Cần xây dựng khung pháp lý rõ ràng để thúc đẩy ngành khai khoáng
Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý về địa chất, khoáng sản
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, tài nguyên địa chất, khoáng sản là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, đồng thời là nguồn dự trữ lâu dài cần được quản lý tập trung, khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững.
Để đạt được mục tiêu này, việc xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý về địa chất, khoáng sản là nhiệm vụ quan trọng, cần được thực hiện bài bản dựa trên căn cứ thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế.
Nhận định về cơ hội cho ngành khai khoáng tại Việt Nam, ông Alex Worner - Phó Tổng Giám đốc phụ trách mảng luật của Ernst & Young (EY) Australia cho rằng, với quá trình chuyển dịch năng lượng, ngành khai khoáng và kim loại trên toàn cầu phải đầu tư 1,7 nghìn tỷ USD trong 15 năm tới để đảm bảo đủ nguồn cung đồng, coban, niken và các kim loại quan trọng khác.
Giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam có nhiều cơ hội để có được lợi ích đáng kể từ ngành khai khoáng nhưng cũng tồn tại nhiều thách thức đối với các công ty khai khoáng để có thể đến được giai đoạn sản xuất khoáng sản, trong khi lợi ích mang lại đối với nước sở tại và cộng đồng địa phương chính là từ giai đoạn sản xuất, ông Alex Worner nhấn mạnh.
Vì vậy, Chính phủ Việt Nam có thể hỗ trợ vượt qua những thách thức này bằng cách xây dựng khung pháp lý và chính sách rõ ràng, hiện đại và thực chất, bao gồm tất cả các khía cạnh của hoạt động phát triển và vận hành mỏ.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng khung pháp lý và chính sách rõ ràng về địa chất, khoáng sản, ông Mai Thế Toản - Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam cho biết, theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 50 loại khoáng sản, với khoảng 5.000 mỏ quy mô khác nhau đang hoạt động (Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp 600 giấy phép, còn lại là địa phương), công nghiệp khai thác mỏ chiếm gần 5% tổng GDP.
Về bố cục, Dự thảo Luật gồm 12 chương và 117 điều. Trong đó có một số điểm mới, nổi bật như: Phân nhóm khoáng sản để thực hiện quản lý khoáng sản theo nhóm; phân cấp mạnh cho địa phương cấp tỉnh; cải cách hành chính; tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng kinh tế hàng năm; sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng; khoáng sản có giá trị kinh tế và nhu cầu sử dụng lớn; công nhận kết quả thăm dò khoáng sản thay vì phê duyệt trữ lượng; tăng cường quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển...
Tuy nhiên, hiện nay, quá trình khai thác, sử dụng mỏ vẫn chưa hiệu quả, gây thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường suốt nhiều năm qua. Nguyên nhân là bởi hệ thống pháp luật vẫn có những điểm chưa phù hợp, hệ thống giám sát, kiểm tra chưa chặt chẽ.
Thực tế trên đòi hỏi luật cần phải tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch; khắc phục bất cập trên thực tế; tiếp cận phương pháp quản trị hiện đại của các nước và phù hợp các điều ước, cam kết quốc tế.
Ông Nguyễn Hợp - Giám đốc Chiến lược và Phát triển Kinh doanh Cấp cao, Công ty TNHH Siam City Cement (Việt Nam) (INSEE) cho biết, Dự thảo Luật Địa Chất và Khoáng sản đã được xây dựng công phu mang tính tổng quát và kế thừa Luật Khoáng sản năm 2010.
Đặc biệt, Dự thảo Luật có nhiều điểm mới khắc phục những bất cập của Luật Khoáng sản hiện nay như: Gộp phần Địa chất và Khoáng sản, phân khoáng sản làm 4 nhóm, rõ ràng hơn về trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản... Dự thảo Luật cũng phù hợp chung với chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản.
Tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp
Chuyên gia tư vấn Ron Smint - Công ty Adam Smith International cũng cho biết, chính sách về khai khoáng rõ ràng sẽ giúp các doanh nghiệp, công ty khai khoáng hoạt động một cách hiệu quả và chấp hành, tuân thủ các quy định pháp luật cũng như chịu trách nhiệm về khai khoáng nghiêm túc hơn.
Ở nhiều nước trên thế giới, Nhà nước sẽ duy trì hệ thống địa chính quyền khai thác khoáng sản, đây là một hệ thống đăng ký dựa trên bản đồ ghi lại sở hữu các quyền đối với phần nào trên bản đồ cùng với các chi tiết của chủ sở hữu quyền và giấy phép (thời hạn, ngày hết hạn, loại khoáng sản,…).
Hệ thống địa chính quyền khai thác khoáng sản cũng có thể được sử dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc nộp đơn xin cấp quyền khai thác khoáng sản, để bảo đảm rằng tất cả những người nộp đơn được đối xử công bằng, phù hợp với pháp luật và để tránh nộp đơn đăng ký khu vực không khả dụng vì lý do an ninh hoặc do quyền sở hữu hiện tại, đang có hồ sơ xin cấp.
Chia sẻ kinh nghiệm trong áp dụng công nghệ, kỹ thuật thăm dò khoáng sản, ông Lon Taranaki - Giám đốc Quốc gia Việt Nam, Blackstone Minerals cho biết, Blackstone đã thành công trong việc xác định nguồn tài nguyên niken quy mô thế giới tại Bản Phúc. Để đạt được điều này, Blackstone đã sử dụng các kỹ thuật thăm dò địa vật lý hàng đầu trong ngành, khoan hơn 100.000 m, thiết lập dữ liệu thăm dò và nghiên cứu mẫu công nghệ với khối lượng gần 5.000 tấn, thực hiện quy mô phòng thí nghiệm, quy mô nhà máy thử nghiệm và thử nghiệm quy mô đầy đủ. Blackstone đã xây dựng một cơ sở thử nghiệm tại chỗ để thử nghiệm các công nghệ mới.
Kết quả cuối cùng là Blackstone có nguồn tài nguyên tuân thủ JORC Code (Tiêu chuẩn báo cáo trữ lượng khoáng sản của Australia) và quy định của Việt Nam là gần 300.000 tấn niken kim loại và Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia Việt Nam đã thông qua báo cáo kết quả thăm dò và phê duyệt trữ lượng của Blackstone vào năm 2023. Tất cả những điều trên đã được thực hiện theo Luật Khoáng sản hiện hành.
Ông Lon Taranaki mong rằng, thời gian tới, Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản sẽ có những quy định tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Blackstone được tham gia hợp tác thăm dò nhiều hơn.
Ý kiến của bạn