Đề nghị di chỉ khảo cổ Mái đá Ngườm là Di tích Quốc gia đặc biệt
Di chỉ khảo cổ Mái đá Ngườm thuộc xóm Kim Sơn, xã Thần Sa (Võ Nhai), đã được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia năm 1982. Mái đá có dạng hàm ếch, cao hơn mặt đường dân sinh khoảng 30 m và cao hơn so với mực nước sông Thần Sa khoảng 40 m. Diện tích bề mặt mái đá còn vết tích tầng văn hóa rộng gần 1.000m2.
Trước đó, mái đá Ngườm đã được tiến hành khai quật 4 lần, vào các năm: 1981, 1982, 1985, 2017. Mặc dù các đợt thăm dò, khai quật diễn ra không liên tục, song kết quả thu được qua 4 lần khai quật đều là cứ liệu quan trọng để các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, cơ quan quản lý xác định Di chỉ mái đá Ngườm là khu di tích lớn, đặc biệt quan trọng với lịch sử văn hóa của dân tộc, mang lại giá trị khoa học có tính chất bước ngoặt đối với quá trình nghiên cứu khảo cổ học tiền sử ở Việt Nam. Điều này đã thiết lập nên một nền “Văn hóa Thần Sa” với kỹ nghệ riêng biệt, đó là kỹ nghệ Ngườm có niên đại từ 41 nghìn năm đến 10 nghìn năm trước.
Đầu năm 2024, Viện Khảo cổ Học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tiếp tục tổ chức khai quật lần thứ 5 tại Di chỉ Mái đá Ngườm. Việc khai quật được triển khai trên diện tích 6 m2. Qua đánh giá bước đầu của các chuyên gia, bằng những phân tích khoa học về địa tầng, hiện vật thu được dự đoán niên đại dao động từ khung 60.000 năm tới khoảng 120.000 năm trước. Đây là loại hình di tích hang động/mái đá duy nhất phát hiện các bằng chứng về quá trình sử dụng và chế tác công cụ đá sớm nhất trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Tại Mái đá Ngườm, di cốt động vật và nhuyễn thể được phát hiện cho thấy sự thay đổi và tính đa dạng về hành vi khai thác, sử dụng qua thời gian. Cùng với sự ghi nhận việc sử dụng lửa để nướng chín thức ăn, các công cụ xương được mài, được sử dụng trong các lớp văn hóa sớm, cho thấy đây cũng là các công cụ xương được mài kết hợp với việc sử dụng công cụ xương có niên đại sớm nhất được ghi nhận trong các hang động và mái đá trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Đây cũng là di tích đầu tiên thuộc thời đại Đá cũ ở Việt Nam ghi nhận các phương pháp và kỹ thuật chế tác đá đặc sắc như vậy. Kết quả nghiên cứu mới, cập nhật từ cuộc khai quật năm 2017 và 2024 cho thấy, di chỉ này xứng đáng được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.
Trước kết quả khảo cổ trên cùng các ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học và đại diện cơ quan chuyên môn, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng yêu cầu Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn ở Trung ương và UBND huyện Võ Nhai tiếp tục tham khảo ý kiến, tư vấn của các nhà khoa học để lập hồ sơ đề nghị công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt; phối hợp với các nhà khoa học trên thế giới tiếp tục nghiên cứu, đề nghị công nhận Di sản thế giới đối với Di tích Mái đá Ngườm; đề xuất bổ sung quy hoạch tổng thể Khu di tích vào quy hoạch chung của huyện Võ Nhai, đảm bảo diện tích quy hoạch phù hợp, không ảnh hưởng đến vùng lõi, vùng đệm của Khu di tích. Đồng thời quan tâm bảo tồn không gian văn hóa Thần Sa, phát huy giá trị của Di tích nhằm thu hút đông đảo du khách trong nước, quốc tế.
Ý kiến của bạn