Lấy ý kiến sửa đổi Quy chuẩn 06 về an toàn trong phòng cháy cho nhà ở và công trình.

Lấy ý kiến sửa đổi Quy chuẩn 06 về an toàn trong phòng cháy cho nhà ở và công trình.

(Vietnamarchi) - Tại hội thảo lấy ý kiến sửa đổi Quy chuẩn 06 về an toàn trong phòng cháy cho nhà và công trình, các chuyên gia cho rằng cần đặc biệt chú trọng ưu tiên đến vấn đề bảo vệ an toàn cho con người. Do đó, Quy chuẩn 06 cần được rà soát để vừa đảm bảo an toàn trong phòng cháy mà vẫn phù hợp với điều kiện thực tiễn; đồng thời vẫn thúc đẩy hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản diễn ra thuận lợi.
14:58, 16/08/2023

Ngày 15/8, tại Hà Nội, Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VECAS) phối hợp với Viện Khoa học công nghệ Xây dựng (IBST) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06: 2022/BXD) theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Vũ Ngọc Anh – Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), Bà Nguyễn Thị Duyên – Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam, Ông Nguyễn Hồng Hải – Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và xây dựng IBST (Bộ Xây dựng) cùng các chuyên gia từ các đơn vị, hiệp hội, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến.

Quang cảnh hội thảo

Điều chỉnh, sửa đổi Quy chuẩn 06 là nhiệm vụ cần thiết

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, ngày 05/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 220/CĐ-TTg về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), theo đó giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, làm rõ nguyên nhân để có giải pháp bổ sung, sửa đổi theo thẩm quyền ngay những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật bảo đảm phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng trên cơ sở cầu thị, lắng nghe ý kiến của bộ ngành, doanh nghiệp, cá nhân để ghi nhận, tổng hợp vướng mắc, chỉ đạo Viện Khoa học công nghệ và xây dựng IBST tiến hành rà soát, sửa đổi QCVN 06:2022/BXD. Các quy định, yêu cầu khắt khe cần được rà soát để vừa đảm bảo an toàn cháy mà vẫn phù hợp với điều kiện thực tiễn; đồng thời vẫn thúc đẩy hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản diễn ra thuận lợi.

PGS.TS. Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) phát biểu tại hội thảo

Chia sẻ tại hội thảo, Ông Nguyễn Hồng Hải – Viện trưởng IBST – đơn vị được giao trực tiếp lập dự thảo sửa đổi Quy chuẩn 06 cho biết một số nội dung cần điều chỉnh theo yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như đòi hỏi thực tế. Mục đích là tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và áp dụng cho các đối tượng phù hợp hơn, sát thực tiễn hơn. IBST đã tổ chức nhiều hội thảo, báo cáo quá trình triển khai, đề ra giải pháp, phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhưng không hạ thấp quy định về an toàn về PCCC.

Quy chuẩn Quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06: 2022/BXD) mới có hiệu lực từ 16/1/2023 nhưng vẫn có nhiều ý kiến cho rằng quy chuẩn này đang tồn tại một số vướng mắc, gây ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng. Tại Hội thảo, hầu hết các chuyên gia bày tỏ quan điểm việc điều chỉnh, sửa đổi Quy chuẩn 06 là cần thiết nhưng không vì tập trung tháo gỡ vướng mắc mà xem nhẹ yếu tố an toàn trong phòng cháy.

Yếu tố an toàn cần được ưu tiên?

Theo Ông Nguyễn Thanh Tú – Phó trưởng phòng Quản lý kỹ thuật Công ty cổ phần Tư vấn công nghệ, thiết bị và Kiểm định xây dựng (CONINCO) cho rằng, khi so sánh giữa yếu tố kinh tế và kỹ thuật cần cân nhắc kỹ. Quy chuẩn không được hạ tiêu chuẩn kỹ thuật xuống bởi trong lúc đầu tư thi công xây dựng có thể bỏ kinh phí cao hơn một chút nhưng lại đảm bảo an toàn, còn hơn khi xảy ra sự cố thì hậu quả có thể thiệt hại lớn hơn; thậm chí, mất tài sản và nặng nề hơn là liên quan đến an toàn tính mạng của con người.

Ở góc độ khác, Ông Trần Tuấn Anh – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư và Thiết kế Xây dựng Việt Nam (CDC) cho rằng, trong PCCC thì “phòng” sẽ tốt hơn “chữa cháy” và Quy chuẩn 06 nên chú trọng nội dung này. Ở nước ngoài rất chú trọng yếu tố phòng cháy nên khi xảy ra hỏa hoạn, thiệt hại về tài sản và con người luôn được khống chế ở mức thấp nhất. Nếu phòng chống tốt thì sẽ đảm bảo được an toàn sinh mạng con người tại các công trình. Theo đó, phòng chống cháy cần là tiêu điểm đặt lên hàng đầu ở quy chuẩn sửa đổi.

Chia sẻ kinh nghiệm khi triển khai với một số đơn vị tư vấn nước ngoài, Ông Trần Tuấn Anh nhận định, các đơn vị này đều nhận xét quy chuẩn liên quan đến vật liệu của Việt Nam quá cao. Ví dụ như sơn chống cháy, khiến bài toán kinh tế và chi phí công trình bị đội lên nhiều. Hay như kính dùng cho công trình nhà ở xã hội, chủng loại kính chịu nhiệt nhưng gioăng và phụ kiện lại không đáp ứng được…

Bởi vậy, để đáp ứng đc tiêu chuẩn PCCC thì chi phí xây dựng, hoàn thiện công trình “đội” lên cao quá khiến chủ đầu tư gặp khó. Do đó, theo Ông Trần Tuấn Anh, cần tăng cường yếu tố phòng chống cháy hơn là quy định phải đáp ứng các yếu tố về chữa cháy như hiện nay.

Đại diện Ban soạn thảo sửa đổi Quy chuẩn 06, Tiến sỹ Cao Duy Khôi – Phó Viện trưởng IBST cũng nêu một số khó khăn, bất cập khi hầu hết các ý kiến đóng góp sửa đổi Quy chuẩn 06 đều xuất phát từ góc độ kinh tế chứ chưa chú trọng đến an toàn cho con người trong phòng cháy.

Cùng đó, việc thực thi quy chuẩn cũng còn những vướng mắc nhất định. Điển hình như việc quy chuẩn quy định người sử dụng có thể làm tất cả những gì quy chuẩn không cấm. Nhưng trên thực tế, khi vận dụng để thực hành, nhiều đơn vị, cơ quan quản lý, địa phương… lại áp thành đối tượng chỉ được làm những gì quy chuẩn cho phép. Đây là cách hiểu sai, chưa đúng – Ông Khôi nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, khó khăn hơn khi Quy chuẩn 06 do Bộ Xây dựng ban hành nhưng lại do Bộ Công an thực thi. Trong quá trình thực hiện, khi giao thoa giữa những vấn đề không đồng nhất trong quy chuẩn này không thể giải quyết triệt để. Chưa kể, năng lực thực thi, từ khâu kiểm định, thí nghiệm… cũng có độ trễ so với yêu cầu đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn.

“Quy chuẩn 06 là quy chuẩn khó, nặng về kỹ thuật và chuyên sâu, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam chưa có đào tạo bài bản về an toàn cháy cho nhà và công trình cũng như yêu cầu tăng cường quản lý về PCCC. Điều này đòi hỏi tất cả các bên liên quan cần nghiên cứu kỹ, nắm bắt tốt các quy định của Quy chuẩn 06 để hiểu đúng, áp dụng đúng” –  Ông Khôi nhấn mạnh.

Từ thực tế đó, Ban soạn thảo cũng kiến nghị Bộ Xây dựng, Bộ Công an cho biên soạn tài liệu Hướng dẫn áp dụng Quy chuẩn 06, biên soạn mới hoặc sửa đổi các Tiêu chuẩn vệ tinh; hủy bỏ các tiêu chuẩn đã quá cũ để xây dựng một hệ thống quy định kỹ thuật đồng bộ, phù hợp.

Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân quan tâm có đóng góp ý kiến cụ thể, khách quan, đa chiều, đúng phạm vi để Ban soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện. Đặc biệt, các chủ đầu tư công trình cần quan tâm đến vấn đề PCCC ngay từ khi bắt đầu thiết kế; lựa chọn đơn vị tư vấn và thi công đủ năng lực, có chuyên môn phù hợp.

Pháp lý xây dựng

Sắp ban hành tiêu chuẩn PCCC cho công trình nhà ở riêng lẻ dưới 7 tầng

Mới đây, Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Xây dựng đã thông tin về việc hoàn thiện tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho công trình nhà ở riêng lẻ.

Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia Hệ thống báo cháy tự động cho nhà, công trình

Tiêu chuẩn quy định yêu cầu kỹ thuật đối với hệ thống báo cháy tự động cho nhà, công trình. Tiêu chuẩn không quy định yêu cầu kỹ thuật đối với hệ thống báo cháy tự động cho nhà và công trình được thiết kế theo quy định đặc biệt.

Infographics: Một số quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc

Theo Thông tư số 06/2024/TT-BGTVT ngày 31/3/2024, tốc độ thiết kế đường bộ cao tốc được phân làm 3 cấp: Cấp 120 có tốc độ thiết kế là 120 km/giờ; cấp 100 có tốc độ thiết kế là 100 km/giờ; cấp 80 có tốc độ thiết kế là 80 km/giờ

Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, chỉ dẫn kỹ thuật đối với vật liệu xây không nung đã đồng bộ

Hiện nay, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, chỉ dẫn kỹ thuật đối với vật liệu xây không nung đã được ban hành đồng bộ, đủ căn cứ làm cơ sở cho các Bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện, thúc đẩy và phát triển vật liệu xây không nung.

Sẽ ban hành TCVN mới cho thạch cao và các sản phẩm thạch cao

Viện VLXD đã hoàn thiện dự thảo TCVN thay thế TCVN 8654:2011, Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến tham gia, góp ý cho dự thảo với tên gọi: Thạch cao và các sản phẩm thạch cao - phương pháp phân tích hóa học…

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi