Cần có quy định không gian chiều cao ở đô thị

Nhà cao tầng “băm nát” đô thị, 2km đường “cõng” 40 tòa chung cư... đã gây quá tải cho hạ tầng, gây ùn tắc giao thông và ô nhiễm khói bụi. Mật độ nhà cao tầng quá lớn xuất phát từ việc lợi dụng kẽ hở khi đang thiếu tiêu chuẩn cao tầng và các quy chuẩn quy hoạch cho khu cao tầng đô thị.
18:21, 21/05/2024

CÔNG TRÌNH CAO TẦNG GÂY QUÁ TẢI HẠ TẦNG

Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn do Bộ Xây dựng soạn thảo được thiết kế với 05 Chương, 08 Mục, 61 Điều. Dự án này được xây dựng trên cơ sở kế thừa, phát triển và thống nhất các quy định về quy hoạch đô thị tại Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và các quy định về quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn tại Luật Xây dựng năm 2014, qua đó tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho công tác quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

Dự thảo Luật lần này có nhiều điểm mới như: Bổ sung, quy định rõ về nội dung quy hoạch không gian ngầm (đối với các đô thị trực thuộc tỉnh) và quy hoạch không gian ngầm (được lập riêng đối với các thành phố trực thuộc Trung ương và đô thị mới được quy hoạch trở thành thành phố trực thuộc Trung ương), nhằm khai thác tối đa hiệu quả sử dụng không gian, gắn kết đồng bộ không gian xây dựng trên và dưới mặt đất, mặt nước; Bổ sung quy định chặt chẽ về điều kiện, bổ sung quy định rõ về nguồn kinh phí cho công tác quy hoạch…

Tuy dự thảo Luật đã đưa vào khái niệm quy hoạch không gian ngầm, công trình ngầm, nhưng lại chưa đề cập tới quy định không gian chiều cao. Trước đó, Luật Quy hoạch đô thị 2020 cũng không quy định về công trình trên không, mà chỉ quy định về không gian ngầm và công trình ngầm đô thị.

Hiện việc tuân thủ chiều cao công trình thực hiện theo Thông tư 01/2021 của Bộ Xây dựng về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng. Quy chuẩn này quy định về các mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý bắt buộc phải tuân thủ trong hoạt động quy hoạch xây dựng.

Tại các đô thị lớn như TP.HCM hiện có quy chế quản lý kiến trúc quy định cụ thể tầng cao của từng khu vực, từng ô phố.

Còn TP Hà Nội có Quyết định số 11/2016 ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử. Trong đó, chỉ cho phép xây dựng công trình cao tầng tại các khu vực hai bên tuyến đường vành đai, tuyến phố hướng tâm, tuyến phố chính, một số khu vực điểm nhấn đô thị, trên cơ sở tuân thủ quy hoạch và đã xác định cụ thể trong quy chế.

Tuy đã có những cơ sở pháp lý để quản lý nhưng thực tiễn thời gian qua cho thấy vẫn còn tình trạng công trình cao tầng xây chen trong nội đô, gây quá tải hạ tầng. Do đó, những quy định về vấn đề này cần được đồng bộ, thống nhất ở mức cao hơn để khắc phục những hạn chế trong xác định quy hoạch chiều cao hiện hành. 

Dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn sẽ được trình Quốc hội khóa XV xem xét tại kỳ họp thứ 7, vào tháng 5/2024.

Việc các khu đô thị, nhà cao tầng phát triển quá nhanh khiến các thành phố trở nên quá tải (ảnh: Q.H)

QUY ĐỊNH CỨNG hay QUY ĐỊNH LINH HOẠT

Có ý kiến cho rằng, các quy định liên quan đến không gian chiều cao là nhu cầu bức thiết, nhất là ở khu vực đô thị. Việc quy định rõ ràng về vấn đề này cũng như phân biệt rạch ròi giữa việc sử dụng mặt đất và phần không gian phía trên sẽ giúp cơ quan chức năng giải quyết các mâu thuẫn phát sinh trong thực tiễn. Xung quanh vấn đề này, PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi cùng TS. Trịnh Thị Tú Anh, Ủy viên Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội:

PV: Thưa đại biểu, trước thực tế các tòa nhà cao tầng mọc lên dày đặc ở các đô thị lớn, cần đặt vấn đề quy định chiều cao công trình trong dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn ra sao?

TS. Trịnh Thị Tú Anh: Theo tôi việc quy định chiều cao công trình trong đô thị là rất cần thiết, bởi đảm bảo an toàn cho người dân và cộng đồng, hạn chế các nguy cơ sập đổ công trình do thiên tai, sự cố kỹ thuật hoặc lỗi thi công, đảm bảo mật độ giao thông, chống tắc đường.

Quy định chiều cao công trình còn giúp tạo được sự cân bằng, hài hòa trong kiến trúc đô thị, tránh tình trạng lộn xộn, mất mỹ quan, giữ gìn các giá trị văn hóa lịch sử.

Thứ ba là nó giúp bảo vệ môi trường, hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường như là ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm ánh sáng, các hiệu ứng đảo nhiệt. Thứ tư là giúp phát triển đô thị một cách bền vững, giúp cho chúng ta thúc đẩy sử dụng đất một cách hiệu quả, tránh lãng phí tài nguyên đất đai, tạo điều kiện cho phát triển hạ tầng giao thông đô thị đồng bộ và nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.

PV: Vậy theo đại biểu, cần bổ sung “khoảng trống” quy định về không gian chiều cao vào dự án Luật ở mức độ như thế nào?

TS. Trịnh Thị Tú Anh, Ủy viên Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (Media Quốc hội)

TS. Trịnh Thị Tú Anh: Quy định chiều cao công trình cần phải thống nhất nêu trong Luật về nguyên tắc thôi, quy định cứng thì sẽ đảm bảo tính thống nhất và chặt chẽ trong quản lý chiều cao công trình trên toàn quốc, tránh tình trạng quy định lỏng lẻo, thiếu đồng bộ.

Thứ hai là nó đảm bảo dễ dàng thực thi, bởi vì nó đã là văn bản pháp lý cao nhất rồi.

Tuy nhiên, việc này nếu chúng ta quy định cứng ở trong Luật sẽ thiếu tính linh hoạt, khi cần điều chỉnh sẽ rất là khó khăn. Quy định cứng cũng không khuyến khích được sự sáng tạo của các nhà đầu tư, của các kiến trúc sư để tạo ra những công trình đẹp, độc đáo và phù hợp với cái cảnh quan.

Cho nên tôi cho rằng, cần phải quy định nguyên tắc là là quy định cứng trong Luật hay là quy định linh hoạt thì tùy thuộc vào mức độ phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương; vào điều kiện địa hình, điều kiện khí hậu; vào đặc điểm của khu vực quy hoạch; tùy vào nhu cầu sử dụng đất đai của địa phương đó; tùy thuộc vào mật độ dân cư và cuối cùng là tùy thuộc vào cái khả năng cung cấp dịch vụ hạ tầng kỹ thuật.

Việc quy định chiều cao công trình nên kết hợp cả hai phương án là quy định cứng một số nội dung cơ bản ở trong Luật và quy định nguyên tắc, tức là quy định chi tiết trong các cái văn bản quy phạm pháp luật khác ở dưới Luật.

PV: Theo đại biểu, nếu quy định về vấn đề này được Luật hóa sẽ có tác động ra sao?

TS. Trịnh Thị Tú Anh: Thực tế theo báo cáo của Trung ương thì chất lượng đô thị hóa của chúng ta thật sự là chưa cao. Phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu và vấn đề này đang gây lãng phí về đất đai, mức độ tập trung kinh tế còn thấp rồi quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị thì chưa gắn chặt chẽ và đồng bộ với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tôi nghĩ rằng, quy định chiều cao công trình này được Luật hóa sẽ tạo ra hành lang pháp lý để quy hoạch, phát triển đô thị một cách bền vững hơn. Mục tiêu là số lượng đô thị toàn quốc năm 2025 đạt 950 đến 1.000 đô thị; năm 2030 thì đạt từ 1.000 đến 1.200 đô thị.

Lâu nay chúng ta chưa phát triển được là vì chúng ta thiếu những trang pháp lý và còn tùy tiện trong vấn đề chiều cao khi phát triển đô thị. Tôi hi vọng rằng với những quy định được cụ thể, rõ ràng và đặc biệt là quy định về chiều cao công trình sẽ tháo gỡ những cái khó khăn để chúng ta xây dựng và phát triển đô thị một cách bền vững hơn và hội nhập quốc tế.

PV: Xin được cảm ơn đại biểu!

PHẢI RÕ RÀNG ĐỂ KHÔNG BỊ TRỤC LỢI

Thời gian qua cũng chứng minh không gian bên trên mặt đất và không gian bên dưới lòng đất đã trở thành nguồn lực để phát triển. Trong đó, những khu đất có quy hoạch tầng cao và hệ số lớn sẽ có giá trị hơn những khu đất khác.

Chính vì thế, các chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng, cần có những quy định về vấn đề này một cách cụ thể, rõ ràng. PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi cùng KTS. Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội để tìm hiểu rõ hơn.

PV: Thưa ông, ông có đóng góp gì với việc đưa quy định không gian chiều cao ở đô thị vào Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn?

KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội (NVCC)

KTS. Trần Huy Ánh: Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn thì không đề cập đến nhà cao tầng.

Tuy nhiên, một bộ Luật thì có quy mô quốc gia và mỗi một đô thị, mỗi một khu vực mà thậm chí ngay trong một đô thị có nhiều vùng khác nhau thì có những hình thái không gian khác nhau.

Cho nên Luật phải đưa ra các nguyên tắc để tất cả các bên liên quan phải thực hiện và Luật phải rõ ràng để không bị lợi dụng nhằm trục lợi cá nhân.

 

Còn chi tiết các khu vực cụ thể thì chúng ta có thể là linh hoạt thay đổi nhưng nó phải đảm bảo một nguyên tắc rất là rõ ràng ngay trong luật đấy là sự công bằng tiếp cận những hạ tầng đô thị cũng như khai thác không gian đô thị không chỉ là chỉ về diện tích mặt đất mà kể cả không gian, khối tích trong đô thị.

PV: Ở các đô thị khác trên thế giới thì họ quy định về chiều cao công trình trong đô thị thế nào, thưa ông?

KTS. Trần Huy Ánh: Các đô thị tại Việt Nam phát triển tương đối nhanh nhưng có thể kế thừa được rất nhiều những công cụ, những điều luật ứng xử với tình huống tương tự ở các nước phát triển. Như thành phố Paris là hàng trăm năm trước, người ta đã đưa ra những quy định về không gian xung quanh nhà thờ Đức Bà, quy định chiều cao không vượt quá cái tháp chuông.

Những đô thị này đã được bảo vệ nhờ những quy định tốt. Đây là bài học rất tốt cho Hà Nội và các thành phố lớn để đặt ra các quy định cho các khu vực trung tâm hay ở những nơi có cảnh quan đẹp.

Ở đó các công trình kiến trúc, các công trình bất động sản có thể đem lại lợi ích lớn thì được điều tiết lợi ích đó ngược lại để hiện đại hóa hạ tầng. Nhưng quy định này cần được thảo luận rộng rãi về việc được làm hay không được làm trước khi đưa vào điều luật.

Bởi vì trong đó còn bao hàm cả những yếu tố về nghệ thuật, kiến trúc, xây dựng, và cả sự công bằng khi thực hiện quyền khai thác không gian trong đô thị.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông.

Ở nhiều đô thị trên thế giới hiện đã thực hiện lý thuyết về “không gian sinh lời”. Trong khi đó, các đô thị lớn ở nước ta có nhiều tòa nhà xây vượt quá số tầng nhưng rất khó khăn để xử lý vi phạm. Thực tế này khiến nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực mới đây đã đề nghị, rất cần thiết có quy định không gian chiều cao.

Bạn kỳ vọng gì vào Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị nếu bổ sung quy định về không gian chiều cao ở đô thị? Những quy định mới này sẽ tác động ra sao đến công tác quản lý và xây dựng, phát triển nhà cao tầng tại các đô thị lớn?

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOV Giao thông, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Xây dựng.

VOV Giao Thông

https://vovgiaothong.vn/newsaudio/can-co-quy-dinh-khong-gian-chieu-cao-o-do-thi-d39029.html

Pháp lý xây dựng

Đô thị biển Cần Giờ - cực tăng trưởng mới của Thành Phố Hồ Chí Minh

Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ là dự án siêu đô thị trọng điểm, mang tầm vóc quốc tế, trong chiến lược phát triển hướng biển năng động của Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM). Dự án đã chính thức khởi công vào ngày 19/4, bước vào giai đoạn triển khai, hứa hẹn mở ra chương mới cho khát vọng vươn ra biển lớn của thành phố.

Định hướng hệ thống TOD phức hợp cho khu vực TPHCM trong bối cảnh mở rộng ranh giới hành chính và nguồn lực phát triển

(KTVN 255) Nhìn chung, việc phát triển mạng lưới TOD trong vùng kinh tế động lực TPHCM đòi hỏi một cách tiếp cận đa tầng và linh hoạt. TPHCM sẽ là trung tâm điều phối với mô hình AI-TOD, sử dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa giao thông. Nhơn Trạch sẽ phát triển theo hướng MAOD, tập trung vào tính linh hoạt trong di chuyển với hệ thống phà, xe điện và BRT. Bình Dương sẽ đi theo mô hình UTD, tập trung phát triển đô thị quanh các ga tàu và nâng cao hệ thống giao thông công cộng. Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ triển khai VOTOD, kết hợp giữa đường sắt, giao thông thủy và các phương tiện thân thiện với môi trường. Khi tất cả các khu vực này được kết nối chặt chẽ trong một hệ thống tổng thể, vùng kinh tế động lực TPHCM sẽ có một nền tảng giao thông hiện đại, bền vững và hiệu quả hơn.

Mô hình thành phố song sinh Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành

(KTVN 255) Trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi tốc độ di chuyển và khả năng mở rộng kết nối trở thành yếu tố then chốt, sân bay Quốc tế Long Thành đóng vai trò quan trọng trong việc nâng tầm năng lực hàng không quốc gia, mở ra cơ hội lớn để Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn diện, bước vào kỷ nguyên hội nhập và phát triển mạnh mẽ.

Mô hình đô thị đặc thù - đô thị động lực trong bối cảnh của Thành phố Hồ Chí Minh

(KTVN 255) Năm 2017, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh tại kỳ họp thứ 4 ngày 24/11/2017. Chỉ sau 5 năm thực hiện, việc thí điểm theo Nghị quyết 54/2017/QH14 cho thấy hiệu quả của cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM chưa có tác động đáng kể đến hiệu quả phát triển. Vì vậy, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM tại kỳ họp thứ 5 ngày 24/5/2023, nhằm đáp ứng nhu cầu tạo dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù để dễ dàng phát triển trên cơ sở mật độ kinh tế rất lớn của TPHCM.

Đô thị toàn cầu Thành phố Hồ Chí Minh - Đặc thù và động lực

(KTVN 255) Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng Phạm Minh Chính phê duyệt đã đặt mục tiêu xây dựng và phát triển TPHCM thành đô thị toàn cầu, là hạt nhân vùng, cực tăng trưởng cả nước. Vậy TPHCM có những đặc thù gì và sẽ dựa vào những động lực nào để vươn mình thành đô thị toàn cầu trong tương lai...?

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi