Vài đúc kết qua soi chiếu các pavilion kiến trúc quanh Hồ Gươm
TỪ KHÁI NIỆM CHO TỚI HÌNH THÀNH CÁC PAVILION
Từ “pavilion” bắt nguồn từ từ cổ “pavellun” (trong tiếng Pháp), từ từ “papilio” (tiếng Latin), có nghĩa là con bướm. Nó đề cập đến tính chất tạm thời của các cấu trúc đều được trình bày dưới dạng hình ảnh chuyển động, phi thường, mỏng và nhẹ giống như những con bướm.
Gian hàng (pavilion) trong kiến trúc thường được coi là “một cấu trúc mở nhẹ và phần lớn dành riêng cho một mục đích duy nhất” (Samson) và đề cập đến nơi trú ẩn trong vườn hoặc phòng triển lãm. Ngoài ra, nó là một khối đứng độc lập lộ ra mọi hướng và thể hiện “ý tưởng về nơi trú ẩn kiến trúc”. Marc-Antoine Laugier đã đề xuất một loại nơi trú ẩn đơn bào, “túp lều nguyên thủy”, được xây dựng bằng các vật thể tự nhiên để giải thích các yếu tố cơ bản của kiến trúc.
Pavilion bắt đầu xuất hiện trong giới kiến trúc khi nhà triển lãm được xây dựng như một nơi trưng bày chính trị và văn hóa cho các hội chợ thế giới phổ biến vào thế kỷ XIX và được đặt tên là Pavilion. Thông qua gian triển lãm, các KTS thời đó đã trình bày những công nghệ và hình thức mới tượng trưng cho văn hóa của họ. Những người theo chủ nghĩa hiện đại sau này sử dụng nó như một mô hình để chứng minh các giải pháp kiến trúc của riêng họ hoặc tên tuổi của kiến trúc sư (Dodds). Dodds và Samson nhấn mạnh vai trò lý thuyết của nó.
Nhắc đến Pavilion ta phải nhắc đến các Pavilion trong dự án Nhà trưng bày của Serpentine Gallery, sau này hay gọi tắt thành Serpentine Pavilion, tại Hyde Park (London, Anh quốc); đây là một trong những dự án về Pavilion lâu đời, rất nhiều KTS có tên tuổi được mời thực hiện và nó cũng trở thành một biểu tượng về danh tiếng của các KTS thực hiện thiết kế.
Được tổ chức hàng năm, dự án Nhà trưng bày của Serpentine Gallery minh họa một cách thể hiện ý tưởng mới theo chủ nghĩa duy vật. Các Pavilion, mặc dù được xây dựng như một cấu trúc tạm thời trong không gian của bảo tàng, dường như đã tự khẳng định mình là một công trình mang tính biểu tượng để khẳng định danh tính của KTS và chương trình nghị sự của kiến trúc đô thị đương đại. Cùng với hàng chục các tên tuổi KTS thành danh được mời thực hiện, những thiết kế Pavilion thể hiện mạnh mẽ quan điểm của nhà thiết kế, dự án này khiến truyền thông không ngừng nhắc về nó và trở thành một dự án kiến trúc khiến công chúng mong chờ hàng năm.
Kể từ sau sự thành công của dự án Pavilion của Serpentine Gallery cùng với sự lan tỏa của truyền thông đại chúng, những Pavilion trở thành một diễn ngôn của sự đối thoại trong kiến trúc giữa ý tưởng của nhà thiết kế và người sử dụng chúng. Pavilion được sử dụng như một công cụ cho giới KTS thể hiện quan điểm và định vị chính bản thân mình trong bối cảnh đô thị đương đại, nó cũng trở thành yếu tố xã hội.
Những dự án Pavilion hầu hết tập trung quanh khu vực trung tâm quận Hoàn Kiếm với bán kính 1km quanh hồ đều thể hiện được khía cạnh xã hội của nó bên cạnh những khía cạnh kiến trúc mà các KTS mong muốn.
Top 10 Awards Pavilion 2022 thậm chí đem tới một trải nghiệm mới mẻ cho công chúng ở Hà Nội khi làm biến mất tháp nước vườn hoa Con Cóc trong 2 tuần lễ, điều này khiến toàn bộ cộng đồng vô tình tham gia một thí nghiệm nhỏ về khả năng tương tác với cộng đồng của nghệ thuật công cộng… và Pavilion trở thành một hiện tượng của Hà Nội trong suốt 2 tuần trưng bày.
TINH THẦN NƠI CHỐN & KHẢ NĂNG ĐỐI THOẠI
Xu hướng nhấn mạnh “địa điểm” như một phần của hành động phản ánh tính hiện đại bắt nguồn từ Heidegger, người đã nhận ra sự tồn tại của con người hiện đại. Địa điểm được hiểu là “nền tảng vật chất và vị trí cụ thể nơi con người xây dựng các mối quan hệ xã hội và gắn bó chủ quan và tình cảm với” (Cresswell). Nói cách khác, địa điểm là cách con người tồn tại trong mối quan hệ với thế giới và đề cập đến chính sự tồn tại của họ, bao gồm cả sự tồn tại được ban cho ý nghĩa hoặc thể hiện nó.
Một số pavilion xung quanh Hồ Gươm như “ALP 2021 Pavilion (2021)” do NGHĨA ARCHITECT thiết kế được phát triển ý tưởng từ việc lật ngược đường chân trời của đô thị qua mặt hồ; hay ý tưởng “Top 10 Awards Pavilion (2021)” khai thác địa điểm trưng bày dọc hồ là tuyến đi lại của nhiều người, còn ý đồ của “Top 10 Awards Pavilion (2022)” là khai thác địa điểm vườn hoa Con Cóc với ý tưởng “làm biến mất” đài phun nước của vườn hoa trong 2 tuần.
Các Pavilion này đều coi địa điểm là lý do để bắt đầu thiết kế, nhưng điểm bất ngờ là rất nhiều diễn tiến sau này do người sử dụng với những hoạt động của họ lại làm rõ hơn mối quan hệ của các Pavilion với bối cảnh xung quanh.
Đó là các hoạt động sự kiện như đêm nhạc, thuyết trình kiến trúc của Ban tổ chức, nhưng bên cạnh đó các hoạt động tự phát của người dân như tập nhảy, biểu diễn nhảy tập thể, quay phim hoặc đơn giản chỉ là đi bộ xuyên qua, ngắm nhìn triển lãm, trải nghiệm không gian trưng bày… Những hoạt động này thực sự đem tới tinh thần cuộc sống vào trong các Pavilion, đem tới những cơ hội đối thoại của công trình với công chúng và ngược lại.
TẠM THỜI & GIÁ TRỊ PHI VẬT CHẤT
Đúng như từ gốc Latin papilio, có nghĩa là con bướm, tính tạm thời, mong manh của các Pavilion trong bối cảnh đô thị là rất rõ ràng. Cùng với việc xin phép không hề đơn giản bởi là một loại hình rất mới được hình thành, thời gian thi công ngắn ngủi đòi hỏi sáng tạo trong việc module hóa hoặc sản xuất tiền chế; đồng thời phải rất chú ý trong việc đảm bảo an toàn do tính chất sự kiện và thu hút người tham gia của Pavilion. Rất may mắn, các Pavilion lại được sự ủng hộ đặc biệt của quận Hoàn Kiếm cũng như ông Phạm Tuấn Long (Chủ tịch quận Hoàn Kiếm) trong vai trò là “bà đỡ” cho các ý tưởng sáng tạo.
Chính vì thế có những không gian Pavilion được hình thành trong phút chót của những phê duyệt hành chính nhưng lại bất ngờ gây ấn tượng trong lòng công chúng; đó cũng là minh chứng của tính chất “tạm”, tính chất “phù du” của những thiết kế Pavilion nhưng đồng thời cũng khẳng định giá trị của những Pavilion là khả năng biến đổi không gian quen thuộc thành những không gian “sinh động”, nhiều niềm vui cho cư dân đô thị. Dẫu cho các niềm vui này thường chỉ kéo dài 1-2 tuần trưng bày, nhưng trong không gian của một đô thị lâu đời, những biến đổi mang tính ngắn ngủi này đem tới cho người xem một quãng thời gian khác biệt, cùng với công cụ truyền thông, mạng xã hội niềm vui này được nhân lên, lan tỏa mạnh mẽ hơn trong cộng đồng… dường như vốn quá nhàm chán với lịch trình cuộc sống quen thuộc.
TIỀM NĂNG
Ở góc nhìn khác, rất có thể các Pavilion này là những giải pháp “điền vào khoảng trống đô thị” vốn luôn tồn tại, những “vùng xám” của đô thị, những miền giao giữa nghệ thuật công cộng và thiết kế đô thị hoặc đơn giản là cơ hội để làm thức tỉnh lại một “đô thị truyền thống”.
Bên cạnh Pavilion, ta có thể nghĩ tới những nghệ thuật công cộng, nghệ thuật cộng đồng, những sắp đặt mang tính đô thị chứ ko chỉ dừng ở phạm vi của phòng trưng bày, từ đó sẽ hình thành những tuyến phố sáng tạo, không gian sáng tạo tập trung quy mô lớn hay những đô thị sáng tạo đáng sống của Việt Nam.
Pavilion hay nghệ thuật công cộng sau cùng cũng là biểu hiện của một tư duy cởi mở trong phát triển & quản lý đô thị, một tinh thần “bà đỡ” trong sáng tạo và nghệ thuật cũng như văn hóa.
Hà Nội nói chung, quận Hoàn Kiếm nói riêng đang có những bước đi rất mạnh mẽ trong việc ủng hộ những ý tưởng nghệ thuật & văn hóa mới, tin rằng rất nhanh điều này sẽ đem tới một hình ảnh mới, trẻ trung cho đô thị Thủ đô./.
Ý kiến của bạn