Xây dựng Nông thôn mới cho các đô thị Hà Giang?

Xây dựng Nông thôn mới cho các đô thị Hà Giang?

(Vietnamarchi) - (KTVN – 241) Nông thôn Việt Nam có 03 chức năng chủ yếu: Chức năng Sản xuất nông nghiệp để tạo nguồn lương thực nuôi xã hội; Chức năng Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và Chức năng Hệ sinh thái, giữ gìn “lá phổi” cho đời sống con người. Trong đó, kiến trúc – cảnh quan tham gia trực tiếp vào thực hiện 02 chức năng lớn của nông thôn: Đảm bảo cho cảnh quan, môi trường hệ sinh thái xanh – sạch – đẹp và Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa bản sắc của các dân tộc. Hà Giang hiện có 15 đô thị. Các đô thị nói chung và đặc biệt các đô thị miền núi nói riêng, với đặc trưng núi non cận kề cùng các làng bản quần cư, đô thị và nông thôn vốn không có khoảng cách. Do vậy, việc chú trọng phát huy và phát triển các vùng nông thôn ven đô thị miền núi sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo sức hút cũng như tạo dựng các nét đặc trưng, đặc sắc riêng của nó. Đặc biệt, đối với đô thị Hà Giang, kiến trúc – cảnh quan vùng ven đang tham gia trực tiếp vào việc Đảm bảo cho cảnh quan, môi trường hệ sinh thái xanh – sạch – đẹp và Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa bản sắc của các dân tộc.
15:18, 11/01/2023
Các đô thị miền núi với đặc trưng núi non cận kề cùng các làng bản quần cư, ở đây đô thị và nông thôn vốn không có khoảng cách

PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN MỚI ĐÔ THỊ MIỀN NÚI PHÍA BẮC VÀ CÁC THÁCH THỨC ĐẶT RA?

Việc nhận dạng, phát triển các khu vực nông thôn ven đô thị miền núi là một vấn đề lớn cần đặt ra. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, nhiều câu hỏi đặt ra đối với Hà Giang là ngoài các vùng du lịch như các làng bản cổ, khu cao nguyên đá Đồng văn… thì TP Hà Giang sẽ có những gì để tạo nên bản sắc riêng cũng như tạo được sự nhận diện riêng cho đô thị Hà Giang?

Mục tiêu chung của Hà Giang là: Xây dựng triên khai chương trình Nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; Thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và NTM cấp thôn, bản; Nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới; Xây dựng hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tỉnh Hà Giang phấn đấu đến hết năm 2025, có thêm 2 huyện Bắc Quang, Quang Bình đạt chuẩn huyện NTM; Nâng tổng số đơn vị cấp huyện, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ NTM là 3 đơn vị. Phấn đấu có thêm 35 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã toàn tỉnh đạt chuẩn NTM lên 82/175 xã (đạt 46,8%). Thêm 6 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Bình quân cả tỉnh đạt 16 tiêu chí/xã/19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM. Phấn đấu có từ 60% số thôn thuộc các xã đặt biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi được công nhận đạt chuẩn NTM (tương đương 800 thôn), 100% thôn biên giới có điện, có đường giao thông đạt tiêu chí NTM.

Để thực hiện kế hoạch này, tỉnh Hà Giang đã đề ra hàng loạt giải pháp trọng tâm. Đó là, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM; Tổ chức tổng kết đánh giá kết quả xây dựng NTM của tỉnh trong giai đoạn vừa qua, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm, các mô hình hay, cách làm sáng tạo… phục vụ xây dựng NTM trong thời gian tới; Huy động tối đa nguồn lực của địa phương (tỉnh, huyện, xã) để tổ chức triển khai chương trình; Có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện…
Tính đến hết tháng 7/2022, Hà Giang có 1 đơn vị là TP Hà Giang đã hoàn thành chương trình xây dựng NTM; 47 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 69 thôn được công nhận thôn NTM. Đối với 128 xã còn lại, bình quân đạt 13,9 tiêu chí/xã/19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM.

Vấn đề về công tác quy hoạch NTM

Công tác Quy hoạch NTM miền núi cũng như Hà Giang đang phải khắc phục những khó khăn rất lớn như:

Thứ nhất, tăng cường, hợp tác tư vấn chuyên nghiệp làm quy hoạch nông thôn.

Thứ hai, hoàn thiện Quy hoạch kinh tế – xã hội 2010-2020. Khắc phục tình trạng các quy hoạch cũ thiếu dữ liệu tin cậy, tầm nhìn quy hoạch, chỉ rõ đâu là lợi ích tiềm năng cốt lõi, đâu là động lực cho phát triển. Đồng thời, lộ trình phát triển cần chỉ rõ 5 năm – 20 năm sau đâu sẽ là thị trấn, thị tứ, khu công nghiệp; Đâu sẽ là vùng sản xuất nông nghiệp – lâm nghiệp; Đâu là điểm sẽ phát triển du lịch; Đâu sẽ là nơi phát triển mới các trục giao thông, điện, thủy lợi… để các xã trên địa bàn có căn cứ tính toán lập quy hoạch chi tiết. Làm được điều đó sẽ khớp nối được giữa các quy hoạch xã với quy hoạch huyện, quy hoạch tỉnh; Tránh sự lộn xộn, thiếu tính kết nối ở nhiều lĩnh vực kinh tế – xã hội.

Thứ ba, các đồ án quy hoạch xã được huyện phê duyệt mới vạch ra được vị trí đặt hạ tầng cơ bản như: trục chính các tuyến giao thông, đường điện, hệ thống cấp nước sạch, trụ sở, trường học, trạm y tế. Còn các quy hoạch khác như quy hoạch sản xuất, quy hoạch sử dụng đất còn sơ sài, thiếu nhiều căn cứ và thực tế.

Thứ tư, quy hoạch chỉnh trang các làng, bản như: cải tạo nhà ở dân cư; tôn tạo hệ thống tiêu thoát nước, xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt; cải tạo vườn ao tạp để có sinh cảnh đẹp và có thu nhập; phát triển khu thể thao ở mỗi làng bản… vốn là những nội dung quan trọng của NTM (nhằm nâng cao chất lượng đời sống cư dân)… cần được chú trọng đưa vào trong các đề án quy hoạch.

Những nội dung trên nếu được giải quyết tốt sẽ giúp cho định hướng phát triển kinh tế – xã hội theo mục tiêu NTM của từng vùng, từng xã đến các bản làng sớm trở thành hiện thực, không ảnh hưởng tới không gian phát triển, kiến trúc cảnh quan và đầu tư, nhất là những điểm có nhu cầu phát triển mới, có tốc độ nhanh như thị trấn, thị tứ, khu du lịch.

Muốn có những vùng quê đẹp, ngoài định hướng quy hoạch phát triển đúng rất cần tác động trực tiếp của giới KTS

Vấn đề kiến trúc cảnh quan bản làng

Do kinh tế phát triển, nhu cầu xây dựng của người dân tăng lên khá nhanh. Xong nhìn khái quát thì việc nâng cấp – xây mới nhà ở dân cư khu vực nông thôn đang có xu hướng “kinh” hóa, bê tông hóa. Điều này đang đặt ra những câu hỏi lớn trong việc đi tìm những giải pháp hướng tới phát triển bền vững, có bản sắc.

Việc nghiên cứu kiến trúc các mẫu nhà ở tiện nghi hiện đại, phù hợp với lối sống văn minh nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc đặc trưng của văn hóa các dân tộc để định hướng cho người dân áp dụng đang là vấn đề lớn đặt ra. Vì thế cần có những giải pháp để sự phát triển nhà ở nông thôn khu vực miền núi không phát triển tự phát, lan tràn các kiến trúc không phù hợp.

Đồng thời tránh tình trạng càng xây dựng mới thì bộ mặt làng bản càng lộn xộn, pha tạp, mất đi cảnh đẹp tự nhiên và hùng vĩ của vùng cao.

Mặt đổi mới dễ thấy nhất là hạ tầng cơ bản cấp xã (giao thông, điện, nhà văn hóa cộng đồng). Tuy nhiên, xuất hiện một số vấn đề đối với nhà ở cư dân miền núi đang được đặt ra cần giải quyết, khắc phục như: Nhà ở của dân cư đại bộ phận vẫn truyền thống, dù làm mới vẫn nặng ẩm thấp, thiếu ánh sáng, ít tiện nghi. Vườn quanh nhà phổ biến vẫn là vườn tạp. Thường ít nước sạch nhưng từng hộ lại thừa nước thải, rác thải và phân rác chăn nuôi. Tỷ lệ hộ có môi trường sống ô nhiễm khá cao – đang là nguyên nhân không nhỏ gây ra các bệnh gan, thận, bệnh ngoài da…

Có thể nói ở khu vực nông thôn miền núi phía Bắc, trừ các thôn bản lân cận thị xã, thị trấn và làng du lịch thì sự tác động của giới KTS để tạo ra không gian sống tốt hơn, văn minh hơn cho đồng bào các dân tộc dường như chưa chạm tới.

Vấn đề về quản lý kiến trúc – xây dựng cảnh quan

Thực trạng chung ở nông thôn Việt Nam nói chung và nông thôn miền núi phía Bắc nói riêng là: Người có đất (theo luật là chỉ được nhà nước giao sử dụng đất) có thể xây nhà ở, công trình phụ tùy ý, kiểu dáng tự sáng tác.

Tuy nhiên, tình trạng người dân tự khoét núi ven các trục giao thông để xây nhà hoặc dựng nhà ven suối vi phạm chỉ giới an toàn vẫn diễn ra thường xuyên. Bình quân mỗi năm, khu vực miền núi phía Bắc có khoảng 200 hộ bị sạt núi đổ gãy nhà hoặc bị lũ cuốn trôi, đã gây đau thương cho nhiều gia đình và thêm gánh nặng cho xã hội. Do vậy, ở cấp xã, cán bộ chuyên môn và lãnh đạo xã cần coi đó là nhiệm vụ quản lý trực tiếp của mình và cần tăng cường nâng cao kiến thức để thực hiện kiểm soát công việc này.

Mặt quan trọng khác là Luật Xây dựng hiện hành chưa cụ thể hóa để phù hợp với việc quản lý kiến trúc – xây dựng cảnh quan ở nông thôn nên dù cán bộ xã, thôn bản có trách nhiệm thì cũng khó thực thi. Nói cách khác, chúng ta cũng đang thiếu công cụ quản lý cho lĩnh vực này.Vì thế khi kinh tế phát triển, người dân có nhu cầu xây dựng mạnh thì bộ mặt các bản làng sẽ dễ dẫn đến tình trạng xộc xệch, cảnh sắc thiên nhiên càng bị biến dạng theo hướng tiêu cực.

Có thể nói những điểm nghẽn trên đang là những thách thức lớn cho kiến trúc – xây dựng cảnh quan khu vực miền núi phía Bắc và để khắc phục sẽ phải tốn nhiều thời gian, nguồn lực.

VẬY NÔNG THÔN HÀ GIANG SẼ LÀM GÌ ĐỂ KHẮC PHỤC CÁC KHÓ KHĂN, TỒN TẠI?

Tiếp tục nâng cao chất lượng quy hoạch NTM

Trước hết cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quy hoạch NTM từ quy hoạch tỉnh, quy hoạch huyện đến quy hoạch các bản làng nhằm tạo định hướng tốt cho phát triển bền vững.

Xét về tổng thể thì kiến trúc – xây dựng cảnh quan chỉ hiệu quả khi một vùng, một làng bản có được định hướng phát triển đúng và có động lực phát triển mạnh mẽ.
Việc sửa chữa “lệch khớp” của các đồ án quy hoạch xã cần phải bắt đầu từ rà soát lại quy hoạch tỉnh. Đảm bảo quy hoạch tỉnh phù hợp, là cơ sở cho quy hoạch huyện; quy hoạch huyện là căn cứ cho quy hoạch chi tiết ở các xã. Đảm bảo tính kết nối của hệ thống hạ tầng và tính liên kết chuỗi của sản xuất – chế biến – lưu thông hàng hóa từ xã đến tỉnh.

Để có căn cứ cho quy hoạch, thì một nội dung không kém phần quan trọng là phải nghiên cứu, điều chỉnh lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn hạ tầng (giao thông, nhà văn hóa, khu thể thao, nhà ở…) phù hợp với đặc thù NTM của vùng cao và đảm bảo cho sự phát triển bền vững của vùng này.

Trước đây do nôn nóng đạt chuẩn NTM, nhiều tỉnh miền núi phía Bắc đã đề nghị hạ thấp quy chuẩn hạ tầng (được quy định trong bộ tiêu chí quốc gia NTM) và Chính phủ đã có quyết định 1980/2016/QĐ-TTg cho phép các tỉnh được quy định cụ thể quy chuẩn hạ tầng trên địa bàn. Sau 5 năm kiểm lại, nhiều tỉnh đã hạ thấp quá mức quy chuẩn hạ tầng, nhất là đường giao thông, khu thể thao thôn bản… mà không tính đến sự phát triển bền vững về sau. Do đó rất cần có nghiên cứu sâu, đầy đủ về quy chuẩn, tiêu chuẩn hạ tầng cơ bản khu vực miền núi phía Bắc làm căn cứ theo quy hoạch, kiến trúc, đảm bảo cho phát triển bền vừng lâu dài ở khu vực này.

Để quy hoạch “có sức sống” thì các mục tiêu phát triển phải được xác định chủ yếu dựa trên nền tàng tiềm năng – thế mạnh cốt lõi trên địa bàn.

Quy hoạch là định hướng Nhà nước cho phát triển, là yếu tố quyết định cho phát triển bền vững. Trong điều kiện miền núi phía Bắc như đã nói ở trên, cần thực hiện rà soát bổ sung quy hoạch từ tỉnh đến huyện để có cơ sở nâng cao chất lượng quy hoạch NTM cho cấp xã và thôn bản, như thế sẽ phải tốn kinh phí và công sức không nhỏ. Nhưng vì ý nghĩa lớn lao của nó – rất cần được đầu tư xứng đáng. Đó cũng là một cách tiết kiệm nguồn lực về dài hạn.

Cần coi trọng kiến trúc cảnh quan từ thôn bản

Lâu nay tác động của giới KTS thường chỉ tập trung ở các đô thị và dường như quên lãng nông thôn rộng lớn, nhất là khu vực vùng núi khó khăn. Xây dựng NTM rất cần sự tác động đó đến các vùng này ngay từ đầu.

Muốn có những vùng quê đẹp, ngoài định hướng quy hoạch phát triển đúng thì rất cần phải có tác động trực tiếp của giới KTS, kỹ sư xây dựng đến kiểu dáng, cấu trúc công sở, nhà văn hóa, nhà ở dân cư; Công viên, hồ nước, sinh cảnh các công trình công cộng và nhà ở của người dân.

Với kiến trúc, cảnh quan nông thôn khu vực miền núi phía Bắc, các nhà thiết kế luôn đứng trước câu hỏi: Làm thế nào để tạo ra không gian sống tốt hơn, tiện ích, văn minh hơn cho cư dân nhưng vẫn bảo tồn, phát huy được bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Do đó, các cơ quan hữu trách rất cần phải làm rõ: Đâu là bản sắc văn hóa dân tộc thể hiện trong kiến trúc cảnh quan (công trình công cộng) và nhà ở dân cư? Đo bằng những tiêu chí nào? Tiêu chí có khả thi với thực tiễn không? Chỉ khi rõ yêu cầu trên thì cán bộ cơ sở mới dễ quản lý và người dân mới biết để áp dụng.

Do đặc thù của miền núi là địa bàn rộng, bản làng xa trung tâm, do đó cần điều chỉnh quy hoạch và cách làm NTM theo hướng: Đầu tư phát triển hạ tầng trước cho cấp thôn bản (trước hết là điểm trường, đường giao thông, nhà văn hóa, khu thể thao, cấp nước sạch, tiêu thoát nước và xử lý rác thải); Vận động, hỗ trợ người dân cải tạo nơi ở, nơi vệ sinh; Triệt để chuyển chăn nuôi gia súc, gia cầm ra xa nhà ở; Cải tạo vườn ao… để có thu nhập và có sinh cảnh đẹp.

Dựa vào đó, các KTS cần nghiên cứu đưa ra các mẫu kiến trúc điển hình về nhà văn hóa, khu thể thao cộng đồng, mẫu nhà ở dân cư, các mẫu bài trí khuôn viên với sinh cảnh đẹp (phù hợp với dân tộc) để hướng dẫn cho người dân áp dụng. Mỗi tỉnh cần chọn 1-2 thôn bản, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xây dựng mô hình mẫu về cách thức chỉnh trang hạ tầng, cải tạo phát triển nhà ở, làm đẹp khuôn viên – tạo ra một làng bản NTM điển hình, văn minh, sạch đẹp mà vẫn giữ được nét đặc thù của các dân tộc miền núi để làm mô hình cho các thôn bản khác học tập (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản là những nước rất thành công trong phát triển nông thôn đều đã áp dụng phương án này).

Hoàn thiện công cụ quản lý kiến trúc, xây dựng cảnh quan cho nông thôn

Trước hết là cần cụ thể hóa sớm Luật Xây dựng bằng các định chế (Nghị định của Chính phủ hoặc Quyết định của Thủ tướng) quy định sát thực hơn các nội dung, nhiệm vụ, chế tài trong quản lý kiến trúc – xây dựng cảnh quan nông thôn, tạo công cụ cho cán bộ quản lý cấp cơ sở thực thi đồng thời người dân cũng có căn cứ để thực hiện.

Để nâng cao năng lực quản lý của lĩnh vực này từ cấp cơ sở thì cần quy định bắt buộc loại công chức cấp xã như: quản lý giao thông – xây dựng; quản lý tài nguyên – môi trường; Chủ tịch và Phó chủ tịch xã phải có chứng chỉ tối thiểu ở trình độ trung cấp về quản lý kiến trúc – xây dựng trên địa bàn. Trước mắt hàng năm các cơ quan chuyên ngành cần bồi dưỡng kiến thức cho số cán bộ đương chức còn thiếu chứng chỉ. Trong tương lại gần cần phải đưa thành tiêu chuẩn thi tuyển đầu vào với các chức danh trên.

Chỉ khi có đội ngũ cán bộ cơ sở có kiến thức, có trách nhiệm và có công cụ pháp lý tốt trong thực thi nhiệm vụ quản lý kiến trúc – xây dựng cảnh quan thì mới hy vọng có được nông thôn văn minh, thịnh vượng và phát triển bền vững.

TP Hà Giang đang trên đường hướng tới trở thành một đô thị xanh, du lịch sinh thái theo quy hoạch chung đến năm 2035. Để hiện thực hóa chủ trương phát triển không gian các khu vực phụ cận, trong đó có các thôn, bản tiếp giáp thuộc diện mở rộng thành phố, một phần nông thôn các xã Phong Quang, Đạo Đức, Kim Thạch, Phú Linh (Vị Xuyên) sẽ được đô thị hóa, phần còn lại là các thôn bản thuộc vùng ven đô cần được nghiên cứu kết nối với nội đô để trở thành những điểm sáng, phản ánh tốt hai vế bảo tồn và phát huy giá trị trong bước đường xây dựng NTM ở Hà Giang./.

Tăng Minh Lộc – Phó Chủ tịch Hội khoa học phát triển nông thôn Việt Nam (Nguyên cục trưởng, chánh văn phòng điều phối NTM TW)

Pháp lý xây dựng

Hà Nội trong tôi!...

(KTVN 252) Một hình hài Hà Nội hiện đại, văn hóa, văn minh, giàu bản sắc trong thế kỷ XXI đang dần hiển hiện với những khát vọng phát triển lớn lao và khi ấy sông Hồng - dòng sông vĩ đại sẽ chảy trong lòng thành phố với đô thị sông Hồng, trở thành trục trung tâm phát triển kiến trúc văn hóa, cảnh quan và di sản của Thành phố ngàn năm tuổi.

Có một Hà Nội như tôi đã thấy

(KTVN 252) ...cái không gian “lõi” mà tôi sống hàng ngày và quan sát… về một Hà Nội dường như còn khá nguyên vẹn nét xưa cũ mà có nhiều cái nay đã gọi là “di sản”... Những gì diễn ra từ ngót 40 năm Đổi mới cho đến hôm nay đã mang lại một diện mạo ngày càng mới mà quy mô và tính đa dạng của nó khiến khó dùng ký ức của một người mà mô tả được. Trong ký ức của thế hệ chúng tôi không thể quên các công trình xây dựng được đánh dấu như những cái mốc cho sự phát triển ngày càng tăng tốc ấy. Những chính sách đặc thù cũng như Luật Thủ đô được Quốc hội mới thông qua cho phép chúng ta hy vọng vào một Hà Nội “ngày càng to đẹp hơn, đàng hoàng hơn”…

Kiến trúc Pháp tại Hà Nội - Bảo tồn và phát triển

(KTVN 252) Trong suốt nửa thế kỷ quy hoạch, kiến thiết và xây dựng không gian đô thị Hà Nội, các nhà quy hoạch và KTS người Pháp phục vụ trong bộ máy chính quyền thực dân đã tạo dựng cho thành phố này một diện mạo kiến trúc rất riêng biệt, thậm chí là độc nhất vô nhị khi so sánh với thủ đô của các quốc gia Đông Á khác. 

Cải tạo chung cư cũ trong tái thiết đô thị Hà Nội

(KTVN 252) - Trong giai đoạn 1954-1986, mô hình xây dựng nhà ở dưới hình thức cư trú tập thể, hay còn được gọi là nhà tập thể, đã đóng góp, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước khi giải quyết được nhu cầu nhà ở cho đông đảo người dân Hà Nội. Đến nay, qua nhiều thập kỷ, hầu hết các nhà tập thể và khu nhà tập thể này, mà nay được gọi chung là chung cư cũ, đã hết niên hạn sử dụng, bộc lộ nhiều hạn chế trong việc quản lý, vận hành và khai thác sử dụng.

Giá trị cảnh quan đô thị Hà Nội - Kế thừa và phát huy

(KTVN 252) Cảnh quan đô thị Hà Nội biểu lộ một sắc thái riêng biệt của bản sắc đô thị Hà Nội, hiển thị ở độ rộng thoáng, bao quát của không gian và độ phân bố đều trong cấu trúc đô thị. Đó là những giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật cảnh quan nổi trội trong bảng màu bản sắc đô thị Hà Nội. Cảnh quan đô thị thì hiện hữu ở mọi nơi. Trong tương lai Hà Nội sẽ là một đô thị hiện đại, nhưng một đô thị càng hiện đại là đô thị càng giữ chặt trong mình cội nguồn lịch sử, càng hiện minh rõ bản sắc đô thị qua Cảnh quan đô thị.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi