến trúc hiện đại mới.
Nhìn chung, ba xu hướng kiến trúc hiện đại miền Nam (1954-1975) có sự liên hệ rõ ràng với các xu hướng kiến trúc thế giới đang thịnh hành. Xu hướng Hiện đại – Quốc tế lấy cảm hứng từ Chủ nghĩa Công năng, tập trung vào tính thực dụng, đơn giản hóa hình thức và sử dụng vật liệu công nghiệp, tổ chức không gian linh hoạt, tương đồng với Kiến trúc Hiện đại mới. Xu hướng Hiện đại – Nhiệt đới hướng đến sự thích ứng với khí hậu, tăng cường thông gió và giảm nhiệt qua các giải pháp thiết kế vi khí hậu – phù hợp với Kiến trúc bền vững và Kiến trúc xanh, đáp ứng yêu cầu tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu tác động môi trường. Xu hướng Hiện đại – Dân tộc kết hợp phong cách hiện đại với các giá trị truyền thống, có nét tương đồng với Chủ nghĩa Khu vực phê phán và Kiến trúc bản địa mới, nhấn mạnh yếu tố bản sắc địa phương trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ. Còn nhiều điểm tương đồng giữa kiến trúc miền Nam (1954 - 1975) với các xu hướng kiến trúc thế giới hiện nay nhưng không thể liệt kê hết trong nghiên cứu này. Tuy nhiên, những dẫn luận trên có thể khẳng định kiến trúc miền Nam còn nhiềm tiềm năng để tiếp tục khai thác và phát huy trong hiện tại và tương lai.
3.3.2. Chọn lọc đặc điểm của kiến trúc hiện đại miền Nam (1954 - 1975) để khai thác trong giai đoạn hiện nay
Để xác định yếu tố quan trọng cho việc khai thác và phát huy trong kiến trúc Việt Nam hiện nay, bài nghiên cứu thiết lập mô hình tương tác giữa các đặc điểm kiến trúc hiện đại miền Nam, trên cả 02 phương diện công năng và hình thức, với 12 xu hướng kiến trúc thế giới đang thịnh hành. Nguyên tắc thực hiện là đánh số tương tác giữa đặc điểm kiến trúc miền Nam với quan điểm lý thuyết và thực hành của các xu hướng kiến trúc thế giới, được ghi nhận từ trong chính các xu hướng đó hoặc suy luận tương đồng. Những đặc điểm nào có trị số ≥ 5 sẽ được chọn; và đặc điểm có trị số càng cao thì càng được ưu tiên. Ngoài ra, các xu hướng kiến trúc có nhiều tương tác với đặc điểm kiến trúc miền Nam cũng sẽ được chọn để làm nền tảng lý thuyết định hướng cho quá trình khai thác.
Kết quả từ mô hình cho thấy [Hình 16]:
1) Có 15 đặc điểm kiến trúc miền Nam được chọn lọc để khai thác, gồm:
- Trên khía cạnh Mặt bằng chọn 06 đặc điểm: hình dạng mặt bằng mang tính biểu tượng; phân khu chức năng rõ ràng; không gian mở, linh hoạt; hanh lang bên; sân vườn, hồ nước bên ngoài; sân trong và hành lang nội.
- Trên khía cạnh Hình thức chọn 09 đặc điểm: mái dốc kiểu truyền thống; lam chắn nắng; tường 02 lớp; diện tích ô cửa lớn, tự do; hình khối có tính biểu tượng; sử dụng vật liệu hiện đại; vật liệu tự nhiên; đẹp tạo hình; đẹp nghệ thuật.
2) Có 03 xu hướng kiến trúc thế giới được chọn để làm nền tảng lý thuyết định hướng cho khai thác là: Kiến trúc bản địa mới (Neo-Vernacular Architecture), Kiến trúc hiện đại mới (Neo Modernism) và Chủ nghĩa khu vực phê phán (Critical Regionalism).
Tuy nhiên, quá trình chọn lọc để khai thác không thể chỉ hoàn toàn dựa vào các xu hướng kiến trúc thế giới, vốn đôi khi có sự khác biệt với điều kiện thực tế của Việt Nam. Do đó, cần bổ sung Mô hình nhu cầu thực tiễn – được xây dựng từ các yếu tố tự nhiên, kinh tế, xã hội, kỹ thuật công nghệ của Việt Nam – và tham chiếu những bài học thành công trong các bối cảnh tương đồng. Việc phối hợp đồng bộ giữa các mô hình và kinh nghiệm thực tiễn sẽ giúp quá trình chọn lọc tránh bỏ sót những tiềm năng, đồng thời có thể loại bỏ thêm những đặc điểm chưa thực sự phù hợp. Đây cũng là mục tiêu đặt ra cho các nghiên cứu tiếp theo.
4. Kết luận
Nghiên cứu này đã làm rõ ba xu hướng kiến trúc tiêu biểu của miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975 gồm: Hiện đại - Quốc tế, Hiện đại - Nhiệt đới, và Hiện đại - Dân tộc. Mỗi xu hướng không chỉ thể hiện sự tiếp thu từ các trào lưu kiến trúc quốc tế mà còn được điều chỉnh để phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hóa và xã hội của miền Nam Việt Nam.
Xu hướng Hiện đại - Quốc tế mang tính thực dụng, đơn giản hóa hình thức và tối ưu hóa công năng, thể hiện tinh thần của Chủ nghĩa công năng. Xu hướng Hiện đại - Nhiệt đới cho thấy khả năng thích nghi với khí hậu nhiệt đới, bằng cách tối ưu hóa thông gió và chiếu sáng tự nhiên, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhân tạo, đáp ứng tiêu chí bền vững trong kiến trúc hiện đại. Xu hướng Hiện đại - Dân tộc mang dấu ấn văn hóa bản địa, kết hợp yếu tố truyền thống vào kiến trúc hiện đại, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc.
Trong bối cảnh hiện tại, kiến trúc miền Nam giai đoạn 1954-1975 cung cấp những giá trị và bài học quý báu cho thiết kế kiến trúc. Các nguyên tắc thiết kế của 03 xu hướng này có nhiều tiềm năng để phát huy; đồng thời kết hợp với công nghệ tiên tiến để tạo nên những công trình đáp ứng yêu cầu của xã hội đương đại, giữ được tính dân tộc và thích ứng với điều kiện tự nhiên của Việt Nam.
Cuối cùng, nghiên cứu đã thiết lập cơ sở chọn lọc cho việc khai thác các đặc điểm kiến trúc miền Nam Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, đề xuất hướng đi cho các nghiên cứu tiếp theo nhằm phát triển các mô hình ứng dụng phù hợp./.
Tài liệu tham khảo
1. Hoàng Hải Hà (2011), Nền kinh tế thị trường ở miền Nam Việt Nam (1954 – 1975) nhìn dưới góc độ lịch sử, Tạp chí nghiên cứu lịch sử, số 8/2011;
2. Lê Quang Ninh and Stéphane Dovert (1998), Saigon 1698-1998, NXB Tp. HCM, Tp. HCM;
3. Mel Schenck - Hảo Linh dịch (2022), Bảo tồn di sản & bảo vệ căn tính Việt Nam, https://tapchitoaan.vn/bao-ton-di-san--bao-ve-can-tinh-viet-nam7492.html;
4. Mel Schenck (2016), How Vietnam Created Its Own Brand of Modernist Architecture, Https://saigoneer.com/vietnam-architecture;
5. Mel Schenck (2022), Southern Vietnamese Modernist Architecture: Mid-Century Vernacular Modernism, Nxb Thế giới Hà Nội;
6. Nguyễn Hữu Thái (1999), Kiến trúc nhiệt đới hoá ở Sài Gòn, Tạp chí kiến trúc số 20/1999.
7. Thanh Hai Trương & Thi Hong Hanh Vu (2022), Modern architecture of Saigon - Ho Chi Minh City, https://www.semanticscholar.org;
8. Thierry Delfosse (2017), Saigon Modernist: Fifty years of Architecture, An e-book
9. Tim Doling (2014), Exploring Ho Chi Minh City, NXB Thế Giới, Hà Nội;
Bài viết có bổ sung ảnh đại diện minh họa (Ảnh: Phanxipăng).
Ý kiến của bạn