Quản lý hệ thống không gian xanh và một số gợi ý về tổ chức cây xanh công cộng, sân vườn, cây xanh đường phố và mặt nước theo hướng thành phố “xanh - thông minh - hiện đại” đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội

Quản lý hệ thống không gian xanh và một số gợi ý về tổ chức cây xanh công cộng, sân vườn, cây xanh đường phố và mặt nước theo hướng thành phố “xanh - thông minh - hiện đại” đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội

(Vietnamarchi) - Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội xác định mục tiêu tổng quát: đến năm 2025 - phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; đến năm 2030 - trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; đến năm 2045 - thành phố phát triển toàn diện bền vững. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là: “tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị theo hướng thông minh, xanh và bền vững”. Như vậy, Nghị quyết này đã xác định: “đô thị xanh” mới là bước khởi đầu để Hà Nội hướng tới trở thành “thành phố xanh” và “thành phố phát triển toàn diện bền vững”.
15:39, 06/06/2024

Quản lý hệ thống không gian xanh (KGX) trong các thành phố lớn như Hà Nội giai đoạn từ nay đến năm 2030 cần được tiếp cận bao quát toàn diện hơn, không chỉ là quản lý KGX đô thị, mà còn là quản lý KGX toàn vùng thành phố. Chủ thể và khách thể của quản lý không chỉ giới hạn đối với các KGX phục vụ nhu cầu của cư dân tại khu vực đô thị, mà còn phục vụ cả các nhu cầu của cư dân tại khu vực nông thôn, vùng sinh sống và làm việc của cộng đồng dân cư, hoạt động chủ yếu là sản xuất nông nghiệp gắn với các cánh đồng, rừng sinh thái, các bãi bồi và mặt nước sông, hồ, đầm (vùng đất thấp trũng) nhằm duy trì, nuôi dưỡng hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học với các thảm thực vật và hệ động vật, góp phần trọng yếu nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện môi trường sống của cộng đồng dân cư toàn thành phố an toàn, xanh, sạch, đẹp, thông minh và phát triển toàn diện bền vững.

Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị và các Quyết định của UBND Thành phố (từ năm 2014 đến nay) về quy hoạch, về quản lý cây xanh, công viên, vườn hoa và sông hồ tại khu vực đô thị, cụ thể hóa Quy hoạch chung (QHC) 1259 (bao gồm: đô thị trung tâm, 05 đô thị vệ tinh, 3 thị trấn sinh thái, 11 thị trấn thuộc huyện) đã xác định cụ thể về: diện tích (ha), tỷ lệ (%), chỉ tiêu (m2/ng), mạng lưới cây xanh đường phố, công viên, vườn hoa, sông hồ và các tiêu chí lựa chọn loại cây đô thị (đặc tính, gợi ý các loại cây) phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Hà Nội. Trong bối cảnh mới, thống nhất quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn tại dự thảo Luật quy hoạch đô thị và nông thôn năm 2024 (đang trình Quốc hội xem xét) đã đặt ra yêu cầu mới về quản lý toàn diện không gian, kiến trúc cảnh quan và công viên, cây xanh, mặt nước trong phạm vi địa giới hành chính toàn thành phố, không chỉ trong phạm vi khu vực đô thị theo QHC 1259 như giai đoạn trước đây.

Bài viết với mục đích mang đến cái nhìn tổng quan về quản lý hệ thống không gian xanh và một số gợi ý về tổ chức cây xanh công cộng, sân vườn, cây xanh đường phố và mặt nước theo hướng thành phố “xanh - thông minh - hiện đại” đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Một số khái niệm

Đô thị xanh: theo các tiêu chí đô thị xanh áp dụng tại EU, đô thị xanh bao gồm không gian xanh, công trình xanh, giao thông xanh, công nghiệp xanh, chất lượng môi trường xanh, bảo tồn cảnh quan văn hóa lịch sử danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên và cộng đồng dân cư sống thân thiện với môi trường. Hiện nay, khái niệm và nhận thức về đô thị xanh tại Việt Nam còn đang tiếp tục được nghiên cứu và đã có một số đề xuất ban đầu.

Hệ thống không gian xanh trong thành phố: là một bộ phận của không gian thành phố theo định hướng QHC Thủ đô, bao gồm không gian xanh tự nhiên, không gian xanh bán tự nhiên, không gian xanh nhân tạo và mối quan hệ giữa chúng với nhau, được bố trí trong cấu trúc không gian nhằm góp phần trọng yếu để nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện môi trường sống của cộng đồng dân cư toàn thành phố và được phân thành:

Cây xanh đô thị, là cây xanh sử dụng công cộng, cây xanh sử dụng hạn chế và cây xanh chuyên dụng trong đô thị;

Hành lang xanh nông thôn, là cây xanh sử dụng chủ yếu để sản xuất nông nghiệp, duy trì và nuôi dưỡng hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học.

Quản lý hệ thống không gian xanh trong thành phố: là quản lý nhà nước thuộc đa ngành lĩnh vực để đảm bảo các mục tiêu quản lý KGX trong thành phố, bao gồm các ngành lĩnh vực và các mối quan hệ quản lý chủ chốt về: xây dựng; nông nghiệp và phát triển nông thôn; quy hoạch và kiến trúc; đất đai, tài nguyên và môi trường; đầu tư; về quản lý khai thác và sử dụng KGX tại khu vực đô thị và nông thôn, trong đó:

Quản lý cây xanh đô thị, bao gồm các lĩnh vực: quy hoạch, trồng, chăm sóc, ươm cây, bảo vệ và chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị;

Quản lý hành lang xanh nông thôn, bao gồm các lĩnh vực: quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn (nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thuỷ sản, thuỷ lợi và phát triển nông thôn).

Một số vấn đề từ thực tiễn quản lý

- Hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ theo quy hoạch là tiêu chí hợp phần quan trọng để Hà Nội đạt mục tiêu xây dựng “đô thị xanh”, song đến nay chưa đạt yêu cầu:

Quỹ đất dành cho phát triển cây xanh công cộng phục vụ cho đô thị, cơ bản được xác định theo Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ, Quyết định số 1495/QĐ-UBND ngày 18/3/2014 của UBND Thành phố. Theo báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của UBND Thành phố và Sở Xây dựng Hà Nội, số lượng các công viên đã triển khai và hoàn thành theo quy hoạch như sau:

Bảng 1. Thống kê các công viên đã triển khai và hoàn thành theo quy hoạch

Bảng thống kê cho thấy, tại khu vực đô thị, số lượng các công viên đã triển khai và hoàn thành theo quy hoạch đến năm 2021 mới đạt 07/25 công viên theo Quy hoạch 1495/QĐ-UBND (đạt khoảng 30%).

Qua khảo sát diễn biến đầu tư xây dựng công viên, vườn hoa trong giai đoạn sau khi phê duyệt QHC 1259 (từ năm 2011 đến nay), trên địa bàn từng nhóm các quận, huyện theo vị trí như sau:

Các quận Nhóm 1: là các quận thuộc nội đô lịch sử gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng.

Các quận Nhóm 2: là các quận được thành lập sau khi phê duyệt đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 (QHC 108) gồm các quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Long Biên.

Các quận Nhóm 3: là các quận được thành lập sau khi sáp nhập tỉnh Hà Tây gồm các quận Hà Đông, giai đoạn 2021 bao gồm cả Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm.

Các huyện phía Bắc: Mê Linh, Đông Anh.

Các huyện phía Đông: Gia Lâm.

Các huyện phía Nam: Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín.

Các huyện phía Tây: Đan Phượng, Hoài Đức.

 

Biểu đồ 1. Diễn biến đất xây dựng công viên vườn hoa theo địa bàn nhóm quận, huyện giai đoạn 2012-2021

Biểu đồ cho thấy, tại khu vực đô thị, tổng diện tích đất cải tạo và phát triển mới các công viên vườn hoa đến năm 2021 đạt khoảng 388ha/947ha nhu cầu đến năm 2030 theo QH 1495/QĐ-UBND (đạt khoảng 40%).

Đối với nhóm huyện phía Đông và phía Nam (Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín) gần như không được đầu tư xây dựng hệ thống công viên tập trung tại các khu vực nằm trong khu vực phát triển đô thị của thành phố trung tâm và tính chất, chức năng sử dụng đất chủ yếu là đất nông nghiệp (bên ngoài các thị trấn huyện lỵ).

Trong giai đoạn hiện nay (đã qua 2/3 kỳ quy hoạch), việc đầu tư xây dựng hệ thống công viên, vườn hoa chủ yếu được tập trung tại các quận Nhóm 2, do đây là khu vực phát triển đô thị mạnh với các khu đô thị mới sau QHC 108 (1998), hệ thống hạ tầng giao thông phát triển, các công trình trọng điểm quốc gia và thành phố cũng được xây dựng mới tại khu vực này. Đối với các quận Nhóm 3, cơ bản không được đầu tư và phát triển thêm diện tích đất công viên, vườn hoa.

Trong phạm vi khu vực đô thị theo QHC 1259 (bao gồm: đô thị trung tâm, 05 đô thị vệ tinh, 3 thị trấn sinh thái, 11 thị trấn thuộc huyện), mạng lưới cây xanh đường phố, công viên, vườn hoa, sông hồ phân bố rải rác với quy mô nhỏ và chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Tại các khu vực đô thị (đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái, thị trấn thuộc huyện) xa trung tâm hầu như không được đầu tư và phát triển thêm diện tích đất công viên đạt quy mô cấp đô thị, chỉ có một số ít có bố trí khu vườn hoa, khu vui chơi cho trẻ em với quy mô rất nhỏ. Theo đề xuất, kiến nghị bổ sung chức năng mới vào không gian kiến trúc, cảnh quan công cộng của địa phương, hiện rất thiếu sân chơi, sân thể thao (70-76%), đường dạo (58,8%-77,5%) tại khu vực nông thôn.

Biểu đồ 2. Đề xuất, kiến nghị bổ sung chức năng mới vào không gian kiến trúc, cảnh quan công cộng của địa phương (Nguồn: Đề tài “Quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan các huyện của thành phố Hà Nội – Thực trạng và giải pháp” – LHS. 2023)

Hà Nội có số lượng ao hồ nhiều, diện tích ao hồ lớn so với các đô thị trong cả nước. Hiện nay trên địa bàn 12 quận (đô thị trung tâm) có khoảng 111 hồ, ao với tổng diện tích khoảng 1.146ha. Trong số đó mới có 46/111 hồ được cải tạo. Tỷ lệ diện tích hồ trong khu vực nội thành đạt khoảng 8,62% tổng diện tích đất đô thị. Tại khu vực ngoại thành, phần lớn là đất canh tác nông nghiệp, địa hình trũng thấp nên rất nhiều hồ, ao. Mạng lưới sông chính bao gồm: sông Hồng, sông Đuống, sông Nhuệ, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét,… trong đó sông Hồng là con sông lớn, có chức năng phục vụ giao thông thủy, cung cấp nước và phù sa cho nông nghiệp, tiêu thoát nước và cải thiện vi khí hậu cho thành phố. Mặc dù có nhiều sông, nhưng tất cả những con sông nêu trên đều chưa đóng vai trò là hành lang cảnh quan, không gian công cộng hay công viên ven sông phục vụ người dân Thủ đô.

Như vậy, hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ theo quy hoạch về diện tích (ha), tỷ lệ (%), chỉ tiêu (m2/người), mạng lưới cây xanh đường phố, công viên, vườn hoa - là tiêu chí hợp phần quan trọng để Hà Nội đạt mục tiêu xây dựng “đô thị xanh” đến nay đã trải qua 2/3 chặng đường, song mới hoàn thành khoảng 1/3 khối lượng yêu cầu so với mục tiêu QH 1495/QĐ-UBND đề ra.

Giai đoạn từ nay đến năm 2030, Hà Nội vẫn cần hướng tới mục tiêu trở thành “thành phố xanh”, đặt ra các yêu cầu mới về quản lý hệ thống không gian xanh trong phạm vi địa giới hành chính toàn thành phố

Hiện nay, có đã có nhiều nghiên cứu đề xuất về mô hình, chính sách quản lý không gian xanh đô thị. Hệ thống không gian xanh trong thành phố lớn như Hà Nội, mới được đề cập đến quản lý không gian xanh trong khu vực nội thành, nội thị. Đối với khu vực ngoại thành, ngoại thị, các không gian chức năng còn mang tính trừu tượng và định tính, ví dụ như các không gian: “hành lang xanh”, “vành đai xanh”, “nêm xanh” theo định hướng QHC 1259 (chiếm tỷ lệ 70% diện tích tự nhiên thành phố). Mối quan hệ giữa các ngành lĩnh vực và các mối quan hệ quản lý chủ chốt cần tiếp tục được nghiên cứu, xác định rõ ràng trong các chương trình và kế hoạch của Thành phố, làm cơ sở cho các ngành lĩnh vực quản lý đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ.

Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị và các Quyết định của UBND thành phố Hà Nội (từ năm 2014 đến nay) về quy hoạch, về quản lý cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ xác định khá đầy đủ về quản lý không gian xanh đô thị - trong phạm vi khu vực đô thị theo QHC 1259 (bao gồm: đô thị trung tâm, 05 đô thị vệ tinh, 3 thị trấn sinh thái, 11 thị trấn thuộc huyện) do Sở Xây dựng là cơ quan đầu mối tham mưu đề xuất. Đối với khu vực nông thôn (ngoại thành, ngoại thị), “Hành lang xanh” là khu vực đặc thù ở địa phương, song quy hoạch còn định tính và chưa xác định rõ về mục tiêu quản lý, về tính chất, chức năng và do nhiều cơ quan chuyên môn cùng tham mưu đề xuất quản lý, như: Sở Xây dựng; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND cấp huyện,…

Biểu đồ 3. Những nội dung, khu vực đặc thù ở địa phương cần tăng cường quản lý (Nguồn: Đề tài “Quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan các huyện của thành phố Hà Nội – Thực trạng và giải pháp” – LHS. 2023)

Quản lý HTKGX thành phố Hà Nội thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần trọng yếu nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống của cộng đồng dân cư đảm bảo an toàn, xanh, sạch, đẹp, văn minh, giữ gìn bản sắc, tiến tới thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và đô thị theo hướng phát triển bền vững.

Quản lý HTKGX thành phố Hà Nội phải đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và tuân thủ các quy hoạch, chương trình, kế hoạch trong phạm vi địa giới hành chính toàn thành phố. Đảm bảo việc phát triển mới phải song hành với việc giữ gìn, bảo tồn và phát triển các giá trị truyền thống về tổ chức cảnh quan làng xóm, bảo tồn văn hóa bản sắc của các khu vực. Hoạt động khai thác HTKGX thành phố Hà Nội phải hợp lý và có hiệu quả trong phục vụ cộng đồng, đảm bảo giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Quản lý HTKGX thành phố Hà Nội cần phải tính đến các đặc điểm, đặc thù của từng khu vực, phong tục tập quán, văn hóa truyền thống. Mỗi KGX khác nhau cần giải pháp thiết kế khác nhau tương ứng.

Quản lý HTKGX thành phố Hà Nội là sự nghiệp của toàn xã hội, ngoài chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của chính quyền và các cơ quan chức năng nhà nước, cần khai thác, huy động và phát huy được mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế, của các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư vào công tác giữ gìn, bảo tồn và phát triển cũng như quản lý HTKGX.

Quản lý HTKGX thành phố, là toàn bộ quá trình có liên quan tới sự hình thành, biến đổi và phát triển của các chủ thể/khách thể nhằm đạt được các mục tiêu, tiêu chí quản lý theo từng giai đoạn và bao gồm 05 hoạt động chính: (1) Xác định mục tiêu quản lý đảm bảo tính toàn diện và nhất quán; (2) Xây dựng và ban hành các chương trình, kế hoạch; (3) Thiết lập các công cụ và quy định liên quan đến các hoạt động; (4) Thiết lập bộ máy quản lý các cấp; (5) Tổ chức thực hiện quản lý.

Một số giải pháp quy hoạch và thiết kế cảnh quan

Quản lý phân vùng HTKGX trong Quy hoạch chung Thủ đô

Về tổng thể hệ thống không gian xanh của thành phố Hà nội có thể phân ra 03 khu vực chính: Khu vực đô thị (nội thành, nội thị); Khu vực nông thôn (ngoại thành, ngoại thị); Khu vực giáp ranh đô thị và nông thôn (ven đô). Tương ứng với mỗi khu vực cần có những quy định khác nhau về quản lý HTKGX.

Quản lý phân vùng và khung cảnh quan trong Quy hoạch chung huyện

Nội dung này nhằm xác định các vùng cảnh quan trên địa bàn huyện, các đặc trưng cảnh quan của vùng, xác định các trục, tuyến cảnh quan, các khu vực tạo đặc trưng cảnh quan cần thiết lập. Đây cũng là nội dung nếu giải quyết được trong đồ án QHC huyện sẽ góp phần đáp ứng yêu cầu của luật Kiến trúc với việc gìn giữ bản sắc kiến trúc, cảnh quan. Đồng thời cũng đáp ứng Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 07/02/2023 của TTg về việc định hướng phát triển QH kiến trúc NT Việt Nam, tạo bản sắc giữ gìn kiến trúc truyền thống. Cụ thể quy hoạch và quản lý hệ thống “hành lang xanh” nông thôn.

Đề xuất phân vùng cảnh quan đi cùng với phân chia các tiểu vùng của vùng huyện

Để việc kiểm soát đặc trưng cảnh quan được cụ thể cần chia các phân vùng cảnh quan ở các tiểu vùng. Ngoài 2 vùng khác biệt cơ bản là đô thị và nông thôn còn cần phân chia cụ thể hơn. Có thể chia theo điều kiện địa hình tự nhiên sông, hồ hoặc trồng trọt. Ví dụ: vùng cảnh quan ven sông Đáy, sông Nhuệ, sông Hồng; vùng cảnh quan đặc trưng gò đồi, đồng bằng; vùng cảnh quan đồng ruộng, rừng, cây trồng lâu năm.

Xác định các yếu tố để tạo lập đặc trưng cảnh quan trong vùng như quy định các tuyến tầm nhìn ra các vùng cảnh quan đặc trưng; quy định việc trồng cây xanh dọc theo sông, kênh, ngòi, khu vực hồ nước; quy định tạo lập các công viên chuyên đề như công viên sinh thái, công viên nông nghiệp…Các minh họa và các chỉ tiêu cụ thể để kiểm soát được đặc trưng cảnh quan trong tiểu vùng.

Xác định các biện pháp bảo vệ đặc trưng cảnh quan của vùng do sự phát triển mới của các chức năng như cụm, khu công nghiệp…, cần tạo tuyến cây xanh bao bọc để hạn chế tầm nhìn, bảo vệ đặc trưng cảnh quan vùng.

Cần chú ý đề xuất chỉ tiêu, giải pháp kiểm soát tại khu vực “Hành lang xanh”: Diện tích cây xanh thuần, công viên, rừng bảo tồn, khu bảo tồn sinh học; Mặt cắt ngang điển hình của tuyến cây xanh dọc các kênh nước, ven sông; Tầm nhìn ra vùng cảnh quan đặc trưng, chiều dài tối thiểu của tuyến quan sát dọc đường giao thông chính.

Việc thiết lập khung cảnh quan vùng huyện phải gắn với mục tiêu phát triển xanh, trong đó việc tiến tới xây dựng hạ tầng xanh, gắn kết với tự nhiên, phục hồi môi trường sinh thái tự nhiên.

Không gian kiến trúc, cảnh quan công cộng tại khu vực “Hành lang xanh” xóm Chùa, Đồng Dầu, xã Dục Tú, huyện Đông Anh

Nhận diện và phân loại các không gian xanh

Theo các điều kiện tự nhiên (về khí hậu, địa hình, địa chất, thủy văn,...).

Theo các phương diện giá trị về lịch sử, văn hóa, du lịch, nghỉ ngơi giải trí.

Theo các yếu tố có giá trị sử dụng (thường xuyên hàng ngày, không thường xuyên; theo diện - tuyến - điểm; theo chủ đề,...).

Theo đặc điểm về môi trường sinh thái: (1) KGX tự nhiên; (2) KGX bán tự nhiên; (3) Không gian xanh nhân tạo.

Theo chức năng, mục đích sử dụng và các quy định pháp luật khác về đất đai, tài nguyên, môi trường,...

Bổ sung và hoàn thiện cơ sở pháp lý và công cụ về quy hoạch xây dựng và quản lý HTKGX

Hệ thống pháp lý về quy hoạch đô thị và nông thôn cũng như quản lý HTKGX cần bổ sung và hoàn thiện, đặc biệt là các khái niệm, các thuật ngữ sử dụng trong các quy hoạch khu vực hành lang xanh nông thôn (ngoại thành, ngoại thị).

Ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết về nội dung và mức độ thiết kế HTKGX trong các quy hoạch chung xây dựng huyện, quy hoạch chung xã và quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn để làm rõ nội dung và yêu cầu quản lý HTKGX trong các cấp độ quy hoạch đó.

Ban hành quy định về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan khu vực nông thôn, trong đó cần làm rõ các khái niệm, các thuật ngữ về: cảnh quan, kiến trúc cảnh quan, không gian kiến trúc cảnh quan và không gian xanh, thiết kế cảnh quan,...trong các văn bản về quy hoạch đô thị và nông thôn.

Bổ sung xây dựng và ban hành các quy định tiêu chí, tiêu chuẩn và quản lý HTKGX trên phạm vi địa giới hành chính toàn thành phố. Khuyến khích các mô hình mới về HTKGX, như: hạ tầng xanh, nông nghiệp đô thị,.... Bảo tồn và phát huy giá trị, tính ưu việt của “vành đai xanh”, “hành lang xanh”, “nêm xanh” cũng như các yêu cầu và thiết chế cụ thể, nhằm bảo vệ đất đai dành cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tôn trọng tính đặc thù, khác biệt về HTKGX nhằm hướng tới các giá trị riêng giữa Quản lý cây xanh đô thị với Quản lý hành lang xanh nông thôn.

Xác định rõ chỉ tiêu diện tích HTKGX toàn thành phố

Xác định rõ chỉ tiêu diện tích đất cây xanh bình quân đầu người toàn đô thị; diện tích đất “hành lang xanh”, “vành đai xanh”, “nêm xanh” toàn thành phố được xác định theo các quy hoạch đô thị và nông thôn, lộ trình triển khai xây dựng (gồm: khu hiện có hạn chế phát triển; khu cần bảo tồn, tôn tạo; khu chỉnh trang, cải tạo; khu phát triển mới, khu vực dự kiến mở rộng các quận, thành lập mới phường, quận,...).

Bổ sung các quy định đối với HTKGX trong các đồ án quy hoạch đô thị và nông thôn, thiết lập công cụ để quản lý và triển khai thực hiện theo quy hoạch.

Xác định cụ thể mật độ xây dựng gộp (Brutto), giao thông và hạ tầng chính trong các quy hoạch chi tiết và quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn, đặc biệt là khu vực giáp ranh đô thị và nông thôn (ven đô) cần triển khai sớm để tránh xây dựng tự phát, không đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh môi trường, PCCC,...trong các khu dân cư.

Phát huy vai trò và sự tham gia của cộng đồng trong quá trình quản lý HTKGX

Quản lý HTKGX là hoạt động quản lý liên ngành có sự phối hợp của nhiều chủ thể có quan hệ mật thiết với nhau, cùng tham gia vào phát triển, giữ gìn và bảo tồn các giá trị HTKGX. Trong các chủ thể đó cộng đồng dân cư có vai trò quan trọng. Họ vừa là chủ sở hữu (chủ đầu tư) vừa là người sử dụng, vừa là chủ thể vừa là khách thể quản lý. Họ có vai trò quan trọng trong quá trình kiến tạo, bảo tồn và khai thác sử dụng HTKGX, do đó cần khai thác và phát huy vai trò của cộng đồng trong các chính sách, cơ chế và hoạt động quản lý và phát triển HTKGX tại khu vực đô thị và nông thôn.

Sự tham gia của cộng đồng dân cư thể hiện ở mọi phương diện trí lực (trí tuệ), tài lực (tài chính), nhân lực (lao động) và vật lực (vật tư, vật liệu xây dựng v.v.) và tập trung vào các lĩnh vực sau: Quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn; Quản lý xây dựng, quản lý HTKGX theo quy hoạch; Đầu tư cơ sở hạ tầng và cấp dịch vụ tại đô thị và nông thôn; Quản lý khai thác và sử dụng HTKGX.

Một số gợi ý về tổ chức cây xanh công cộng, sân vườn, cây xanh đường phố và mặt nước theo hướng thành phố “xanh - thông minh - hiện đại” đến năm 2030

Tập trung đối với những khu vực còn thiếu và yếu về HTKGX:

Hà Nội cần rà soát, chỉnh sửa, bổ sung ngay đối với Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để bao quát toàn bộ phạm vi địa giới hành chính toàn thành phố. Đặc biệt cần bổ sung về HTKGX đối với khu vực nông thôn (ngoại thành, ngoại thị) nhằm:

(1) Tạo lập các vùng đất trống và duy trì cảnh quan nông thôn xung quanh đô thị ở cấp độ Quy hoạch chung xây dựng huyện. Vành đai xanh nhằm kiểm soát có hiệu quả việc xây dựng, hạn chế xu hướng phát triển mở rộng đô thị trung tâm hoặc ngăn chặn sự hợp nhất, dính kết các mảnh đô thị xung quanh đô thị trung tâm.

(2) Bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ các đặc điểm riêng mang tính bản địa về lịch sử, văn hoá, môi trường nông thôn; đồng thời cung ứng các dịch vụ du lịch và nghỉ ngơi, giải trí cuối tuần trong phạm vi không gian hợp lý; bảo tồn các khu đất nông nghiệp đặc sản có giá trị cao.

(3) Khuyến khích nhà phát triển tái sử dụng đất đô thị đang bị để hoang; thúc đẩy phát triển các đô thị nén, đô thị nhỏ gọn; đảm bảo đồng bộ về hạ tầng trong hành lang xanh; khuyến khích đi bộ và xe đạp trong cả khu vực đô thị (nội thành, nội thị) và các khu vực nông thôn (ngoại thành, ngoại thị).

(4) Hạ tầng cảnh quan tiếp cận từ các phân tích yếu tố tự nhiên của hệ sinh thái đô thị và nông thôn, dựa vào các dữ liệu đầu vào gồm: điều kiện sinh học và phi sinh học (khí hậu, địa hình, gió, nước, đất, cao độ, động thực vật), điều kiện kinh tế xã hội (nhân khẩu, mật độ dân số, phát triển ngành nghề kinh tế, mô hình tiêu thụ), bối cảnh môi trường (môi trường sống, sự suy thoái và phân mảnh tự nhiên, khai thác tài nguyên quá mức, ô nhiễm nguồn nước và không khí,...). Các dịch vụ được cung ứng từ HTKGX tại khu vực nông thôn (ngoại thành, ngoại thị) là:

(i) Dịch vụ cung cấp nhu cầu: sản xuất nông lâm nghiệp; thực phẩm và dinh dưỡng cho cư dân, nước sạch, gỗ, nguồn gen, dược liệu, nhiên liệu, vật liệu trang trí trong công nghiệp và xây dựng,

(ii) Dịch vụ điều tiết: lọc/làm trong nước, điều hoà nước/quản lý nước mưa và bảo vệ thiên tai, điều hoà xói mòn, điều hoà khí hậu, điều hoà thành phần khí quyển, thụ phấn cho cây, kiểm soát sinh học, phân huỷ chất thải, kiểm soát chất gây ô nhiễm, duy trì chu kì dinh dưỡng, chế độ phì nhiêu của đất,…

(iii) Dịch vụ văn hoá, tinh thần: giá trị tôn giáo, giá trị thẩm mỹ, giải trí du lịch, kiến thức giáo dục và kiến thức về môi trường thiên nhiên.

Hoàn thiện cấu trúc HTKGX đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí “đô thị xanh”, “thành phố xanh”

Hà Nội là vùng đô thị lớn được cấu thành bởi 2 khu vực lớn: nội thành và ngoại thành. Không gian đô thị có xu hướng lan rộng nhanh, thu hẹp quy mô diện tích khu vực hành lang xanh nông thôn. HTKGX rời rạc, thiếu tính kết nối đồng bộ hạ tầng. Do vậy để hoàn thiện cấu trúc HTKGX đồng bộ, cần thay đổi tư duy tiếp cận đối với HTKGX toàn thành phố (thành phố xanh) nhằm bao quát và toàn diện hơn đối với tư duy tiếp cận HTKGX đô thị (đô thị xanh).

Đối với Bộ Xây dựng, cần sớm xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí đối với “thành phố xanh”, trong đó cần sớm bổ sung nội hàm về quy hoạch phát triển đối với khu vực nông thôn (ngoại thành, ngoại thị) trong phạm vi địa giới hành chính thành phố.

Đối với UBND thành phố Hà Nội, cần xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù quản lý phát triển hành lang xanh, vành đai xanh, nêm xanh dựa trên các đặc trưng về hệ sinh thái và cảnh quan đô thị và nông thôn.

Kết luận

Hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ theo quy hoạch - là tiêu chí hợp phần quan trọng để Thành phố đạt mục tiêu xây dựng “đô thị xanh”, song đến nay chưa đạt yêu cầu đề ra theo Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội.

Giai đoạn từ nay đến năm 2030, Hà Nội hướng tới hai mục tiêu: xây dựng “đô thị xanh” và trở thành “thành phố xanh” (cùng với các xu hướng mới, như: tăng trưởng xanh, đô thị thông minh bền vững,…) đặt ra các yêu cầu, nhận thức đầy đủ về quản lý HTKGX trong phạm vi địa giới hành chính toàn thành phố.

Để hoàn thiện cấu trúc HTKGX đồng bộ và đảm bảo tính bền vững, việc thay đổi tư duy nhận thức quản lý từ HTKGX đô thị (đô thị xanh) sang HTKGX toàn thành phố (thành phố xanh) là quan trọng, trong đó:

(1) Mục tiêu quản lý đảm bảo tính toàn diện và nhất quán, tái khẳng định giá trị của các không gian xanh: hành lang xanh, vành đai xanh, nêm xanh theo QHC 1259. Đảm bảo ổn định cấu trúc HTKGX, tránh suy giảm lớn quy mô diện tích KGX chính là tiền đề cho Hà Nội phát triển đến năm 2065 trở thành Thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

(2) Xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, tiêu chí đối với “đô thị xanh” và “thành phố xanh” làm cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện, trong đó cần sớm bổ sung quy định về quản lý hành lang xanh nông thôn trên địa bàn thành phố.

(3) Xây dựng và ban hành các chương trình, kế hoạch và cơ chế, chính sách đặc thù quản lý phát triển “hành lang xanh”, “vành đai xanh”, “nêm xanh” dựa trên các đặc trưng về hệ sinh thái và cảnh quan ngay sau khi đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được cấp thẩm quyền phê duyệt.

(4) Bổ sung nghiên cứu, lựa chọn loài cây xanh phù hợp tại khu vực hành lang xanh nông thôn (điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 1495/QĐ-UBND ngày 18/3/2014 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050)./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1)    Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội

2)    Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

3)    Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065;

4)    Thuyết minh báo cáo rà soát tiêu chí phân loại đô thị thành phố Hà Nội (Sở Quy hoạch – Kiến trúc);

5)    Đề tài: “Quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan các huyện của thành phố Hà Nội – Thực trạng và giải pháp” (Chủ nhiệm đề tài: Ths. KTS. Lã Hồng Sơn, Sở Quy hoạch – Kiến trúc).

 

Pháp lý xây dựng

Bắc Giang: Phát triển quy hoạch vùng sản xuất góp phần xây dựng NTM bền vững

Bắc Giang, một tỉnh nằm ở phía Bắc Việt Nam, được biết đến với nền nông nghiệp phát triển mạnh mẽ và đa dạng. Với lợi thế về đất đai, khí hậu và nguồn nhân lực, tỉnh Bắc Giang đã xác định việc quy hoạch phát triển vùng chuyên canh là một trong những chiến lược quan trọng nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế hướng tới xây dựng Nông thôn mới bền vững.

Chuyển đổi xanh trong công trình xây dựng từ định hướng đến các giải pháp Kiến trúc cho công trình

Chuyển đổi xanh trong công trình xây dựng luôn là một trong những vấn đề quan trọng và cấp thiết. Bởi lẽ, điều này giúp thúc đẩy sử dụng bền vững và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên theo tinh thần nương nhờ, tạo ra môi trường bên trong và bên ngoài an toàn, tiện nghi, bảo vệ sức khỏe cho con người góp phần bảo tồn phát huy văn hóa bản địa và hội nhập tiên tiến trên tinh thần không hòa tan… Do đó, tại phiên toàn thể Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2024 được diễn ra vừa qua tại TP. Hà Nội. TS. KTS Phan Đăng Sơn - Chủ tịch Hội KTS Việt Nam đã có bài tham luận trình bày rõ về chủ đề này.

Phát triển công trình xanh - Giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu

Bài viết đề cập đến sự cần thiết của việc phát triển công trình xanh tại Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến ngày một phúc tạp, khó lường. Từ những đánh giá về hiệu quả nhiều mặt của công trình xanh, có thể thấy việc xây dựng và phát triển công trình xanh không chỉ để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh của Việt Nam, mà còn đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Bài viết đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm phát triển công trình xanh, từ đó góp phần quan trọng vào Chiến lược phát triển kiến trúc Việt Nam, cũng như chiến lược “xanh hoá” ngành Xây dựng, chuyển đổi thị trường xây dựng theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường.

Phát triển các tòa nhà trung hòa carbon gắn với xu hướng kiến trúc xanh tại các đô thị ven biển

Việc phát triển tòa nhà trung hòa CO2 gắn với xu hướng kiến trúc xanh (KTX) sẽ đạt được mục tiêu kép, đưa xu hướng KTX có động lực phát triển cụ thể hơn, đó là việc góp phần vào sự thành công của các chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (cam kết mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050).

Thúc đẩy phát triển Công trình xanh tại Việt Nam: Kinh nghiệm và giải pháp

Ngày 26/9, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Tuần lễ Công trình xanh (CTX) Việt Nam 2024, Bộ Xây dựng phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội (TP Hà Nội) đồng chủ trì tổ chức “Diễn đàn thúc đẩy phát triển CTX tại Việt Nam: Kinh nghiệm và giải pháp”.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi