Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản trong quy hoạch và phát triển không gian ngầm

Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản trong quy hoạch và phát triển không gian ngầm

Ngày 14/1, tại cơ quan Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cùng đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ đã có buổi làm việc với ông Asami Hideki, Cố vấn cấp cao của Plantec Architects Co, Ltd (Nhật Bản) trao đổi về kinh nghiệm quy hoạch và phát triển không gian ngầm.
19:15, 14/01/2025
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn trao và ông Asami Hideki - Cố vấn cấp cao của Plantec Architects Co, Ltd (Nhật Bản) tại buổi làm việc.

Theo đó, tại buổi làm việc, ông Asami Hideki cho biết, với lịch sử phát triển hạ tầng ngầm lâu dài, đến nay Nhật Bản đã tích lũy được nhiều bài học quý giá trong quy hoạch và quản lý các dự án không gian ngầm, đặc biệt là các hệ thống giao thông đô thị như đường sắt và tàu điện ngầm.

Tuy nhiên, hiện nay, Nhật Bản cũng đang phải đối mặt với một số vấn đề cần giải quyết, do tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là hiện tượng sụt lún đất do mực nước ngầm hạ thấp gây ảnh hưởng đến các công trình ngầm. Bên cạnh đó là sự thiếu đồng bộ trong việc kết nối các tuyến đường sắt trong hệ thống tàu điện ngầm Nhật Bản. Điều này gây khó khăn trong việc xử lý sự cố khi xảy ra, vì mỗi tuyến lại có đặc thù riêng biệt. Nếu không có quy chuẩn chung ngay từ đầu, việc xử lý sự cố sẽ rất mất thời gian và công sức.

Theo ông Asami Hideki chia sẻ, đây chính là yếu tố Việt Nam cần quan tâm, lưu ý khi xây dựng các công trình dưới lòng đất, đặc biệt là các tuyến đường sắt và tàu điện ngầm. Do đó, ông Asami Hideki khuyến nghị Việt Nam cần sớm đưa các vấn đề này vào quy hoạch, xây dựng hành lang pháp lý và thiết lập các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật để đảm bảo an toàn và hiệu quả lâu dài cho các dự án không gian ngầm...

Trong buổi làm việc, thành viên đoàn công tác của Công ty Plantec Architects Co, Ltd, PGS.TS Nguyễn Công Giang - Nguyên Trưởng bộ môn Công trình ngầm, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm của các nước phát triển về phân lớp sử dụng không gian ngầm, ứng dụng công nghệ GIS kết hợp với hệ thống BIM để tạo ra bản đồ 3D chi tiết của mặt đất và không gian ngầm, nhằm hỗ trợ quy hoạch đô thị hiệu quả hơn.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đánh giá cao những đóng góp của ông Asami Hideki trong quá trình hợp tác với Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực quy hoạch tổng thể, quy hoạch phân khu và hạ tầng giao thông.

Thứ trưởng nhận định rằng không gian ngầm hiện đang là một chủ đề được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm. Với sự phát triển nhanh chóng của các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, việc quản lý không gian ngầm đang trở thành một thách thức lớn. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cho biết, trước đây, không gian ngầm ở Việt Nam chưa được chú trọng đúng mức, nhưng hiện nay nhận thức về tầm quan trọng của nó đã thay đổi. Các công trình giao thông ngầm, đặc biệt là tàu điện ngầm, hiện đã và đang trở thành một phần quan trọng trong quy hoạch đô thị của các thành phố lớn. Tuy nhiên, việc đầu tư vào lĩnh vực này vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, nhất là chi phí đầu tư và yêu cầu phối hợp giữa các cơ quan chức năng và nhà đầu tư. Đặc biệt là việc quản lý và vận hành các công trình ngầm đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, cũng như sự hoàn thiện hành lang pháp lý và các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh, với tốc độ phát triển hiện nay, các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cần phải phát triển không gian ngầm một cách bài bản, đồng bộ và bền vững. Điều này bao gồm việc lập quy hoạch chi tiết và xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội của Việt Nam. Do đó, việc quy hoạch không gian ngầm không chỉ giúp giải quyết vấn đề hạ tầng mà còn góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng sống đô thị và ứng phó với thách thức biến đổi khí hậu.

Kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cảm ơn những chia sẻ quý báu từ ông Asami Hideki và hy vọng trong tương lai, sẽ có thêm nhiều hội thảo chuyên sâu với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu từ Nhật Bản và Việt Nam, tạo điều kiện để hai bên cùng chia sẻ kinh nghiệm và đóng góp ý kiến./.

Pháp lý xây dựng

Kế hoạch Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Theo đó, kế hoạch Hà Nội đề ra 20 chỉ tiêu, 70 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, đột phá; 227 nội dung công việc cần triển khai và 201 dự án, nhiệm vụ ưu tiên thực hiện trên địa bàn thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hà Nội: Quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nghĩa Tân với tỷ lệ 1/500

Sáng 10/4, UBND quận Cầu Giấy đã tổ chức Hội nghị công bố công khai và bàn giao hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nghĩa Tân với tỷ lệ 1/500.

Bước tiến trong chỉnh trang, cải tạo biệt thự cũ

Từ đầu thế kỷ XX, những căn biệt thự kiểu Pháp đã trở thành một phần không thể thiếu trong bức tranh kiến trúc Hà Nội. Trải qua nhiều thăng trầm, nhiều căn biệt thự bị xuống cấp, đứng trước nguy cơ sập đổ...

Hà Nội chính thức đặt mốc khởi công đường vành đai 4 vào ngày 19/5

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành công văn về việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp lần thứ 16 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. Theo đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đảm bảo khởi công đường vành đai 4 vào dịp 19/5.

Phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Xuân Sang đã ký quyết định phê duyệt chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi