Những tác phẩm chiến thắng tại Liên hoan Kiến trúc Thế giới 2022
WAF là sự kiện trao giải trực tiếp toàn cầu lớn nhất dành cho KTS và nhà thiết kế. Năm 2022, WAF quy tụ hơn 2.000 KTS và nhà thiết kế đến Lisbon trong ba ngày với các chương trình hội nghị, giải thưởng và sự kiện triển lãm từ ngày 30 /11-2/12. Năm 2023, WAF lần thứ 16 sẽ tổ chức tại Singapore từ ngày 29/ 11 đến ngày 1/12.
Tòa nhà chọc trời “tái chế” đầu tiên trên thế giới đoạt giải Công trình thế giới của năm
Tòa nhà văn phòng Quay Quarter Tower (QQT) do 3XN thiết kế nằm gần Nhà hát Opera Sydney. Khác với các quy ước về một tòa nhà cao tầng thống nhất, truyền thống, Tòa nhà được bố trí như một ngôi làng thẳng đứng để tạo cảm giác cộng đồng cũng như các không gian tập trung vào sự hợp tác, sức khỏe và hạnh phúc. Quay Quarter Tower đã mang đến một sự nhân văn hóa tòa nhà cao tầng.
Tòa tháp cao 206 m bao gồm năm khối dịch chuyển xếp chồng lên nhau. Mỗi khối được xếp quanh một giếng trời hướng ra công trình mang tính biểu tượng ở phía Bắc – Cảng Sydney. Một loạt các giếng trời xếp chồng lên nhau tạo ra một cột sống cho tòa nhà với tầm nhìn đặc biệt, đồng thời cho phép ánh sáng ban ngày chiếu sâu vào từng tầng. Phần lõi công trình này cũng là các không gian hội họp, giao lưu, tạo động lực làm việc, phù hợp với triết lý thiết kế của 3XN rằng kiến trúc định hình hành vi. Tại chân mỗi khối, khoảng thông tầng thông với các sân thượng bên ngoài giúp mở rộng nơi làm việc và tạo ra lối tiếp cận không gian giá trị bên ngoài xuyên suốt tòa tháp.
Về mặt dựng bên ngoài tòa nhà, tại phía Bắc, mặt diện thay đổi đáp ứng với bối cảnh của nó khi tòa nhà đi lên. Các dãy nhà thấp hơn đối diện với khu vực đang hoạt động của Phố Young đồng thời tập trung tầm nhìn về phía Cầu Cảng Sydney. Khi các khối nhà cao lên, mặt tiền xoay về phía đông và hướng ra quang cảnh bến cảng rộng lớn hơn, bao gồm Vườn Bách thảo và Nhà hát Opera.
Điều đặc biệt trong chiến lược bền vững của tòa nhà là giữ lại 65% dầm, cột và tấm cùng với hơn 95% hiện trạng lõi của tòa tháp trước đó, giúp tiết kiệm nguyên vật liệu khi thi công. Cấu trúc mới bao gồm các ống thép nhồi bê tông, tối ưu hóa nhịp lưới kết cấu để tăng tầm nhìn ra bến cảng. Các tấm che nắng bên ngoài của mặt tiền làm giảm tải nhiệt cho tòa nhà do đó không cần rèm bên trong để tạo sự thoải mái về nhiệt.
Bằng cách nâng cấp một tòa nhà hiện tại thành một ví dụ điển hình về tính bền vững, QQT là hình mẫu cho việc xây dựng trong tương lai, chứng minh rằng việc phá dỡ không nhất thiết phải là lựa chọn để tạo ra một sự phát triển đẳng cấp thế giới vượt quá mong đợi của những khách hàng khó tính nhất.
Ông Paul Finch – Giám đốc Chương trình WAF 2022 nhận xét: “Quay Quarter Tower là một ví dụ tuyệt vời về tái sử dụng thích ứng trên nền tảng công trình hiện trạng với một câu chuyện về chiến lược bền vững và thiết kế không gian làm việc đón đầu xu hướng trước COVID, tuy nhiên vẫn mang lại không gian lành mạnh và hấp dẫn cho người dùng sau đại dịch.”
Thiết kế Nội thất của năm – Thư viện dành cho trẻ em Pingtan tại Trung Quốc (Condition_Lab)
Nằm tại làng dân tộc thiểu số Dong ở Pingtan, tỉnh Tongdao, Hồ Nam, Trung Quốc, Thư viện là một công trình kiến trúc nhỏ bằng gỗ, dựa trên kiểu “Nhà Đông” truyền thống, cao ba tầng và có diện tích khoảng 80 mét vuông, được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ. Công trình nằm trong khuôn viên một sân trường tiểu học đang phục vụ hơn 400 trẻ em địa phương. Thay vì một tòa nhà có các tầng và các phòng, đây là một tòa nhà bao gồm hai cầu thang xoắn ốc đan xen, một đường xoắn kép vừa trở thành lối đi lại vừa là chỗ ngồi cho trẻ em. Khác với các thư viện dành cho trẻ em thông thường, công trình là nơi trẻ em vừa đọc vừa chơi, một mô hình mới cho các thư viện làng quê ở Trung Quốc.
Các giám khảo đã bị ấn tượng bởi “tay nghề thủ công truyền thống” của phần thiết kế dành cho trẻ em, những người sử dụng thực sự của cấu trúc thú vị này, nơi chúng có thể chơi trên các bậc thang, với lấy một cuốn sách hoặc chơi với bạn bè. HĐGK đã chúc mừng Condition_Lab đã tạo ra “một không gian cho cộng đồng và đạt được điều đó”.
Dự án Tương lai của năm – Con đường mơ ước/Kết nối giữa công viên giải trí thể thao với đường phố văn hóa, ở Iran (CAATStudio)
Dự án Tương lai của năm 2022, tôn vinh công trình kiến trúc đẹp nhất thế giới vẫn chưa được hoàn thành. Dự án Con đường mơ ước/Kết nối giữa công viên giải trí thể thao với đường phố văn hóa, ở Iran, do CAATStudio (Kamboozia Architecture and Design Studio) thiết kế, giới thiệu một con đường dành cho người đi bộ và người đi xe đạp đô thị ở phía Tây của khu phức hợp đồi Abbas Abad, Tehran. Dự án sau khi hoàn thành sẽ hướng tới mục đích tạo ra một câu chuyện tương tác hấp dẫn trong thành phố, giúp di chuyển dòng người giữa bốn khu vực khác nhau thông qua việc sử dụng vật liệu đất nện và các dạng hình học.
Hội đồng giám khảo nhận xét: “Dự án có một khái niệm kiến trúc và đô thị ban đầu phù hợp với mục tiêu. Đó là một dự án “hình học được kiểm soát một cách tinh xảo”, mang đến “một sự liên tục đáng ngạc nhiên” giữa “mô hình đường phố của thành phố và của quận điểm đến công viên mới”.
Thiết kế Cảnh quan của năm – Bảo tồn và Phục hồi Cảnh quan Nông thôn của Gaodang
Thiết kế Cảnh quan của năm đã được trao cho Liên danh SHANCUN Atelier, Trường Kiến trúc, Đại học Thanh Hoa và Viện Thiết kế Kiến trúc An Thuận cho dự án Bảo tồn và Phục hồi Cảnh quan Nông thôn của Gaodang: Làng của Nhóm Dân tộc thiểu số Buyi ở Tây Nam Trung Quốc. Ngoài ra, Dự án đã được chọn là người chiến thắng trong hạng mục Thiết kế Cảnh quan nông thôn.
Hội đồng giám khảo nhận xét: “Dự án là một “kế hoạch bảo tồn làng cực kỳ nhạy cảm, mang lại sức sống cho vùng nông thôn Trung Quốc”. Dự án đã nghiên cứu sự đa dạng phong phú của các yếu tố liên quan trong suốt bảy năm, để hiện thực hóa một thiết kế đảm bảo cộng đồng nông thôn này sẽ tồn tại trong tương lai.”
Thu Vân
(Biên dịch và tổng hợp từ www.archdaily.com và https://www.worldbuildingsdirectory.com/)
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2023)
https://www.tapchikientruc.com.vn/tin-tuc/nhung-tac-pham-chien-thang-tai-lien-hoan-kien-truc-the-gioi-2022.html
Ý kiến của bạn