Công nghệ xây dựng khô: Giải pháp mới cho ngành xây dựng?
Hạn chế trong một số công nghệ xây dựng hiện nay
Các công trình xây dựng dựa trên phương thức này thường sử dụng bê tông và xi măng, gạch, các tấm sàn bê tông, dầm bê tông cốt thép đổ tại chỗ… tiêu tốn rất nhiều chi phí cho việc sản xuất và vận chuyển vật liệu. Bên cạnh đó, những vật liệu xây dựng này cũng thường phải sử dụng rất nhiều nước trong các giai đoạn sản xuất gây ra tình trạng lãnh phí, cạn kiệt nguồn nước. Thậm chí, trong quá trình sản xuất và xây dựng, những vật liệu này có thể xả thải ra môi trường như: nước thải, bụi… gây ô nhiễm môi trường.
Vật liệu xây dựng truyền thống
Các loại vật liệu xây dựng truyền thống là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều hệ lụy như mất đất nông nghiệp, gia tăng khí thải, hiệu ứng nhà kính.
Theo tính toán, cứ 1 tỷ viên gạch nung quy chuẩn sẽ tiêu tốn khoảng 1,5 triệu m3 đất được khai thác ở độ sâu khoảng 2m, tương đương với 75 ha đất nông nghiệp. Quá trình sản xuất gạch tạo ra nhiều vấn đề liên quan đến môi trường. Trong đó, gạch nung thải ra môi trường rất nhiều khí độc hại, bụi bẩn – nguyên nhân gây ra ung thư cũng như các bệnh về hô hấp. Đặc biệt, việc dùng than làm nhiên liệu đốt cũng gây ra hiệu ứng nhà kính và các khí thải độc hại khác gây ô nhiễm môi trường.
Vật liệu bê tông
Bê tông là một trong những vật liệu xây dựng được sử dụng sớm nhất từ thời La Mã, xuất hiện ở hầu hết các tòa nhà với nhiều quy mô khác nhau. Thực tế cho thấy, vật liệu này được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới bởi tính linh hoạt, khả năng chống chịu, dễ xử lý, tính thẩm mỹ cao… Tuy nhiên, việc sản xuất xi măng được xem là một trong những tác nhân chính gây ô nhiễm bầu khí quyển.
Theo nghiên cứu của tổ chức Chatham House, nơi tập trung nghiên cứu những vấn đề quốc tế đáng lo ngại, thì quá trình sản xuất bê tông tạo ra từ 4 - 8% lượng CO2 toàn cầu. Chỉ có ba thứ vượt mặt bê tông trong bảng xếp hạng này, là than, dầu đốt và xăng. Một nửa số CO2 thải ra trong lượng 4 - 8% kể trên tới từ quá trình sản xuất clinker (Việt Nam ta còn gọi là clanhke), đây là giai đoạn tốn năng lượng nhất trong quy trình làm xi măng.
Ngoài ra, bê tông còn chiếm tới 1/10 lượng nước sử dụng của ngành công nghiệp toàn cầu. Hậu quả của việc này là thiếu nước uống và nước tưới tiêu, bởi 75% lượng nước ngành xi măng sử dụng đều quanh quẩn ở những khu vực thường xuyên gánh chịu hạn hán.
Bê tông cũng là tác nhân khiến bệnh bụi phổi do hít phải silic tệ hơn, góp phần không nhỏ vào tác hại của bệnh đường hô hấp nói chung. Bụi từ mỏ đá vôi và các nhà máy xi măng cũng là nguồn ô nhiễm lớn, chưa kể những chuyến xe, chuyến phà chở vật liệu giữa các điểm ô nhiễm.
Ứng dụng công nghệ xây dựng khô
Xây dựng theo phương thức “khô” là một phương thức rất mới không chỉ ở Việt Nam mà còn ở rất nhiều nước đang phát triển trên thế giới. Nó mới được áp dụng và phát triển khá nhanh tại các nước tiên tiến như Pháp, Mỹ, Nhật… Phương thức xây dựng “khô” có thể được hiểu là công nghệ xây dựng không sử dụng nước, đã được áp dụng khá nhiều trong xây dựng các công trình nhà ở tư nhân, các khu chung cư và các nhà máy…
Xây dựng khô thường sử dụng gỗ hoặc thép cho hệ khung, các tấm pano bằng thạch cao được sản xuất tại các nhà máy tiền chế, sử dụng làm tường bao hoặc vách ngăn. Đó là những vật liệu có nhiều ưu điểm trong việc áp dụng vào các công trình xây dựng. Theo tính toán, việc sử dụng phương thức xây dựng “khô” có thể khiến cho công trình có khối lượng nhẹ hơn so với phương thức xây dựng “ướt” tới 5 lần.
Như vậy, phương thức xây dựng “khô” sẽ mang lại hiệu quả kinh tế hơn nhiều trong các khâu sản xuất và vận chuyển vật liệu, tiết kiệm nhân công, thời gian thi công ngắn. Và đặc biệt xâm hại ít hơn rất nhiều vào môi trường tự nhiên so với phương thức xây dựng “ướt”.
Những ưu điểm của phương thức xây dựng khô có thể kể đến như: tiệt kiệm nước, tránh xả thải trực tiếp ra nguồn nước, giảm thiểu tác động đến môi trường. Bên cạnh đó, các cấu kiện được lắp ráp trước trong công nghệ vật liệu khô giúp làm giảm tiếng ồn, bụi và ô nhiễm trên công trường xây dựng. Bên cạnh đó, việc sử dụng phương thức xây dựng “khô” tạo ra một lượng khí thải CO2 ít hơn rất nhiều so với phương thức xây dựng “ướt”. Đặc biệt là với việc sử dụng gỗ - vật liệu xây dựng duy nhất không tạo ra CO2.
Ý kiến của bạn