Hồng Vân (Hà Nội): Phát triển du lịch gắn với nông thôn mới bền vững
Miền quê xanh giữa lòng thủ đô
Cách trung tâm thành phố khoảng 20 km về phía Nam, xã Hồng Vân được mệnh danh là "miền quê sạch, đẹp bốn mùa” của Hà Nội. Nằm ở ven sông Hồng, được phù sa bồi đắp, Hồng Vân có lớp đất màu mỡ, cây cối tươi tốt, không khí mát mẻ. Từ xưa, các làng đều có nghề trồng cây sinh vật cảnh.
Hồng Vân có 2 làng được công nhận làng nghề sinh vật cảnh là làng Cơ Giáo và làng Xâm Xuyên. Nơi đây hội tụ nhiều sản phẩm cây cảnh độc đáo do bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của các nghệ nhân thực hiện. Mỗi tác phầm đều có tên gọi hàm chứa ý nghĩa về quan niệm sống như: Phụ tử nghinh phong, thiên địa nhân tụ hợp, tạ sơn quan hữu thủy, vũ giáng kỳ sơn….
Hầu hết các gia đình đều tận dụng khoảng không để trồng cây xanh, trưng bày cây cảnh. Nhà nào cũng có một khoảng xanh mát, các khoảng xanh liên kết lại với nhau tạo thành một khu vườn thiên nhiên rộng lớn. Những ai qua đây đều dừng chân ghé lại ngắm nhìn và tận hưởng, dần dần Hồng Vân đã trở thành điểm du lịch sinh thái mang đậm dấu ấn làng quê Bắc Bộ.
Rảo bước trên các con đường làng trong xã Hồng Vân, du khách như được hòa mình với thiên nhiên, ngắm nhìn cảnh quan xanh mát, không khí trong lành. Tận dụng thế mạnh là làng sinh vật cảnh lớn của Hà Nội, Hồng Vân triển khai xây dựng nông thôn mới với nhiều điểm khác biệt, mang đậm đặc trưng, dấu ấn riêng. Điển hình như việc thống nhất mỗi thôn trồng một loại cây tạo điểm nhấn, thay đổi diện mạo nông thôn. Đến nay, xã đã xây dựng được hơn 30 con đường hoa mang những màu sắc khác nhau như: Hoa Ban, Hoàng Yến, Phượng Vĩ, Bằng Lăng... Du khách không khỏi mê mẩn và ví von Hồng Vân như “Thiên đường của các loài hoa”.
Không chỉ trải nghiệm không gian của “Miền quê xanh”, Hồng Vân còn là nơi in đậm dấu ấn Truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung và tín ngưỡng thờ Mẫu (là hai trong Tứ bất tử của dân tộc Việt) cùng với nhiều di tích văn hóa, lịch sử lâu đời. Xã có “Chợ Mới ông Già” được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam tôn vinh giá trị kỷ lục là “Ngôi chợ lâu đời gắn liền với truyền thuyết về Cha con Chử Đồng Tử vào thời Hùng Vương”. Tất cả đã tạo điều kiện thuận lợi để Hồng Vân phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, hướng tới sự phát triển nhanh, xanh và bền vững.
Anh Nguyễn Thanh Tuấn (khách du lịch Thái Nguyên): Đến Hồng Vân, tôi rất ngạc nhiên trước sự thay đổi của làng quê với những tuyến đường hoa đặc trưng, không khí trong lành, dễ chịu. Xã cũng phát triển các điểm du lịch tạo thành chuỗi liên kết hấp dẫn du khách cùng với các loại hình du lịch khá độc đáo. Điểm đặc biệt là mỗi người dân trong xã là một hướng dẫn viên du lịch rất thân thiện, phục vụ du khách rất nhiệt tình.
Hồng Vân - Điểm du lịch OCOP 4 sao
Không chỉ là điển hình trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của thành phố, Hồng Vân còn là địa phương phát triển hài hoà giữa kinh tế, du lịch và bảo vệ môi trường.
Ngay khi bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới, Hồng Vân xác định phát triển kinh tế du lịch là hướng đi đúng đắn và tận dụng được tiềm năng vốn có của địa phương, tạo bước chuyển biến lớn trong dịch chuyển cơ cấu kinh tế. Đồng thời, chính quyền và các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền phát triển kinh tế xanh gắn với xây dựng cảnh quan, bảo vệ môi trường.
Đến Hồng Vân, ngoài việc tham quan di tích, văn hóa lịch sử lâu đời, du khách còn được trải nghiệm đa dạng các sản phẩm du lịch: Mô hình Nông trại giáo dục, du lịch sinh thái kết hợp với du lịch trải nghiệm, trải nghiệm không gian làng quê Bắc Bộ - khám phá di tích lịch sử, các trò chơi dân gian, trải nghiệm dịch vụ “một ngày làm nghệ nhân sinh vật cảnh”... Không dừng lại ở đó, du khách sẽ được trực tiếp tham gia hoạt động sản xuất, chế biến, đóng gói các loại trà thảo mộc như chùm ngây, kim ngân hoa, trà trâu cố. Tất cả các sản phẩm trên đều được UBND TP Hà Nội đánh giá cao, phân hạng OCOP 4 sao.
Cuối năm 2022, điểm dịch vụ, du lịch ở Hồng Vân được UBND thành phố Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, thuộc nhóm sản phẩm “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”.
Để trở thành mô hình điểm về du lịch sinh thái nông thôn, ông Nguyễn Văn Phượng – Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân cho biết: Sau khi được UBND Thành phố công nhận là điểm du lịch của Thành phố năm 2018, xã đã kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban quản lý điều hành du lịch xã, tổ hướng dẫn viên. Đồng thời, kêu gọi đầu tư xã hội hóa trung tâm điều hành, đón trả khách, các điểm dừng chân, ẩm thực, trải nghiệm; tổ chức tập huấn, liên kết giữa các hộ xã viên tạo ra những chuỗi sản phẩm hàng hóa, dịch vụ hấp dẫn, thu hút du khách.
Cũng bởi sự tâm huyết, tỉ mỉ của các nghệ nhân cùng hướng đi mới trong phát triển du lịch hàng năm, làng nghề sinh vật cảnh xã Hồng Vân thu hút đông đảo du khách ghé thăm. Mỗi năm, xã đón khoảng 40.000 du khách tới tham quan khu trưng bày sản phẩm làng nghề sinh vật cảnh; thưởng thức các món ăn tại khu ẩm thực đồng quê… Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt hơn 50 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Phượng nhấn mạnh: Việc đẩy nhanh đầu tư, kết nối và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng du lịch đã đưa du lịch – dịch vụ - thương mại và làng nghề dần trở thành kinh tế mũi nhọn của xã. Có tốc độ phát triển tương đối nhanh nhưng xã chủ trương phát triển kinh tế xanh, bền vững. Làm sao khai thác du lịch phải đảm bảo sự hài hòa giữa hiện đại mà không làm mất đi các giá trị văn hóa truyền thống bản địa. Hơn hết việc phát triển du lịch nông thôn không chỉ mang lại nguồn thu nhập cho người dân mà còn góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
“Cú huých” tiến tới quá trình đô thị hóa
Ông Nguyễn Hải Đăng – Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân cho biết: Phát triển du lịch nông thôn không chỉ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững. Du lịch đã giúp xã khai thác tối đa được các lợi thế có sẵn từ nông nghiệp, từ các giá trị văn hóa lâu đời. Qua đó, đẩy nhanh quá trình về đích nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn xã. Ngoài ra, du lịch nông thôn trên địa bàn xã đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chủ lực của xã đã ra nhiều việc làm cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh giảm nghèo nông thôn. Điển hình là việc đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp đã đem lại hiệu quả cao như: mô hình sản xuất nông nghiệp CNC kết hợp du lịch của HTX hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân cho lợi nhuận hàng tỷ đồng.
Từ một xã thuần nông, phát triển dựa trên nền tảng nông nghiệp, giờ đây, người dân Hồng Vân đã có hướng phát triển kinh tế mới, ổn định và bền vững. Du lịch nông thôn đã thay đổi hoàn toàn diện mạo nông thôn mới trên địa bàn xã. Các hạ tầng kinh tế nông thôn được đầu tư được đồng bộ, dịch vụ phát triển...Đời sống của người dân cũng từ đó được nâng lên. Đến nay, thu nhập bình quân của người dân đã đạt 76 triệu đồng/người/năm.
Ông Nguyễn Hải Đăng cho biết thêm: Hồng Vân sẽ phát huy tối đa nguồn lực từ du lịch, bởi đây là địa chỉ được định danh rõ ràng trong hành trình du lịch khi du khách đến Thủ đô. Trong thời gian tới, Hồng Vân sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư và khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư vào phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ…
Phấn đấu đến năm 2025, xã Hồng Vân đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu và là điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch của du khách trong và ngoài Thành phố. Xã chủ trương đưa kinh tế thương mại - du lịch - dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn và chủ lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động sang tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ.
Ông Từ Đức Mạnh – Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín chia sẻ, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn đã góp phần tạo những cú huých quyết định cho Hồng Vân trong việc thu hút đầu tư thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn bới với phát triển du lịch. Mô hình kinh tế xanh gắn với phát triển du lịch tại xã Hồng Vân là điểm du lịch nông thôn đặc trưng vùng đồng bằng sông Hồng. Hồng Vân giờ đây không chỉ đưa du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn của địa phương mà còn góp phần lan tỏa các giá trị xanh và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống.
Ý kiến của bạn