Trấn Yên - Cực tăng trưởng mới phía Nam tỉnh Yên Bái
Giữ vai trò là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch, khoa học và công nghệ, thương mại dịch vụ, đầu mối giao thông quan trọng, hệ thống đô thị của huyện Trấn Yên cùng với đô thị Yên Bái là hạt nhân, tiên phong, dẫn dắt, tạo động lực đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phát triển kinh tế xã hội trên toàn tỉnh.
CỰC TĂNG TRƯỞNG MỚI PHÍA NAM TỈNH YÊN BÁI
Huyện Trấn Yên nằm ở phía Nam tỉnh Yên Bái, hiện có 21 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 01 thị trấn Cổ Phúc và 20 xã. Với tổng diện tích tự nhiên là 62.914,3ha, huyện Trấn Yên sở hữu vị trí quan trọng trong liên kết vùng. Thuận lợi về giao thông đường bộ và đường thủy đóng góp tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng đô thị, từ Trấn Yên có thể đi tới các huyện Văn Yên, Lục Yên, Văn Chấn, Nghĩa Lộ, thành phố Yên Bái và các tỉnh Phú Thọ, thành phố Hà Nội.
Trong những năm qua, huyện Trấn Yên có những bước tăng trưởng đáng kể, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất, cảnh quan đô thị được cải thiện, đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân đô thị.
Tính đến hết tháng 11/2023, phát triển kinh tế - xã hội toàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ tiếp tục có bước phát triển, nhiều chỉ tiêu có mức tăng cao so với cùng kỳ và vượt mục tiêu đề ra.
Cụ thể, đối với lĩnh vực công thương, lũy kế 11 tháng giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) đạt 1.441 tỷ đồng, bằng 113,5% kế hoạch, tăng 25,3% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá hiện hành) đạt 2.255 tỷ đồng; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn đạt 1.550 tỷ đồng, bằng 101,3% kế hoạch và tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế 11 tháng giá trị xuất khẩu (bao gồm xuất khẩu ủy thác) đạt 76,18 triệu USD, đạt 117,8% kế hoạch, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Xác định công tác quy hoạch luôn đi trước một bước, nhằm hiện thực hóa các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, huyện đang hoàn thiện Đề án đề nghị công nhận thị trấn Cổ Phúc là đô thị loại IV, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các xã Báo Đáp, xã Hưng Khánh đã đạt tiêu chí đô thị loại V.
Đối với Quy hoạch chung đô thị mới Báo Đáp, Hưng Khánh, Vân Hội, huyện Trấn Yên đến năm 2035 và Chương trình phát triển đô thị xã Báo Đáp, xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Huyện đã hoàn thành hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đồng thời, UBND Huyện đã phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu vực hai đầu cầu Cổ Phúc (địa phận thị trấn Cổ Phúc); Quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm xã Tân Đồng, Đào Thịnh, Cường Thịnh, Lương Thịnh, Hòa Cuông, Việt Hồng, Hồng Ca: Phê duyệt Quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn các xã: Hòa Cuông, Cường Thịnh, Tân Đồng, Đào Thịnh, Lương Thịnh, Việt Hồng, Hồng Ca, Việt Cường, Nga Quán, Bảo Hưng, Minh Quân, Kiên Thành, Y Can.
HẠ TẦNG ĐÔ THỊ ĐƯỢC ĐẦU TƯ ĐỒNG BỘ
Nhằm đảm bảo khai thác tối ưu các tiềm năng và lợi thế, tạo động lực thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư, góp phần đưa Cổ Phúc trở thành trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Trấn Yên và là đầu mối giao thương, dịch vụ của khu vực Tây Bắc tỉnh Yên Bái, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thị trấn Cổ Phúc và vùng phụ cận, huyện Trấn Yên đến năm 2030 đã được lập, phê duyệt năm 2018 và đạt được các kết quả quan trọng. Cụ thể, Huyện đã triển khai thực hiện đầu tư đồng bộ hạ tầng các dự án phát triển quỹ đất dân cư, đáp ứng nhu cầu đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở của nhân dân trên địa bàn thị trấn, gồm: Dự án đầu tư phát triển quỹ đất dân cư tại tổ dân phố số 4, tổ dân phố số 10; dự án đầu tư phát triển quỹ đất dân cư tại tổ dân phố số 2; Dự án đầu tư phát triển quỹ đất dân cư tại tổ dân phố số 1 và tổ dân phố số 3.
Các dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị được quan tâm nâng cấp như Trung tâm Hội nghị Huyện; Trụ sở làm việc Huyện ủy, HĐND, UBND Huyện và các cơ quan, ban ngành đoàn thể của Huyện; Hội trường nhà văn hóa thị trấn đáp ứng yêu cầu phục vụ cho các hoạt động chỉ đạo, điều hành về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh, quốc phòng trên địa bàn.
Ngoài ra, các cơ sở thương mại dịch vụ được cải tạo, thu hút các nguồn lực đầu tư như Chợ trung tâm huyện, hệ thống hạ tầng thương mại, cửa hàng tiện lợi như Siêu thị Điện máy xanh, Thế giới sữa, Winmart, Viettel, Hòa Bình… đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong và ngoài huyện.
Để nâng cao chất lượng đời sống và rèn luyện sức khỏe cho nhân dân, huyện đã đầu tư xây dựng Nhà thi đấu đa năng, Khu luyện tập thể dục thể thao ngoài trời, thu hút các nguồn lực đầu tư khác tại các khu Bể bơi Nam Thu, Bể bơi của Công ty TNHH thương mại và Dịch vụ Trấn Yên.
Các cơ sở giáo dục đào tạo, y tế trên địa bàn được mở rộng, xây mới, khang trang, sạch đẹp, trong đó hệ thống Trường học các cấp, Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, duy trì và nâng cao chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia; xây dựng trường trọng điểm về chất lượng giáo dục của huyện.
Đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đường trục chính đô thị được cải tạo, nâng cấp nhiều tuyến đường, kết cấu mặt bê tông nhựa, hệ thống thoát nước và lát vỉa hè hoàn chỉnh; Xây dựng cầu Cổ Phúc vượt Sông Hồng, nối tỉnh lộ Yên Bái ÷ Khe Sang (ĐT.163) với tỉnh lộ Âu Lâu ÷ Đông An (ĐT.166), với chiều dài 399,7m; kết nối các xã phía hữu ngạn sông Hồng của huyện với khu vực trung tâm.
Hệ thống cấp nước, cấp điện, môi trường, cây xanh từng bước được đầu tư đồng bộ đảm bảo vệ sinh môi trường cảnh quan xanh - sạch - đẹp, tuân thủ tốt các định hướng theo quy hoạch.
XÂY DỰNG THỊ TRẤN CỔ PHÚC XỨNG TẦM ĐÔ THỊ LOẠI IV
Nhằm hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh Yên Bái cũng như Quyết định số 116/QĐ-UBND ngày 25/01/2021 của UBND tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Yên Bái đến năm 2030 đã xác định mục tiêu xây dựng thị trấn Cổ Phúc là đô thị loại IV giai đoạn 2021-2025.
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Yên Bái; Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân huyện Trấn Yên đã nỗ lực trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị và đạt được những kết quả đáng khích lệ trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, luôn đạt mức tăng trưởng bình quân tăng cao, giai đoạn 2020-2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 10,69%, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người thị trấn năm 2022 đạt 1,06 lần so bình quân cả nước.
Sự phát triển, tăng trưởng không những trong thị trấn mà các khu vực phụ cận tại các xã cũng tăng nhanh. Qua đối chiếu Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 30/9/2022 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội về phân loại đô thị, thị trấn Cổ Phúc đã đạt các tiêu chí đô thị loại IV.
Chứng kiến sự thay đổi của mảnh đất này nhiều năm qua, ông Nguyễn Đức Khâm - người dân thị trấn chia sẻ, đến với Cổ Phúc hôm nay mọi người đều cảm nhận về một đô thị văn minh, hiện đại. Các công trình mới được xây dựng như cầu Cổ Phúc được kết nối đôi bờ, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, phố đi bộ Đầm Vối là điểm thu hút khách du lịch đến tham quan. Thị trấn đã được quan tâm đầu tư nâng cấp hành lang, vỉa hè, hệ thống đường nội thị được mở rộng, chiếu sáng đến từng ngõ hẻm, cây xanh bao phủ khiến cho bộ mặt, cảnh quan đô thị sáng, xanh, sạch, đẹp. Hiện nay diện mạo, hình ảnh và vị thế của thị trấn đã có những chuyển biến tích cực, có những đột phá về hạ tầng giao thông, văn hóa, xã hội, hạ tầng dịch vụ, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn luôn ổn định và giữ vững, công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục đào tạo được nâng cao.
Để tiếp tục phát huy những lợi thế của đô thị, tạo động lực bứt phá, đại diện lãnh đạo UBND huyện Trấn Yên cho biết, thời gian tới địa phương tiếp tục xây dựng và phát triển Thị trấn Cổ Phúc cũng như huyện Trấn Yên trở thành đô thị văn minh, hiện đại, đảm bảo sử dụng hiệu quả quỹ đất xây dựng, đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội, kiểm soát chất lượng môi trường, hài hòa giữa bảo tồn, cải tạo xây dựng mới. Kiểm soát các khu vực phát triển đô thị theo quy hoạch, từng bước hoàn thiện các tiêu chuẩn, tiêu chí nhằm nâng cao chất lượng đô thị.
Đồng thời phát huy các thế mạnh của đô thị, đảm bảo phát triển đô thị phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội gắn với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh, quốc phòng. nâng cao chất lượng sống của nhân dân, thông qua tập trung nguồn lực hợp lý để xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, kiến trúc cảnh quan môi trường đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại và bền vững. Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên chia sẻ thêm.
Từ những điều kiện vị trí địa lý, tiểm năng, thế mạnh của địa phương, việc công nhận Thị trấn Cổ Phúc trở thành đô thị loại IV là hoàn toàn phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, nhà nước, vừa đáp ứng với nguyện vọng của nhân dân, đồng thời đánh giá đúng vai trò, thực trạng phát triển đô thị của thị trấn trong hệ thống đô thị tỉnh Yên Bái, trong hệ thống đô thị Trung du miền núi phía Bắc, toàn quốc và cũng là điều kiện quan trọng để tạo lập vị thế, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội./.
Ý kiến của bạn