Cộng đồng trách nhiệm, hướng tới xây dựng Quần thể Danh thắng Tràng An trở thành “trái tim” của “Đô thị di sản thiên niên kỷ”
Ninh Bình là một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng một sinh cảnh tuyệt sắc, sơn thanh, thuỷ tú, hệ sinh thái đa dạng, gắn với nhiều di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh nổi tiếng. Vùng đất Cố Đô còn gắn với quá trình cư ngụ của con người qua hàng vạn năm; là vùng đất địa linh nhân kiệt, mỗi tấc đất, dòng sông, ngọn núi nơi đây đều ghi đậm dấu ấn lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, gắn liền với tên tuổi của các bậc tiên đế, các bậc hiền nhân, anh hùng dân tộc; là nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam.
Quần thể danh thắng Tràng An là điểm nhấn đặc biệt của thiên nhiên, con người Ninh Bình; là dấu gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa lịch sử và cảnh quan, tạo nên mối giao thoa hài hoà trong không gian văn hoá cộng sinh. Năm 2014, Quần thể danh thắng Tràng An đã chính thức được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, trở thành di sản hỗn hợp thứ 31 trên thế giới, thứ 11 ở châu Á-Thái Bình Dương và là Di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á theo 3 tiêu chí nổi bật toàn cầu: văn hóa, vẻ đẹp thẩm mỹ và địa chất-địa mạo. Sau 10 năm được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, Quần thể danh thắng Tràng An thực sự đã là trung tâm thúc đẩy phát triển và khẳng định vị trí du lịch Ninh Bình trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh và bền vững của tỉnh cũng như cả nước.
Vai trò của cộng đồng trong bảo tồn Quần thể danh thắng Tràng An là không thể thay thế. Họ không chỉ là người thụ hưởng mà còn là những chủ thể tích cực trong việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản. Việc phát huy vai trò của cộng đồng là chìa khóa để đảm bảo rằng Tràng An tiếp tục là niềm tự hào của Việt Nam và nhân loại, đồng thời trở thành hình mẫu về bảo tồn di sản và phát triển bền vững.
Cộng đồng địa phương sống trong khu vực di sản thường là những người hiểu rõ giá trị và tầm quan trọng của Quần thể danh thắng Tràng An. Họ có thể trở thành những người bảo vệ trực tiếp và đầu tiên trước các hành vi gây hại, như khai thác trái phép hoặc xâm phạm tài nguyên. Các phong tục, tập quán, lễ hội gắn liền với di sản Tràng An được chính người dân bảo tồn, truyền thụ qua các thế hệ. Điều này góp phần duy trì truyền thống, giữ gìn nét đặc sắc văn hóa không thể tách rời khỏi giá trị của di sản. Nhiều người dân địa phương tham gia trực tiếp vào ngành du lịch, như làm hướng dẫn viên, chèo thuyền, cung cấp dịch vụ lưu trú hoặc sản xuất hàng thủ công truyền thống. Sự hiểu biết sâu sắc của họ về di sản giúp khách du lịch có được trải nghiệm chân thực và ý nghĩa. Khi tham gia tích cực và có trách nhiệm, cộng đồng có thể giúp định hướng và thực thi các hoạt động du lịch không gây hại đến môi trường và văn hóa. Cộng đồng có vai trò lan tỏa giá trị di sản, truyền đạt các giá trị của Tràng An cho thế hệ trẻ và du khách. Qua đó, họ giúp nhân rộng ý thức bảo tồn trong toàn xã hội. Sự gắn bó với di sản thúc đẩy người dân tìm kiếm các cách thức mới để phát huy giá trị của di sản, như sáng tạo sản phẩm văn hóa, tổ chức sự kiện, hoặc xây dựng các câu chuyện hấp dẫn về vùng đất này. Đặc biệt, sự chung tay trong việc bảo tồn di sản giúp gắn kết các thành viên trong cộng đồng, tạo nên tinh thần đoàn kết và trách nhiệm, giúp cộng đồng thêm tự hào về bản sắc văn hóa và di sản trên vùng đất Cố đô.
Lợi ích kinh tế đến từ di sản vừa là sợi dây kết nối, vừa tạo động lực cho cộng đồng chung tay bảo tồn di sản, hình thành mô hình hợp tác công - tư hiệu quả gắn kết di sản và du lịch. Các giá trị của di sản tiếp tục được nhận diện, bảo tồn. Không gian di sản trở thành môi trường lý tưởng cho nghiên cứu khoa học và mở ra cơ hội giao lưu văn hoá, làm giàu bản sắc dân tộc, đẩy mạnh thu hút đầu tư, đón chào bạn bè quốc tế đến tham quan về tìm hiểu về Di sản độc đáo này.
Quần thể danh thắng Tràng An được đánh giá “là một trong những mô hình mẫu mực, tiêu biểu nhất trên thế giới về sự kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn có thể tôn trọng thiên nhiên, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân, Nhà nước và doanh nghiệp”[1]. Tràng An là một bài học thành công khi coi văn hóa vừa là động lực vừa là mục tiêu, nền tảng tinh thần cho sự phát triển của đất nước, luôn đặt con người là trung tâm, chủ thể và nguồn lực, động lực; không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần.
[1] Phát biểu của bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO tại Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới tại Việt Nam được tổ chức tại Ninh Bình năm 2022.
Ý kiến của bạn