Tác động tích cực nào cho sự phát triển nền kiến trúc Việt Nam đương đại?

(Vietnamarchi) - Cũng như mọi nguồn tài nguyên quốc gia, nghệ thuật kiến trúc Việt Nam luôn được quan tâm thúc đẩy phát triển sao cho tích cực và đúng hướng. Vừa qua, Luật Kiến trúc đã chính thức đi vào cuộc sống (1/7/2020). Tất cả nhằm cải thiện ngày càng tốt hơn môi trường làm nghề để kiến trúc có sự phát triển đúng hướng, lành mạnh, tiếp tục tạo dựng những giá trị mới cho nền kiến trúc Việt Nam đương đại. Việc ghi nhận và tôn vinh những nghiên cứu phát hiện giá trị các công trình kiến trúc nhiều thể loại đã được xây dựng có giá trị trong những mốc thời gian nhất định một cách nghiêm túc là cần thiết và sẽ góp phần vào việc đánh giá, nhận dạng và thúc đẩy những giá trị kiến trúc nền tảng cần được tiếp nhận và phát huy theo những lớp thời gian. Đó cũng là mong muốn của Tạp chí Kiến trúc Việt Nam thông qua đề xuất của KTS Nguyễn Văn Tất. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
09:16, 02/11/2023
Nhà mái đỏ ở Quảng Ngãi được chọn là  Dự án kiến trúc của năm (Dezeen Awards 2020)
Nhà mái đỏ ở Quảng Ngãi được chọn là Dự án kiến trúc của năm (Dezeen Awards 2020)

Một góc nhìn tổng quát

Cũng như mọi nguồn tài nguyên cơ bản quốc gia, nghệ thuật kiến trúc Việt Nam luôn được quan tâm thúc đẩy phát triển sao cho tích cực và đúng hướng. Mối quan tâm và nỗ lực không chỉ trong giới hoạt động nghề nghiệp là KTS và tổ chức nghề nghiệp của họ là Hội KTS Việt Nam mà đúng như bản chất tổng hợp của sản phẩm kiến trúc, nó còn được sự quan tâm của cả cộng đồng xã hội.

Vận hành thực tế thị trường thì có nhà đầu tư cùng với nguồn tài chính, nhà thầu xây dựng, công ty cung cấp vật liệu, thiết bị và công nghệ… Quan trọng nhất, Đảng và Nhà nước có cả đường lối chiến lược, bộ – ngành chuyên trách. Cao điểm vừa qua là Luật Kiến trúc đã được ra đời và chính thức đi vào cuộc sống (1/7/2020). Tất cả chỉ nhằm cải thiện ngày càng tốt hơn môi trường làm nghề, để kiến trúc có sự phát triển đúng hướng, lành mạnh, tiếp tục tạo dựng những giá trị mới cho nền kiến trúc Việt Nam đương đại.

Trong thời đại thông tin 4.0 hiện nay, cùng với việc tham gia nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam không khó tiếp cận, định hướng đúng đắn các mục tiêu kiến trúc tiên tiến. Ít nhất chúng ta không lạc hậu với các dòng chảy của công nghệ kiến trúc thế giới đương đại, với các trào lưu kiến trúc quốc tế như: kiến trúc sinh thái, kiến trúc tiết kiệm năng lượng, kiến trúc xanh,… Nhưng vế thứ hai, vế rất quan trọng là bản sắc kiến trúc (câu chuyện đau đầu không với riêng quốc gia nào). Bằng chứng là chỉ trong hai thập niên trở lại đây, Dubai với nguồn lực đầu tư khổng lồ, đã ghi danh sáng chói vào bản đồ kiến trúc hiện đại thế giới. Nhưng vế quan trọng còn lại là bản sắc thì vẫn là một dấu hỏi lớn cho chính họ và cho những ai muốn học tập theo. Việt Nam từ khi bước ra khỏi giai đoạn hàn gắn vết thương chiến tranh và đi vào thời kỳ đổi mới, đến nay cũng đã kịp đầu tư một khối lượng vật lực hàng nhiều chục tỉ USD cho vô số công trình kiến trúc. Nhưng tác phẩm ghi danh vào quỹ văn hoá kiến trúc thế giới vẫn mờ nhạt đâu đó, trong sự bức bối của nhiều người có trách nhiệm lãnh đạo cũng như giới làm nghề chân chính.

Ở khía cạnh khác, bất cứ một nền văn hoá nghệ thuật của quốc gia dân tộc nào, trong đó có kiến trúc, luôn được hình thành và nuôi dưỡng trên mảnh đất màu mỡ của văn hoá truyền thống. Hiểu tường tận giá trị văn hoá truyền thống dân tộc mình để nuôi dưỡng và phát huy là việc quan trọng và không dễ dàng. Vận dụng truyền thống để sáng tạo nghệ thuật giàu bản sắc dân tộc còn khó hơn bội phần. Và trong thế giới phẳng của toàn cầu hoá hiện nay, cấp độ khó đó càng cao hơn, càng cấp bách hơn nữa. Và nhiều trớ trêu không đáng có đã dần thành thực trạng. Vài công trình có giá trị tầm cỡ để quảng bá hình ảnh kiến trúc thì cũng là tác phẩm của KTS đồng nghiệp nước ngoài. Hệ luỵ theo đó là các lớp KTS làm nghề Việt Nam dần bị giới chủ đầu tư xếp hạng “công dân loại 2” trên chính mảnh đất mà mình am tường hơn ai hết.

Vì lòng tự trọng, vì trách nhiệm, vì những bất cập không đáng có… ngành Kiến trúc Việt Nam cần tìm ra những hiệu chỉnh cần thiết và có tác động hiệu quả, tích cực để khắc phục thực trạng đáng buồn trên.

Bắt đầu từ đâu?

Có lẽ chúng ta nên bỏ qua việc phân tích lý thuyết tất cả các yếu tố liên quan đến việc vận hành và phát triển một môi trường phát triển kiến trúc lành mạnh. Việc người viết muốn nhắm tới ở đây là chỉ ra được bước đi hiệu quả và có tác động trực tiếp nhất vào việc đầu tư và thu hái nhiều kết quả trực tiếp nhất.

Ai cũng dễ dàng nhận ra, không phải sản phẩm xây dựng nào cũng là tác phẩm kiến trúc. Mà tác phẩm kiến trúc chính là tinh hoa của sản phẩm xây dựng, được sáng tạo và nhào nặn bằng tri thức và văn hoá ứng xử tinh tế của nhà thiết kế. Đây chính là nơi bắt đầu và là nút thắt của dòng chảy đầu tư khổng lồ vào quỹ kiến trúc. Rồi tiếp đến mới là sự cố gắng lao động nghiêm túc của tập thể những nhà kỹ thuật, quản trị thi công, hỗ trợ công nghệ vật liệu, thiết bị và vận hành… để công trình kiến trúc từ bản vẽ bước ra ánh sáng mặt trời.

Một nền kiến trúc tiên tiến, vận hành thông suốt phải trải qua thời gian dài tiếp biến, nhuần nhuyễn nhiều mâu thuẫn thực tế của xã hội. Trong một sớm một chiều, không thể hoàn chỉnh mọi bất cập, nên chăng chúng ta bắt đầu từ chính chủ thể đầu tiên của dòng chảy sáng tạo các giá trị kiến trúc? Đó là người kiến trúc sư. Đó là hoạt động của nghề kiến trúc sư chuyên nghiệp.

Nhà ở Bắc Hồng - Giải Vàng Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2018
Nhà ở Bắc Hồng – Giải Vàng Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2018

Ý kiến mới về câu chuyện không mới

Bắt đầu từ giữa năm 2020 này, Luật Kiến trúc đã được ban hành. Nhiều chương điều đã thể hiện sự quan tâm đến đội ngũ KTS và môi trường hành nghề KTS chuyên nghiệp. Và đó là cơ sở để vận hành và phát huy hiệu quả những giá trị tích cực. Luật ấn định tầm vĩ mô, đi vào đời sống xã hội thì có “thiên hình vạn trạng” đòi hỏi sự sát sườn của những thông tư, nghị định tiếp theo. Trong đó, cần có những chủ trương tác động hiệu quả vào “môi trường hành nghề tích cực” của giới KTS, làm điểm tựa vững chắc để kích hoạt nhiều công trình kiến trúc giá trị ra đời.

Việc này lâu nay không thiếu các chủ trương tuyên truyền, vận động, giáo dục đạo đức, trách nhiệm làm nghề. Điều quan trọng là sức sống thực sự của môi trường sáng tạo nghề nghiệp thì thiếu và ngày càng yếu nghiêm trọng. Có thể chỉ ra các mặt yếu:

Cá nhân KTS hành nghề không có sự thôi thúc sáng tạo và tận tuỵ do:

– Chủ đầu tư không đặt nặng nhu cầu sáng tạo bằng một số nhu cầu thực dụng khác: chỉ cần có nhanh giấy phép; đáp ứng vòng quay lợi nhuận nhanh so với tuổi thọ công trình; chỉ cần làm vừa khớp với các định mức đầu tư cứng nhắc;…

– Không có chính sách rõ ràng về đầu tư tương xứng cho lao động sáng tạo kiến trúc.

– Không được quy trình quản lý nhà nước xác định phân bổ rõ phần thù lao tương xứng cho thiết kế ý tưởng kiến trúc (ít nhất cũng gần với thông lệ quốc tế).

Môi trường hành nghề nhiều năm qua ngày một khó khăn, hệ thống nhân lực của các văn phòng KTS (phải hoạt động dưới dạng công ty) ngày càng teo tóp và manh mún để tồn tại, không hình thành được nhiều thế lực thiết kế mạnh và đẳng cấp đủ chủ động đảm đương các công việc thiết kế quy mô và đẳng cấp. KTS không đủ nhân lực và tài chính tương xứng cho công đoạn thiết kế ý tưởng nhiều rủi ro, nhất là trong các cuộc thi kiến trúc mở rộng quốc tế.

Để khắc phục tình trạng nêu trên thì có nhiều mặt phải làm đồng bộ. Nhưng giải pháp căn cơ cần có trước một bước là thúc đẩy nền kinh tế thị trường đầu tư mạnh mẽ vào giá trị sáng tác kiến trúc ở mọi quy mô và chủng loại dự án. Thị trường chỉ đầu tư phần nội dung nào mang lợi ích cụ thể cho họ.

Vậy những công trình có giá trị tác phẩm kiến trúc cần có chính sách hưởng lợi đủ kích thích quyết tâm của nhà đầu tư (khi nhà nước Mỹ vận động phong trào kiến trúc tiết kiệm năng lượng thì kèm theo đó là tiền phạt các công trình phung phí năng lượng trên chuẩn quy định và điểm thưởng trừ vào thuế cho những công trình có đầu tư tiết kiệm năng lượng thấp hơn chuẩn).
Khi thị trường có quyết tâm đầu tư, tự khắc sẽ hình thành động lực cho môi trường sáng tác và cho cá nhân KTS hành nghề. Thói quen làm việc nghiêm túc trong môi trường sáng tạo lành mạnh, đến lượt nó, sẽ điều chỉnh ngược lại, nâng tầm dần cả nền kiến trúc lên. Trong đó có lòng tự trọng và tự hào của giới KTS sáng tác về những giá trị sáng tạo mà họ mang lại cho xã hội qua lao động nghề nghiệp của mình.

Lên đàng! Cuộc vận động vinh danh các công trình kiến trúc có giá trị hàng năm.

Cho đến năm 2021 này, Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2 năm một lần đã bước vào tuổi 27 với mùa giải thứ 14. Đây là giải thưởng rất vinh dự được Nhà nước giao cho Bộ Xây dựng, Hội KTS Việt Nam và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đồng tổ chức (thường trực là Hội KTS Việt Nam). Một mặt, Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia khẳng định chỗ đứng về mặt vinh dự nghề nghiệp trong hoạt động kiến trúc nước nhà. Nhưng mặt khác lại thiếu sự kích thích thực tế với những gì tiếp theo đối với các công trình được giải. Kể cả thiếu các quy định cần thiết để bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm trong quá trình sử dụng. Bản thân nhà đầu tư cũng không quan tâm lắm tới danh hiệu Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia.

Việc đầu tư có con đường riêng, giải thưởng chẳng qua chỉ là một chút vinh dự, một chút niềm vui cộng thêm mà thôi. Có thì tốt, không có cũng không có gì bận tâm, vì lợi ích cuộc sống mưu sinh phụ thuộc vào những yếu tố khác. Lại nữa, mỗi lần Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia, các công trình được các KTS tác giả gửi dự thi chỉ là số ít, không đại diện hết khối lượng xây dựng khổng lồ trên cả nước mỗi 2 năm mùa giải.

Các công trình không tham gia, không loại trừ do tác giả ngán ngại làm hồ sơ, e ngại công trình không có ý tưởng độc, lạ. Hoặc tâm lý tự ti mình ở “vùng trũng” so với các thành phố lớn. Trong khi thực chất, luôn có một khối lượng rất lớn các công trình kiến trúc, tuy không mới lạ và choáng ngợp, nhưng được đầu tư thiết kế và xây dựng hết sức chỉn chu và phát huy tác dụng tích cực trong cộng đồng. Chính khối lượng này luôn là mảng “bè phối” nền tảng, làm nỗi bật lên giá trị những “giọng ca chính” tác phẩm ở loại hình Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia.

Nói như vậy để thấy sự cần thiết đầu tư hiệu quả nhằm vinh danh mảng công trình kiến trúc nền tảng. Chúng có thể chưa được phân định giá trị tác phẩm một cách rạch ròi nhưng cần được vinh danh vì đã “không phải là rác xây dựng”. Mặt khác nữa, công trình kiến trúc từ bản thiết kế bước ra ánh sáng mặt trời là công sức phối hợp rất nhiều thành phần. Sẽ không công bằng nếu sự vinh danh không đến với mỗi thành phần quan trọng khác như nhà đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn kết cấu, tư vấn M&E, quản lý dự án,… Và đây là lý do mạnh mẽ, xứng đáng để có cuộc vinh danh “công trình kiến trúc tiêu biểu quốc gia của năm”.

Bitexco Financial Tower tự hào là biểu tượng kiến trúc của TPHCM
Bitexco Financial Tower tự hào là biểu tượng kiến trúc của TPHCM

Thử định dạng cuộc vận động vinh danh “Công trình Kiến trúc Tiêu biểu Quốc gia của năm”

 

Mục đích – Ý nghĩa

Ghi nhận và tôn vinh những nghiên cứu phát hiện giá trị kiến trúc truyền thống, công trình kiến trúc nhiều thể loại đã được xây dựng có giá trị đồng bộ trong năm hoặc 2 năm gần nhất.

• Qua đó ghi nhận và động viên khen thưởng các thành phần nhân lực sáng tạo, đóng góp chuyên môn cao và đồng bộ vào công trình kiến trúc.
• Qua đó tạo quỹ công trình đề cử vào các giải thưởng kiến trúc, xây dựng có giá trị chuyên ngành sâu, cao hơn.
• Ghi nhận, tôn vinh và phát triển liên tục hệ thống nhân lực nền kiến trúc quốc gia, gián tiếp giới thiệu cho thị trường đầu tư của cộng đồng.

Đối tượng của chương trình

• Đối tượng chung: Bao gồm nhiều thể loại và quy mô kiến trúc khác nhau, đạt được sự chỉn chu đồng bộ trong thiết kế và xây dựng, phát huy hiệu quả sử dụng thực tế trong cộng đồng.
• Đối tượng tác động: Thông qua công trình kiến trúc được bình chọn, vinh danh các đối tượng có liên quan trực tiếp, xây dựng tinh thần làm nghề chuyên nghiệp, xây dựng nguồn nhân lực kiến trúc chất lượng cao và có tính liên tục.
• Các thể loại nghiên cứu và sáng kiến:
– Nghiên cứu, phát hiện và đúc kết mới liên quan giá trị truyền thống kiến trúc, lịch sử kiến trúc.
– Bài viết phê bình kiến trúc có tác động tích cực tới giới nghề và cộng đồng.
– Đề xuất ý tưởng phong trào có tác động tích cực tới môi trường kiến trúc xây dựng.
• Công trình kiến trúc đã xây dựng, vận hành và đạt các tiêu chí theo một xu hướng kiến trúc đặc trưng của cộng đồng. Các xu hướng bao gồm: Vận dụng phát triển trên cơ sở giá trị truyền thống Việt Nam; Kiến trúc Hậu hiện đại phát triển từ một giá trị truyền thống cụ thể khác Việt Nam; Theo trào lưu kiến trúc hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế; Kiến trúc tiêu chuẩn xanh; Cải tạo, chuyển đổi công năng; Tính triết lý; Hướng về tương lai.

Quy mô và hình thức tổ chức

• Chương trình cấp Quốc gia, do Bộ Xây dựng chủ trì tổ chức hàng năm hoặc 2 năm (liên kết đồng bộ với Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia).
• Bộ Xây dựng huy động các bộ ngành liên quan, Sở Xây dựng, hội nghề nghiệp cấp tỉnh, thành phố trực thuộc vào hệ thống đề cử và xét chọn công trình kiến trúc đạt các tiêu chí đồng bộ.
• Cơ cấu các thể loại và quy mô công trình được quy định chi tiết và có thể hiệu chỉnh hoặc bổ sung phù hợp mục tiêu phát triển theo thời gian.
• Mỗi thể loại có tiêu chí và số lượng bình chọn riêng, được vận động công khai để đặt mục tiêu chinh phục cho từng dạng đối tượng ứng viên. Tiêu chí và số lượng bình chọn mỗi kỳ có thể hiệu chỉnh độ khó để tăng chất lượng công trình đạt chuẩn theo thời gian.
Quyền lợi các công trình tham gia bình chọn và được vinh danh.
• Công trình chỉ được tham gia bình chọn khi được đề cử theo quy chế.
• Công trình được vinh danh sẽ nhận bằng “công trình kiến trúc tiêu biểu quốc gia của năm” với thông tin vinh danh các chủ thể tham gia.
• Một khoản thưởng dự án đủ sức mạnh đòn bẩy được ấn định từ dự án đầu tư, thực hiện bằng chính sách và ngân sách đầu tư phát triển của nhà nước (giống như chính sách tiết kiệm trong các dự án đấu thầu).

Tài chính

Không thể vận hành một hệ thống công việc với khối lượng nhân sự lớn và liên tục như trên mà thiếu một ngân sách đảm bảo tự cân đối thường xuyên. May thay, chúng ta hoàn toàn có thể cân đối được (từ vốn đầu tư khổng lồ cho kiến trúc xây dựng hàng năm). Cân đối được khi ta xem đó là khoản đầu tư sinh lợi rất lớn về mặt giá trị. Giá trị của nhiều công trình được đầu tư ý tưởng sáng tạo và chăm chút hơn sẽ bớt nhiều “rác xây dựng” hơn, và quan trọng nhất là lành mạnh hoá môi trường kiến trúc, xây dựng dần hệ thống nhân lực mạnh xứng tầm với vị thế đi lên của đất nước.

Trên đây là bản phác thảo vài suy nghĩ và hiến kế với kỳ vọng chạm được chút lực vào một trong những bánh đà chính của guồng máy kiến trúc xây dựng khổng lồ. Guồng máy vì nhiều lý do khách quan, trong đó có cả sức ỳ của thói quen suy nghĩ, đã làm chậm dần vài bánh đà quan trọng. Trong đó có năng lượng nguồn nhân lực và động lực sáng tạo kiến trúc./.

Pháp lý xây dựng

Ngày trở về của Người Hà Nội

Mỗi khi tháng Mười tới Hà Nội, ai cũng chút xốn xang: “Không thể nói trời không trong hơn. Và mắt em xanh khác ngày thường. Khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy. Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường.” (Nhạc Nguyễn Thành, thơ Tạ Hữu Yên). Tháng Mười Hà Nội với tôi thiêng liêng, trang trọng vô cùng.

Sông Hồng trong quy hoạch Hà Nội

Nhìn lại đã gần 30 năm qua, có không ít đề xuất giải pháp quy hoạch khu vực ngoài đê sông Hồng, tuy nhiên cho đến hôm nay, chưa phương án nào triển khai trên thực tế do gặp nhiều vướng mắc về quy hoạch. Quy hoạch Thủ đô có nhiều điểm mới nhưng vẫn phải phù hợp với quy hoạch đê điều và quy hoạch khác có liên quan.

Một góc nhìn về kiến trúc cổ điển ở Châu Âu thế kỷ 18 và 19

Vào những năm cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, những đặc điểm trong nghệ thuật kiến trúc ở phương Tây đã trải qua những hình thái biến chuyển khác nhau dựa trên nguồn gốc là phong cách thiết kế cổ điển. Những ảnh hưởng của phong cách nghệ thuật Baroque vẫn còn, với những đường nét kiến trúc được thừa kế từ thời Phục Hưng mang đến sự phức tạp và cầu kỳ hơn cho những yếu tố về hình khối, sự tương phản mạnh mẽ giữa ánh sáng và bóng tối.

Thừa Thiên Huế phát triển thành đô thị trực thuộc Trung Ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô

Thừa Thiên Huế xác định nhiệm vụ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy địa phương phát triển toàn diện. Do vậy, tỉnh đang quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 theo tiêu chí đặc thù, trong đó trọng tâm là các tiêu chí về văn hóa đặc sắc và đô thị di sản.

Các yếu tố đặc thù về di sản của đô thị Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế xác định nhiệm vụ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy địa phương phát triển toàn diện. Do vậy, tỉnh đang quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 theo tiêu chí đặc thù, trong đó trọng tâm là các tiêu chí về văn hóa đặc sắc và đô thị di sản.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi