Lễ chùa đầu năm: Sự chừng mực tạo nên văn hóa
Đối với đa số Phật tử hoặc những người yêu mến không gian thanh tịnh của chùa chiền, nếu tìm hiểu hoặc được nghe giảng, chắc sẽ hiểu được những điều cơ bản của nguyên lý trung đạo. Trong lý thuyết, cũng như trong tu tập, đạo Phật không bao giờ cực đoan mà đề cao nguyên lý trung đạo. Trung đạo không chỉ là một hình thức tương đối để cân bằng đời sống hiện tại mà còn là pháp thực hành để đạt đến giải thoát.
Giáo lý của đức Phật dạy sự chừng mực, vừa phải. Chính nguyên lý trung đạo của Phật giáo là nền tảng tạo nên sự chừng mực. Tính chừng mực là thể hiện sự không quá thái cũng không quá ít trong thái độ, hành vi trước một vấn đề nào đó. Bất cứ sự thái quá nào đều tạo nên sự hỗn loạn. Điều này được thể hiện trong nhiều khía cạnh của cuộc sống.
Vậy mà mùa lễ hội năm nào cũng “nóng” lên bởi những câu chuyện như sự “mịt mù trong đốt vàng mã”, việc “tràn ngập trong rải tiền lẻ”, “nhét tiền vào tay Phật” hay sự “mê muội và chen lấn xô đẩy cướp lộc”…
Trong bài viết này, tôi chia sẻ suy nghĩ về mối quan hệ giữa văn hoá lễ chùa đầu năm và sự chừng mực. Theo đó, để có văn hoá lễ chùa cần dựa trên sự thực hành tính vừa phải, sự chừng mực như lời Phật dạy.
Sự trầm tĩnh, điềm đạm, sâu lắng là một biểu hiện của tính chừng mực. Khi đi lễ chùa, người ta thường dặn nhau và tự dặn mình, không nên ồn ào nhưng cũng không nên thờ ơ, lạnh nhạt với những người xung quanh. Dịp đầu năm mới, lượng người ra vào chùa thường rất đông, gây khó khăn trong việc đỗ xe, trong di chuyển và có thể dẫn tới sự cãi vã, thậm chí mâu thuẫn, xung đột do có những va chạm từ sự đông đúc. Nếu thiếu đi sự chừng mực sẽ có thể dẫn tới xô xát, to tiếng. Người đi lễ chùa biết thực hành sự chừng mực có thể hỏi thăm, nhắc nhở, nhường nhịn nhau và văn hoá ứng xử được hình thành.
Tư tưởng Phật giáo khuyến khích con người sống hướng thiện trên tinh thần phải biết nhẫn nại, tự tin vào sức mình, gieo nhân nào thì được quả nấy. Nhờ việc không vượt quá ranh giới của sự chừng mực mà con người mới có thể vượt qua những “nợ nần cơm áo” trong cuộc sống, mới có thể chấp nhận cuộc sống vốn có để được dễ chịu và thoải mái.
Nhờ tính chừng mực mà con người sống hài hòa với thiên nhiên, với tha nhân trên tinh thần quan tâm và chia sẻ. Phật giáo là tôn giáo của trí tuệ và từ bi nhưng có những người đi lễ chùa không phải vì giáo lý đạo Phật mà theo xu hướng đám đông nên đã có hành vi thiếu sự chừng mực như bẻ cành hái lộc, xả rác nơi chùa chiền hay thậm chí là trộm cắp trong khuôn viên nhà chùa.
Tính chừng mực cũng giúp cho con người biết vừa đủ để có tâm lý ổn định, an lạc. Không khó để nhận thức được rằng, cõi Phật chứ có phải cõi âm đâu mà đốt nhiều tiền, vàng mã đến vậy. Hay công đức tiền ở chùa là để dành cho những hoạt động phật sự chứ có phải dành cho Đức Phật đâu mà sao người ta có thể nhét tiền vào tay tượng Phật? Bởi vậy không hiểu đạo thì dễ sinh ra thói mê tín dị đoan. Không có tính chừng mực lại thêm tâm lý chạy theo xu hướng đám đông nữa thì gây hệ lụy là điều dễ hiểu.
Sự phân biệt duy nhất trong Phật giáo giữa người với nhau là sự phân biệt dựa trên khả năng giải thoát, dựa trên đức hạnh. Đức Phật thấy ai cũng có Phật tính như ai nhưng sự giác ngộ của mỗi người mỗi khác. Mong rằng với sự thực hành tính chừng mực, mỗi người đi lễ chùa đầu năm sẽ cảm nhận được tình vị tha, lòng hướng thiện của tha nhân cũng như có được những an ủi tâm hồn. Từ đó, giúp mỗi người nhìn ra được những khó khăn đã trải qua trong suốt 1 năm vừa qua và đón chờ nhiều điều tốt đẹp hơn trong năm mới.
https://vietnamnet.vn/le-chua-dau-nam-su-chung-muc-tao-nen-van-hoa-2244478.html
Ý kiến của bạn