Bảo tồn và phát huy gắn với phát triển du lịch nhà truyền thống ngoài khu phố cổ Hội An - trường hợp điển hình: Làng gốm Thanh Hà

Bảo tồn và phát huy gắn với phát triển du lịch nhà truyền thống ngoài khu phố cổ Hội An - trường hợp điển hình: Làng gốm Thanh Hà

(Vietnamarchi) - Đô thị cổ Hội An là quần thể di tích kiến trúc rất phong phú về loại hình. Theo thống kê của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, hiện nay trên địa bàn Thành phố có 1.439 di tích, tập trung chủ yếu trong Khu phố cổ với 1.175 di tích, ngoài Khu phố cổ: 264 di tích. Trong số 264 di tích này, ngoài các công trình tôn giáo, tín ngưỡng (loại hình di tích chủ yếu) còn có các ngôi nhà truyền thống thuộc sở hữu tư nhân và tập thể. Các ngôi nhà này dùng để ở, thờ tự ông bà tổ tiên; qua vài thế hệ, một số ngôi nhà được xem như nhà thờ tộc chi, phái, không gian thờ cúng được coi trọng hơn, các không gian chức năng khác trong nhà không có nhiều thay đổi.
09:02, 10/01/2024

Cũng có một số ngôi nhà khác được xây dựng với mục đích sử dụng làm nhà thờ tộc ngay từ ban đầu. Tiêu biểu như nhà ông Lê Bàn, khối Nam Diêu, phường Thanh Hà (di tích cấp Tỉnh); Nhà thờ tộc Phan Xuân, thôn Phước Trung, xã Cẩm Kim (di tích cấp Quốc gia); Nhà thờ tộc Trần Thanh, khối Lâm Sa, phường Cẩm Phô (di tích cấp Tỉnh)… Bên cạnh đó, ở vùng ven còn có các làng nghề truyền thống như: Làng gốm Thanh Hà, Làng mộc Kim Bồng, Làng rau Trà Quế hiện vẫn còn bảo tồn được cảnh quan sinh thái, văn hóa, nhiều di tích và các lễ hội, tín ngưỡng, tập quán truyền thống. Các di tích ngoài Khu phố cổ được UBND Thành phố quan tâm gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị không thua kém các di tích trong Khu phố cổ. 

CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ NHÀ TRUYỀN THỐNG KHU VỰC VÙNG VEN THÀNH PHỐ HỘI AN

Hầu hết các ngôi nhà truyền thống ở Hội An là nhà gỗ, mái ngói âm dương, có giá trị cao về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật. Trải qua thời gian dài sử dụng, chịu các tác động của thời tiết, sự phá hoại của côn trùng (mối, mọt…), các ngôi nhà này đều bị xuống cấp với nhiều mức độ khác nhau.

Trước khi tiến hành tu bổ, để đảm bảo về mặt quản lý kiến trúc, chủ di tích phải tiến hành xin phép tu bổ, tôn tạo theo luật định. Các nội dung tu bổ liên quan đến yếu tố nguyên gốc của di tích phải có ý kiến tham vấn về mặt chuyên môn của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa, sự thống nhất chủ trương của UBND Thành phố. Sau khi có giấy phép tu bổ, tôn tạo, Trung tâm sẽ hướng dẫn chủ di tích lập thủ tục theo quy định về hỗ trợ kinh phí (nếu chủ di tích có đơn xin hỗ trợ kinh phí tu bổ).

Bảng thông tin di tích tại nhà bà Huỳnh Thị Liêu, xã Cẩm Kim

Kinh phí cho việc tu bổ các ngôi nhà truyền thống là con số không nhỏ, do đó, chủ di tích rất cần sự hỗ trợ về tài chính và cả kỹ thuật, chuyên môn từ các cấp chính quyền địa phương. Thấu hiểu nguyện vọng đó, UBND Thành phố đã ban hành Cơ chế hỗ trợ kinh phí đầu tư tu bổ di tích trên địa bàn thành phố Hội An nằm ngoài Khu phố cổ (ban hành kèm theo Quyết định số 17/2010/QĐ-UBND ngày 27/7/2010). Theo đó, tùy theo giá trị và hình thức sở hữu, ngân sách nhà nước sẽ có mức hỗ trợ đầu tư tu bổ khác nhau một cách phù hợp. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống mối mọt cho các di tích ngoài khu phố cổ, trong đó có nhà truyền thống là hoạt động thường xuyên nhằm ngăn ngừa, kịp thời xử lý nguy cơ mối, mọt gây ra thiệt hại lớn đối với di tích. Năm 2021, UBND Thành phố đã thống nhất chủ trương cho phép Trung tâm hợp đồng với đơn vị tư vấn tiến hành khảo sát, đánh giá tình trạng mối, mọt tại các di tích ngoài khu phố cổ Hội An, kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách của Thành phố. Từ đó đến nay, công tác này bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực, hạn chế đáng kể tình trạng mối mọt xâm hại di tích, qua đó bảo vệ những giá trị kiến trúc nghệ thuật cũng như tuổi thọ của di tích.

Các ngôi nhà truyền thống, di tích vùng ven phân bố rải rác trên khắp địa bàn Thành phố, nên để có thể phát huy hiệu quả giá trị di tích, Thành phố đã lắp dựng bản đồ tham quan, sơ đồ phân bố di tích ở một số địa phương (tại các nút giao thông quan trọng để du khách có thể dễ dàng nhìn thấy, tiếp cận), bảng chỉ dẫn đường đi đến từng di tích, làng nghề. Tại các ngôi nhà truyền thống nói riêng, các di tích nói chung, Trung tâm đã lắp đặt bảng thông tin giới thiệu di tích bằng song ngữ (Việt - Anh) để du khách có thể nắm bắt thông tin sơ bộ về di tích.

CÔNG TÁC BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ LÀNG GỐM THANH HÀ, THÀNH PHỐ HỘI AN GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH

Bên cạnh việc bảo tồn từng di tích riêng lẻ ở vùng ven, UBND Thành phố còn chú trọng việc giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo kiến trúc cảnh quan, phát huy giá trị các làng nghề truyền thống, điển hình là Làng gốm Thanh Hà, phường Thanh Hà.

Tổng quan về lịch sử, văn hóa làng gốm Thanh Hà

Thanh Hà là một trong những làng/xã hình thành sớm ở Hội An, vào khoảng thế kỷ XVI-XVII. Theo địa bạ làng Thanh Hà được lập vào thời vua Gia Long năm thứ 11 (1812), xã Thanh Hà thuộc tổng Phú Triêm hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, với việc dân cư tăng nhanh và diện tích được mở rộng, một số làng/xã ở Hội An có quy mô dân số, diện tích đất phát triển đã tách ra thành các làng nhỏ hoặc dưới làng hình thành các thôn, sau đổi thành ấp, làng Thanh Hà lúc này được chia thành 13 ấp, trong đó có ấp Nam Diêu.

Làng gốm Thanh Hà nằm ở vùng ngoại ô phía tây của Hội An, thuộc địa phận khối Nam Diêu (ấp Nam Diêu trước đây), phường Thanh Hà, là làng nghề truyền thống có hơn 400 năm tuổi, chuyên sản xuất ngói (âm dương), gạch lát nền và các sản phẩm gốm gia dụng như hũ, bình vôi, vại, nồi, thạp, trả, om... Các sản phẩm gạch, ngói của Thanh Hà đã được sử dụng trong việc xây dựng nhà cửa của cư dân Hội An qua các thế hệ. Do có vị trí cận thị, cận giang nên sản phẩm gốm Thanh Hà không chỉ tiêu thụ mạnh ở cảng thị Hội An, các tỉnh duyên hải miền Trung Việt Nam mà có giai đoạn còn là một mặt hàng xuất khẩu ra nước ngoài. Hiện nay, nhiều hộ gia đình trong làng còn theo nghề, chuyên sản xuất ngói và các sản phẩm lưu niệm bằng đất nung.

Cảnh quan, kiến trúc làng gốm Thanh Hà

Về cảnh quan, bao quanh làng là con sông Thu Bồn hiền hòa và các nhánh sông nhỏ, tạo cảnh quan sinh thái thơ mộng. Trong làng có hàng trăm ngôi nhà có quy mô nhỏ và vừa, phân bố dọc theo những con đường làng quanh co, bao bọc bởi hàng rào chè tàu, vườn hoa màu, cây ăn trái xanh mát. Hàng chục ngôi nhà có kiểu dáng kiến trúc truyền thống hiện còn có giá trị về mặt kiến trúc, bảo tồn được cách thức bố trí công năng sử dụng bên trong nhà... Nằm đan xen giữa các ngôi nhà là các lò gốm truyền thống, cây cổ thụ và các thiết chế văn hóa tín ngưỡng quan trọng trong đời sống cộng đồng như đình, miếu…, đặc biệt là khu miếu Tổ nghề gốm Nam Diêu, nơi trung tâm thực hiện nghi lễ tín ngưỡng của cư dân cả ấp Nam Diêu và thờ chủ thần Tổ nghề gốm. Các lễ, lệ và mối quan hệ làng xã, gia đình, tộc họ còn được duy trì khá rõ nét.

Về kiến trúc, trong khuôn viên làng hiện còn một số ngôi nhà có kiểu dáng kiến trúc truyền thống gồm nhà rường 3 gian 2 chái và nhà 3 gian (xét kiến trúc nhà chính).

Các ngôi nhà rường dạng 3 gian 2 chái hiện còn đều được xây dựng trước năm 1960. Mặt bằng các ngôi nhà đều có quy mô vừa phải, bề rộng gian giữa tương đương hoặc rộng hơn so với hai gian bên. Nhà xây thấp để hạn chế tác động gió bão, hệ khung chịu lực (cột, kèo, xiên, trính) bằng gỗ, tường bao che xây gạch và vữa vôi (sau này bị bong tróc, tô trát lại bằng vữa xi măng), nền lát gạch thẻ hoặc láng xi măng, mái lợp ngói âm dương, bờ nóc, bờ chảy có hình thức đơn giản. Hình thức kèo phổ biến: kèo trước là kèo kẻ chuyền, kèo sau có dạng kèo suốt.

Nhà 3 gian có mặt tiền ảnh hưởng kiến trúc Pháp với hệ cửa đi, cửa sổ là cửa pano lá sách gỗ, được xây dựng trong giai đoạn từ 1960 đến 1975. Quy mô nhà tương đương nhà rường, bề rộng gian giữa nhỏ hơn so với hai gian bên. Nhà có hệ khung chịu lực (kèo, xiên, trính) bằng gỗ, tường bao che xây gạch, nền lát gạch thẻ (một số láng xi măng hoặc lát gạch men), mái lợp ngói âm dương hoặc ngói Tây. Hệ khung nhà đều có kiểu “con tiền cái hậu” (trốn hàng cột nhất tiền, cột này gối lên trính - như trụ đội).

Cách bố trí công năng nhà chính trong 2 kiểu nhà này tương tự nhau: gian chính giữa dùng làm nơi thờ tự và tiếp khách. Nền gian thờ xây cao hơn nền nhà một bậc, có nhà còn trang trí thêm hoành phi, liễn đối và tô vẽ tường bao quanh gian thờ. Hai gian bên bố trí giường ngủ, kho cất vật dụng. Đây là nguồn cung cấp nhiều thông tin, tư liệu quan trọng để nghiên cứu về lĩnh vực kiến trúc truyền thống và nếp sống, sinh hoạt của cư dân địa phương, góp phần làm phong phú, đa dạng các loại hình kiến trúc nghệ thuật ở Hội An.

Công tác bảo tồn cảnh quan, kiến trúc làng gốm Thanh Hà

Nhận thấy việc giữ gìn và phát huy giá trị của quần thể di tích, di vật lịch sử, các di sản văn hoá phi vật thể liên quan đến cộng đồng làng xã, hoạt động sản xuất của làng nghề địa phương là rất cần thiết, ngay từ năm 2008, UBND thành phố Hội An đã ban hành Quy chế quản lý, bảo tồn làng gốm Thanh Hà theo Quyết định số 09/2008/QĐ-UBND ngày 14/11/2008. Theo đó, làng được chia thành 2 khu vực bảo vệ: Khu vực bảo vệ I (vùng lõi): khu vực bảo vệ nguyên trạng; Khu vực bảo vệ II (vùng đệm): khu vực bảo vệ cảnh quan và môi trường sinh thái.

Sơ đồ khoanh vùng bảo vệ Làng gốm Thanh Hà
Các di tích và nhà ở trong khu vực khoanh vùng bảo vệ

Trong đó: có 01 di tích cấp Quốc gia là đình Xuân Mỹ; 02 di tích cấp Tỉnh: khu miếu Tổ nghề gốm Nam Diêu, nhà ông Lê Bàn; 01 di tích nằm trong Danh mục di tích - danh thắng được UBND Tỉnh bảo vệ theo Quyết định số 3508/QĐ-UBND, ngày 05/11/2019 của UBND tỉnh Quảng Nam là miếu ấp Bộc Thủy; 07 di tích nằm trong Danh mục bảo vệ của Thành phố Hội An: Bia đá thời Minh Mạng, nhà bà Nguyễn Thị Chiến, nhà thờ tộc Nguyễn Văn, miếu Trung Lương, miếu Trung Hòa, nhà thờ tộc Nguyễn Văn Phái III, làng gốm Thanh Hà. Các di tích, nhà đơn lẻ trong khu vực khoanh vùng bảo vệ được phân loại theo 03 mức độ giá trị bảo tồn: loại I, loại II, loại III để thực hiện công tác quản lý phù hợp theo từng công trình.

Nhà ông Lê Bàn ở Làng gốm Thanh Hà

Cuối năm 2016, UBND Thành phố có quyết định điều chỉnh một số nội dung của Quy chế quản lý, bảo tồn Làng gốm Thanh Hà (tại Công văn số 4989/UBND ngày 14/12/2016) cho phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời bổ sung nội dung hỗ trợ kinh phí tu bổ hệ mái ngói đối với nhà loại I theo Cơ chế hỗ trợ kinh phí đầu tư, tu bổ di tích trên địa bàn Thành phố nằm ngoài Khu phố cổ (theo Quyết định số 17/2010/QĐ-UBND ngày 27/7/2010). Về mức hỗ trợ, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa phối hợp với các ngành liên quan để thống nhất, tham mưu UBND Thành phố thực hiện. Theo nội dung Quy chế và nội dung điều chỉnh, trong khu vực I, di tích loại I khi tu bổ (nhà chính) phải tuân thủ nguyên tắc bảo tồn nguyên trạng các chức năng, yếu tố gốc của công trình. Với di tích loại II, có thể cải tạo nhà chính nhưng hệ cửa, hệ mái, kiểu dáng mặt tiền phải làm theo nguyên trạng công trình. Với di tích loại III, được phép cải tạo hoặc xây mới thành nhà 2 tầng, độ cao đỉnh mái tối đa là 8m (tính từ cốt mặt đường), khuyến khích sửa chữa, cải tạo mặt tiền nhà theo kiểu dáng truyền thống, sử dụng vật liệu địa phương. Trong khu vực II, nhà chính của nhà loại I, II áp dụng như trong khu vực I; nhà loại II có thể cải tạo, cơi nới hoặc xây mới thêm nhà phụ, nhà loại III cải tạo, xây mới nhà chính nhưng không quá 2 tầng và không quá 10,5m (tính từ cốt mặt đường), mái lợp ngói đất nung; phải giữ nguyên hệ thống tường rào, cổng ngõ truyền thống sẵn có.

 Trong đợt điều tra năm 2017 của Trung tâm nhằm thu thập ý kiến của người dân trong khu vực Làng gốm sau gần 10 năm áp dụng Quy chế quản lý, bảo tồn Làng gốm Thanh Hà, có đến 94,3% ý kiến thống nhất rằng việc bảo tồn nghề gốm và cảnh quan, di tích, nhà ở liên quan đến làng nghề là cần thiết. Người dân rất hoan nghênh và ủng hộ nội dung điều chỉnh Quy chế năm 2016, tuy nhiên vẫn cần điều chỉnh, bổ sung một vài nội dung nhằm đáp ứng hơn nữa nhu cầu, nguyện vọng của người dân.

PHÁT HUY GIÁ TRỊ LÀNG GỐM THANH HÀ GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH

Làng gốm Thanh Hà được đưa vào tuyến tham quan từ năm 2001 và được quản lý khá quy củ theo hướng phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái bền vững. Khi đến làng gốm, du khách sẽ được chứng kiến, trực tiếp trải nghiệm các công đoạn làm gốm cùng các nghệ nhân, chiêm ngưỡng các tác phẩm gốm và được đắm mình trong khung cảnh thanh bình, yên ả của một làng quê Hội An. Nguồn thu từ hoạt động bán vé tham quan tại làng gốm Thanh Hà sẽ được điều phối về cơ quan tổ chức hoạt động hướng dẫn tham quan tại đây: mức 40% nhằm phục vụ công tác quản lý, xúc tiến các hoạt động du lịch, dịch vụ, đầu tư cho con người, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật…; còn lại 60% nguồn thu sẽ do UBND phường Thanh Hà quản lý dùng để chi các hoạt động đầu tư cơ sở vật chất, bảo vệ cảnh quan, môi trường và đặc biệt là chi trực tiếp cho các nghệ nhân, đội ngũ phục vụ các hoạt động du lịch cộng đồng tại làng gốm Thanh Hà. Các nghệ nhân, thợ thủ công tùy theo mức độ lành nghề, mức độ đóng góp vào các hoạt động du lịch mà sẽ nhận được mức chi trả thích hợp định kỳ dựa vào nguồn thu vé tham quan.

Một góc Làng gốm Thanh Hà

Ở mỗi hộ trải nghiệm, người dân còn có thể trực tiếp bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được sản xuất tại làng đến tay du khách, được tổ chức các lớp học làm gốm, vẽ mặt nạ gốm và các dịch vụ khác cho du khách. Ngoài ra, bà con còn được Thành phố hỗ trợ đào tạo nghề, tham quan, tìm hiểu các mô hình sản xuất gốm trên khắp cả nước, được hỗ trợ đưa sản phẩm gốm tham gia vào các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước. Điều này cho thấy người dân Làng gốm được hưởng nhiều lợi ích từ hoạt động du lịch. Họ ý thức rõ nghề gốm, cảnh quan, kiến trúc làng nghề là yếu tố lôi cuốn khách du lịch, do đó luôn trân trọng và giữ gìn, bảo tồn các di sản này.

Để tăng sức thu hút, cảnh quan khu vực Làng gốm cũng được quan tâm đầu tư chỉnh trang. Như không gian quen thuộc của làng quê truyền thống “cây đa - bến nước - sân đình” tại đình Xuân Mỹ được bảo tồn, đồng thời tôn tạo tượng gốm đất nung 12 con giáp khu vực sát bờ sông trước đình. Trong các đường làng ngõ xóm, khuyến khích người dân trồng hàng rào cây xanh (chè tàu), dùng các sản phẩm gốm địa phương để trang trí tường rào… kết hợp với các hoạt động sản xuất gốm, phơi phôi gốm diễn ra thường nhật, tạo sự thích thú cho du khách. Công tác vệ sinh, thu gom rác thải được thực hiện hằng ngày. Nhờ đó, cảnh quan Làng gốm luôn được giữ gìn sạch đẹp.

Có thể nói rằng, việc áp dụng Quy chế quản lý, bảo tồn Làng gốm Thanh Hà cùng với các biện pháp quản lý du lịch địa phương đã đem lại những kết quả rất ấn tượng. Năm 2013, tổng lượt khách đến tham quan Làng gốm Thanh Hà là 29.590 lượt, trong đó khách quốc tế là 20.090 lượt, khách Việt Nam là 3.500 lượt. Cao điểm năm 2019, Làng gốm đón 707.549 lượt khách tham quan, cuộc sống của người dân địa phương có nhiều khởi sắc. Trong năm 2020 và 2021, lượng khách tham quan sụt giảm đáng kể do chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, hiện đang trên đà phục hồi.

Sự phát triển của du lịch tại làng gốm Thanh Hà trong những năm gần đây giúp cho mức thu nhập bình quân của người dân khu vực tăng lên đáng kể.

Bảng thống kê tổng lượng khách tham quan và nguồn thu vé tham quan tại làng gốm Thanh Hà

Năm 2018, UBND tỉnh Quảng Nam đã có Quyết định số 864/QĐ-UBND, ngày 09/3/2018 công nhận điểm du lịch Làng gốm Thanh Hà, phường Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. 

Điểm thu hút của các sản phẩm du lịch chính là sự tham gia trực tiếp của bà con nông dân, cộng đồng vào trong các hoạt động du lịch, hình thành một hệ thống sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa sinh thái nông nghiệp độc đáo của các vùng miền. Những chủ nhân đích thực của không gian làng quê ấy sẽ là người đồng hành cùng trải nghiệm với du khách, cộng đồng cùng hưởng lợi và chia sẻ. Cũng nhờ đó mà nông dân có thêm nguồn thu nhập bên cạnh hoạt động nông nghiệp thuần túy. Tại một số cộng đồng khó khăn, mô hình này được xem là một trong những phương thức xóa đói giảm nghèo đặc biệt, tạo thêm nguồn sinh kế, việc làm, góp phần cải thiện đời sống của nông dân,…

Thành công của làng gốm Thanh Hà, Hội An là một minh chứng cụ thể của việc phát huy vai trò cộng đồng trong phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn gắn với khai thác, giữ gìn các giá trị văn hóa bản địa, sản phẩm OCOP của làng nghề này.

TẠM KẾT

Bên cạnh Khu phố cổ, các di tích nói chung, những ngôi nhà truyền thống nằm riêng lẻ ở vùng ven nói riêng cũng là yếu tố quan trọng cấu thành quần thể kiến trúc Đô thị cổ Hội An, cần được quan tâm bảo tồn.

Một ngôi nhà truyền thống ở Làng gốm Thanh Hà

Có thể nói trong thời gian qua, công tác quản lý, phát huy giá trị di sản trên địa bàn thành phố Hội An đã và đang đạt được những thành quả tốt đẹp. Nhờ áp dụng hiệu quả chính sách quản lý kiến trúc, hỗ trợ kinh phí tu bổ mà các di tích được giữ gìn gần như nguyên vẹn. Việc này sẽ khó thực hiện được nếu không có sự đồng thuận, chung tay từ người dân, sự vào cuộc quyết liệt đầy trách nhiệm của các nhà chuyên môn, nhà quản lý.

Về công tác bảo tồn kiến trúc nhà truyền thống, cảnh quan làng nghề: Các làng nghề, xóm nghề, ngành nghề truyền thống ở Hội An là những thực thể văn hoá sống động, gắn với quá trình phát triển của các xã phường và cộng đồng dân cư, với không gian văn hoá, cảnh quan địa lý - sinh thái của từng làng xã, địa phương cụ thể. Vì vậy, có thể nói rằng, nếu đánh mất những thực thể này hoặc làm biến dạng chúng cũng có nghĩa là đã đánh mất đi vốn di sản văn hoá mà cha ông đã dày công bồi đắp và truyền lại từ hàng trăm năm trước. Việc bảo tồn và phục hồi lại diện mạo sống động, nhộn nhịp của một số làng nghề, xóm nghề, ngành nghề truyền thống đặc trưng của địa phương tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng chắc chắn sẽ đạt được kết quả nếu có những nhận thức đầy đủ, toàn diện về vai trò, vị trí, giá trị văn hóa của chúng, có những biện pháp phù hợp, có sự tham gia góp sức của nhiều cấp chính quyền, nhiều nhà chuyên môn và sự đồng thuận cao của nhân dân./.

TÀI LIỆU THAM KHAO

1. UBND thành phố Hội An (2015), Di tích – Danh thắng Hội An, NXB Đà Nẵng,

2. Báo cáo tình hình phát triển KT - XH phường Thanh Hà năm 2013.

3. Niên giám thống kê thành phố Hội An từ năm 2018 đến 2022, Chi cục thống kê thành phố Hội An

4. Nguyễn Thị Ngà (2022), Làng nghề gốm Thanh Hà, Hội An - Nét đặc trưng từ một làng nghề gốm truyền thống ở miền Trung, nguồn: https://hoianheritage.net/vi/trao-doi-chuyen-nganh/chuyen-de-nghien-cuu-trao-doi/lang-nghe-gom-thanh-ha-hoi-an-net-dac-trung-tu-mot-lang-nghe-gom-truyen-thong-o-mien-trung-996.html

5. Trung tâm QLBT DSVH Hội AN (2019), Làng nghề, ngành nghề truyền thống ở Hội An trước vận hội mới, nguồn: https://hoianheritage.net/vi/trao-doi-chuyen-nganh/chuyen-de-nghien-cuu-trao-doi/lang-nghe-nganh-nghe-truyen-thong-o-hoi-an-truoc-van-hoi-moi-784.html

Pháp lý xây dựng

Tài nguyên kinh tế du lịch di sản từ thương hiệu đô thị di sản thiên niên kỷ và những gợi ý nghiên cứu tiềm năng

Giá trị tiềm năng chỉ riêng cho kinh tế du lịch di sản của tỉnh Ninh Bình tính theo công thức của Noonan-2003 tổng hợp từ 129 địa điểm nghiên cứu để tính thử: Hàng năm có từ 5-7 triệu lượt khách du lịch/năm x 42.78 USD (sẵn lòng chi trả du lịch/người) = 192 triệu đến 300 triệu USD/năm; Nếu tính biến (t) theo thời gian, chẳng hạn sau 10 năm, thì Giá trị tiềm năng du lịch di sản của Ninh Bình có thể lên tới hơn 3 tỷ USD/năm - Khoảng 75 ngàn tỷ/năm (Hà Nội hiện nay là 62.000 tỷ/năm). Nếu lựa chọn định hướng phát triển Đô thị di sản thiên niên kỷ - biểu tượng duy nhất ở VN thì tiềm năng chi trả du lịch của du khách có thể lên đến 12 tỷ USD/năm.

Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Ninh Bình, tại sao không?

Trên thế giới có khá nhiều địa danh vừa là Di sản Thế giới (DSTG) lại vừa là Công viên Địa chất Toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO, thậm chí có khi lại còn cả Khu dự trữ Sinh quyền Thế giới (DTSQ), tất nhiên chỉ khác biệt ít nhiều về ranh giới. Có thể kể đến một số ví dụ tiêu biểu, như Ngorongoro (Tanzania) hay đảo Jeju (Hàn Quốc), vừa là DSTG, DTSQ, đồng thời cũng là CVĐCTC UNESCO. Đảo Jeju (Hàn Quốc) - thường được mệnh danh là Nữ hoàng ba vương miện - có lẽ là ví dụ điển hình nhất, với DSTG ở vùng trung tâm, mở rộng dần gần như theo kiểu đồng tâm, lần lượt được bao quanh bởi Vườn quốc gia, DTSQ và ngoài cùng, chiếm toàn bộ đảo là CVĐCTC UNESCO. Hiện nay, tỉnh Ninh Bình đang có định hướng lớn về “Thành phố Di sản Thiên niên kỷ Hoa Lư”, kích hoạt trực tiếp ý tưởng về CVĐCTC UNESCO.

Kết nối không gian văn hóa - xã hội vùng lõi và vùng đệm danh thắng Tràng An - Hướng tới đô thị di sản vì con người

Ngày 04/3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 218/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc trung ương, văn minh, hiện đại, thông mình, có bản sắc riêng, ngang tầm các đô thị di sản, thành phố sáng tạo trên thế giới, có vị thế, giá trị thương hiệu cao trong mạng lưới di sản thế giới của UNESCO. Mục tiêu này cần được tiếp cận từ góc nhìn của 3 vấn đề cơ bản là: Bối cảnh của không gian lịch sử - văn hóa kinh đô Hoa Lư xưa với phạm vi tương đương với tỉnh Ninh Bình hiện nay; Bối cảnh biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn thế giới; Xu hướng phát triển đô thị di sản đô thị sinh thái gần với phát triển du lịch bền vững.

Xây dựng cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội cho phát triển vùng di sản Tràng An, Ninh Bình theo hướng bền vững

Cần nhận diện, định dạng cụ thể các giá trị bản sắc mang tính đặc thù, nổi trội, riêng có và lợi thế tuyệt đối của vùng Tràng An, Ninh Bình coi đó là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; trên cơ sở đó đề xuất một số nhóm chính sách mang tính vượt trội, nhằm hoán chuyển các nguồn lực di sản trở thành nguồn lực để phát triển tỉnh Ninh Bình trong bối cảnh mới. 

Xây dựng đô thị di sản Hoa Lư - Nhìn từ mục tiêu thiên niên kỷ của UNESCO

Di sản - trở thành một thương hiệu, định vị định danh và tôn vinh cao cấp nhất đối với đô thị hay một nơi chốn. Với các thành phố ở Việt Nam, nơi mà quỹ di sản, di tích dày đặc, trải dài, trải rộng trong không gian và đậm đặc tính lịch sử của thời gian thì có được tôn vinh là đô thị di sản. Vậy, để định danh được nó, cần có các tiêu chí đánh giá cụ thể. Và trên thực tế các thành phố còn “lúng túng” khi xác định các tiêu chí này dễ tạo nên những mâu thuẫn trong cách ứng xử với chính di sản của mình.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi