Bắc Giang: Phát triển quy hoạch vùng sản xuất góp phần xây dựng NTM bền vững
Mục tiêu của quy hoạch phát triển vùng chuyên canh tại Bắc Giang bao gồm: Đưa ra các mô hình sản xuất chuyên canh nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp; Phát triển các vùng chuyên canh theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước; Tạo ra việc làm, tăng thu nhập cho người dân và áp dụng các biện pháp sản xuất thân thiện với môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.
Theo đó, tỉnh Bắc Giang đã quy hoạch 139 vùng trồng lúa tập trung với diện tích hơn 18,4 nghìn ha, chiếm 50,5% diện tích đất sản xuất lúa cần bảo vệ. Đáng chú ý, diện tích các vùng không hiệu quả do manh mún và thiếu khả năng tưới tiêu đã được chuyển đổi sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.
Điển hình như huyện Lục Nam, chính quyền địa phương đã quy hoạch 59 vùng trồng cây tập trung bao gồm lúa, rau, vải, bưởi, và các loại trái cây khác, đồng thời xác định 12 vùng chăn nuôi quy mô lớn, với các mô hình nuôi lợn, gà, dê, trâu, và bò và 3 vùng nuôi thủy sản thâm canh.
Cùng với đó, việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất góp phần tiết kiệm chi phí, giải phóng sức lao động, bảo đảm thời vụ tiến tới xây dựng nền nông nghiệp hiện đại… đã được huyện Lục Nam áp dụng nhiều cơ chế, chính sách và tăng cường đầu tư, cải tạo hệ thống giao thông nội đồng…
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Nam, hiện tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất trên địa bàn đạt 98%, thu hoạch đạt 97%, vận chuyển đạt hơn 74%.
Ông Vũ Anh Thái, Giám đốc HTX An Việt (xã Bảo Đài,huyện Lục Nam) cho hay: HTX có khoảng 30 ha chuyên canh trồng rau màu. Những năm qua, nhờ chính sách hỗ trợ kinh phí của tỉnh, HTX đã mở rộng diện tích nhà kính, cấp chứng nhận VietGAP; cải tạo, nâng cấp hệ thống kênh mương nội đồng; tập huấn kỹ thuật và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại. Nhờ đó, hoạt động sản xuất ngày càng phát triển, doanh thu hàng năm của HTX đạt khoảng 5 tỷ đồng, lợi nhuận thu về 1,5 tỷ đồng.
Đối với vùng sản xuất chuyên canh, tỉnh Bắc Giang xác định các vùng có điều kiện tự nhiên và kinh tế phù hợp để phát triển chuyên canh, bao gồm các loại cây trồng chủ lực như vải thiều, nhãn, cam, và các loại rau màu. Đến nay tỉnh cũng xác định 78 vùng trồng rau tập trung chủ yếu ở các huyện Lục Nam, Hiệp Hòa, Yên Dũng, Tân Yên; 42 vùng sản xuất vải thiều; 21 vùng chăn nuôi lợn quy mô lớn…
Sản xuất nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh.
Đến hết năm 2023 Sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản của Bắc Giang tiếp tục phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, tốc độ tăng trưởng đạt 2,6%, năm thứ 4 liên tiếp ngành nông nghiệp giữ đà tăng trưởng; chuyển dịch mạnh theo hướng sản xuất đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ứng dụng công nghệ cao, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, gắn với các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ để thúc đẩy sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân.
Các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được đổi mới, phát triển cả về số lượng, chất lượng, khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ trong sản xuất, hỗ trợ tốt cho sự phát triển kinh tế hộ gia đình. Toàn tỉnh có 720 HTX nông nghiệp; 485 trang trại đạt tiêu chí, ngày càng mở rộng quy mô sản xuất; 86 Tổ hợp tác, đã góp phần giúp đỡ các thành viên tiếp cận nguồn vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật...
Tính đến hết năm 2023, giá trị sản xuất/ha đất nông nghiệp đạt 138 triệu đồng, góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt khoảng 52 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,63% (trong đó riêng khu vực nông thôn là 2,87%)
Phát triển sản xuất nông nghiệp đã thật sự tạo động lực thúc đẩy tiến trình thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh Bắc Giang. Đến nay tỉnh Bắc Giang có 7 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 147 xã NTM, 59 xã NTM nâng cao và 07 xã NTM kiểu mẫu (Sau khi đã trừ đi các xã lên phường của thị xã Việt Yên khi huyện Việt Yên lên Thị xã đầu năm 2024); 100% các xã hoàn thành đồ án quy hoạch xây dựng NTM.
Bắc Giang đã có 290 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP (trong đó có 01 sản phẩm 5 sao; 26 sản phẩm 4 sao; 263 sản phẩm 3 sao, đưa Bắc Giang trở thành một trong những tỉnh có nhiều sản phẩm OCOP của khu vực Miền núi phía Bắc và cả nước.
Với những kết quả đã và đang đạt được, Bắc Giang tiếp tục là tỉnh đứng top đầu các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc về xây dựng NTM. Phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đã làm cho bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới; hạ tầng thiết chế về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục… được cải thiện nhiều, số hộ nghèo giảm, đời sống của người dân được nâng lên.
Ý kiến của bạn