Mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo nhà ở đối với người có công với cách mạng

Mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo nhà ở đối với người có công với cách mạng

(Vietnamarchi) - Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định số 21/2024/QĐ-TTg ngày 22/11/2024 về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỉ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỉ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2023 – 2025. Quyết định có hiệu lực từ ngày 9/1/2025 đến 31/12/2025.
16:22, 26/11/2024

Theo đó, về phạm vi điều chỉnh, Quyết định này quy định mức hỗ trợ để thực hiện xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2023 - 2025.

R
Hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ đối với trường hợp xây mới nhà ở và hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ đối với trường hợp cải tạo, sửa chữa nhà ở.

Về đối tượng áp dụng theo quy định của Quyết định này gồm: Hộ gia đình theo quy định tại khoản 1 Điều 99 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP hiện đang ở và có hộ khẩu thường trú tại nhà ở là nhà tạm hoặc nhà bị hư hỏng nặng (kể cả các hộ đã được hỗ trợ theo các chính sách khác trước đây, trừ những hộ gia đình đã được hỗ trợ theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở); Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

* Theo khoản 1 Điều 99 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP quy định đối tượng được hỗ trợ cải thiện nhà ở là các đối tượng được quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m tại khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 ngày 09 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ.

Tại khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh về Ưu đãi người có công với cách mạng quy định đối tượng hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng gồm:

a) Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;

b) Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;

c) Liệt sỹ;

d) Bà mẹ Việt Nam anh hùng;

đ) Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân;

e) Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;

g) Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993; người hưởng chính sách như thương binh;

h) Bệnh binh;

i) Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học;

k) Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày;

l) Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế;

m) Người có công giúp đỡ cách mạng.

Mức hỗ trợ để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở

Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) với mức sau: Hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ đối với trường hợp xây mới nhà ở; Hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ đối với trường hợp cải tạo, sửa chữa nhà ở.

Tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương

Hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện các chính sách an sinh xã hội do trung ương ban hành giai đoạn 2022 - 2025 theo nguyên tắc:

Ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương được thực hiện trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách trung ương và khả năng cân đối ngân sách từng địa phương; đồng thời yêu cầu các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện dự toán ngân sách phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Theo đó, ngân sách trung ương hỗ trợ tối đa:

a) 100% nhu cầu kinh phí tăng thêm cho các địa phương nhận bổ sung cân đối ngân sách từ ngân sách trung ương;

b) 80% nhu cầu kinh phí tăng thêm cho các địa phương có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương từ 20% trở xuống;

c) 50% nhu cầu kinh phí tăng thêm cho các địa phương có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương từ trên 20% đến 60%;

d) Các địa phương còn lại do ngân sách địa phương đảm bảo. Trường hợp cần thiết, Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Cơ sở xác định địa phương nhận bổ sung cân đối ngân sách từ ngân sách trung ương, địa phương có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương: Giai đoạn 2023 - 2025, xác định theo dự toán năm 2023 được Quốc hội quyết định.

Nguồn vốn thực hiện từ Ngân sách nhà nước, gồm: Ngân sách trung ương hỗ trợ từ nguồn vốn chi thường xuyên và nguồn vốn ngân sách địa phương hỗ trợ đối ứng và ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, tùy tình hình điều kiện thực tế, các địa phương có thể huy động các nguồn vốn hợp pháp khác (ngân sách địa phương, xã hội hoá, dòng họ...) và đóng góp của hộ gia đình được hỗ trợ để nâng cao mức hỗ trợ.

Bộ Xây dựng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện Quyết định này; Đôn đốc, kiểm tra và định kỳ tổng hợp tình hình thực hiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ; Kiến nghị, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung và biện pháp xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan phát sinh trong quá trình thực hiện để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; Tổng kết việc thực hiện Quyết định giai đoạn 2023 - 2025.

Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bố trí vốn ngân sách trung ương hỗ trợ các tỉnh, thành phố trực Thuộc trung ương theo đúng tỷ lệ và mức hỗ trợ của Quyết định này; Hướng dẫn việc quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán nguồn vốn hỗ trợ của Quyết định này; Xác định tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương của Quyết định này.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cân đối, bố trí vốn ngân sách trung ương hỗ trợ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Quyết định này.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm Tổ chức, chỉ đạo các sở ngành, cơ quan có liên quan, triển khai thực hiện theo quy định tại Điều 102 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP và Quyết định này; Bố trí nguồn vốn đối ứng theo quy định của Quyết định này; Báo cáo kết quả thực hiện định kỳ một lần vào cuối mỗi Quý gửi về Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; Tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Quyết định này trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày 31 tháng 12 năm 2025 và gửi văn bản báo cáo tổng kết về Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng kết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bài viết có bổ sung ảnh đại diện minh họa (Nguồn ảnh: Internet).

Pháp lý xây dựng

Khẩn trương hoàn thiện dự thảo 2 Nghị định quy định về đất đai, nhà ở

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa có ý kiến về dự thảo 2 Nghị định quy định chi tiết thi hành 2 Nghị quyết của Quốc hội về đất đai và nhà ở.

Bộ Xây dựng đẩy mạnh phòng, chống lãng phí nhằm khơi thông nguồn lực và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Mới đây, Bộ Xây dựng đã ban hành Công văn số 821/BXD-KHTC về việc triển khai Chỉ thị số 8/CT-TTg về đẩy mạnh phòng, chống lãng phí, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về xây dựng và giao thông vận tải

Theo đó, trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã nghiêm túc thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác, đặc biệt là xây dựng, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực xây dựng và giao thông vận tải.

Hà Nội công bố các thủ tục hành chính nội bộ giữ nguyên, được thay thế và bị bãi bỏ thuộc lĩnh vực nhà ở

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông đã ký ban hành Quyết định số 1080/QĐ-UBND về việc công bố thủ tục hành chính nội bộ giữ nguyên, thủ tục hành chính được thay thế và thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong hệ thống hành chính nhà nước thuộc lĩnh vực nhà ở thuộc phạm vi quản lý của UBND Thành phố.

Cần đảm bảo tư duy liền mạch phát triển đô thị gắn với nông thôn

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp cho ý kiến về việc hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị. Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, tư duy xây dựng Dự thảo Luật cần tiếp cận liền mạch phát triển đô thị gắn với nông thôn, "trong nông thôn có đô thị, trong đô thị có nông thôn".

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi