Bảo tồn hệ giá trị kiến trúc của năm giai đoạn phát triển kiến trúc Việt Nam - phát huy và đổi mới yếu tố truyền thống trong kiến trúc đương đại
Bước vào lộ trình toàn cầu hóa, quốc tế hóa và hội nhập sâu rộng trong thế kỷ 21, vấn đề đặt ra là phải bảo tồn có hiệu quả hệ giá trị kiến trúc của dân tộc và tìm ra công thức phát huy và/hoặc đổi mới yếu tố truyền thống ấy trong bối cảnh kiến trúc đương đại, vì hai phạm trù “truyền thống” và “hiện đại” dù đối lập lại không “loại trừ nhau” trong thực tế, vẫn luôn chừa ra một khoảng giao thoa nhất định để các kiến trúc sư tìm tòi và sáng tạo trong đó. Điều này càng thêm ý nghĩa, vì xã hội càng phát triển, những gì thuộc về truyền thống và bản sắc của mỗi quốc gia và từng vùng miền càng được đề cao và trân trọng, với điều kiện phải được phát huy và làm mới (đổi mới) một cách khéo léo.
1. Tổng quan
Ngoài Luật Di sản Văn hóa số 28/2001/QH10 được Quốc hội thông qua năm 2001 khẳng định tầm quan trọng của di sản văn hóa vật thể (trong đó có công trình kiến trúc có giá trị, di tích lịch sử và cổ vật gắn liền với di tích và công trình đó) và văn hóa phi vật thể (các hình thức văn hóa – nghệ thuật – tín ngưỡng dân gian gắn liền với công trình kiến trúc có giá trị) trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, do đó cần được bảo vệ và phát huy giá trị - đó là nghĩa vụ của Nhà nước, mọi tổ chức và mọi công dân (Điều 5, Điều 9, Điều 10, Điều 11 và Điều 14) (Quốc hội Việt Nam, 2001), Luật Kiến trúc số 40/2019/QH14 có hiệu lực áp dụng từ 01/07/2019 đã luận bàn rõ ràng về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc (Điều 4 và Điều 5) cũng như về công trình kiến trúc có giá trị (Điều 13 và Điều 14). Tinh thần chung của bốn điều này là bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống, tiếp thu chọn lọc tinh hoa kiến trúc thế giới nhằm xây dựng nền kiến trúc Việt Nam tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc được thể hiện trong từng công trình tiêu biểu và đặc trưng cho mỗi thời kỳ, mỗi vùng miền và mỗi dân tộc, trong cách thức tổ chức không gian, kỹ thuật xây dựng, sử dụng vật liệu và được tuân thủ chặt chẽ quy trình bảo tồn, trùng tu/sửa chữa để giá trị của công trình không bị ảnh hưởng hay tác động tiêu cực (Quốc hội Việt Nam, 2019). Như vậy, có thể thấy rằng việc bảo tồn – kế thừa – phát huy giá trị của kiến trúc truyền thống luôn là nhiệm vụ hết sức cơ bản, quan trọng và xuyên suốt. Trên cơ sở đó, việc đổi mới kiến trúc Việt Nam hướng tới tính tiên tiến và hiện đại trong bối cảnh hội nhập và giao lưu quốc tế (bằng cách phát huy truyền thống và tiếp thu chọn lọc các thành tựu kiến trúc thế giới) được coi là yêu cầu nâng cao.
Trên phương diện lý luận, một số chuyên gia và học giả trong nước đã bàn luận và soi rọi việc bảo tồn, phát huy và làm mới giá trị kiến trúc truyền thống dưới nhiều góc độ và trên nhiều mức độ khác nhau. KTS. Vũ Hiệp đã đề cập đến khái niệm “mã gien nghệ thuật” mà kiến trúc cũng là một hợp phần của nghệ thuật. Theo đó tính di truyền của nghệ thuật (có cả kiến trúc trong đó) có thể được soi chiếu thông qua các cơ sở sinh học, tâm lý dân tộc, các dữ liệu lịch sử (sự kiện, văn bản, thiết chế xã hội, tôn giáo, …), những di sản vật thể (kiến trúc, điêu khắc, hội họa, trang phục, đồ mỹ nghệ, …), di sản phi vật thể (âm nhạc, ca dao, tục ngữ, truyện dân gian, …). Một cơ chế (nguyên lý, cấu hình) sáng tạo nào đó được duy trì “đủ lâu” qua nhiều giai đoạn lịch sử bởi nhiều thế hệ của một dân tộc thì cơ chế đó được coi là có tính di truyền, biểu thị một mã gien nghệ thuật. Mã gien nghệ thuật nằm sâu bên trong các biểu hiện của văn hóa và nghệ thuật, âm thầm tác động đến quá trình sáng tạo mà nghệ sỹ và công chúng không dễ nhận ra. Mã gien xuyên qua các thời đại khác nhau, kết nối những phong cách, xu hướng khác nhau để quy hồi tất cả trở về với đặc tính nguyên gốc của dân tộc, xa hơn nữa là giống loài. Mã gien nghệ thuật được xác lập, di truyền và điều chỉnh qua các thời đại khác nhau. Có những mã gien duy trì kéo dài trong suốt lịch sử hình thành và phát triển dân tộc, nhưng cũng có mã gien chỉ tồn tại đến một thời kỳ nào đó rồi “lặn” đi (nhưng vẫn có ảnh hưởng chi phối ngầm). Vũ Hiệp đã nhận định mã gien nghệ thuật nói chung và mã gien kiến trúc nói riêng là những căn tính nghệ thuật (kiến trúc) được lưu truyền qua các thế hệ của một dân tộc bởi sự ổn định tương đối về khí hậu, nhân khẩu, đồng thời được bồi đắp bởi các lớp văn hóa trong quá trình di cư và định cư, sự kiến tạo xã hội và lịch sử (Vũ Hiệp, 2023a). Ông cũng mạnh dạn nêu bật một số mã gien kiến trúc của Việt Nam như Chiết trung (khởi nguồn từ thời Lý – Trần và trở nên rõ nét hơn khi Đạo Thiên Chúa du nhập vào Việt Nam trong thế kỷ 16 – 17) với sự pha trộn kiến trúc Đông – Tây, và đặc biệt nổi bật với phong cách kiến trúc Đông Dương khi sự phối trộn này trở nên tinh tế; Tùy biến (chủ yếu xuất phát từ tính dễ thích nghi và khả năng biến hóa để tồn tại trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt và lịch sử đầy giặc giã của dân tộc, cùng với thuộc tính của kiến trúc bằng gỗ với những thành phần cơ bản không có sự khác biệt nhiều giữa các vùng miền); Hòa hợp (dưới góc nhìn về nhân sinh quan của người Việt, vốn chịu ảnh hưởng lớn của tư tưởng đạo Lão, đạo Khổng và nền văn minh nông nghiệp lúa nước, kiến trúc hòa hợp, ẩn mình trong thiên nhiên và nương tựa vào thiên nhiên thay vì chế áp hay nổi trội so với thiên nhiên); Thiết thực (xuất phát từ tính cách coi trọng thực tế và tâm lý thực dụng của người Việt đậm chất “ăn chắc mặc bền”, “có lợi mới làm”); Siêu linh (với các nghi lễ đã được lưu truyền và đúc kết hàng ngàn năm trong xây dựng như động thổ, cất nóc, khánh thành dựa trên tín ngưỡng về Trời Đất, vị trí lợi thì khơi thông, vị trí xấu phải khép, tránh và trấn yểm nếu không tránh được, cùng với tục thờ cúng Thành Hoàng làng và những nhân vật có công) và Gián tiếp (qua thói quen nói tránh, sự tế nhị không đề cập trực tiếp mà bằng cách ẩn ý, rào trước đón sau trong văn hóa đời thường của người Việt, dẫn đến cách tổ chức không gian chia thành chặng, ngắt nhịp, chuyển hướng, nhiều lớp áp dụng cho cả ngoại thất lẫn nội thất) (Vũ Hiệp, 2023b).
Cũng tập trung vào kiến trúc truyền thống và định hình mã gien kiến trúc của Việt Nam, KTS. Hoàng Thúc Hào lại hướng sự quan tâm đến các lớp của văn hóa kiến trúc Việt Nam, bóc tách và minh định rõ các lớp này (có sáu lớp) và bốn yếu tố cơ bản tác động đến văn hóa ở của người Việt bao gồm: Điều kiện địa hình, điều kiện khí hậu, đời sống văn hóa – tín ngưỡng và liên hệ xã hội. Văn hóa ở của người Việt trong lịch sử gắn với sự phát triển/dịch chuyển theo chiều ngang, bám lấy mặt đất, nhưng hiện tại đang có sự chuyển dịch theo phương thẳng đứng, chiếm lĩnh chiều cao dưới tác động của ba xung lực là toàn cầu hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa, và xu hướng thứ tư – sinh thái hóa – đang định hình và có xu hướng lan tỏa, thẩm thấu vào đời sống xã hội qua những mô hình thử nghiệm ban đầu thành công đáng khích lệ (Hoàng Thúc Hào và Nguyễn Quang Minh, 2023a). Trên cơ sở phân tích gien kiến trúc và liên hệ với gien sinh học, nhóm tác giả đã xác định bốn mã gien cấu thành nên hệ gien kiến trúc là: 1. Địa hình (ĐH), 2. Khí hậu (KH), 3. Xã hội (XH) và 4. Phong tục (PT) và công thức hóa hệ gien này: G1 = a.ĐH + b.KH + c.XH + d.PT, với bốn hệ số a, b, c, d được xác định dựa trên đặc điểm của mỗi văn hóa ở cũng như kiến trúc truyền thống địa phương, mà kiến trúc sư có thể lượng hóa và khoanh vùng giá trị tối ưu khi kết hợp. Để bổ trợ cho hệ gien chính G1 này cần có một hệ gien phụ trợ, gọi là G2, cũng được hình thành dựa trên sự kết hợp của bốn nhân tố - bốn bên có liên quan đến quá trình kiến tạo cũng như tái xác định, gồm: 1. Kiến trúc sư (KTS), 2. Nhà nghiên cứu (NNC), 3. Nhà hoạch định (NHĐ) và 4. Cộng đồng dân cư (CĐDC), và tương tự như G1, G2 cũng có thể được lượng hóa thành G2 = x.KTS + y.NNC + z.NHĐ + w.CĐDC. Bốn hệ số x, y, z và w cũng cần được xác định tỷ lệ phù hợp trong từng trường hợp và sau khi nghiên cứu n trường hợp có thể được tổng kết và xác định khoảng giá trị thích hợp (Hoàng Thúc Hào và Nguyễn Quang Minh, 2023b).
Học giả Nguyễn Quốc Thông chú trọng phân tích một số xu hướng thiết kế tích cực trong dòng chảy kiến trúc Việt Nam từ 1975 đến nay và gạn lọc ra phong cách kiến trúc nhiệt đới đã hình thành trước đó ở miền Nam Việt Nam như là biểu hiện rõ nét nhất của kiến trúc hiện đại gắn với yếu tố bản địa về khí hậu, địa hình và văn hóa, điều mà hai tác giả Hoàng Thúc Hào và Nguyễn Quang Minh cũng đã nêu bật. Bên cạnh đó, Nguyễn Quốc Thông có cái nhìn sâu sắc về xu hướng truyền thống và giải nghĩa xu hướng này thực chất là sự kết hợp giữa hiện đại và truyền thống dưới góc nhìn tiến bộ, đang trong quá trình phát triển nên chưa đủ sức định hình thành một dòng chảy chính thống, mà mới dừng ở mức độ bám sát chủ nghĩa Chiết trung, và nhận định rằng đây chính là mảnh đất màu mỡ cho kiến trúc sư sáng tạo, thỏa mãn khát vọng thể hiện bản thân và tiếp tục mạch nguồn văn hóa dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa. Ông cũng làm rõ hai cách tiếp cận trong sáng tác kiến trúc theo quan điểm này, đó là 1. Sáng tạo kiến trúc hiện đại trên cơ sở khai thác có chọn lọc những giá trị độc đáo, nhất là tinh thần đặc trưng của kiến trúc truyền thống, do đó các công trình được thiết kế theo xu hướng này, nếu thành công thường là những tác phẩm độc đáo, đặc sắc, hiện đại nhưng rất Việt Nam, có thể trở thành một dòng chảy chính và tạm gọi là Tân truyền thống và 2. Sáng tạo kiến trúc hiện đại trong sự kết hợp cùng lúc nhiều yếu tố đặc trưng của kiến trúc truyền thống khác nhau (có phần giống như cách tiếp cận ban đầu của phong cách Kiến trúc Đông Dương thời Pháp), gần với quan niệm kết hợp văn hóa hay nói cách khác là quan niệm hỗn dung văn hóa khá phổ biến của người Việt, điều này có thể đặt cơ sở về một Phong cách Tối đa trong kiến trúc của người Việt thời hiện đại, ngược hẳn với phong cách Tối giản của người Nhật (Nguyễn Quốc Thông, 2020).
Qua mỗi thời kỳ lịch sử, không chỉ khác nhau về thời gian và bối cảnh, cấu trúc và đặc điểm, kiến trúc Việt Nam thông qua những công trình tiêu biểu nhất cho mỗi giai đoạn đều thể hiện những giá trị nhất định, tập hợp lại thành hệ giá trị, cụ thể như sau:
+ Giá trị kiến trúc
Đây chính là giá trị quan trọng nhất, là nghệ thuật tổ chức không gian mang tính đặc trưng cao cho từng thể loại công trình, thể hiện ở các khía cạnh tỷ lệ, mối liên hệ không gian chính – phụ, trong – ngoài, các thành phần chức năng cơ bản và mở rộng, và trên hết là giải pháp tạo hình với nhiều thủ pháp như đặc rỗng, tương phản, vi biến, cân bằng tĩnh, cân bằng động, …, gắn với những ý tưởng và quan niệm/triết lý của tác giả về công trình đó, khơi gợi sự liên tưởng giữa công trình với một sự vật/hiện tượng có liên quan được mong muốn phản ánh/khắc họa, có thể theo tư duy thiết kế thông thường kiểu “khuôn vàng thước ngọc”, nhất là đối với kiến trúc truyền thống như đình, đền, chùa, hoặc theo tư duy thiết kế sáng tạo, vượt ra khỏi những mô hình quen thuộc đã biết, đặc biệt là trong kiến trúc đương đại, khi kiến trúc sư luôn được khuyến khích tìm tòi cùng thử nghiệm những mô hình và chất liệu mới lạ. Giá trị kiến trúc, thông qua giải pháp tạo hình, còn được thể hiện qua hiệu ứng sáng – tối, làm không gian có thêm chiều sâu. Những thành tựu mới của khoa học công nghệ trong kết cấu, vật liệu, thi công, … sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực, giúp kiến trúc sư vượt qua những hạn chế của kỹ thuật xây dựng thời kỳ trước đó để hiện thực hóa được những ý tưởng táo bạo, đột phá của mình để nâng tầm cho những sáng tác.
+ Giá trị sử dụng
Giá trị của công trình gắn liền với giá trị sử dụng (công năng) của công trình, tức là liên quan đến yếu tố cốt lõi của kiến trúc. Một công trình có thể có một hoặc nhiều chức năng sử dụng, và giá trị sử dụng không phải là bất biến. Thực tế cho thấy công năng của công trình trong nhiều trường hợp thay đổi theo thời gian, khi nhu cầu xã hội có sự chuyển biến. Việc một chức năng hoàn toàn mới xuất hiện thay thế cho chức năng cũ là điều thường bắt gặp trong thực tế. Nếu một công trình có sự thay đổi chức năng sử dụng nhưng vẫn giữ được dáng vẻ ban đầu, đó là thành công trong việc sử dụng thích ứng, bảo tồn công trình và tái sinh công trình, thay vì đập bỏ xây mới hoặc cải tạo làm thay đổi hoàn toàn diện mạo. Chức năng sử dụng mới trong hình hài cũ, giá trị tinh thần càng được tích lũy theo từng lớp, công trình càng có bề dày lịch sử.
+ Giá trị niên đại
Giá trị về niên đại thể hiện chiều sâu về mặt thời gian của công trình, công trình đã tồn tại được bao nhiêu năm, qua những thời kỳ lịch sử nào, chịu những tác động gì hoặc ảnh hưởng từ bối cảnh lịch sử ra sao. Nhìn chung, công trình càng có điểm lùi về mặt thời gian so với hiện tại thì giá trị về niên đại lại càng cao, đặc biệt là những công trình tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo tồn, phục chế đảm bảo giá trị nguyên gốc, không thay đổi qua nhiều thế kỷ dù được làm mới/thay thế một số cấu kiện và chi tiết bị hư hại theo thời gian. Nói như thế không có nghĩa là các công trình được xây dựng trong những năm gần đây ít có giá trị về niên đại, bởi vì theo thời gian, công trình “mới” ngày hôm nay sẽ trở nên “cổ kính”. Điều quan trọng nhất là công trình in đậm dấu ấn của thời đại, phản ánh rõ tư tưởng cũng như hơi thở của thời đại mà kiến trúc sư là người đại diện ghi lại qua công trình, như là “chứng nhân lịch sử” như được thể hiện qua câu nói “thời đại nào kiến trúc đó”. Giá trị về niên đại trong một số trường hợp gắn bó chặt chẽ với giá trị kiến trúc, đặc biệt là những thể loại kiến trúc chỉ tồn tại trong một thời kỳ ngắn ngủi nhất định và có tính đặc trưng cao – rất dễ nhận diện như kiến trúc Đông Dương trong hai thập niên 1930 và 1940, hoặc kiến trúc xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc trong ba thập niên 1950 đến 1970, dưới ảnh hưởng từ Liên Xô, Đông Âu và Trung Quốc.
+ Giá trị nghệ thuật tạo hình/trang trí
Nghệ thuật tạo hình/trang trí – nhất là điêu khắc – luôn song hành với nghệ thuật kiến trúc, thể hiện rõ nét qua những hệ kết cấu đặc trưng cho thể loại kiến trúc (ví dụ như hệ kết cấu cột – xà – kèo bằng gỗ trong đình chùa) và rất nhiều chi tiết trang trí chạm khắc trực tiếp lên hệ kết cấu hoặc gắn vào hệ kết cấu, đặc biệt với những không gian quan trọng, có tính “điểm nhấn”. Nghệ thuật tạo hình/trang trí cũng bao gồm cách sử dụng vật liệu và màu sắc. Cùng một chi tiết nhưng chất liệu khác nhau như gỗ so với đá hoặc đá so với đồng sẽ có giá trị biểu đạt khác nhau (cảm quan vật liệu). Tương tự là màu sắc, có thể tận dụng màu sắc tự nhiên của vật liệu hoặc sử dụng sơn/thếp khi muốn tăng cường hiệu quả của màu sắc, khi màu sắc tự nhiên chưa đủ hiệu ứng cần thiết về thị giác. Nghệ thuật tạo hình còn liên quan đến hiệu ứng sáng – tối khi xử lý các khối không gian nội/ngoại thất và bề mặt theo các khung giờ trong ngày. Nhìn chung, trong kiến trúc truyền thống, giá trị nghệ thuật tạo hình rất được chú trọng, có phần cầu kỳ và nặng về tả thực, trong khi đó với kiến trúc hiện đại thì nghệ thuật tạo hình lại được đơn giản hóa, có tính cách điệu cao hơn, ít bị gò bó hơn so với những trường phái kiến trúc trước đó. Đó chính là điều kiện thuận lợi để kiến trúc sư phát huy được tính sáng tạo.
+ Giá trị biểu tượng
Khi một công trình thể hiện giá trị kiến trúc, giá trị nghệ thuật và một số giá trị khác vượt trội hơn so với mặt bằng chung của một thời kỳ lịch sử, có tính điển hình hay tiêu biểu cho một trường phái kiến trúc, hoặc có ý nghĩa đặc biệt trọng đại, làm thay đổi diện mạo kiến trúc đương thời qua sự đánh giá/khẳng định của giới chuyên gia cũng như được xã hội công nhận rộng rãi thì công trình ấy có thêm giá trị biểu tượng. Ví dụ như Đình Tây Đằng, Đình làng Đình Bảng, Chùa Keo, Chùa Tây Phương mang giá trị biểu tượng cho kiến trúc đình chùa của dân tộc, Nhà hát Lớn Hà Nội và Dinh Toàn quyền mang giá trị biểu tượng cho kiến trúc thuộc địa Pháp, Bảo tàng Lịch sử và Trụ sở Bộ Ngoại giao mang giá trị biểu tượng cho kiến trúc Đông Dương, Lăng Hồ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Cung Thiếu nhi Hà Nội mang giá trị biểu tượng cho kiến trúc xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, trong khi Thư viện Quốc gia Sài Gòn và Dinh Độc lập được coi là biểu tượng của kiến trúc nhiệt đới và văn hóa dân tộc ở miền Nam trong thời kỳ đất nước bị chia tách.
+ Giá trị cảnh quan
Thể hiện trên hai cấp độ:
- Cấp độ công trình: vị trí của công trình và sự phù hợp của công trình với cảnh quan trong khuôn viên mà công trình hiện diện, nhất là các công trình công cộng có khuôn viên thoáng và rộng.
- Cấp độ đô thị: vị trí của khu đất mà công trình tọa lạc với khu vực xung quanh, có mối liên hệ về thị giác và cảnh quan theo tuyến/trục đơn hoặc đa tuyến/đa trục, rõ nhất là các công trình công cộng quy mô lớn, có vai trò điểm nhấn trong đô thị.
Trên cả hai cấp độ, công trình cần tận dụng lợi thế của khu đất và có mối liên hệ tốt cả về giao thông và thị giác với các khoảng cây xanh, mặt nước xung quanh, nhằm tôn vinh vẻ đẹp của công trình cả ban ngày lẫn ban đêm (thông qua chiếu sáng nhân tạo).
+ Giá trị kỹ thuật – công nghệ
Giá trị kỹ thuật – công nghệ được phản ánh qua các giải pháp kết cấu và thi công các hệ thống kỹ thuật trong công trình, phục vụ cho việc vận hành của công trình, có mối liên quan mật thiết với giải pháp kiến trúc. Với những công trình càng đặc biệt về ý tưởng tạo hình thì kỹ thuật – công nghệ càng đóng vai trò quan trọng, do đó giá trị kỹ thuật – công nghệ cũng được nâng lên.
+ Giá trị tinh thần (giá trị văn hóa – xã hội)
Giá trị tinh thần, hay có thể gọi theo cách khác là giá trị văn hóa – xã hội, của công trình được nhìn nhận hai chiều:
- Chiều xuôi: Những đóng góp của công trình vào đời sống văn hóa – tinh thần của cộng đồng dân cư, giúp gắn kết các thành viên của cộng đồng;
- Chiều ngược: Tình cảm của người dân với công trình, lưu giữ hình ảnh công trình trong ký ức, lưu giữ nhiều kỷ niệm đẹp, qua đó tăng cường mối liên hệ giữa con người và nơi chốn.
Ngoài ra, giá trị tinh thần cũng phần nào được thể hiện qua giá trị biểu tượng, như đã trình bày ở trên, khi người dân coi công trình như hình ảnh đại diện của nơi mình sinh sống, học tập, làm việc, công tác, dù có đi xa vẫn luôn nhớ về.
+ Giá trị di sản
Khi một công trình được công nhận là di sản quốc gia, thậm chí là di sản quốc tế, công trình có thêm giá trị – giá trị di sản – và nằm trong phạm vi bảo vệ của Luật Di sản.
Qua phân tích, có thể thấy chín giá trị nêu trên của kiến trúc Việt Nam qua năm giai đoạn phát triển có mối liên hệ móc xích – giao thoa với nhau, và một công trình tiêu biểu của bất kỳ giai đoạn nào được lựa chọn để nghiên cứu có tám giá trị ở các mức độ khác nhau cộng gộp (công trình nào đã được xếp hạng di tích lịch sử sẽ hội đủ cả chín giá trị), tạo thành một hệ giá trị. Hệ giá trị này rất cần được nhận diện qua từng trường hợp cụ thể và có những thang đo, tiêu chí đánh giá riêng theo từng thể loại sao cho sát thực nhất có thể. Khi những bộ tiêu chí và thang đánh giá đó được thiết lập, chúng sẽ là những công cụ hữu ích để nhận diện và đánh giá, công nhận di sản đối với nhiều công trình kiến trúc dù rất có giá trị song vì một vài lý do nào đó vẫn chưa được công nhận là di sản.
2. Bảo tồn di sản – phát huy và đổi mới yếu tố truyền thống trong kiến trúc đương đại như một yêu cầu và hướng đi tất yếu
Tầm quan trọng của công trình di sản và kiến trúc truyền thống trong bức tranh kiến trúc của mỗi quốc gia là điều cần được khẳng định ngay từ đầu mà không phải bàn cãi. Các giai đoạn kiến trúc hình thành và phát triển nối tiếp nhau, hoặc có những thời kỳ song hành cùng nhau, tạo thành một dòng chảy liền mạch mà trong đó mỗi thời kỳ có những giá trị riêng độc đáo, đóng góp vào bức tranh chung, tạo nên sự đa dạng. Nếu chẳng may bị khuyết một thời kỳ sẽ tạo nên những khoảng trống không thể khỏa lấp và sự đứt gãy khó được hàn gắn khi tìm hiểu sâu về lịch sử kiến trúc của một quốc gia bất kỳ.
Bảo tồn di sản là câu chuyện đầu tiên cần được minh định. Quan điểm bảo tồn hiện đại ngày nay là không “bảo tàng hóa” di sản, dẫn đến cô lập/cách ly di sản ra khỏi cuộc sống xã hội đương đại, mà trái lại phải gắn di sản đó với cuộc sống đương đại để di sản ấy có sức sống, đem lại những giá trị thiết thực cho cộng đồng và ý nghĩa lớn lao cho toàn xã hội. Để đạt được mục tiêu đó, phương pháp bảo tồn cần phải linh hoạt, dù vẫn tuân thủ chặt chẽ yêu cầu cốt lõi là tôn trọng tính nguyên bản đến mức cao nhất có thể. Khi điều này được đảm bảo, câu chuyện tiếp theo đáng bàn luận hơn – phát huy và đổi mới yếu tố truyền thống trong kiến trúc đương đại – mới có cơ sở vững chắc.
Phát huy yếu tố truyền thống đương nhiên không phải là sự sao chép máy móc, thô vụng, rập khuôn những phong cách kiến trúc đã có theo hướng nệ cổ, nhại cổ, mà điển hình là hội chứng nhái “kiến trúc Pháp” trong nhiều trụ sở cơ quan và công trình văn hóa cũng như một số nhà riêng của giới siêu giàu mới nổi tại các đô thị lớn diễn ra suốt hơn 30 năm qua, dù gặp nhiều chỉ trích của giới phê bình kiến trúc cũng như dư luận xã hội. Vấn đề mấu chốt ở đây là phát huy trên cơ sở có chọn lọc và sự sáng tạo, chuyển hóa được ngôn ngữ tạo hình “cũ” thành chất liệu “mới”, vừa quen lại vừa lạ trong bối cảnh hiện đại sao cho tự nhiên nhất, không có cảm giác khiên cưỡng hoặc gượng ép. Chính vì thế mà “phát huy” và “làm mới” hoặc “đổi mới” là hai thuật ngữ nên đi cùng nhau để bổ sung cho nhau thành một quan điểm thiết kế hoàn chỉnh. “Đổi mới” được lồng vào “phát huy”, tức là chỉ “mượn ý cũ” để diễn giải “tư duy mới”, khéo léo tạo nên sự liên tưởng cho người quan sát. Để có thể diễn giải thành công, “ý cũ” này sau khi đã được chắt lọc cần trải qua một công đoạn “gia công” từ “thô” đến “tinh” dưới quan điểm thiết kế hiện đại.
Trong những năm cuối thập niên 1920, tức là cách đây ngót 100 năm, kiến trúc Đông Dương đã xuất hiện như một làn gió mới tại Hà Nội, khởi đầu với những công trình công thự bề thế, hoành tráng, mang âm hưởng chủ đạo của kiến trúc cổ điển Pháp, với những nét đặc trưng Phương Tây như khối tích lớn, mặt bằng dàn trải đăng đối, chia khối và chia cánh, hàng cột theo thức cổ điển. Người Pháp lúc bấy giờ có chủ trương “bản địa hóa” kiến trúc thuộc địa Pháp bằng cách đưa vào có chọn lọc những chi tiết kiến trúc Việt Nam khai thác từ nhà ở truyền thống và các công trình văn hóa – tín ngưỡng ở làng quê. Kết quả của sự pha trộn thử nghiệm này là một số công trình hình khối Pháp chi tiết Việt, phần nào tranh thủ được cảm tình của một bộ phận dân chúng, khi họ nhận thấy người Pháp đã coi trọng văn hóa Việt Nam hơn trước khi để các chi tiết như gạch gốm hoa chanh, mái hiên che nắng, đầu hồi mái đình hiện diện trên nền công trình kiến trúc bề thế của Pháp được xây dựng tại Hà Nội, dù với số lượng không nhiều.
Sở Tài chính Đông Dương được khánh thành năm 1928 (nay là Trụ sở Bộ Ngoại giao) là một công trình mẫu mực của kiến trúc Đông Dương, với đặc trưng là hệ mái nghiêng che nắng nhiều lớp vừa chạy suốt vừa phân đoạn theo nhịp điệu, khai thác từ nhà dân gian của vùng đồng bằng Bắc Bộ, với một số nóc mái mô phỏng đầu hồi đình làng, xen kẽ với chi tiết ống khói trên mái đặc sệt chất “Tây”. Đây có thể xem như ví dụ thành công của việc phát huy bản sắc kiến trúc truyền thống (chi tiết kiến trúc thuần Việt) trong một công trình hiện đại đương thời.
Quay trở lại bối cảnh hiện tại, những năm 2020, khi đất nước ngày một hội nhập sâu rộng với quốc tế về kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, … nhu cầu giới thiệu những nét đặc sắc của kiến trúc truyền thống Việt Nam và các thành tựu của kiến trúc nước nhà thời kỳ Hậu Đổi Mới ra thế giới trở thành một đòi hỏi cấp thiết và chính đáng, thông qua những công trình thực tế, vừa thể hiện rõ tính hiện đại song phải có chút gì đó mang nét riêng biệt, độc đáo, giúp nhận diện Việt Nam, để kiến trúc hiện đại của Việt Nam không bị lẫn lộn với kiến trúc hiện đại của thế giới nói chung và kiến trúc trong khu vực Đông Nam Á nói riêng có sự tương đồng nhất định về bản sắc văn hóa cũng như kiến trúc. Với quan điểm thiết kế kết hợp “phát huy” và “đổi mới” yếu tố truyền thống, kiến trúc sư Việt Nam cần mạnh dạn tìm tòi những chất liệu tưởng chừng đã quen thuộc song dưới những góc nhìn mới, được khai thác từ kiến trúc truyền thống “xưa”, để đến lượt mình, kiến trúc “ngày nay” dưới góc nhìn về tương lai sau vài chục năm nữa – những gì được sáng tạo ngày hôm nay với độ lùi thời gian cũng sẽ trở thành một kiểu “truyền thống”. Bài học từ kiến trúc Đông Dương, sau gần một thể kỷ nhìn lại, vẫn còn nguyên giá trị.
Sau đây là ba ví dụ thực tiễn – ba công trình được thiết kế và xây dựng trong vòng 15 năm qua ở Việt Nam đã khá thành công khi phát huy và đổi mới yếu tố truyền thống của kiến trúc Việt Nam cũng như của văn hóa Việt Nam trong kiến trúc ở các mức độ khác nhau, từ tạo hình đến chi tiết.
Tạo hình kiến trúc đương đại từ chất liệu truyền thống
Hai công trình tiêu biểu được chọn để minh họa là Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk do Công ty Kiến trúc HAAI của Đại học Kiến trúc Hà Nội thiết kế và Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Bát Tràng do Văn phòng Kiến trúc 1 + 1 > 2 tại Hà Nội thực hiện.
Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk có thể xem như một ví dụ tiêu biểu cho việc tái hiện hình ảnh kiến trúc truyền thống một cách khéo léo trong một tổng thể ngôn ngữ thiết kế hiện đại. Kiến trúc sư Nguyễn Tiến Thuận và cộng sự tại HAAI đã chắt lọc hai chất liệu truyền thống của kiến trúc bản địa – Mái nhà dài của người Ê-đê, một dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh, cho hình khối theo chiều dài khi nhìn chính diện và Mái nhà Rông, cũng là một biểu trưng của kiến trúc Tây Nguyên, cho hình khối nhà theo chiều cao nếu nhìn từ hai cánh, và nhất là chi tiết đường viền ở khối giữa để nhấn mạnh lối vào, số lượng đường nét vừa đủ để gợi liên tưởng đến mái nhà Rông vút lên giữa trùng điệp núi rừng. Đây là sự kết hợp hai trong một rất khéo léo. Điểm tinh tế nữa là chi tiết trang trí với các phân vị dọc chạy dọc theo diện mái có hai tác dụng, vừa để diện mái được chia nhỏ nhằm cân bằng hơn về mặt thị giác khi cảm thụ một công trình có bề mặt với diện tích lớn, vừa khơi gợi những dòng nước xối xuống từ thác, một hình ảnh quen thuộc của đại ngàn Tây Nguyên. Theo lý luận của Vũ Hiệp và Hoàng Thúc Hào thì công trình đã toát lên căn tính nghệ thuật đặc sắc của dân tộc ít người, và ít nhất là ba trong số bốn yếu tố của hệ gien kiến trúc là Địa hình của khu vực cao nguyên, Xã hội và Phong tục của cộng đồng cư dân bản địa. Đối chiếu theo quan điểm của học giả Nguyễn Quốc Thông thì công trình Bảo tàng Tỉnh Đắk Lắk đã tiếp cận làm mới yếu tố truyền thống theo cả hai hướng, trong đó hướng số 1 (Tân truyền thống) trội hơn hướng số 2 (Đa phong cách – Phong cách Tối đa).
Với Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Bát Tràng – một tổ hợp công trình văn hóa đa chức năng, Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, Nguyễn Duy Thanh và cộng sự đã khai thác chính tính chất đặc trưng của làng nghề Bát Tràng - bàn xoay gốm và quá trình tạo hình sản phẩm trên bàn xoay để đưa vào ngôn ngữ tạo hình, với bảy khối tròn xoay lồng vào nhau một cách tự nhiên và ngẫu nhiên nương theo địa thế bằng phẳng và hình dáng gọn gàng khu đất, tạo nên một bố cục đầy đặn, đặc rỗng đan xen hài hòa và hình khối chắc nịch, toát lên tính chất của đất sét. Ý tưởng này được nhấn mạnh thêm qua cách sử dụng vật liệu hoàn thiện là gạch gốm với màu nâu tự nhiên của đất, cùng các đường gờ chỉ chạy viền quanh mô phỏng sự chuyển động của khối trong quá trình vuốt tay khéo léo chế tác sản phẩm. Đối chiếu theo lý thuyết hệ gien của chính tác giả, công trình này đã ghi dấu được hai mã gien là Xã hội (thông qua sự quần tụ của bảy hình khối tròn động, hàm ý lối sống quần cư của người Việt và khẩn trương hối hả của một làng nghề sầm uất) và Phong tục (thông qua hình ảnh mô phỏng tính chất công việc đặc trưng của nghệ nhân ở một trong số những làng nghề thủ công truyền thống lâu đời và nức tiếng bậc nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ). Trên quan điểm của học giả Nguyễn Quốc Thông thì công trình Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Bát Tràng đã tiếp cận làm mới yếu tố truyền thống theo hướng số 1 (Tân truyền thống).
Khơi gợi yếu tố truyền thống qua chi tiết
Văn hóa bản địa có thể được thể hiện trên nhiều bình diện như trang phục, nghề truyền thống, lễ hội, đồ trang sức, … và luôn được Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào cùng cộng sự quan tâm. Nhà cộng đồng Tả Phìn cho đồng bào dân tộc Dao ở Sapa là một ví dụ tiêu biểu cho xu hướng đưa văn hóa bản địa vào kiến trúc. Trong trường hợp này, kiến trúc sư đã khai thác hình ảnh chiếc khăn trùm đầu màu đỏ mà phụ nữ Dao đỏ hay đội, không chỉ nhân dịp lễ hội mà còn cả trong cuộc sống đời thường hàng ngày khi đi rẫy hay xuống chợ, và khéo léo đưa nét viền ngoài của vành khăn đội đầu khớp với độ vươn của đỉnh mái. Những thanh thẳng song song nhắc lại đường viền nếp khăn cũng được sơn màu đỏ, nổi bật trên nền màu xanh bạt ngàn của rừng núi Tây Bắc, số nét cơ bản là bốn, vừa đủ để hình dung ra sự vật mà tác giả chủ định gửi gắm. Hệ gien nổi bật nhất ở đây chính là gien Phong tục (thông qua hình ảnh ẩn dụ là vành khăn trùm đầu truyền thống khổ rộng màu đỏ của phụ nữ Dao).
3. Kết luận
Trải qua năm giai đoạn phát triển (trước 1858, từ 1858 đến 1954, từ 1954 – 1986 ở phía Bắc và ở phía Nam như hai nhánh song song và từ 1986 đến nay) với nhiều thăng trầm, kiến trúc Việt Nam đã thể hiện rõ một bề dày giá trị, thông qua hệ thống chín giá trị gồm giá trị kiến trúc, giá trị sử dụng, giá trị niên đại, giá trị nghệ thuật tạo hình/trang trí, giá trị biểu tượng, giá trị cảnh quan, giá trị kỹ thuật – công nghệ, giá trị tinh thần và giá trị di sản). Hầu hết những công trình tiêu biểu đều thể hiện rõ nét các giá trị này ở những mức độ khác nhau và chín giá trị này ít nhiều có liên hệ với nhau. Vấn đề có tầm quan trọng rất lớn – đồng thời cũng là nhiệm vụ hàng đầu được đặt ra cho kiến trúc sư và những người làm công tác nghiên cứu kiến trúc là giải mã gien kiến trúc để hiểu rõ hơn nhiệm vụ phát huy và đổi mới (làm mới) yếu tố truyền thống trong bối cảnh hiện đại hóa kiến trúc theo đòi hỏi của thời đại, trước khi tìm ra những giải pháp và công thức thành công. Sẽ luôn có phạm vi đủ rộng cho kiến trúc sư sáng tạo, kết hợp hài hòa giữa phát huy và làm mới yếu tố truyền thống để hướng tới một nền kiến trúc/văn hóa tiên tiến, có bản sắc, kết hợp giữa làm mới hình khối và làm mới chi tiết được định lượng rõ ràng.
Những ví dụ thành công hiện nay hãy còn khiêm tốn, song trong tương lai gần sẽ hứa hẹn nhiều thử nghiệm và tìm tòi được đánh giá cao hơn, để đưa kiến trúc Việt Nam hội nhập với thế giới và được quốc tế ghi nhận những nỗ lực hiện đại hóa dựa trên bản địa hóa là một xu thế thiết kế đang đi lên./.
Tài liệu tham khảo
1. Quốc hội Việt Nam (2001), Luật Di sản Văn hóa, Văn bản số 28/2001/QH10, Tham khảo tại địa chỉ https://vanban.chinhphu.vn/default.aspx?pageid=27160&docid=80239
2. Quốc hội Việt Nam (2019), Luật Kiến trúc, Văn bản số 40/2019/QH14, Tham khảo tại địa chỉ https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Xay-dung-Do-thi/Luat-Kien-truc-2019-384114.aspx
3. Vũ Hiệp (2023a), Thử giải mã gien Kiến trúc Việt Nam (Kỳ 1), Tạp chí Tia sáng số ra ngày 31/08/2023
4. Vũ Hiệp (2023b), Thử giải mã gien Kiến trúc Việt Nam (Kỳ 2), Tạp chí Tia sáng số ra ngày 08/09/2023
5. Hoàng Thúc Hào và Nguyễn Quang Minh (2023a), Giải mã gien văn hóa kiến trúc Việt Nam (Kỳ 1), Tạp chí Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, số 332, trang 11-17
6. Hoàng Thúc Hào và Nguyễn Quang Minh (2023b), Giải mã gien văn hóa kiến trúc Việt Nam (Kỳ 3), Tạp chí Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, số 334, trang 25-29
7. Nguyễn Quốc Thông (2020), Kiến trúc Việt Nam giai đoạn 1975 – 2020: Thực tiễn và triển vọng (Phần 2), Tạp chí Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, số 300, trang 72-77
8. Trang Kiến trúc Ashui, Tư liệu thiết kế Bảo tàng Tỉnh Đắk Lắk (www.ashui.com)
9. Văn phòng Kiến trúc 1 + 1 > 2, Tư liệu thiết kế Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Bát Tràng và Nhà Cộng đồng Tả Phìn (www.112.com.vn).
Bài viết có bổ sung ảnh đại diện minh họa (Ảnh:https://vhttdl.daklak.gov.vn/).
Ý kiến của bạn