Bất cập trong quản lý đất đai – “Điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế
Tại hội thảo chuyên đề “Quản lý đất đai và xác định giá đất - Những bất cập từ thực tiễn và qua hoạt động kiểm toán Nhà nước”, Phó tổng kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cho biết tại nhiều địa phương, số thu từ đất đai chiếm tới hơn 30% ngân sách địa phương và là nguồn vốn chính cho đầu tư công. Đất đai cũng là điều kiện vật chất hàng đầu để thực hiện thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong phát triển công nghiệp, dịch vụ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc quản lý, sử dụng đất đai thời gian qua còn rất nhiều những vấn đề bất cập, hạn chế, vướng mắc, thậm chí sai phạm phải xử lý như: chính sách, pháp luật về đất đai vừa chồng chéo, vừa phức tạp nhưng lại thiếu các quy định, chế tài cụ thể dẫn tới khó khăn trong áp dụng thực tiễn, chưa tạo dựng được một hành lang pháp lý rõ ràng cho công tác quản lý, sử dụng đất đai, nhất là cho phát triển kinh tế.
Chỉ rõ những “nút thắt” cần phải tháo gỡ, GS,TS. Đoàn Xuân Tiên, Nguyên Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, phân tích: những “nút thắt”, “điểm nghẽn”, theo chúng tôi, vấn đề gốc rễ trước hết liên quan đến bất cập về chính sách đất đai, kéo theo vấn đề đầu tư công, vấn đề phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp. Đó là giá đất, quy hoạch, giải phóng mặt bằng, vốn đầu tư, hạ tầng, môi trường, quy trình, thủ tục, thực thi pháp luật...
Đơn cử như hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa bảo đảm tính tổng thể, thống nhất và đồng bộ; chất lượng quy hoạch chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Vấn đề chậm công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chậm phê duyệt quy hoạch dẫn đến việc lập kế hoạch sử dụng đất chưa phù hợp, chưa đảm bảo cơ sở pháp lý.
Tình trạng điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thay đổi chuyển mục đích sử dụng đất không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhiều lần, nhiều trường hợp còn tùy tiện, tạo sự thiếu ổn định cho môi trường kinh doanh... cũng là những điểm nghẽn trong quản lý, sử dụng nguồn lực đất đai, cũng như trong thực hiện các dự án đầu tư công, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
GS,TS. Đoàn Xuân Tiên nhấn mạnh, những sai phạm, vi phạm và những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư công, phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp cùng với tình trạng quản lý lỏng lẻo, bị lợi dụng mang lại lợi ích cho cá nhân và lợi ích nhóm, dẫn đến đất đai bị sử dụng lãng phí, kém hiệu quả cả trong đầu tư công, trong phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp; Tình trạng suy thoái, ô nhiễm môi trường, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng, nhiều dự án bị bỏ hoang hoặc còn trống, đất nông lâm trường bị lấn chiếm, tranh chấp còn nhiều, khiến cho nguồn lực đất đai, nguồn vốn đầu tư của ngân sách nhà nước và xã hội chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả, chưa thực sự trở thành nguồn lực quan trọng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Ý kiến của bạn