Khám phá bản làng xinh đẹp tại Bản Sưng
Bản Sưng, thuộc xã Cao Sơn huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình, nằm cách trung tâm huyện 22km. Bản có lịch sử hơn 500 năm và hiện là nơi sinh sống của 349 người dân tộc Dao Tiền. Cách Hà Nội khoảng 100km, nép mình bên núi Biều, tại đây, người dân sống dưới các căn nhà trệt, mái lợp bằng lá cọ. Đến bản Sưng, khách tham quan được trải nghiệm một cuộc sống nguyên sơ, bản làng xinh đẹp, khám phá hang động, hít hà bầu không khí thanh lành, tránh xa âm thanh náo nhiệt của thành phố.
Khởi động từ tháng 6/2014, khi Tổ chức phi chính phủ Action on Poverty (AOP) của Australia tại Việt Nam kết hợp với UBND huyện Đà Bắc triển khai Dự án “Du lịch cộng đồng tại Đà Bắc”. Đến tháng 4/2017, Mô hình du lịch cộng đồng ở bản Sưng bắt đầu đi vào hoạt động. Sau hai năm, 50/75 hộ gia đình trong xóm đã tham gia vào các dịch vụ như lưu trú và ăn uống, hướng dẫn viên, nhóm văn nghệ, thổ cẩm..., thu hút nhiều du khách trong nước và nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm.
Cảnh quan hoang sơ tuyệt đẹp của thiên nhiên, những phong tục tập quán truyền thống của dân tộc Dao đã trở thành những nét hấp dẫn với khách du lịch khi đến với Bản Sưng (Hoà Bình), đặc biệt là lễ hội mừng xuân dân tộc Dao, lễ cấp sắc, lễ đặt tên cùng với các tiết mục biểu diễn văn hóa như: múa chuông, múa chèo và múa xoè do đội nghệ thuật dân gian thực hiện.
Nghề thủ công truyền thống in thêu thổ cẩm cũng được bảo tồn và phát triển, tạo ra nhiều sản phẩm mang giá trị để phục vụ cho khách du lịch. Vì vậy, bản Sưng đã thu hút được sự quan tâm của du khách, trở thành một trong những điểm du lịch trải nghiệm thú vị không thể bỏ qua tại xứ Mường.
Đầu năm 2023, một nhóm các cựu sinh viên Australia tổ chức chương trình trải nghiệm cộng đồng, nằm trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực tự vững của mô hình du lịch cộng đồng bản Sưng, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình sau đại dịch COVID-19" (ESDS). Trong chương trình, du khách được hòa mình vào cuộc sống an lành, yên tĩnh của người dân địa phương. Đặc biệt, lịch trình bao gồm nhiều hoạt động hấp dẫn như nhuộm chàm, in sáp ong, làm giấy dó, tắm lá thảo dược, thưởng thức văn nghệ của người dân tộc Dao Tiền...
Tại bản hiện có dịch vụ nhà nghỉ cộng đồng phục vụ khách trong nước và quốc tế, gồm các nhà nghỉ: Thành Chung Homestay, Xuân Lan Homestay và Nhất Quý Homestay. Theo giới thiệu của chị Lý Sao Mai, điều phối viên du lịch cộng đồng Đà Bắc tại bản Sưng: Các nhà nghỉ cộng đồng ở đây được du khách hài lòng, đánh giá cao về không gian lưu trú bởi vẫn giữ được kiến trúc nguyên bản nhà ở truyền thống của đồng bào Dao. Phong cách, thái độ phục vụ du khách qua bồi dưỡng tập huấn, hướng dẫn ngày càng chu đáo, chuyên nghiệp. Trong đó, Thành Chung homestay có sức chứa 14 người với đầy đủ trang thiết bị theo đúng tiêu chuẩn. Nhà nghỉ chuyên phục vụ những món ăn truyền thống, biểu diễn văn nghệ dân tộc, đưa du khách đi bộ quanh bản, leo núi, khám phá hang động và tổ chức các hoạt động cho khách tham gia trải nghiệm. Xuân Lan homestay có sức chứa 16 người, trang thiết bị theo tiêu chuẩn, nơi ăn chốn nghỉ mang lại cho khách cảm giác thoải mái nhưng không kém phần gần gũi, thân thiện. Tại đây, du khách được thưởng thức những món ăn truyền thống, xem biểu diễn văn nghệ, thám hiểm hang Sưng, thăm đồi chè Shan tuyết, trải nghiệm dệt thổ cẩm, đi bộ xuyên rừng và khám phá cuộc sống sinh hoạt của đồng bào Dao. Nhất Quý Homestay có sức chứa 14 người. Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu lưu trú, nhà nghỉ nhận phục vụ ăn uống, biểu diễn văn nghệ, dẫn khách đi bộ quanh xóm hoặc leo núi, khám phá hang động và tham gia các hoạt động trải nghiệm cùng bà con địa phương.
Để phát triển du lịch cộng đồng tương xứng với tiềm năng, thế mạnh,UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 446/QĐ-UBND ngày 10/3/2020 phê duyệt Đề án Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Hòa Bình đến năm 2030. Theo đó, tỉnh Hòa Bình phấn đấu đến năm 2030 sẽ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho 290 hộ du lịch cộng đồng, đón trên 1,65 triệu lượt khách tham quan du lịch; tổng thu từ khách du lịch cộng đồng chiếm 19,5% tổng thu từ khách du lịch. Tỉnh cũng sẽ hỗ trợ nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng cho các xã khu vực miền núi; hỗ trợ đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối các điểm du lịch cộng đồng…
Để du lịch cộng đồng nói riêng, du lịch tỉnh Hòa Bình nói chung tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, tỉnh sẽ tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy đảng, chính quyền trong việc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, từ tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về du lịch nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của du lịch trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ cho nhà đầu tư đến nghiên cứu, khảo sát, lập dự án đầu tư du lịch; hỗ trợ công tác giải quyết các thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất…; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, ưu tiên và lồng ghép nguồn ngân sách Nhà nước để đầu tư, hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt hệ thống đường giao thông và các bến cảng, bến thuyền kết nối các điểm du lịch. Triển khai phần mềm cơ sở dữ liệu của toàn ngành du lịch và đưa vào khai thác, sử dụng. Hình thành bản đồ số du lịch thể hiện các thông tin thu hút du khách phục vụ phát triển du lịch thông minh tỉnh. Đặc biệt là tăng cường liên doanh, liên kết, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, các sản phẩm du lịch có tiềm năng, chất lượng đạt tiêu chuẩn mới được đưa vào khai thác, sử dụng.
Ý kiến của bạn