Quyết định 334/QĐ-BXD năm 2011

Quyết định 334/QĐ-BXD năm 2011

Quyết định 334/QĐ-BXD năm 2011
09:06, 02/06/2021

BỘ XÂY DỰNG
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————-

Số: 334/QĐ-BXD

Hà Nội, ngày 28 tháng 3 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA UỶ BAN GIÁM SÁT CỦA VIỆT NAM ĐỂ THỰC HIỆN THOẢ THUẬN THỪA NHẬN LẪN NHAU VỀ DỊCH VỤ KIẾN TRÚC TRONG ASEAN

BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG

Căn cứ Nghị định 17/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Quyết định số 815 /QĐ-BXD ngày 6/8/2009 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc thành lập Uỷ ban Giám sát của Việt Nam để thực hiện Thoả thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ Kiến trúc trong ASEAN;
Theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban Giám sát của Việt Nam để thực hiện Thoả thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ Kiến trúc trong ASEAN,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế Tổ chức và hoạt động của Uỷ ban Giám sát của Việt Nam để thực hiện Thoả thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ Kiến trúc trong ASEAN.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chủ tịch và các thành viên của Uỷ ban Giám sát của Việt Nam để thực hiện Thoả thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ Kiến trúc trong ASEAN, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 Nơi nhận:
– Như Điều 2;
– Hội Kiến trúc sư Việt Nam;
– Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam;
– Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội;
– Viện KT,QH ĐT&NT;
– Vụ : TCCB, KTQH, HĐXD, KHTC Bộ Xây dựng;
– Lưu: VT, Uỷ ban Giám sát.

BỘ TRƯỞNG


Nguyễn Hồng Quân

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA UỶ BAN GIÁM SÁT CỦA VIỆT NAM ĐỂ THỰC HIỆN THOẢ THUẬN THỪA NHẬN LẪN NHAU VỀ DỊCH VỤ KIẾN TRÚC TRONG ASEAN.
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 334 /QĐ-BXD ngày 28 /3 /2011 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Uỷ ban Giám sát của Việt Nam để thực hiện thoả thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ Kiến trúc trong ASEAN (gọi tắt là Uỷ ban Giám sát) được thành lập theo Quyết định số 815 /QĐ-BXD ngày 6/8/2009 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng để giúp Bộ Xây dựng (là Cơ quan quản lý nghề nghiệp của Việt Nam đối với dịch vụ Kiến trúc theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ) tổ chức triển khai và giám sát việc thực hiện Thoả thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ Kiến trúc trong ASEAN (gọi tắt là Thỏa thuận); nghiên cứu đề xuất việc xây dựng và hoàn thiện thể chế quản lý hành nghề dịch vụ Kiến trúc tại Việt Nam; thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác về quản lý hành nghề dịch vụ Kiến trúc theo sự uỷ quyền của Bộ Xây dựng hoặc các cơ quan có thẩm quyền khác.

Uỷ ban Giám sát chịu sự quản lý, chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, trong việc tổ chức triển khai và giám sát việc thực hiện Thoả thuận.

Điều 2. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Uỷ ban Giám sát

2.1. Tuân thủ các quy định của Quy chế tổ chức và hoạt động của Uỷ ban Giám sát được Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt.

2.2. Chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

2.3. Chủ tịch Uỷ ban Giám sát chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Xây dựng về lãnh đạo và điều hành chung mọi hoạt động của Uỷ ban Giám sát.

2.4. Các thành viên của Uỷ ban Giám sát chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban Giám sát về việc thực hiện các nhiệm vụ được Uỷ ban giám sát phân công, phải báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao với Chủ tịch Uỷ ban Giám sát và phải thực hiện đúng các quy định về chế độ công tác.

2.5. Các thành viên của Uỷ ban giám sát có quyền chủ động làm việc với các cơ quan có liên quan theo Quy chế Tổ chức và hoạt động của Uỷ ban Giám sát để thực hiện nhiệm vụ được phân công.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban Giám sát

Uỷ ban Giám sát thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo Quy định tại Điều 2 của Quyết định số 815/QĐ-BXD ngày 6/8/2009 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, ngoài ra Uỷ ban Giám sát còn có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

3.1. Thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu của Bộ Xây dựng và đề xuất của các Hội nghề nghiệp.

3.2. Lập kế hoạch tổ chức và bảo đảm các điều kiện, phương tiện làm việc và kinh phí hoạt động để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện.

3.3. Thực hiện nghiên cứu khoa học, đề tài, dự án liên quan đến công tác quản lý đăng bạ Kiến trúc sư ASEAN.

3.4. Hợp tác quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học liên quan đến công tác đăng bạ Kiến trúc sư ASEAN.

Điều 4. Cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Giám sát

4.1. Số lượng, cơ cấu, nhiệm kỳ bổ nhiệm các thành viên của Uỷ ban giám sát:

4.1.1. Uỷ ban giám sát gồm có 07 thành viên, là các Kiến trúc sư, được bổ nhiệm theo nhiệm kỳ 03 năm.

4.1.2. Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định số lượng, cơ cấu và bổ nhiệm danh sách cụ thể các thành viên của Uỷ ban Giám sát trên cơ sở đề cử của các cơ quan có đại diện trong thành phần cơ cấu của Uỷ ban Giám sát.

4.1.3. Sau khi kết thúc mỗi nhiệm kỳ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định kiện toàn Uỷ ban giám sát và bổ nhiệm các thành viên cho nhiệm kỳ mới. Ngoài ra, trong một nhiệm kỳ, số lượng, cơ cấu và danh sách cụ thể các thành viên của Uỷ ban giám sát có thể được thay đổi cho phù hợp với yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ và điều kiện cụ thể của từng giai đoạn.

4.2. Các chức danh của Uỷ ban giám sát:

4.2.1. Uỷ ban Giám sát có Chủ tịch, Phó chủ tịch thường trực, Thư ký và các uỷ viên do Bộ trưởng Bộ Xây dựng bổ nhiệm.

4.2.2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch, Phó chủ tịch, Thư ký và các uỷ viên của Uỷ ban Giám sát được quy định tại Điều 4 Quyết định 815/QĐ-BXD ngày 6/8/2009 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng

4.3. Bộ máy giúp việc Uỷ ban Giám sát:

Bộ máy giúp việc Uỷ ban Giám sát gồm:

4.3.1. Ban thư ký: là đơn vị giúp Uỷ ban Giám sát thực hiện các công việc về tổ chức, hành chính, tài vụ, đối nội, đối ngoại, tiếp nhận hồ sơ của các ứng viên và kiểm tra hồ sơ trước khi trình Uỷ ban giám sát xem xét chấp thuận và cấp chứng nhận đăng bạ cho các Kiến trúc sư ASEAN.

Ban Thư ký có từ 05 đến 07 thành viên, trong đó Thư ký Uỷ ban giám sát là Trưởng ban Thư ký do Bộ trưởng Bộ Xây dựng bổ nhiệm.

4.3.2. Ban Kiểm tra: Giúp Uỷ ban Giám sát kiểm tra việc hành nghề và chấp hành các quy định của các kiến trúc sư đã được cấp chứng nhận đăng bạ là Kiến trúc sư ASEAN, đề nghị mức kỷ luật đối với những kiến trúc sư vi phạm các quy định của quy chế đánh giá.

Ban Kiểm tra có từ 03 đến 05 người, trong đó Trưởng ban là thành viên của Uỷ ban Giám sát, do Chủ tịch ủy ban Giám sát bổ nhiệm.

4.3.4. Hội đồng chuyên môn: Giúp Uỷ ban giám sát các vấn đề về chuyên môn khi cần thiết hoặc khi xem xét, đề xuất để Uỷ ban giám sát công nhận, cấp chứng nhận đăng bạ Kiến trúc sư ASEAN cho các kiến trúc sư Việt Nam.

Số lượng thành viên của Hội đồng tuỳ thuộc vào công việc cụ thể, trong đó có Chủ tịch Hội đồng là thành viên Uỷ ban giám sát và Phó chủ tịch Hội đồng do Chủ tịch Uỷ ban Giám sát bổ nhiệm.

4.3.5. Uỷ ban Giám sát quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các Ban giúp việc và Hội đồng chuyên môn.

Điều 5. Chế độ làm việc

5.1. Chế độ làm việc:

5.1.1. Chủ tịch, Phó chủ tịch thường trực, Thư ký và các thành viên Uỷ ban Giám sát làm việc theo chế độ bán chuyên trách;

5.1.2. Một số vị trí trong Ban thư ký làm việc theo chế độ chuyên trách, số còn lại là bán chuyên trách; Chủ tịch Uỷ ban giám sát quyết định hoặc uỷ quyền để Phó chủ tịch thường trực Uỷ ban giám sát quyết định theo đề nghị của Thư ký Uỷ ban Giám sát những vị trí công tác trong Ban thư ký làm việc theo chế độ chuyên trách.

5.2. Hình thức ra quyết định:

5.2.1. Uỷ ban Giám sát thảo luận, bỏ phiếu hoặc biểu quyết theo chế độ tập thể (thiểu số phục tùng đa số) để thông qua các quyết định thuộc thẩm quyền của Uỷ ban giám sát, đã được quy định trong Quy chế đánh giá, Quy chế Tổ chức và hoạt động của Uỷ ban giám sát; trường hợp số người tán thành và số người không tán thành bằng nhau thì Chủ tịch Uỷ ban giám sát là người có quyền quyết định cuối cùng; cuộc họp Uỷ ban giám sát phải có ít nhất 2/3 số thành viên dự họp mới có hiệu lực (05 thành viên);

5.2.2. Chủ tịch Uỷ ban Giám sát ban hành quyết định theo chế độ thủ trưởng và chịu trách nhiệm về quyết định của mình đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Uỷ ban Giám sát được quy định tại khoản 1 Điều 4 của Quyết định số 815/QĐ-BXD ngày 6/8/2009 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và các vấn đề khác (nếu có) được quy định trong Quy chế tổ chức và hoạt động của Uỷ ban Giám sát;

5.2.3. Phó chủ tịch thường trực Uỷ ban Giám sát ban hành quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình trong việc điều hành một số công việc cụ thể của Uỷ ban giám sát theo sự phân công của Uỷ ban Giám sát hoặc sự uỷ quyền của Chủ tịch Uỷ ban Giám sát.

5.2.4. Uỷ viên Thư ký có trách nhiệm điều hành công việc hàng ngày của Uỷ ban Giám sát.

Điều 6. Chế độ họp và báo cáo của Uỷ ban Giám sát

6.1. Định kỳ 6 tháng một lần Uỷ ban Giám sát sẽ tổ chức cuộc họp toàn thể các thành viên để kiểm điểm về thực hiện kế hoạch và đề ra kế hoạch cho thời gian tiếp theo; trừ trường hợp đột xuất có thể tổ chức cuộc họp bất thường theo yêu cầu của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát và Trưởng ban Thư ký.

6.2. Các thành viên của Uỷ ban Giám sát có trách nhiệm tham dự các cuộc họp của Uỷ ban Giám sát. Thư ký Uỷ ban Giám sát gửi thông báo mời họp đến từng thành viên Uỷ ban giám sát trước thời điểm họp 07 ngày.

6.3. Các thành viên của Uỷ ban Giám sát có trách nhiệm báo cáo việc thực hiện các nhiệm vụ được phân công trong các cuộc họp của Uỷ ban Giám sát.

6.4. Uỷ ban Giám sát có trách nhiệm chuẩn bị nội dung và báo cáo Bộ Xây dựng thường kỳ 06 tháng/ lần và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Bộ Xây dựng.

Điều 7. Chế độ quản lý hành chính

7.1. Các văn bản do Chủ tịch, Phó chủ tịch thường trực ký theo sự phân công của Uỷ ban Giám sát hoặc sự uỷ quyền của Chủ tịch Uỷ ban Giám sát được sử dụng dấu của Uỷ ban Giám sát.

7.2. Các tài liệu, văn bản đi và đến của Uỷ ban Giám sát được quản lý, lưu trữ và sử dụng theo quy định của Nhà nước và của Uỷ ban Giám sát.

Điều 8. Điều kiện, phương tiện làm việc và kinh phí hoạt động của Uỷ ban Giám sát.

8.1. Uỷ ban Giám sát được bố trí văn phòng làm việc và được trang bị các phương tiện cần thiết để làm việc.

8.2. Kinh phí hoạt động:

8.2.1. Các nguồn thu:

8.2.1.1. Thu từ nguồn kinh phí được Nhà nước cấp hoặc hỗ trợ;

8.2.1.2. Thu phí đăng bạ, bao gồm cả phí đăng ký đăng bạ lần đầu và phí cấp lại theo định kỳ;

8.2.1.3. Thu từ nguồn hỗ trợ (nếu có) của các cơ quan cử người tham gia Uỷ ban giám sát, Ban thư ký, các Hội đồng chuyên môn;

8.2.1.4. Thu từ nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;

8.2.1.5. Các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.

8.2.2. Các khoản chi:

8.2.2.1. Chi cho việc đầu tư mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc;

8.2.2.2. Chi phí cho các hoạt động thường xuyên của Uỷ ban Giám sát, Ban thư ký, các Hội đồng chuyên môn, trong đó bao gồm cả chi tiền lương cho các cán bộ chuyên trách và phụ cấp lương cho các cán bộ bán chuyên trách;

8.2.2.3. Chi cho việc xây dựng, quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin về Đăng bạ Kiến trúc sư ASEAN của Việt Nam, trong đó bao gồm cả việc xây dựng và duy trì trang thông tin điện tử về Đăng bạ Kiến trúc sư ASEAN của Việt Nam;

8.2.2.4. Các khoản chi hợp lý khác.

Điều 9. Mối quan hệ giữa Uỷ ban Giám sát với các cơ quan liên quan

9.1. ủy ban Giám sát có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất với Bộ Xây dựng và các cơ quản lý hành nghề ban hành cơ chế quản lý hành nghề dịch vụ Kiến trúc tại Việt Nam. Được tham gia và có ý kiến tại các cuộc họp của Hội đồng Kiến trúc sư ASEAN với tư cách là đại diện cho cơ quan quản lý hành nghề kiến trúc của Việt Nam. ủy ban Giám sát chịu sự quản lý của Bộ Xây dựng về thực hiện Thỏa thuận; báo cáo Bộ Xây dựng định kỳ về mọi hoạt động của Uỷ ban Giám sát.

9.2. Trong hoạt động của mình ủy ban Giám sát được phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Xây dựng, các Hội nghề nghiệp và các cơ quan khác có liên quan để thực hiện các nhiệm vụ được giao.

9.3. ủy ban Giám sát được trao đổi thông tin, cung cấp thông tin và đề nghị Hội đồng Kiến trúc ASEAN cung cấp các thông tin liên quan đến quản lý hành nghề của các kiến trúc sư trong các nước ASEAN. Tham gia các cuộc họp, hội thảo có liên quan do Hội đồng Kiến trúc sư ASEAN tổ chức.

9.4. ủy ban Giám sát Việt Nam phối hợp với Uỷ ban Giám sát của các nước ASEAN và các Hội nghề nghiệp để trao đổi về chuyên môn nghiệp vụ và những vấn đề liên quan đến công tác quản lý và phát triển nghề nghiệp của các kiến trúc sư hành nghề dịch vụ Kiến trúc.

Điều 10. Hiệu lực thi hành

10.1. Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

10.2. Trong quá trình thực hiện nếu có nội dung cần sửa đổi, bổ sung, Chủ tịch Uỷ ban Giám sát báo cáo Bộ trưởng Bộ Xây dựng để xem xét, quyết định.

 

 

 

 

BỘ TRƯỞNG

Nguyễn Hồng Quân

Pháp lý xây dựng

Kiện toàn Uỷ ban Giám sát của Việt Nam về dịch vụ Kiến trúc trong ASEAN

Kiện toàn và bổ nhiệm 7 thành viên Uỷ ban Giám sát của Việt Nam để thực hiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ Kiến trúc trong ASEAN nhiệm kỳ 2024 – 2027 là đại diện các cơ quan gồm: Bộ Xây dựng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Viện Kiến trúc Quốc gia.

KTS Hồ Thiệu Trị – Hà Nội là duyên nợ trong tôi

(Chùm bài giới thiệu về KTS ASEAN Việt Nam) Là một con người Nam Bộ nhưng KTS Hồ Thiệu Trị luôn coi Hà Nội chính là quê hương của mình. Từ bỏ nước Pháp với một công việc ổn định và vững chắc, ông trở về quê hương dựng lại sự nghiệp trên mảnh đất mà ông có ấn tượng vô cùng sâu sắc, bằng tài năng và kinh nghiệm tích lũy ông đã tạo ra nhiều công trình độc đáo cho kiến trúc Việt Nam khắp 3 miền.

KTS Nguyễn Hoàng Mạnh – Xây dựng bản sắc riêng cho Kiến Trúc Việt Nam của thế kỷ 21 trong thời hội nhập với thế giới

Với triết lý thiết kế chú trọng đến hơi thở nhiệt đới đương đại, thân thiện với môi trường sống con người, giá trị thực tiễn cao – KTS Nguyễn Hoàng Mạnh & MIA Design Studio đang đưa vị thế của Kiến trúc Việt Nam vươn tầm quốc tế.

KTS Nguyễn Trung Kiên – 20 năm nỗ lực không ngừng theo đuổi nghề kiến trúc

KTS Nguyễn Trung Kiên được biết đến là một trong những thành viên sáng lập công ty Kiến trúc GK Archi – Một trong những công ty kiến trúc Việt Nam hàng đầu khu vực châu Á Thái Bình Dương do BCI Asia bình chọn, nhưng có lẽ, ít ai biết đến chặng đường gần 20 năm theo đuổi nghề kiến trúc đầy nỗ lực của anh. Đền đáp cho những nỗ lực này, KTS Nguyễn Trung Kiên và công ty của mình ngày càng gặt hái được nhiều thành công cũng như dần khẳng định được tên tuổi của mình trên lĩnh vực đã chọn.

Hội Kiến trúc sư Hà Nội thông báo gia hạn cuộc thi thiết kế Biểu tượng và Khẩu hiệu

Do tình hình thực tế và đề nghị của một số tác giả ở xa, Văn phòng Hội Kiến trúc sư Hà Nội đang tiếp nhận một số lượng lớn phương án dự thi Biểu tượng và Khẩu hiệu. Theo đó, để có thể tiếp nhận được tối đa tác phẩm dự thi Ban tổ chức cuộc thi Quyết định kéo dài thời gian tiếp nhập đến hết ngày 13/11/2022. (Tất cả các mốc thời gian khác trong Quy chế cũng được điều chỉnh tương ứng)

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi