Hà Nam – Quy hoạch đi trước góp phần thay đổi diện mạo nông thôn
PV: Thưa Ông, xây dựng nông thôn mới được xác định là quá trình lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, thời gian qua tỉnh Hà Nam đã thực hiện chủ trương này như thế nào? Xin Ông cho biết những kết quả quan trọng tỉnh đã đạt được?
Ông Ngô Mạnh Ngọc: Hà Nam luôn xác định Chương trình xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong suốt quá trình tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi luôn luôn xác định đây vẫn là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Với tinh thần như vậy, tỉnh luôn luôn rà soát, đánh giá các chỉ tiêu, tiêu chí đạt được của các xã, các huyện, thành phố và thị xã, chỉ đạo xây dựng các kế hoạch và có lộ trình để tổ chức triển khai thực hiện.
Với công tác chỉ đạo cùng sự nỗ lực của bà con, đến thời điểm này trên địa bàn của tỉnh Hà Nam đã có 83/83 xã để đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn 100%. Trong đó, có 19 xã nông thôn mới kiểu mẫu và 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 6/6 huyện, thành phố, thị xã đã được Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành chương trình nông thôn mới từ năm 2020, gồm TP. Phủ lý, Thị xã Duy Tiên và các huyện Lý Nhân, Bình Lục, Thanh Liêm, Kim Bảng.
Với kết quả như vậy, chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi diện mạo của khu vực nông thôn, rút ngắn khoảng cách về mức sống cũng như không gian và thời gian giữa nông thôn và thành thị, nông thôn với các thành phố lớn.
Đối với cơ chế, chính sách để triển khai đầu tư xây dựng trong lĩnh vực nông thôn mới được bà con nông dân kiểm tra, giám sát chặt chẽ và minh bạch. Từ đó, trong các chương trình xây dựng nông thôn mới không xảy ra các vấn đề khiếu kiện, bà con nhân dân cùng hưởng ứng, cùng chung sức đồng lòng thực hiện, đặc biệt là các chương trình phát triển kinh tế, chương trình đầu tư xây cơ sở hạ tầng. Nhiều tấm gương sáng, nhiều hộ dân tiêu biểu đã hiến đất, dịch dậu, phá nhà để tổ chức triển khai xây dựng nông thôn mới.
Trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh Hà Nam xác định nhiệm vụ quy hoạch phải đi trước để tạo tiền đề để tổ chức triển khai thực hiện. Quy hoạch phát huy được tinh thần dân chủ, được công khai, minh bạch, trong đó, người dân có quyền tham gia đóng góp ý kiến nhằm chỉnh sửa, bổ sung, khắc phục tình trạng quy hoạch treo…
Thời gian vừa qua, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại Hà Nam đã đem lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người dân. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã huy động được sự tham gia đóng góp, ủng hộ của bà con cả về vật chất, lẫn tinh thần, đặc biệt là khơi dậy lòng tự hào về dân tộc để xây dựng nông thôn mới. Điển hình như việc một số đơn vị đóng góp để đầu tư xây dựng đường giao thông thôn xóm, trường học, các khu văn hóa, tâm linh và các công trình phúc lợi.
PV: Thực tế, một số chỉ tiêu, tiêu chí của Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 được bổ sung thêm có yêu cầu cao hơn và khó thực hiện hơn so với Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Vậy trong quá trình triển khai, thực hiện, Hà Nam giải quyết những khó khăn này như thế nào, thưa Ông?
Ông Ngô Mạnh Ngọc: Thực tế, trong quá trình triển khai thực hiện, địa phương cũng gặp không ít những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là những quy định về tiêu chí, chỉ tiêu ngày càng nâng cao. Để tháo gỡ những khó khăn này, Sở đã tập trung rà soát, đánh giá các tiêu chuẩn, tiêu chí, qua đó, lựa chọn những chỉ tiêu, tiêu chí để tổ chức thực hiện phù hợp, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo người dân.
Bên cạnh đó, xác định các chỉ tiêu, tiêu chí phù hợp với nguồn lực, những tiêu chí nào cần nguồn lực thấp thì tập trung chỉ đạo làm trước. Những tiêu chí khó, cần những nguồn vốn đầu tư lớn thì sẽ chia lộ trình, từng bước để thực hiện nhằm phát huy hiệu quả.
Tập trung xây dựng, đảm bảo cảnh quan môi trường nông thôn, từng bước khắc phục những vấn đề nhức nhối về vệ sinh môi trường, tạo môi trường sống ở khu vực nông thôn ngày càng tốt hơn.
Sở cũng tập trung các giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế khu vực, qua đó, nâng cao thu nhập người dân, cải thiện đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần; giải quyết công ăn việc làm cho lao động, phát huy hiệu quả chính sách an sinh xã hội, tạo niềm tin cho người dân tại nông thôn.
PV: Trong xây dựng nông thôn mới, thực tế ghi nhận vai trò, đóng góp to lớn của hệ thống hợp tác xã. Tại Hà Nam, các hợp tác xã có quy mô phát triển như thế nào? Ông đánh giá như thế nào về mô hình này trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương?
Ông Ngô Mạnh Ngọc: Chúng tôi đánh giá vai trò của hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới hết sức quan trọng. Với chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ và giúp đỡ để phát triển kinh tế hộ.
Thực hiện nhiệm vụ đó, trên địa bàn của tỉnh Hà Nam đến thời điểm này đã có 256 hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó thì có 150 hợp tác xã là chuyển đổi từ hợp tác xã nông nghiệp kiểu cũ thành hợp tác xã nông nghiệp hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, hơn 100 hợp tác xã mới thành lập theo mô hình ít xã viên, các hợp tác xã cơ bản duy trì tốt và hoàn thành được các nhiệm vụ đã đặt ra.
Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm của chương trình là vấn đề giúp đỡ cho hộ kinh tế phát triển, hỗ trợ khâu dịch vụ mà từng hộ dân làm không hiệu quả, phục vụ tốt cho các hộ xã viên có nhu cầu sản xuất nông nghiệp như dịch vụ nước, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dự tính dự báo sâu bệnh, cung ứng đáp ứng như vật tư giống, phân bón và tiêu thụ nông sản cho bà con.
Các loại hình phát triển sản xuất như trồng lúa, ngô, rau sạch, cây ăn quả. Định hướng phát triển các mô hình hợp tác xã ít xã viên, theo hình thức tự nguyện, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng trực tiếp của từng người dân.
Một trong những mô hình phát triển kinh tế mới tại Hà Nam có thể kể đến Hợp tác xã Thủy sản sông trong ao Hải Đăng tại xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng. Hợp tác xã mới được thành lập phát triển theo mô hình bền vững, kinh tế tuần hoàn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất và chế biến.
Hợp tác xã phát triển theo mô hình chuỗi liên kết khép kín, vừa nuôi trồng, vừa chế biến các sản phẩm từ cá. Hiện tại, hợp tác xã có 03 sản phẩm chế biến là cá kho, ruốc cá, chả cá đều đạt sản phẩm OCOOP 4 sao của tỉnh Hà Nam.
Sản phẩm được đưa ra các cửa hàng thực phẩm, phân phối tại các đại lý, kênh bán online, thị trường trong và ngoài tỉnh như Hà Nội, chuỗi siêu thị Vinmart. Sản lượng khai thác, chế biến đạt hơn 100 tấn/năm.
Trong những năm qua, Hợp tác xã đã tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế ổn định cho người dân địa phương, thu nhập mỗi lao động làm việc tại hợp tác xã khoảng hơn 7 triệu đồng/tháng.
Ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản sông trong ao Hải Đăng cho biết, hiện nay, hợp tác xã áp dụng công nghệ nuôi trồng mới, công nghệ sông trong ao, tận dụng mặt nước ao tĩnh dùng thiết bị động cơ điện để tạo ra dòng chảy, theo quy luật tự nhiên cá bơi ngược dòng chảy sẽ tạo cho cá luôn được vận động, thịt cá săn chắc hơn, da ít tanh giúp cá tươi ngon hơn, sức đề kháng tốt hơn. Lợi thế của mô hình sông trong ao giúp tăng sản lượng so với nuôi truyền thống, quản lý thức ăn không dư thừa và tránh được dịch bệnh. Đó chính là mô hình phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn vì mô hình này giúp thu gom chất nước thải của cá dùng tưới cho cây ăn quả, quá trình chế biến xương cá và đầu cá được thu gom, nghiền nhỏ, trộn với cám tái sử dụng làm thức ăn cho lứa cá tiếp theo, giúp tiết kiệm chi phí đầu vào. Định hướng những năm tới hợp tác xã sẽ mở rộng, phát triển nhiều loại hình dịch vụ trải nghiệm, trưng bày sản phẩm, tạo không gian cảnh quan du lịch sinh thái gắn với nuôi trồng thủy sản nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, thu hút khách du lịch đến với Hà Nam.
Ý kiến của bạn