Thị trấn ngọc trai lâu đời nhất được tìm thấy ở đảo Sinniyah (UAE)
Theo CNN, địa điểm được tìm thấy vào ngày 20/1 trên đảo Siniyah từng là nơi sinh sống của hàng nghìn người và hàng trăm ngôi nhà, có niên đại từ thời tiền Hồi giáo vào cuối thế kỷ VI. Đây là lần đầu tiên các nhà khảo cổ tìm thấy một thị trấn ngọc trai từ thời cổ đại tại các quốc gia ở Vịnh Ba Tư.
“Đây là đại diện lâu đời nhất về các thị trấn khai thác ngọc trai Khaleeji (vịnh) đặc biệt”, ông Timothy Power, phó giáo sư khảo cổ học tại Đại học Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, cho biết. “Đó là tổ tiên của những thị trấn như Dubai”.
Cuộc khai quật có sự tham gia của Sở Du lịch và Khảo cổ học Umm al-Quwain, Đại học UAE, Phái bộ Khảo cổ học Italy và Viện Nghiên cứu Thế giới Cổ đại tại Đại học New York. Umm al-Quwain có kế hoạch xây dựng địa điểm này thành một khu du lịch.
Thị trấn lâu đời nhất
Thị trấn ngọc trai nằm trên đảo Siniyah, nơi che chắn vùng đầm lầy Khor al-Beida ở al-Quwain, cách Dubai khoảng 50 km về phía đông bắc dọc theo bờ biển Vịnh Ba Tư.
Thị trấn trải dài khoảng 12 ha, được phát hiện ngay phía nam một tu viện Cơ đốc giáo có niên đại 1.400 năm. Tại đây, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều loại nhà dựng bằng đá bãi biển và vôi vữa, bao gồm cả những khu nhà chật chội đến những ngôi nhà rộng rãi có sân trong, thể hiện sự phân tầng xã hội.
Khu vực cũng có dấu hiệu sinh sống quanh năm, khác với những điểm khai thác theo mùa.
“Những ngôi nhà chen chúc, sát nhau”, ông Power mô tả. “Điều quan trọng là con người từng sống ở đó quanh năm”.
Trong những ngôi nhà, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra những viên ngọc trai và dụng cụ mà người thợ lặn thường dùng để chìm nhanh xuống đáy biển khi duy trì hơi thở.
Thị trấn được xây dựng trước sự trỗi dậy của Hồi giáo trên bán đảo Arab. Do đó, các nhà khoa học cho rằng cư dân trong khu vực có thể theo đạo Thiên chúa. Nhà tiên tri Muhammad - người sáng lập đạo Hồi - sinh khoảng năm 570 và mất năm 632 sau khi chinh phục Mecca ở Saudi Arabia ngày nay.
Theo Sở Du lịch Umm al-Quwain, hoạt động lấy ngọc trai là một phần di sản của khu vực trong hơn 7.000 năm.
Ông Power cho biết vào thời kỳ cao điểm, rất nhiều người đã tham gia ngành khai thác ngọc trai. Ở nước láng giềng Abu Dhabi, gần 2/3 số nam giới tham gia hoạt động đánh bắt ngọc trai vào thế kỷ XIX.
Vấn đề môi trường
Theo AP, phát hiện mới này cũng mang lại bài học cho Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất.
Ngành khai thác ngọc trai tự nhiên - vốn sụp đổ nhanh chóng sau Thế chiến I với sự ra đời của ngọc trai nhân tạo và cuộc Đại suy thoái - có tầm quan trọng đặc biệt trong lịch sử của UAE, nhất là khi nước này phải cân nhắc kỹ lưỡng về một ngành công nghiệp khai thác khác.
Nguồn lợi từ dầu thô đã giúp UAE xây dựng đất nước sau khi thành lập vào năm 1971. Song các quốc quốc gia này sẽ phải đối mặt với vấn đề về nhiên liệu hóa thạch, và có khả năng phải lên kế hoạch cho một tương lai không carbon khi tổ chức các cuộc đàm phán khí hậu tại COP28 vào cuối năm nay.
Trong quá trình tìm kiếm thị trấn ngọc trai, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một bãi rác chứa đầy mảnh vụn vỏ sò. Những người đi bộ trên đảo cũng có thể cảm thấy chúng lạo xạo dưới chân.
“(Chúng ta) chỉ có thể tìm thấy một viên ngọc trai trong mỗi 10.000 vỏ sò. Cần phải tìm và loại bỏ hàng nghìn vỏ sò để tìm được một viên”, ông Power nói. “Sự lãng phí và chất thải từ ngành công nghiệp ngọc trai là rất lớn. (Các quốc gia này) đang đối mặt với hàng triệu, hàng triệu vỏ sò bỏ đi”.
Hải Linh
(Zing.vn)
Theo zing.vn
https://ashui.com/mag/tintuc-sukien/thegioi/19117-thi-tran-ngoc-trai-lau-doi-nhat-duoc-tim-thay-o-dao-sinniyah-uae.html
Ý kiến của bạn