Sáng tạo kiến trúc trước yêu cầu và thách thức mới
Công cuộc Đổi mới, phát triển về quy mô, chiều sâu và tốc độ, đã thúc đấy các quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Hai quá trình này dẫn tới sự bùng nổ xây dựng và đô thị hóa.
Tiền đề cơ bản cho bùng nổ xây dựng và đô thị hóa là:
– Sự tăng trưởng cao và ổn định của nền kinh tế;
– Kinh tế thị trường đa thành phần;
– Nhu cầu xây dựng và khả năng đáp ứng ngày càng lớn và càng thỏa đáng;
– Thu nhập và đời sống của cộng đồng xã hội cải thiện rõ rệt;
– Đầu tư nước ngoài lớn và gia tăng.
Những biểu hiện của sự bủng nổ xây dựng:
– Sự mở mang và hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật;
– Cải tạo, hiện đại hóa và xây dựng mới ngót 700 đô thị và cấu trúc dân cư dạng đô thị;
– Hầu hết các làng xã trong quá trình cải thiện kiến trúc và quy hoạch hiện đại hóa và đô thị hóa ở các mức độ khác nhau;
– Xây dựng nhà ở và các khu đô thị mới phát triển đặc biệt;
– Hàng trăm khu công nghiệp, khu nghỉ mát – du lịch hình thành.
Về tổng thể, diện mạo kiến trúc của đất nước không những cải thiện mà trở nên phong phú và tiệm cận trình độ phát triển của một quốc gia thăng tiến.
Đánh giá chung về tình hình phát triển kiến trúc những năm gần đây và những vấn đề đang đặt ra:
– Về nhận thức, kiến trúc chưa kịp thời đổi mới và đặc biệt, yếu về lý luận cơ bản và chưa đủ tri thức chuyên môn. Các phương pháp thiết kế, xây dựng đô thị và nông thôn lạc hậu, chưa cập nhật với tri thức quốc tế và thực tế cuộc sống. Các đô thị được thiết kế và xây dựng thiếu cơ sở bền vững, luôn bị động trong quá trình phát triển. Nhận thức cho rằng “quy hoạch là ý chí và nguyện vọng của lãnh đạo” của các cơ quan quản lý xây dựng đã có ảnh hưởng không tốt đến việc đề xuất và thực thi các ý tưởng, các chương trình phát triển đô thị mang tính khách quan, do đó thiếu tính khả thi. Nhiều ý tưởng và thiết kế cũng như thực thi quy hoạch đô thị và nông thôn bị áp đặt bởi ý chí và quyền lực cá nhân lãnh đạo.
– Về mặt quản lý, mặc dầu trong nhiều năm qua Chính phủ đã ban hành định hướng phát triển các đô thị Việt Nam nói chung các đô thị lớn và nhỏ nói riêng, các định hướng hoặc do không được kiểm định, hoặc do không được đưa vào cuộc sống, nên tình hình phát triển đô thị nông thôn tùy tiện, tự phát hơn là theo quy hoạch.
Chiến lược phát triển đô thị ở tầm vĩ mô và vi mô chưa được xây dựng một cách khoa học và khả thi. Các cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng các quy hoạch chung còn thiếu, chưa có những tiêu chí và tầm nhìn chính xác cho thời gian thiết kế quy hoạch. Việc điều chỉnh quá nhiều các quy hoạch chung đã được phê duyệt làm cho các đồ án này mất tính định hướng và uy lực của pháp luật trong phát triển đô thị.
Công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn mắc bệnh duy ý chí dai dẳng. Trong cơ chế thị trường, điều này bộc lộ khá rõ nhất là việc Nhà nước không kiểm soát được quá trình và quy mô đầu tư xây dựng các đô thị.
Việc thay đổi, nâng cấp, mở rộng quy mô đô thị cho thấy quyền lực quản lý Nhà nước quá lớn mà trách nhiệm đối với xã hội lại không rõ ràng. Việc mời tư vấn nước ngoài thiết kế Quy hoạch mở rộng Thủ đô Hà Nội không được giới chuyên môn kỳ vọng, đặc biệt có những vấn đề về quy trình, về nội dung nghiên cứu, nội hàm văn hóa xã hội, tính khả thi, bảo hành đồ án thiết kế v.v… cần được xem xét kỹ hơn, trên cơ sở hiểu biết tường tận.
– Hình ảnh đô thị Việt Nam nói chung còn xấu và tùy tiện. Phần lớn các đô thị, các khu đô thị được xây dựng cho đến nay na ná giống nhau, thiếu bản sắc đô thị. Tính nhân văn, hàm lượng xã hội học đô thị, tính bản địa và tính bền vững môi trường bộc lộ quá mờ nhạt trong không gian, trong hình ảnh và môi trường đô thị.
– Mặc dù hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đang phát triển nhanh, chất lượng có nâng cao, nhưng không đồng bộ và mang tính cục bộ, do đó nhìn chung chất lượng dịch vụ đô thị, chất lượng kiến trúc, cảnh quan và môi trường v.v… của các đô thị còn lạc hậu, chưa tạo được nền tảng bền vững cho một cuộc sống đô thị thực sự văn minh và hiện đại.
– Trong những năm gần đây, do nhiều lý do khác nhau, chúng ta hoàn toàn bỏ rơi phát triển kiến trúc nông thôn. Việc điều tra, nghiên cứu, thiết kế, đầu tư và quản lý đều không chọn nông thôn làm đối tượng chính. Do vậy, chúng ta vẫn chưa có một hình mẫu nào cho phát triển nông thôn. Ngược lại, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của nông thôn bị lãng quên và mai một. Nông thôn đang đứng trước nguy cơ độ thị hóa không có định hướng và điều tiết, dễ dẫn tới hậu quả khôn lường. Chúng ta chưa thực sự hiểu đúng vấn đề “đô thị hóa nông thôn”, coi “bê tông hóa”, “mái bằng hóa” đã là nó rồi.
Về hành nghề và sáng tác của giới kiến trúc sư, Hội đồng kiến trúc đưa ra những nhận định sau:
Những năm qua sáng tạo kiến trúc Việt Nam có cơ hội lớn để phát triển. Tuy chưa nhiều, nhưng đã xuất hiện một số công trình có giá trị nghệ thuật kiến trúc. Từ góc độ số lượng và thể loại công trình, ở một số thể loại hình kiến trúc, từ các vùng miền đã nhận thấy những thành công nhất định của sự phát triển tư duy sáng tạo kiến trúc.
Sáng tạo kiến trúc đã đáp ứng được phần nào các nhu cầu xã hội. Sự phát triển kiến trúc nhà ở, tại các tỉnh và thành, các làng du lịch (resort), các kiến trúc công sở, tuy còn nhiều vấn đề phải bàn luận, đã cho chúng ta thấy sự tiến triển trông thấy của kiến trúc Việt Nam, vai trò xã hội của nó trong những năm qua.
Ý tưởng và tầm sáng tạo của kiến trúc sư Việt Nam chưa thể nói là ngang bằng với những chuẩn mực khu vực quốc tế, song không còn khoảng cách quá xa nữa.
– Chúng ta đã có cơ hội lớn để phát triển sáng tạo kiến trúc, song lực lượng kiến trúc sư chưa được chuẩn bị một cách đầy đủ để tận dụng cơ hội này. Các cơ quan quản lý chuyên ngành chưa đưa ra các hướng dẫn hay tạo các điều kiện để tận dụng cơ hội. Việc xâm nhập của các tổ chức tư vấn thiết kế nước ngoài cần được nhận thức như là một cách thức cho sự phát triển kiến trúc của đất nước cũng như là một điều kiện để học hỏi vươn lên trong hành nghề.
Phần lớn các đơn vị tư vấn thiết kế trong nước đang phải đối mặt với các vấn đề bất khả thi trong đấu thầu và thi tuyển kiến trúc: đội ngũ nhỏ lẻ, thiếu các bộ môn chuyên môn, cơ sở nhỏ bé, vốn đầu tưu ít ỏi và yêu cầu tư vấn toàn diện. Tình thế này dễ dẫn đến kết quả: Tư vấn kiến trúc Việt Nam thường thua nhiều hơn là thắng trong đấu thầu và thi tuyển kiến trúc. Trong khi đó, các cơ quan chủ trương và đầu tư Nhà nước lại thiếu tin tưởng vào lực lượng và tư vấn quốc nội, đề cao tư vấn nước ngoài.
Nhiều công trình lớn có tầm quốc gia thường rơi vào tay tư vấn thiết kế nước ngoài, rất tốn kém và không phải bao giờ cũng thành công.
Công trình được xây dựng nhiều, có quy mô lớn và khá hiện đại, song ít thành công về sáng tạo kiến trúc và về ứng dụng khoa học công nghệ.
– Công trình được xây dựng nhiều, song các tìm tòi mang tính tự phát. Những tư tưởng lớn trong định hướng sáng tác chưa tác động mạnh, chưa quán xuyến các giải pháp thiết kế. Hàm lượng sáng tạo, cá tính sáng tạo, tính nhân văn trong các công trình kiến trúc rất hạn chế, chưa tạo ra được cá tính kiến trúc Việt Nam.
Cũng giống như các ngành VHNT khác, trong thời gian qua chưa xuất hiện nhiều những tác phẩm kiến trúc xuất sắc, có sức thuyết phục cao.
Trong kiến trúc nhà ở thời gian qua chưa xây dựng được những hình mẫu có tính thuyết phục đối với quảng đại nhân dân, đáp ứng sát sao các nhu cầu xã hội, hướng dẫn được thị hiếu cho người dân ngay từ khi họ xây dựng ngôi nhà của mình.
– Kiến trúc trong thời gian qua phát triển thiên về chiều hướng hiện đại. Tuy nhiên nạn sao chép, hình thức chủ nghĩa vẫn chi phối sáng tạo. Tính địa phương trong công trình kiến trúc mờ nhạt, chưa phát huy được các giá trị văn hóa bản địa. Đối với các xu hướng kiến trúc quốc tế mới như kiến trúc xanh và kiến trúc sinh thái, kiến trúc Việt Nam chỉ mới mon men tiếp cận.
– Thái độ và sự nhìn nhận của xã hội, của chính quyền và của chủ đầu tư về vai trò “tác giả – kiến trúc sư” chưa được rõ ràng, bởi đó chưa tạo ra được sự đồng thuận, dẫn đến hiện tượng chủ đầu tư áp đặt, KTS để thỏa hiệp, thiếu bản lĩnh, thiếu chủ động trong sáng tác kiến trúc.
Từ sự nhìn nhận phát triển chung của nền kiến trúc và tình hình sáng tạo kiến trúc, có thể đưa ra những đánh giá sau:
– Khó để có thể khẳng định kiến trúc Việt Nam trong thời gian qua phát triển theo hướng nào. Cách nhìn nhận chung nhất và dễ đồng thuận là kiến trúc phát triển theo xu hướng hiện đại là chủ yếu. Song đó là tính hiện đại chung chung, ở tầm trung bình thấp, chứ chưa đạt trình độ hiện đại quốc tế. Chúng ta chưa tìm ra tính hiện đại riêng cho kiến trúc Việt Nam.
– Nhiều KTS cho rằng, mới chỉ xuất hiện các “biểu hiện” hay “thị hiếu” kiến trúc, chứ chưa xuất hiện “xu hướng” sáng tác rõ ràng trong kiến trúc Việt Nam những năm gần đây.
Đồng thời, có ý kiến cho rằng không nên áp đặt khiên cưỡng các “chủ nghĩa”, các “xu hướng kiến trúc quốc tế” một cách máy móc vào kiến trúc Việt Nam. Cần có thời gian để đánh giá, nhận rõ các xu hướng đó, cần nhận ra và gọi tên thật sát các sự tìm tòi sáng tạo, không chỉ riêng về hình thức sáng tác, đồng thời khuếch trương hoặc cảnh báo kịp thời về những nguy cơ. Đó là việc cần thiết cho sự thúc đẩy lý luận và phê bình kiến trúc, thúc đẩy phát triển kiến trúc.
– Chúng ta chưa tạo ra những tác phẩm kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao, song trong thực tế cụ thể đã xuất hiện những khu đô thị, những công trình kiến trúc đáp ứng tốt các đòi hỏi của xã hội, đứng cững được trong thử thách của thời gian. Nếu nhìn nhận vai trò của kiến trúc trong bối cảnh kinh tế – xã hội thời gian qua, có thể khẳng định là nó đã có những đóng góp lớn để tạo nên những tác phẩm kiến trúc đạt chuẩn mực quốc tế. Đòi hỏi như vậy là chưa thực tế.
– Chúng ta thực sự chưa có tác giả – kiến trúc sư tầm cỡ quốc tế, song đã xuất hiện một số gương mặt sáng giá, có thương hiệu. Số lượng các tác giả kiến trúc sư đó tuy còn ít, đa phần là những gương mặt trẻ. Nếu không đặt tiêu chuẩn quá cao, các gương mặt trẻ đó đã hợp thành một đội ngũ KTS có nhiều triển vọng, hộ tụ dần những điều kiện để cạnh tranh quốc tế. Thực tế thi tuyển trong nước và quốc tế, một số công trình đã xây dựng trong nước chứng minh điều đó.
– Cái khó đặc biệt của nghệ thuật kiến trúc Việt Nam hiện nay là cuộc tìm kiếm cá tính và bản sắc Việt Nam. Cũng như nhiều ngành nghệ thuật tạo hình khác, vấn đề này đã được đặt ra từ lâu. Giới kiến trúc sư và từng tác giả KTS đang mày mò tìm tòi và thử nghiệm, có những thành công bước đầu, tuy còn hạn chế ở thể loại và quy mô. Các sáng tác của các KTS Lương Anh Dũng, Nguyễn Tiến Thuận, Nguyễn Văn Tất, Võ Trọng Nghĩa v.v… biểu hiện rõ thành quả trong sự tìm tòi đó.
Từ một cái nhìn tổng quát, có thể xác định những đòi hỏi chính yếu nhất cùng những thách thức vừa lớn và vừa gay gắt nhất, đối với kiến trúc sư. Đó là:
– Tạo lập một nền kiến trúc đô thị phù hợp với cuộc sống hôm nay và hướng tới sự phát triển mai sau, hiện đại và có bản sắc, trên cơ sở những quy hoạch có đủ tầm nhìn về chiến lược phát triển và phát huy những tiềm năng của từng địa bàn; duy trì và nâng cao những giá trị văn hóa và kiến trúc hiện hữu, xây dựng những không gian kiến trúc và hình ảnh đô thị theo chuẩn mực hiện đại; hướng phát triển đô thị về chiều sâu, an toàn cho môi trường thiên nhiên và mang tính nhân văn, phát triển bền vững; hiện đại mà vẫn phù hợp hữu cơ với con người và cộng đồng người Việt.
– Quy hoạch và kiến trúc nông thôn phải đặt thành một trong những nhiệm vụ và bổn phận quan trọng nhất đối với giới kiến trúc sư; khắc phục tình trạng phát triển thiếu định hướng và tự phát trong xây dựng nông thôn; khả thi hóa những chủ trương chính sách và các chương trình của Đảng và Nhà nước đối với nông nghiệp – nông dân và kiến trúc nông thôn; hướng dẫn cho bà con nông dân cải thiện và hiện đại hóa quy hoạch thôn làng và nhà ở.
– Hiện đại hóa kiến trúc từ các phương diện khoa học và công nghệ, thị trường hành nghề kiến trúc, tư duy sáng tạo kiến trúc, ngôn ngữ và phong cách kiến trúc, đuổi kịp trình độ phát triển kiến trúc trước tiên của các nước láng giềng, tìm con đường riêng cho phát triển về trình độ và tốc độ, song không tách lìa khỏi sự tìm tòi một bản sắc riêng mà một sự tiến triển lành mạnh của kiến trúc phải dẫn tới. Hiện đại hóa kiến trúc phải được đảm bảo bởi sự hội nhập đầy đủ của giới kiến trúc sư Việt Nam với khu vực và quốc tế, bắt đầu từ sự tạo lập những cơ sở pháp lý và tổ chức hành nghề phù hợp toàn phần với các quy luật của kinh tế thị trường; chuẩn mực và chất lượng đào tạo KTS; sự bình đẳng của KTS trong nước và quốc tế.
– Những thách thức lớn nhất đối với hành nghề và sáng tạo của KTS hiện nay chính là: Sự chưa tương thích giữa hệ thống quản lý Nhà nước về kiến trúc và hành nghề kiến trúc và thực tế sống động của kinh tế thị trường hội nhập quốc tế; sự yếu kém trong tổ chức hành nghề và ở ngay trình độ hành nghề của số đông KTS; Sự thiếu vắng những tư tưởng và những động lực đi ra từ chính bản thân giới sáng tạo kiến trúc khiến nó chưa thể trăm hoa đua nở khi hoàn cảnh đã thuận lợi; Nếp tư duy quán tính và sự hạn chế về trình độ cũng như sức bật đang đặt nền kiến trúc Việt Nam ở thế lạc lõng so với xu hướng thời đại, phần nào đi lạc đòi hỏi về sự bứt phá để đuổi kịp.
Bên cạnh đó ngày càng trầm trọng nạn ô nhiễm môi trường kiến trúc và môi trường tự nhiên ở các đô thị và ở nông thôn; Sự xa rời thực tế và đánh mất bởi đó uy lực của các quy hoạch và các dự án, dẫn tới tình trạng khó bề khống chế kiến trúc đô thị và nông thôn, biến đất nước ta và các vùng lãnh thổ thành những vùng đất khai thác dở dang, gây lãng phí tài nguyên đất đai và thiên nhiên.
Đáng ái ngại hơn cả, lại là hiện tượng những đầu tư tiền của lớn, những nỗ lực của ngành xây dựng, của giới KTS chưa nhắm vào sự kiến tạo một xã hội công bằng, hài hòa và cùng hưởng lợi, mà nhằm vào các đô thị lớn, các tầng lớp mới phát đạt lên, không nhằm vào mọi tầng lớp dân cư, đặc biệt dân nghèo thành thị và nông thôn, chiếm đa phần xã hội hiện nay.
Từ đó, đòi hỏi và thách thức đối với giới KTS, với sáng tác kiến trúc phải là: Tính thời đại, tính tiên phong, tư tưởng xã hội, trách nhiệm công dân./.
Ý kiến của bạn