Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng Nông thôn mới Lợi ích kép
XÁC ĐỊNH NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
Ngày 22/2/2022, Thủ tướng chính phủ đã có quyết định số 263/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trong đó phát triển du lịch nông thôn nói chung, phát triển du lịch cộng đồng nói riêng là một trong những nội dung quan trọng. Xây dựng Nông thôn mới gắn với phát triển du lịch nông thôn, trọng tâm là phát triển du lịch cộng đồng là định hướng đúng đắn, đây là cơ hội, tiềm năng để phát triển du lịch, đồng thời tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường góp phần xây dựng Nông thôn mới bền vững, hoàn thành mục tiêu kép trong xây dựng Nông thôn mới.
Ngay sau khi Chương trình được phê duyệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các địa phương chủ động nghiên cứu, rà soát tiềm năng về du lịch nông thôn, đăng ký triển khai các mô hình thí điểm thuộc Chương trình, xây dựng Đề án/Kế hoạch triển khai Chương trình trên cơ sở phát huy và khơi dậy tiềm năng tài nguyên nông nghiệp, nông thôn, giá trị cảnh quan, làng nghề, ẩm thực, văn hóa đa dạng...
Đến nay, đã có 47/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành Đề án/Kế hoạch triển khai phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng Nông thôn mới; 20 mô hình thí điểm thuộc Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng Nông thôn mới cho 20/20 tỉnh được phê duyệt.
Việc đưa sản phẩm du lịch gắn với chương trình OCOP trong xây dựng Nông thôn mới là hướng đi đúng đắn, nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng nông thôn, phát triển sản phẩm nông nghiệp và nâng cao giá trị những sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề trở thành một sản phẩm của du lịch. Những làng chài ven biển, những làng chuyên canh rau, chuyên canh hoa, làng nghề truyền thống, làng văn hóa các đồng bào dân tộc… đều có thể trở thành điểm đến thu hút khách du lịch.
Cụ thể, tại Lào Cai, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt chương trình phát triển du lịch gắn với xây dựng Nông thôn mới, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành các Kế hoạch thực hiện Chương trình du lịch nông thôn trong xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Mục tiêu là phát triển, chuẩn hoá các điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn; đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; xây dựng mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn mang tính đặc trưng của địa phương; bồi dưỡng, tập huấn quản lý du lịch và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch…
Hiện nay, Lào Cai đang triển khai 08 mô hình thí điểm cấp tỉnh về du lịch cộng đồng gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn; trong đó 01 mô hình cấp tỉnh chủ trì, 07 mô hình do đơn vị cấp huyện chủ trì. Trong giai đoạn 2022-2025, tỉnh Lào Cai được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt thực hiện 01 mô hình thí điểm “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc Tày trên địa bàn xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên”.
Ông Đỗ Xuân Thuỷ, Phó Chánh Văn phòng Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Lào Cai cho biết: “Tỉnh Lào Cai quy hoạch, định hướng phát triển sản phẩm du lịch theo hướng bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan thiên nhiên; bảo đảm quốc phòng - an ninh, giải quyết tốt vấn đề môi trường, lao động, việc làm, đưa ngành du lịch trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát triển các sản phẩm du lịch có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh cao, trong đó ưu tiên xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với tiềm năng thiên nhiên, văn hóa của Khu du lịch quốc gia Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, đảm bảo tính bền vững, có khả năng thu hút khách chi tiêu cao và khách trở lại nhiều lần.”
ĐÒN BẨY HOÀN THÀNH CÁC TIÊU CHÍ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Với lợi thế về cảnh quan tự nhiên, văn hóa truyền thống, các sản phẩm gắn với đặc trưng nông nghiệp vùng miền, khu vực nông thôn tiếp tục là điểm đến hấp dẫn trong chiến lược phát triển của du lịch. Đặc biệt, việc phát triển du lịch nông thôn gắn với Nông thôn mới được xem là giải pháp tối ưu, mang lại lợi ích kép đã và đang được các ngành, địa phương hướng đến.
Tại Hà Giang, những năm qua, địa phương này luôn xác định phát huy du lịch nông thôn sẽ khơi dậy tiềm năng, lợi thế của khu vực nông thôn vừa gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế vùng nông thôn, xây dựng Nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Trên địa bàn tỉnh có 35 làng văn hóa du lịch cộng đồng, trong đó 16 làng đã được UBND tỉnh công nhận hoàn thành các tiêu chí xây dựng làng văn hóa du lịch tiêu biểu. Các sản phẩm du lịch cộng đồng đang được thực hiện xây dựng theo mô hình “Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Các điểm du lịch ở Hà Giang còn gắn với các làng nghề truyền thống như: HTX dệt lanh Lùng Tám, HTX thêu dệt vải thổ cẩm Lô Lô thôn Sảng Pả A, HTX đan quẩy tấu thôn Cá Chúa Đớ, xã Giàng Chu Phìn; Hợp tác xã may mặc trang phục dân tộc Dao xã Sủng Máng, làng nghề đúc lưỡi cày…
Hầu hết các làng đều có tính đặc trưng gắn với các sản phẩm du lịch điển hình phù hợp với nhu cầu của du khách trong và ngoài nước. Các mô hình du lịch cộng đồng là sản phẩm du lịch thế mạnh của Hà Giang, đã thu hút đông đảo khách du lịch tham quan và lưu trú, tạo việc làm cho trên 2.000 lao động của địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, làm thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần tăng cao thu nhập cho người dân, giảm dần tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tại các làng. Thu nhập bình quân các hộ làm dịch vụ du lịch homestay tại các làng văn hóa du lịch trung bình đạt 50 đến 70 triệu đồng/năm, trong đó có những hộ đạt doanh thu gần 200 triệu đồng/năm.
Còn làng Du lịch cộng đồng Gò Cỏ ở phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Quảng Ngãi. Việc mở ra hướng đi mới trong phát triển du lịch cộng đồng đã mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân. Đến đây, ngoài việc được chiêm ngưỡng khám phá những nét văn hóa độc đáo, hấp dẫn, du khách còn được trải nghiệm các hoạt động như đan lưới, nấu ăn, làm nông dân và tham gia các trò chơi dân gian. Những nông dân nơi đây đã được học cách làm du lịch, họ biến ngôi nhà của mình thành những homestay nhỏ xinh khiến du khách thích thú…
Phát triển du lịch nông thôn gắn với Nông thôn mới đem lại lợi ích ở cả ba khía cạnh: kinh tế, xã hội và môi trường. Về mặt kinh tế, du lịch nông thôn hỗ trợ phát triển kinh tế, tăng thêm nguồn thu ngoài sản xuất nông nghiệp. Về mặt xã hội, du lịch nông thôn góp phần làm giảm áp lực cho điểm du lịch thành phố, tăng cơ hội việc làm ở khu vực nông thôn, góp phần phát triển cộng đồng, gắn kết xã hội và phục hồi, bảo tồn văn hóa. Về môi trường, góp phần bảo tồn đa dạng sinh thái, làm mới làng xã theo hướng xanh, sạch, nâng cao ý thức trách nhiệm với nông nghiệp.
Ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi cho rằng: “Việc kết hợp du lịch với phát triển nông thôn mới là lợi ích kép. Chúng ta vừa đảm bảo xây dựng Nông thôn mới, đạt 19 tiêu chí Nông thôn mới, song song đó phát huy cộng đồng dân cư về du lịch ở địa phương, làm xanh sạch môi trường. Phát huy bản sắc của địa phương, phát huy sản phẩm đặc thù của địa phương cũng như khuyến khích người dân thấy được lợi ích của mình trong xây dựng Nông thôn mới, hướng tới nông thôn hiện đại, văn minh và thu nhập tốt cho người dân.”/.
Ý kiến của bạn