
Mở rộng vùng phát thải thấp hướng tới phát triển đô thị bền vững
Có thể bạn quan tâm
Đảm bảo lợi ích chính đáng của người dân gắn với mục tiêu về môi trường
Ngày 18/7, báo Dân trí phối hợp với Văn phòng UBND TP Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Chuyển đổi xe máy xăng ở nội đô: Vì một Hà Nội xanh". Đây được xem là diễn đàn, cầu nối để các cơ quan chức năng, chuyên gia và người dân cùng trao đổi, cung cấp thông tin, làm rõ những vấn đề dư luận quan tâm.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi về thực trạng, những định hướng lớn, giải pháp trong tiến trình đổi mới hệ thống giao thông đô thị Hà Nội, nhằm góp phần cải thiện tình trạng ô nhiễm, giảm ùn tắc, hướng tới giao thông đô thị hiện đại, xanh và bền vững.
Được biết, từ năm 2017, Hà Nội đã đặt ra lộ trình từng bước hạn chế hoạt động của xe máy ở một số khu vực và dừng hoạt động xe máy ở các quận cũ, theo Nghị quyết số 04 được HĐND TP Hà Nội thông qua ngày 4/7/2017. Để cụ thể hóa Nghị quyết, thành phố đã triển khai đầy đủ các quy trình thủ tục để thông qua Nghị quyết, với 16 bước, trong đó có cả lấy ý kiến người dân để ban hành.
Ngay sau Nghị quyết được ban hành, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch với 45 nhiệm vụ giải pháp tổng thể toàn diện liên quan đến tất cả các ngành, lĩnh vực của thành phố để hướng tới mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường trong từng giai đoạn.
Trong 45 nhiệm vụ, thành phố đang tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống vận tải hành khách thành phố, áp dụng khoa học công nghệ trong quản lý điều hành giao thông, nội dung quan trọng nữa là chuyển đổi phương tiện sử dụng năng lượng xanh, sạch cho thủ đô.
Để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, hiện thành phố đang dần hoàn thiện quy hoạch mở rộng diện tích về giao thông đến nay đạt khoảng 12,15% tổng diện tích, trước đó năm 2017 mới đạt diện tích 9,08% diện tích giao thông. Về mạng lưới giao thông công cộng hiện nay đã có 154 tuyến xe bus, cùng với 2 tuyến đường sắt đô thị. Ngoài ra còn có 26 tuyến bus chạy bằng năng lượng xanh, sạch và có hơn 8000/19.000 taxi đã sử dụng năng lượng sạch.
Tuy nhiên theo thống kê, hiện nay trên địa bàn Hà Nội hiện có 6,9 triệu xe máy và xấp xỉ gần 1,5 triệu xe máy của các tỉnh khác thường xuyên hoạt động, trong đó 70% xe máy đang lưu hành là xe cũ. Mô tô, xe máy chiếm 95% lượng phương tiện xe cơ giới.
Các nghiên cứu thống kê đã chỉ rõ rằng xe máy là nguồn phát thải chính tại đô thị. Cụ thể, xe máy gây ra 94% lượng hydrocarbon (HC), 87% khí CO, 57% NOx và 33% bụi mịn PM10 từ giao thông. Nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu ở Hà Nội là phát thải từ phương tiện giao thông đường bộ, theo thống kê chiếm 58-74% tùy từng thời điểm.
Trao đổi tại tọa đàm, ông Đào Việt Long - phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội - cho biết: “Việc triển khai chủ trương cấm xe máy xăng được sở tiến hành rất bài bản, thận trọng và đồng bộ. Với mục tiêu đảm bảo lợi ích chính đáng của người dân, đồng thời bảo đảm mục tiêu về môi trường cũng như mục tiêu chung của thành phố. Để triển khai thực hiện việc này cần sự phối hợp giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp”.
Ông Nguyễn Xuân Toàn, Phó Tổng Biên tập Báo Dân trí, tặng hoa các khách mời buổi tọa đàm.
Xây dựng khu vực phát thải thấp, không bó buộc từng địa phương
Chia sẻ về việc triển khai thực hiện hạn chế phương tiện xe máy vào vành đai 1, ông Phan Trường Thành - Trưởng phòng Tài chính - Đầu tư, Sở Xây dựng Hà Nội thì cho rằng: Tại sao chúng ta chọn vành đai 1 để triển khai đầu tiên, vì đây là vành đai vùng lõi trung tâm của thủ đô, vành đai khép kín từ tuyến phố Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Xã Đàn đến Đê La Thành, Cầu Giấy, Bưởi, Lạc Long Quân sau đó lên đê Yên Phụ, Trần Quang Khải, Nguyễn Khoái để khép kín một vành đai với chiều dài 23km. Khu vực này đi qua 9 phường mới (5 quận) trong đó có 6 phường nằm trong vành đai 1, 3 phường nằm một phần.
“Có 7 tuyến đường xuyên tâm chính giao cắt với vành đai 1, 7 tuyến này chiếm gần như toàn bộ lượng ô tô xe máy sẽ tập trung hướng vào khu vực trung tâm. Như Đại lộ Thăng Long, đường 32, quốc lộ 6, các trục hướng tâm khác như cầu Chương Dương, cầu Long Biên sau này sẽ có thêm cầu Tứ Liên. Những cửa ngõ ra vào trung tâm này sẽ là điểm để chúng ta kiểm soát phương tiện. Ngoài 7 tuyến chính này còn các đường, phố, ngõ ngách giao cắt với vành đai 1, được xác định là vùng phát thải thấp” ông Phan Trường Thành thông tin thêm.
Việc áp dụng giảm phát thải đối với khu vực vành đai 1 sẽ là bước đầu để tiếp tục triển khai ra những khu vực xung quanh, câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có nên áp dụng rộng khắp ra 126 đơn vị hành chính của thủ đô. Trong số các xã phường đó có nên áp dụng thử nghiệm vùng phát thải thấp, từ đó đẩy nhanh tiến độ, mở rộng phạm vi thực hiện.
Về việc này, bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Phòng Quản lý Môi trường, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội nhấn mạnh, “theo Nghị quyết của thành phố sẽ không bó buộc từng địa phương mà tùy từng tình hình thực tế có thể chủ động để đề xuất lựa chọn một số tuyến phố của địa phương mình để làm khu vực phát thải thấp. Thực tế có những địa phương rất muốn triển khai, có thể để phát triển kinh tế, du lịch, kêu gọi đầu tư… Các địa phương sẽ tự xây dựng kế hoạch và đề xuất lên thành phố để triển khai, khi họ nhận thấy hạ tầng kiến trúc đô thị, hạ tầng giao thông đảm bảo sự kết nối”.
Theo kế hoạch của thành phố, sau khi thực hiện nhiệm vụ xây dựng vùng phát thải thấp ở vành đai 1 vào năm 2026, thành phố sẽ tiếp tục triển khai ra khu vực xung quanh. Tiếp tục hoàn thiện kế cấu hạ tầng mang tính thống nhất để phấn đấu hoàn thành mục tiêu từ ngày 01/01/2028 trở đi không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Các kế hoạch lộ trình rõ ràng, các giải pháp cụ thể đây sẽ là cơ sở để chúng ta hướng tới một thành phố văn minh, xanh, sạch, đẹp. Người dân sẽ dần nhận thấy các chỉ đạo của trung ương và việc triển khai của thành phố Hà Nội nhằm hướng tới mục tiêu duy nhất là nâng cao chất lượng đời sống. Một thủ đô phát triển không chỉ có môi trường sạch đẹp, không khí trong lành mà rộng hơn là tạo động lực cho việc phát triển kinh tế thu hút đầu tư.
Ý kiến của bạn