Xanh hóa không gian sống và làm việc hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống

Xanh hóa không gian sống và làm việc hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống

(Vietnamarchi) - Đây là chủ đề của Hội thảo chuyên đề 1 trong khuôn khổ Sự kiện Tuần lễ Công trình xanh 2023 do Bộ Xây dựng chủ trì, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường và IEC Consulting phối hợp thực hiện. Sự kiện diễn ra từ ngày 27-28/9/2023, tại TPHCM.
19:35, 28/09/2023

Hội thảo do Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng) chủ trì với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế uy tín.

Phát triển công trình xanh là xu hướng tất yếu của các đô thị.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TSKT Mai Thị Liên Hương – Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng) cho biết, biến đổi khí hậu, thiên tai đang là một trong những vấn đề hết sức quan trọng mà nhân loại phải đối mặt. Con người đang phải đối diện với những vấn đề ô nhiễm môi trường, hạn hán, cháy rừng vấn đề gia tăng nhiệt độ trung bình của trái đất kèm theo nước biển dâng. Những tác nhân khó lường đó đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế xã hội cũng như an sinh an toàn của tất cả các quốc gia trên thế giới.

PGS.TSKT Mai Thị Liên Hương – Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng) phát biểu khai mạc hội thảo

Nhận thức rõ vẫn đề này, thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách hướng đến việc sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính trong các hoạt động kinh tế xã hội, trong đó rất chú trọng đến các hoạt động thuộc lĩnh vực ngành Xây dựng.

Cụ thể, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW đã xác định một trong các mục tiêu quan trọng đó là phát triển đô thị một cách bền vững song song với bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái.

Đặc biệt, ngày 26/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 896/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 nhằm chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.

Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tất cả các chương trình trên đã góp phần cụ thể hóa và thực hiện cam kết của Chính phủ tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Ngành Xây dựng là ngành sử dụng trung bình khoảng 40% nguồn năng lượng quốc gia và tương ứng cũng tạo ra lượng khí thải carbon khoảng 37% trong tổng các nguồn phát sinh khí thải. Như vậy, việc giảm thiểu phát thải trong lĩnh vực xây dựng sẽ góp phần to lớn cho mục tiêu Việt Nam sẽ là quốc gia đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như Thủ tướng chính phủ đã cam kết tại hội nghị COP 26, và gần đây nhất mục tiêu này tiếp tục được Thủ tướng chính phủ khẳng định tại Hội nghị thượng đỉnh Tham vọng khí hậu của Liên Hợp Quốc tổ chức vào tháng 9 vừa qua.

Hội thảo thu hút các chuyên gia trong nước và quốc tế uy tín tham dự

Một trong những hành động góp phần xanh hóa ngành Xây dựng chính là các chương trình thúc đẩy phát triển Công trình xanh, công trình xử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng. Hưởng ứng chương trình Tuần lễ Công trình xanh Thế giới, Bộ Xây dựng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Tuần lễ công trình xanh Việt Nam năm nay với chủ đề Phát triển công trình xanh Việt Nam gắn với Chuyển đổi xanh ngành xây dựng.

Nhìn lại quá trình phát triển công trình xanh tại Việt Nam hơn 10 năm qua, những công trình xanh đầu tiên được công nhận ở Việt Nam vào  năm 2014 đến nay đã có hơn 300 công trình, tương đương khoảng 7,2 triệu m2 sàn xây dựng, đến thời điểm này Việt Nam đứng thứ 28 trên thế giới về số lượng công trình được chứng nhận LEED.

Mặc dù vậy, số lượng công trình được cấp chứng nhận công trình xanh còn rất khiêm tốn so với số lượng các công trình xây dựng được triển khai và đưa vào bàn giao sử dụng hàng năm. Đến nay, Việt Nam cũng chưa có công trình nào đưa vào sử dụng có thể đạt mức phát thải ròng bằng 0. Con số này cũng rất khiêm tốn so với số lượng công trình xanh trên thế giới cũng như so với một số nước cùng điều kiện kinh tế xã hội trong khối ASEAN.

“Hiệu quả của việc phát triển các công trình xanh trong việc xanh hóa lĩnh vực xây dựng là rất rõ ràng. Phát triển đô thị xanh cùng với việc phát triển công trình xanh cũng sẽ là xu hướng tất yếu của các đô thị Việt Nam. Qua những công trình xanh đã được đưa vào sử dụng chúng ta thấy được những ích lợi về mặt bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng, giảm chi phí trong quá trình vận hành, nâng cao hiệu suất sử dụng công trình là những lợi ích đã được khẳng định rất rõ ràng”. PGS.TSKT Mai Thị Liên Hương nhận định.

Thúc đẩy phát triển công trình xanh Việt Nam trước thách thức mới

Hội thảo đã được các diễn giả, các nhà đầu tư, doanh nghiệp tập trung luận bàn chuyên sâu xung quanh các vấn đề liên quan đến việc xây dựng phát triển các tòa nhà xanh, phân xưởng xanh, điều kiện của vi khí hậu, chiếu sáng bên trong công trình.

Tại hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước cũng thảo luận trao đổi các kinh nghiệm liên quan đến việc xanh hóa tòa nhà, những thuận lợi cũng như những khó khăn trong quá trình phát triển công trình xanh tại Việt Nam trong những năm qua. Các trao đổi cũng nhằm đưa ra các giải pháp cụ thể thúc đẩy sự phát triển của công trình xanh Việt Nam trước những yêu cầu mới. Như việc từng bước thay đổi các quy trình sản xuất, công nghệ sử dụng để làm các nhà máy, cơ sở sản xuất hướng đến một nền công nghiệp xanh, bền vững; việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật cho với môi trường không khí bên trong công trình cũng như các giải pháp để hướng đến công trình đạt tiêu chí Net zero.

Toàn cảnh hội thảo

Với loạt bài tham luận như: Các tòa nhà công nghiệp bền vững – Kinh nghiệm thực tiễn từ Châu Âu và Đông Nam Á (Ông Robert Himmler, Chuyên gia GIZ); Giải pháp xanh cho văn phòng TTT Architects (KTS Trần Khánh Trung, Thành viên Ban cố vấn Hội đồng CTXVN, Chủ nhiệm CLB Kiến trúc Xanh TPHCM); Chiếu sáng xanh - Giải pháp chiếu sáng thông minh hướng tới phát triển bền vững (Ông Ngô Tấn Cang, Giám đốc phòng thiết kế và giải pháp chiếu sáng, Signify Việt Nam); Hệ thống HAVC hiệu suất cao – Giải pháp tối ưu nhằm tiết kiệm năng lượng và cải thiện chất lượng không khí trong môi trường sống và làm việc (Ông Nguyễn Lý Tưởng - Trưởng phòng cấp cao, Panasonic Air-Conditioning Việt Nam); Nâng cao chất lượng không khí trong nhà, Hiện trạng và Giải pháp khả thi (PGS.TS. Nguyễn Việt Dũng, Trường Đại học Bách Khoa, Hà Nội); Hướng đến Net Zero trong công trình xây dựng: Từ tối ưu thiết kế đến nâng cao hiệu quả vận hành (Ths. KTS. Vũ Linh Quang, Giám đốc Điều hành ARDOR Green).

Các chuyên gia thảo luận trao đổi các kinh nghiệm liên quan đến việc xanh hóa tòa nhà, phân xưởng xanh…

Phát biểu kết luận hội thảo, PGS.TSKT Mai Thị Liên Hương – Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng) cho biết, Tuần lễ công trình xanh năm 2023 do Bộ Xây dựng chủ trì tổ chức là sự kiện quan trọng hưởng ứng các hoạt động của Tuần lễ công trình xanh thế giới cũng như việc cụ thể hóa kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam hướng đến phát thải ròng bằng không vào năm 2050 tại hội nghị COP26.

PGS.TSKT Mai Thị Liên Hương – Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng) phát biểu kết luận hội thảo

Với số lượng các công trình xanh hiện tại có thể đánh giá quá trình phát triển công trình xanh tại Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng và còn nhiều thách thức tuy nhiên chúng ta cũng đã có những thành quả nhất định.

Những kế hoạch mục tiêu quốc gia đã được các Bộ, ngành, địa phương cụ thể hóa thành chương trình hành động. Các quy định về mặt pháp lý, cơ chế chính sách để thúc đẩy sự phát triển công trình xanh một cách hiệu quả hơn cũng đang được các cơ quan có liên quan xây dựng. Bên cạnh đó chúng ta cũng có những tín hiệu lạc quan đến từ sự chủ động của nhiều tổ chức cá nhân khi đã đề ra các chiến lược hoạt động, thay đổi quy trình sản xuất kinh doanh để đưa ra thị trường nhiều sản phầm bất động sản xanh, vật liệu xanh có chất lượng đảm bảo chất lượng và các tiêu chí xanh của quốc tế.

Dưới đây là một số hình ảnh liên quan tới sự kiện Tuần lễ Công trình xanh 2023:

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn và lãnh đạo TPHCM cùng các đại biểu tham quan triển lãm bên lề sự kiện

 

Pháp lý xây dựng

Diễn giả quốc tế: VinFuture thúc đẩy tiến bộ khoa học công nghệ toàn cầu

Biến đổi khí hậu, ô nhiễm và cạn kiệt tài nguyên đang đe dọa sự phát triển bền vững của nhân loại. Do vậy, việc nghiên cứu và ứng dụng vật liệu bền vững trở thành một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu. Với chủ đề “Vật liệu cho Tương lai Bền vững”, tọa đàm của Quỹ VinFuture sẽ quy tụ các nhà khoa học hàng đầu thế giới, nhằm mang tới những góc nhìn sâu sắc và trao đổi khoa học chất lượng cao về tương lai của vật liệu bền vững.

Hà Nội thông qua Nghị quyết quản lý công trình kiến trúc có giá trị

Ngày 19/11, tại Kỳ họp thứ 19, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định việc nhượng quyền khai thác, quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của thành phố, theo điểm a, b khoản 4 Điều 41 Luật Thủ đô.

Tọa đàm ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong kiến trúc và quy hoạch

Ngày 28/11/2024, Hội KTS Hà Nội tổ chức Tọa đàm Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong kiến trúc và quy hoạch tại Hội trường Viện Quy hoạch Xây Dựng Hà Nội, Tầng 15, Tòa nhà liên cơ thành phố Hà Nội, Đường Võ Chí Công, Quận Tây Hồ, TP Hà Nội. Mỗi KTS tham gia đầy đủ sẽ được cấp chứng chỉ xác nhận tích lũy 1,8 điểm CPD.

Viện Kiến trúc Quốc gia trao bằng tiến sĩ cho 5 nghiên cứu sinh

Sáng 19/11, Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng) tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam và trao bằng cho 5 tân tiến sĩ được đào tạo tại Viện. Tham dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị chức năng của Bộ Xây dựng; đông đảo cán bộ, nhân viên Viện Kiến trúc Quốc gia, cùng các thầy, cô giáo, chuyên gia chuyên ngành quy hoạch - kiến trúc và các nghiên cứu sinh của Viện Kiến trúc Quốc gia.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong kiến trúc – quy hoạch

Công nghệ số và trí tuệ nhân tạo đã phổ biến trong cuộc sống toàn cầu và ảnh hưởng mọi mặt tới cuộc sống chúng ta. Trong Kiến trúc – Quy hoạch – Quản lý đô thị đã có thay đổi cơ bản. Tuy vậy, các hoạt động tư vất thiết kế hay quản lý đô thị tại Việt Nam hầu như chưa tiếp cận …Thực trạng này đã làm chậm bước phát triển của đất nước ta so với thế giới.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi