Bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị trong phát triển đô thị
DI SẢN ĐÔ THỊ TRONG CÁC LUẬT HIỆN HÀNH
Hiện nay, di sản đô thị đang chịu cảnh lép vế hơn nếu so các di tích, di sản văn hóa khác, bởi trong Luật Di sản văn hóa không đề cập đến loại hình này, chưa có hành lang pháp lý để bảo vệ. Thực tế đang đòi hỏi di sản đô thị phải được đặt đúng vị trí để có những biện pháp bảo vệ trước khi nhóm di sản này bị biến dạng, xuống cấp, thậm chí biến mất hoàn toàn. Luật Di sản văn hóa 2001 (bổ sung sửa đổi năm 2009) hiện mới chỉ có quy định chính thức công nhận “di tích”, mà chưa có tiêu chí công nhận “di sản kiến trúc“, càng không có “di sản đô thị”. Luật cũng không quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức khoa học, các hội chuyên ngành (như Hội Quy hoạch phát triển đô thị, Hội Kiến trúc sư, Hội Khoa học Lịch sử, Hội Di sản văn hóa..) trong việc giúp cơ quan quản lý nhà nước thẩm định, đánh giá, nghiên cứu và hoạch định các chính sách liên quan đến di sản (hiện nay tùy thuộc cấp di tích mà do Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, hoặc UBND Tỉnh quyết định công nhận di tích và giao cho Sở chuyên ngành Văn hóa quản lý theo Luật Di sản văn hóa).
Chúng ta chưa có quy định thống nhất và được luật hóa vể đánh giá, xếp loại, công nhận di sản đô thị, dù trong thực tế, nhóm di sản này là một bộ phận quan trọng của di sản văn hóa Việt Nam. Khi chưa được pháp luật chế định các công cụ, quy trình xếp hạng, bảo vệ, đầu tư, phát huy…, di sản đô thị hoàn toàn có nguy cơ bị phá hủy, thay thế, làm mới không đúng phương pháp, dẫn tới làm sai lệch, biến dạng hoặc biến mất di sản đô thị. Bởi quá trình phát triển đô thị lịch sử, hầu hết di sản đô thị tập trung ở vùng lõi - nơi thường có giá trị bất động sản và thương mại cao, do đó, nguy cơ di sản đô thị bị can thiệp, thay thế càng lớn.
GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính đã nhận định: “Luật Di sản văn hóa chưa đề cập tới khái niệm và thuật ngữ “di sản đô thị” hoặc “di sản kiến trúc nông thôn”. Từ đó, khi phố cổ Hà Nội được công nhận là di tích lịch sử hay làng cổ Đường Lâm được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật… đã không thể hiện đầy đủ những giá trị, tính chất sống động và đặc biệt là nhu cầu sử dụng, cải tạo nâng cấp, cải tạo thích ứng và sự tham gia vào công cuộc phát triển tiếp nối của người dân”. Rất cần thiết mở rộng khái niệm “di tích” sang khái niệm “di sản”, cũng như vận dụng cho các quỹ di sản đô thị và cả ở khu vực nông thôn. Nếu Luật Di sản văn hóa không công nhận loại hình “di sản đô thị”, e rằng việc bảo tồn theo kiểu di tích sẽ tiếp tục tạo ra nhiều hạn chế với loại hình di sản này.
Luật Kiến trúc ban hành năm 2019 có quy định về “công trình kiến trúc có giá trị” với nhiều yếu tố khác biệt với “di sản đô thị”, bởi các quy định đánh giá, phân loại, bảo vệ, đầu tư và phát huy không thể giống nhau. Các Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị đều chưa đề cập một cách rõ ràng tới di sản đô thị, hay quy trình lập quy hoạch bảo tồn di sản đô thị (hiện chỉ có quy định lâp quy hoạch di tích). Vì vậy, giới chuyên môn vẫn đang trông đợi Luật Di sản văn hóa hiện đang được sửa đổi lần 2 sẽ bổ sung loại hình “di sản đô thị” quan trọng này. Theo Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2024, tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là 1 trong 9 dự án luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến.
BẢO TỒN DI SẢN ĐÔ THỊ: MÂU THUẪN ĐỐI KHÁNG HAY ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ?
Khi nói tới hai từ “bảo tồn” và “phát triển”, nhiều người quan niệm hai phạm trù này đối lập, mâu thuẫn, thậm chí nặng nề hơn là đối kháng, triệt tiêu. Tại các nước đang phát triển, bảo tồn có thể là gánh nặng cho ngân sách/nguồn lực kinh tế. Trong bối cảnh có ít lựa chọn kịch bản phát triển, có xu hướng tư duy rằng bảo tồn là trở lực, thậm chí xung đột với sự phát triển. Nếu chúng ta có tầm nhìn dài hạn, cần xem công tác bảo tồn là chiến lược đầu tư lâu dài và thông thái cho tương lai. Nếu vì lý do kinh tế trước mắt, chúng ta nóng vội thay thế di sản bằng những công trình mới, thì sau này, khi đất nước giàu có hơn, liệu quay nhìn lại có còn di sản, còn quá khứ để dành lại cho các thế hệ mai sau tự hào và trân trọng hay không? Tình trạng hiện hữu của nhiều di sản đô thị đã, đang thể hiện quan điểm và định hướng phát triển đô thị của chính quyền đô thị, đồng thời thể hiện thái độ ứng xử của cả người dân đối với chính di sản của mình.
Trong hướng tư duy tích cực, “bảo tồn” không đối lập và cũng không mâu thuẫn với “phát triển”. Ngược lại, nếu chúng ta có cách làm tốt, bảo tồn di sản chính là chìa khóa để đô thị giàu có thêm về văn hóa, lịch sử, tăng sức hấp dẫn trong xây dựng hình ảnh đô thị, tăng khả năng thu hút khách du lịch và những công dân tài năng đến sinh sống, làm việc và cống hiến. Dưới góc độ địa văn hóa - kinh tế, một đô thị tinh tế, đậm bản sắc, với những công dân ưu tú, chắc chắn sẽ tiến nhanh, tiến xa hơn trong cuộc đua phát triển, tăng trưởng khu vực và toàn cầu. Sức cạnh tranh của đô thị vì thế sẽ được nâng cao, đô thị sớm có triển vọng trở thành một thành phố - hub quốc tế. Một đô thị nhân văn, với những khu phố di sản thấm đẫm kỷ niệm và ký ức nơi chốn, sẽ là nơi tuyệt vời để sống, cống hiến và nuôi dưỡng tâm hồn hướng thiện cho mọi cư dân của nó, bởi sự bện kết văn hóa đô thị được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
TS Martin Rama, một chuyên gia kinh tế, đã nhận định: “Nhiều thành phố ở những đất nước có thu nhập cao là một điểm hội tụ cho sáng tạo chứ không chỉ đơn thuần là sản xuất. Các thành phố lớn nhất trên thế giới là những thành phố thu hút tài năng hàng đầu. Những người này thường kỹ tính, tinh tế trong chọn lựa, và họ không thật quan tâm đến các đô thị chức năng, họ muốn sống ở những thành phố thú vị, những đô thị có tính cách. Họ tìm kiếm một khung cảnh văn hóa rực rỡ, những bảo tàng hấp dẫn với kiến trúc đẹp... Vì vậy, ở nấc thang phát triển cao, bảo tồn di sản đô thị lại chính là một tài sản kinh tế cực kỳ quan trọng…”.
XÂY DỰNG KHUNG ĐÁNH GIÁ GIÁ TRỊ DI SẢN ĐÔ THỊ CHUẨN XÁC ĐỂ CÓ CHIẾN LƯỢC BẢO TỒN ĐÚNG ĐẮN HƠN
Việc xác định các giá trị và tiềm năng bảo tồn di sản đô thị cần phải được tiến hành đúng theo phương pháp luận của bảo tồn đô thị (hiện còn nhiều lẫn lộn với bảo tồn di tích kiến trúc). Sự kết hợp giữa nghiên cứu cấu trúc đô thị trong quá khứ và sự vận dụng khôn khéo các kinh nghiệm lịch sử liên quan đến phát triển đô thị hiện đại sẽ tạo ra lý luận và bằng chứng cụ thể để đạt được sự phát triển liên tục - vốn là đặc trưng quý giá nhất của một đô thị lâu đời. Việc chỉ ra đặc điểm của quá trình hình thành cấu trúc đô thị (mà đặc trưng rõ nét nhất là sự chuyển hoá của các thành phần đô thị theo tiến trình lịch sử như: các cấu trúc Thành cổ, Khu phố Cổ, Khu phố Pháp và Khu công chức người Việt, các khu phố/khu tập thể phát triển sau này…) sẽ cho phép quy hoạch đô thị hiện đại được trang bị tư tưởng tổ chức đô thị hợp lí, sử dụng hiệu quả các chức năng đô thị, kết hợp phần cũ - mới trong phát triển, tạo cho đô thị trở thành một đô thị nhiều lớp ký ức và liên kết hữu cơ. Đáng tiếc đến nay, các thành phần mở rộng của các thành phố không kế thừa được các cấu trúc đô thị của lịch sử, đang tỏ ra lạc lõng, biệt lập, thiếu tính liên tục cả về nội dung chức năng lẫn thẩm mĩ.
Đã đến lúc chúng ta cần thảo luận thật cụ thể để có thể đưa ra những bộ tiêu chí đánh giá giá trị di sản đô thị có thể cho kết quả khả dĩ (chính xác) nhất. Đã có rất nhiều nghiên cứu và công bố quốc tế về các bộ tiêu chí đánh giá tiềm năng phát huy của di sản gắn với những hướng/lĩnh vực cụ thể, mà nhiều nhất là gắn với phát triển kinh tế du lịch thông qua hình thức phát triển du lịch di sản văn hóa.
Trong quy trình đánh giá chất lượng đô thị của mình, đã xác định sáu thuộc tính để đánh giá các địa điểm di sản: (i) Tiếp cận và liên kết; (ii) Tiện nghi và hình ảnh; (iii) Sử dụng và hoạt động; (iv) Tính hòa đồng; (v) Bối cảnh và bảo tồn; (vi) Diễn giải địa điểm (Samrqandi). Trong khi đó, Abou-Soliman đề xuất 05 đặc điểm vật lý cho di sản đô thị sôi động: (i) Khả năng tiếp cận; (ii) Quy mô và hình thức phù hợp cho các hoạt động được xác định; (iii) Cung cấp khả năng sử dụng phù hợp; (iv) Khuyến khích các hoạt động của du khách; (v) Cơ sở hạ tầng và dịch vụ để hỗ trợ các hoạt động được chỉ định. Học giả đã đề xuất 07 phẩm chất phi vật thể cho các đặc điểm không gian công cộng có tiềm năng phát huy giá trị di sản đô thị: (i) Sống động; (ii) Dễ đọc, dễ ghi nhớ; (iii) Rõ ràng; (iv) Có ý nghĩa; (v) An toàn; (vi) Mang tính biểu tượng; (vii) Đáng khích lệ.
L. Veldpaus và cộng sự đã nghiên cứu, trích dẫn 28 tài liệu, chính sách quốc tế về các giai đoạn chính của công tác bảo tồn di sản đô thị và đề xuất Khung đánh giá bảo tồn dựa trên bốn trụ cột chính của các dự án bảo tồn, gồm có: (i) Định nghĩa về di sản phải được mở rộng để bao gồm cả môi trường xây dựng và bối cảnh địa lý; (ii) Mục tiêu chính của dự án bảo tồn phải phụ thuộc vào cách tiếp cận toàn diện, tích hợp trong việc xác định, đánh giá, bảo tồn và quản lý ý nghĩa di sản đô thị; (iii) Các chiến lược phải được xây dựng và sử dụng hợp lý để thu hút sự tham gia của chính quyền địa phương nhằm phát triển các công cụ và phương tiện cần thiết, đáp ứng tích cực các giá trị và nhu cầu của địa phương.; (iv) Các bên liên quan ở địa phương, quốc gia và quốc tế phải tham gia tích cực vào việc hoạch định chính sách, hệ thống quản trị và quản lý các nỗ lực bảo tồn của khu vực di sản đô thị.
Bộ tiêu chí đánh giá (hay Khung đánh giá/Bộ chỉ số…) đang ngày càng được nhiều quốc gia xây dựng và sử dụng như một công cụ hữu hiệu cho việc đánh giá mức độ bền vững của đô thị. Chúng cung cấp một phương thức cải thiện thông tin, tính minh bạch, hiệu quả và trách nhiệm trong quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường sống, cho phép đơn giản hóa việc đánh giá các mục tiêu quản lý. Các bộ khung này còn có vai trò trong việc nhanh chóng phát hiện những thách thức mà đô thị đang gặp phải và gợi mở những hành động ứng phó phù hợp để hướng tới sự phát triển bền vững. Tuy nhiên cho đến nay chưa có Bộ tiêu chí được công nhận rộng rãi về đánh giá tiềm năng di sản đô thị trong phát triển.
Ví dụ, theo hướng khai thác, phát huy giá trị di sản đô thị trong phát triển du lịch văn hóa, xuất phát từ những đặc điểm di sản đô thị ở Việt Nam, PGS.TS Khuất Tân Hưng đề xuất 05 tiêu chí dựa trên cách tiếp cận tổng hợp, gồm kết hợp giữa các tiếp cận PSR và cách tiếp cận Khung chủ đề, đồng thời tham khảo phương pháp luận bảo tồn đô thị của Nahoum Cohen. Bộ khung tiêu chí đánh giá tiềm năng di sản đô thị trong phát triển du lịch di sản văn hóa được xác định bao gồm 05 tiêu chí như sau: (i) Cấu trúc và đặc điểm tổng thể; (ii) Đặc điểm kiến trúc và nhóm công trình kiến trúc đặc thù; (iii) Văn hóa và các hoạt động đô thị; (iv) Tình trạng bảo tồn và phát huy giá trị di sản; (v) Thể chế và cộng đồng. Từ 05 tiêu chí này, để có thể có kết quả chính xác, nghiên cứu đã cụ thể hóa bằng 20 chỉ tiêu.
Việc xây dựng một Bộ tiêu chí được chấp nhận rộng rãi có thể giúp ích rất nhiều trong việc định lượng được tiềm năng di sản đô thị, để có giải pháp bảo tồn, phát huy và quản lý phù hợp, biến di sản thành điểm đến, gia tăng sức hấp dẫn của đô thị. Cần có những đánh giá khoa học, chuẩn xác để biết chúng ta đang có những gì, đồng thời kết hợp các phương pháp lượng giá giá trị di sản để xây dựng được biểu đồ tăng/giảm các giá trị của di sản trong sự phát triển liên tục của đô thị. Từ những kết quả đảnh giá này, chúng ta có thể xây dựng chiến lược, kế hoạch, chương trình bảo tồn đúng đắn hơn.
BẢO TỒN DI SẢN ĐÔ THỊ TRONG BỐI CẢNH MỚI
Ngày nay, thế giới không chỉ nói đến “địa chính trị”, mà đã và đang nói đến khái niệm mới “địa kinh tế - văn hóa”. Khái niệm này chỉ ra những nhận thức mới, những hiểu biết mới với khả năng tổng hợp ban đầu về địa lý văn hóa và kinh tế, trong nghiên cứu văn hóa và các chuỗi lý thuyết kinh tế phát triển mới. Văn hóa, hiện nay, không chỉ là động lực cho sự phát triển kinh tế, mà đã phát triển sâu hơn, được nhìn nhận trong cả chiều cạnh không gian địa lý, như một động lực trong phát triển các không gian kinh tế và đô thị. Trong bối cảnh này, di sản đô thị có cơ hội tham gia vào phát triển công nghiệp văn hóa - sáng tạo. Nếu chúng ta có chiến lược khai thác, phát huy tốt, sẽ đem lại hiệu quả lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của một đô thị, một quốc gia.
Nhìn rộng hơn, bảo tồn thích ứng di sản đô thị còn là cơ hội để di sản tham gia vào quá trình đổi mới đô thị. Đổi mới đô thị được coi là một động cơ kinh tế và một cơ chế cải cách đô thị, thông qua việc thay đổi cơ cấu chức năng để tạo các xung lực phát triển mới. Việc bảo tồn thích ứng, củng cố sức sống bền vững, gia tăng giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cho các di sản này cũng là một khâu trong công cuộc đổi mới đô thị. Tuy nhiên, tất cả quá trình này đều phải đảm bảo di sản không bị hủy hoại, thay thế hay sai lệch cơ bản các giá trị vốn có.
Sự tham gia của các di sản văn hóa trong phát triển không gian kinh tế - đô thị ngày càng được nhìn nhận sâu sắc và rõ nét hơn. Sự hiện diện và thẩm thấu của văn hóa trong các hoạt động kinh tế và phát triển đô thị ngày càng sâu rộng hơn. Bảo tồn di sản đô thị cần được nhìn nhận theo hướng chủ động, đưa các thành phần di sản tham gia tích cực vào sự phát triển. Cần phân biệt rõ khái niệm di tích và di sản. Khác với di tích vốn đòi hỏi phải bảo tồn nguyên trạng/nguyên vẹn, công tác tôn tạo, trùng tu di tích phải cố gắng tối đa phục hồi trở lại trạng thái gốc ban đầu, thì di sản cho phép có những điều chỉnh, bổ sung thích hợp để đáp ứng yêu cầu của thời đại.
Gần đây, nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực bảo tồn, quản lý di tích, di sản đã đề xuất áp dụng lý thuyết Các bên liên quan trong công tác bảo tồn, dù lý thuyết này đã được đưa ra từ nửa thế kỷ trước. Lý thuyết này cung cấp công cụ lý luận cần thiết cho quản lý tổ chức, đạo đức trong quản lý và về mối quan hệ của các bên trong hoạt động quản trị. Các dự án bảo tồn vốn có tính đa ngành, nhiều thành phần có lợi ích và trách nhiệm liên quan, sử dụng lý thuyết này là cách hiệu quả, giúp các dự án này có thể thành công tốt đẹp.
Với di sản đô thị, khó có thể chỉ bảo tồn theo điểm giống như di tích, mà di sản đô thị là mảng, là vùng, là không gian đô thị. Di sản đô thị không chỉ là những viên gạch, một ngôi nhà, những công trình lịch sử có giá trị, mà còn là không gian bao chứa và dung dưỡng cuộc sống đô thị, là một tuyến phố, một cảnh quan đô thị, là những hoạt động đô thị đã được tích lũy và làm giàu văn hóa qua nhiều thế hệ. Việc bảo tồn thế nào để đô thị vừa gìn giữ được quỹ tài nguyên di sản có giá trị, vừa đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội đặt ra cho chúng ta nhiều câu hỏi từ thực tiễn.
Vấn đề số hóa di sản đang dần đóng vai trò quan trọng hơn trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị. Việc trang bị đầy đủ dữ liệu, lưu trữ, giữ gìn trên nền tảng số về di sản trong nhiều phương diện cụ thể như kiến trúc, vật liệu, màu sắc, nội dung... là giải pháp hữu hiệu giúp cho công tác bảo tồn, tôn tạo di tích đảm bảo được yếu tố nguyên gốc, tránh sự xâm hại làm biến tướng di tích/di sản. Tại nhiều nước phát triển, tiến trình số hóa di sản đã được thực hiện từ nhiều năm nay, đã đạt đến con số 89-90% di sản được số hóa.
H-BIM - mô hình thông tin di sản (Heritage or historical building information modelling) là một ứng dụng mở rộng dựa trên ứng dụng phương pháp BIM trong lĩnh vực di sản, đã được triển khai rất hiệu quả tại châu Âu. Ứng dụng này, cùng với sự hỗ trợ của AI, đã giúp thống nhất các dữ liệu di sản một cách đồng nhất, khiến việc tiếp cận, truy cập, phân tích thông tin di sản thuận tiện hơn.
Công nghệ hiện đại đã tác động rất nhiều tới các hoạt động bảo tồn di sản. Sự ưu việt của công nghệ hiện đại, mà AI là một điển hình, đã được nhiều nước phát triển áp dụng, đạt thành công nhất định trong bảo tồn di sản kiến trúc và đô thị. Với công nghệ AI, lĩnh vực bảo tồn di sản dường như được tiếp cận với những phương pháp thu thập, xử lý và đồng bộ dữ liệu/thông số hiện trạng chính xác, hứa hẹn đạt được mục tiêu bảo tồn hiệu quả hơn.
PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN ĐÔ THỊ ĐỂ DI SẢN “SỐNG MÃI”
Khi nói tới ứng xử với di sản, phải nói tới cặp phạm trù “bảo tồn” và “phát huy”. Bảo tồn cái gì và phát huy thế nào phụ thuộc vào tính chất, đặc điểm, giá trị, bối cảnh và môi trường di sản ở mỗi địa điểm/khu vực di sản. Sức sống lâu bền của một đô thị nằm trong kí ức của những thế hệ dân cư. Di sản đô thị không thể và không chỉ tồn tại trong hồ sơ kiểm đếm để quản lý, mà cần được hiện diện rất giản dị trong những câu chuyện của cư dân đô thị về những con sông, cây cầu, ngôi chợ cũ, nhà hát, vườn hoa, hiệu kem, gánh phở… Những tên phố, tên đường dù cũ hay đã đổi thay, dù còn hay mất - cũng đều là một phần của kí ức, tạo nên căn tính và giá trị nhân văn bện kết một cộng đồng.
Theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Thục, dưới góc độ đô thị là một thực thể liên tục phát triển, cần đánh giá đúng, đủ giá trị kinh tế di sản trong đánh giá tiềm năng di sản. Việc phát huy giá trị di sản đô thị có nhiều hình thức khác nhau, mang lại nhiều lợi ích dưới nhiều hình thức cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Cách chúng ta nuôi dưỡng, khai thác “nồi cơm di sản” một cách thông thái sẽ có thể tạo ra giá trị kép, vừa có kinh phí tái đầu tư cho bảo tồn, vừa bổ sung tài chính để phát triển kinh tế - xã hội.
Song hành với bảo tồn, cần xem di sản là một quỹ tài nguyên có thể khai thác, phát huy trong phát triển kinh tế đô thị, đặc biệt, trong phát triển du lịch văn hóa. Nếu chỉ tính giá trị kinh tế đối với lĩnh vực dễ thấy nhất là du lịch văn hóa, theo báo cáo của tạp chí FMI, doanh thu toàn cầu của du lịch văn hóa năm 2023 dự kiến đạt 5.931,2 tỉ USD. Với mức tăng trưởng CARG lên tới 14,4% trong 10 năm tới, doanh thu từ du lịch văn hóa toàn cầu sẽ đạt đến 22.772 tỉ USD vào năm 2033. Đối với du lịch di sản văn hóa vốn có tài nguyên chủ yếu là di sản, quy mô thị trường du lịch di sản toàn cầu được định giá 556,96 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ mở rộng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 3,8% từ năm 2022 đến năm 2030 (theo Heritage Tourism Market Size, Share & Trends Analysis Report By Type, GVR).
Di sản đô thị, với những thuộc tính của nó, có giá trị kinh tế lớn, có thể tạo ra nguồn lực lớn cho phát triển mà không cần phải thay thế, phá hủy. Phát huy giá trị kinh tế của di sản không phải để thay thế, phá hủy di sản, mà để khai thác và hòa nhập chúng vào dòng chảy phát triển của đô thị. Thông qua tạo ra liên hệ tương tác giữa văn hóa, kinh tế và công nghệ, chúng ta sẽ có được giải pháp thông minh trong bảo tồn, hồi sinh và phát huy giá trị của di sản đô thị trong bối cảnh mới.
KẾT LUẬN
Để bảo tồn và phát huy đúng đắn giá trị di sản đô thị Việt Nam trong bối cảnh phát triển của các đô thị, đặt trong bối cảnh hiện đại hóa và sự phát triển của khoa học công nghệ, đòi hỏi chúng ta phải lập kế hoạch và thực thi những công việc cần thiết sau:
Di sản đô thị phải được đặt đúng vị trí trong Luật Di sản văn hóa, để có những công cụ pháp lý đủ mạnh bảo vệ trước khi chúng bị biến dạng, xuống cấp, thậm chí biến mất.
Cần tư duy di sản đô thị là một động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Bảo tồn di sản chính là chìa khóa để đô thị giàu có thêm về văn hóa, lịch sử, làm nổi rõ bản sắc đô thị, tăng sức cạnh tranh giữa các đô thị. Cần nhìn tổng thể, đánh giá đúng các nguồn lực di sản đô thị tạo ra, từ nội tại đến các phối kết đô thị trong việc tạo ra những động lực phát triển mới.
Chuyển đổi số và công nghệ 4.0 đòi hỏi chúng ta phải đẩy mạnh khoa học công nghệ trong phát huy giá trị di sản đô thị. Ứng dụng khoa học kỹ thuật mới trong bảo tồn không chỉ góp phần tạo dựng cơ sở dữ liệu nhằm bảo tồn di sản, mà còn là phương tiện hữu hiệu để quảng bá di sản đô thị tới công chúng, du khách trong nước và quốc tế.
Cần thảo luận, xây dựng Khung đánh giá được chấp nhận rộng rãi, áp dụng đánh giá giá trị di sản/tiềm năng di sản/khả năng phát huy của di sản trong sự phát triển liên tục của đô thị, từ đó có thể xây dựng chiến lược, kế hoạch, chương trình bảo tồn đúng đắn hơn.
Bảo tồn di sản đô thị cần được nhìn nhận theo hướng chủ động, đưa các thành phần di sản tham gia tích cực vào sự phát triển. Cần chú trọng các giải pháp bảo tồn thích ứng để di sản đô thị tiếp tục tham gia vào đời sống, kinh tế, xã hội của đô thị.
Phát huy giá trị di sản đô thị là cơ hội để di sản tham gia vào quá trình đổi mới đô thị, có thể trở thành một động cơ kinh tế và một cơ chế cải cách đô thị hữu hiệu. Nuôi dưỡng, khai thác di sản đô thị một cách thông thái sẽ có thể tạo ra giá trị kép, vừa có kinh phí tái đầu tư cho bảo tồn, vừa bổ sung tài chính để phát triển kinh tế - xã hội.
Trước những thách thức to lớn của yêu cầu phát triển, hơn lúc nào hết, con người càng phải thông thái hơn để có thể tìm ra con đường đúng đắn nhất dẫn tới tương lai tươi sáng, nhân văn và bền vững cho chính chúng ta và các thế hệ mai sau./.
Ghi chú
* TS.KTS. Nguyễn Quốc Tuân: Chủ nhiệm các đề tài:
- Đề tài NCKH cấp Bộ: Phát huy giá trị di sản đô thị khu phố Pháp ở Hải Phòng gắn với phát triển du lịch di sản văn hóa. Đề tài do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Trường đại học Văn hóa Hà Nội thực hiện.
- Đề tài NCKH cấp Nhà nước: Nghiên cứu về Bảo tồn, phát huy, làm mới giá trị truyền thống trong phát triển kiến trúc Việt Nam - Mã số VH.02.02/22-28. Đề tài do Hội KTS Việt Nam thực hiện.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Quốc Tuân (2019), Quản lý và phát huy giá trị kinh tế của Di sản đô thị thời Pháp thuộc tại TP Hồ Chí Minh trong phát triển đô thị, Tạp chí Xây dựng, số 04-2019.
2. Hoàng Đạo Kính (2012), Văn hóa Kiến trúc, Nhà xuất bản Tri Thức.
3. Martin Rama (2014), Hà Nội, một chốn rong chơi, Nhà xuất bản Thế giới.
4. Nguyễn Hồng Thục (2023), Phương pháp và công cụ bảo tồn và phát huy giá trị các khu phố lịch sử trong phát triển, Hội thảo khoa học “Phát huy giá trị di sản đô thị thời Pháp thuộc gắn với phát triển du lịch di sản văn hóa”, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội; Khoa Kiến trúc – công trình, trường ĐH Phương Đông; Bộ môn Lịch sử và Bảo tồn di sản kiến trúc, trường ĐH Kiến trúc Hà Nội đồng tổ chức.
5. Samargandi, S. (2018), Integral Placemaking in Sensitive Heritage Sites for Successful Cultural Tourism, Master’s Thesis, Effat University, Jeddah, Saudi Arabia.
6. Yousof, A.S. (2018), Plaza Design Criteria—Applied Study of South East Plaza of the Grand Mosque at Makkah, Master’s Thesis, Umm Al-Qura University, Makkah, Saudi Arabia.
- Veldpaus L, Pereira Roders A. (2014), Learning from a Legacy : Venice to Valetta, book Changing over time, Volume 4, Number 2, Fall 2014, pp. 244-263 (Article), Published by University of Pennsylvania Press, DOI: 10.1353/cot.2014.0022.
8. Khuất Tân Hưng (2023), Đánh giá tiềm năng di sản đô thị trong phát triển du lịch di sản văn hóa, Hội thảo khoa học “Phát huy giá trị di sản đô thị thời Pháp thuộc gắn với phát triển du lịch di sản văn hóa”, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội; Khoa Kiến trúc – công trình, trường ĐH Phương Đông; Bộ môn Lịch sử và Bảo tồn di sản kiến trúc, trường ĐH Kiến trúc Hà Nội đồng tổ chức.
9. Nguyễn Quốc Tuân (2022), Conservation of French colonial urban heritage: treating heritage as an asset to develop a better conservation strategy, Hội thảo khoa học quốc tế “Kinh nghiệm Việt Nam – Ba Lan trong bảo quản và bảo tồn di sản kiến trúc”, Trường đại học Kiến trúc Hà Nội.
- Nguyễn Tri Phương (2023), Quản lý di tích lịch sử - văn hóa ở tỉnh Thái Bình, Luận án tiến sĩ, Trường đại học Văn hóa Hà Nội.
11. Nguyễn Vinh Quang (2022), Sử dụng công nghệ số trong lĩnh vực bảo tồn di sản – kinh nghiệm từ Italia, Hội thảo “Di sản & Kiến trúc trong phát triển bền vững đô thị du lịch biển”, Trường ĐH Xây dựng Miền Trung, Phú Yên.
- Adam Conner Simons (2020), MIT Using Artificial Intelligence to Translate Ancient “Dead” Languages. SCITechDaily, Hoa Kỳ.
- FMI - Future Market Insights (2023), Cutural Tourism Market Outlook (2023 to 2033).
- GVR (2020), Heritage Tourism Market Size, Share & Trends Analysis Report, GVR-4-68039-959-1
- Nguyễn Quốc Tuân (2023), Bảo tồn thích ứng di sản kiến trúc và đô thị thời Pháp thuộc ở Việt Nam trong bối cảnh mới, Tạp chí Kiến trúc, số 10-2023.
Ý kiến của bạn