
Tinh thần của Nghị quyết 68 là tăng sự bảo vệ, cắt giảm phiền hà và khơi thông nguồn lực
Có thể bạn quan tâm
Chiều 16/7, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Vai trò của Hiệp hội, Doanh nghiệp và Cơ quan báo chí trong xây dựng và phản biện chính sách”.

Cơ quan báo chí cần có định hướng chuyên sâu để đảm nhận vai trò phản biện
Trình bày tham luận "Nghị quyết 68 và 198 về phát triển kinh tế tư nhân: Tinh thần, lưu ý cho doanh nghiệp và cơ quan báo chí", tại diễn đàn, ĐBQH Phan Đức Hiếu - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế Tài chính của Quốc hội cho biết, cơ quan báo chí, các nhà báo, phóng viên nếu mong muốn khẳng định mình thì có lẽ không có cách nào khác ngoài việc phải hiểu rõ, trăn trở với vấn đề muốn truyền tải, mà cụ thể tại nội dung tinh thần, lưu ý của Nghị quyết 68 đối với hoạt động của cơ quan báo chí.
“Tinh thần của Nghị quyết 68 là tăng sự bảo vệ, cắt giảm phiền hà và khơi thông nguồn lực”, ĐBQH Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.
Hiện nay, các doanh nghiệp đang phải chịu chi phí thủ tục hành chính, thuế phí, lệ phí, chi phí đầu tư, chi phí cơ hội và những chi phí không chính thức khác. Như vậy, luật pháp không chỉ tạo ra thủ tục hành chính mà còn tạo ra thêm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp.
Do đó trước tiên, tinh thần của Nghị quyết 68 là giảm phiền hà và chi phí tuân thủ, chứ không chỉ cắt giảm thủ tục hành chính. Nghị quyết lần này đặt ra mục tiêu cụ thể: cắt giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh trong từng lĩnh vực.
Đáng chú ý, không chỉ cắt giảm thủ tục hành chính, Nghị quyết 68 còn nhấn mạnh "cắt giảm thủ tục tuân thủ". Nếu chỉ nói chung chung như giảm từ 10 xuống 7 thủ tục mà không nhìn vào chất lượng và hiệu quả cải cách, thì rất dễ bị qua mặt. Vì vậy, báo chí cần phải hiểu và phân tích thấu đáo, ĐBQH Phan Đức Hiếu cho hay.
Thứ hai là tăng sự bảo vệ, có nghĩa là bảo đảm các nguyên tắc khi xử lý sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế. Nghị quyết 68 đã nêu rất rõ, khi vấn đề còn chưa rõ ràng, thì ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước.
Cụ thể, một trong những rủi ro lớn nhất mà doanh nghiệp lo sợ là tính không rõ ràng trong áp dụng pháp luật. Khi một hành vi vi phạm không được phân định rõ giữa xử lý hành chính, dân sự hay hình sự, doanh nghiệp có thể bị rơi vào tình trạng bất an, thậm chí đóng băng mọi hoạt động. Do đó, Nghị quyết 68 khẳng định, trong trường hợp chưa rõ ràng, ưu tiên áp dụng biện pháp xử lý hành chính, dân sự, thay vì xử lý hình sự.
Đặc biệt, Nghị quyết 68 cũng yêu cầu phân biệt rõ giữa tài sản, quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp, của cá nhân những người quản lý trong doanh nghiệp. Đây là điểm rất đáng lưu ý đối với báo chí. Khi phản ánh một vụ việc, nếu không tách bạch giữa lỗi của cá nhân quản lý và hoạt động của doanh nghiệp thì rất dễ gây tổn hại cho cả doanh nghiệp và người lao động của họ. Nghị quyết yêu cầu xử lý rành mạch: vi phạm cá nhân là cá nhân; còn tài sản, hoạt động của doanh nghiệp phải được bảo vệ để duy trì ổn định và lòng tin thị trường.
Thứ ba là khơi thông các nguồn lực cho doanh nghiệp, bao gồm tiếp cận vốn, đất đai và tháo gỡ vướng mắc trong các dự án đầu tư. Nhưng không dừng ở đó, Nghị quyết 68 còn yêu cầu nâng cao hiệu quả thực thi, minh bạch hóa quy trình xử lý, có cơ chế hậu kiểm hiệu quả thay cho tiền kiểm rườm rà, tạo không gian chủ động cho doanh nghiệp.
Từ ba tinh thần được đề cập trên, các cơ quan báo chí cần có định hướng chuyên sâu cần đảm nhận vai trò phản biện. Để nghị quyết đi vào thực tế, phải có chính sách phù hợp và những tiếng nói phản biện xã hội. Vì vậy báo chí cần đặt câu hỏi rằng, sau khi ban hành từ tháng 5 đến nay, Nghị quyết 68 đã đi vào cuộc sống đến đâu, chính sách gì đã đi vào cuộc sống người dân?
Để Nghị quyết 68 đi vào cuộc sống thì phải chỉnh sửa các luật, nghị định, thông tư; Nghị quyết hiện nay chưa có cơ chế áp dụng trực tiếp. Do đó, để nhanh chóng đưa Nghị quyết 68 đi vào cuộc sống, Quốc hội giai đoạn vừa qua đã xem xét, thông qua một số bộ luật tại Kỳ họp thứ 9, trước khi ra đời Nghị quyết 68.
Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội đã yêu cầu thể chế hóa ngay những nội dung tại Nghị quyết 68 có thể thể chế hóa được sớm trong các Luật mà Chính phủ trình. Rất nhiều luật đã được sửa đổi như Luật số 90/2025/QH15 sửa đổi 8 luật thuộc lĩnh vực tài chính, đấu thầu, đầu tư. Tuy nhiên, kỳ họp thứ 9 của Quốc hội vừa qua chỉ thông qua được 34 Luật, chứ chưa thể sửa đổi ngay được tất cả để thể chế hóa Nghị quyết 68.
Thực tế, Chính phủ đã nhanh chóng dự thảo ngay Nghị quyết 198 chỉ trong 12 ngày, để thể chế hóa ngay một số nội dung của Nghị quyết 68.
Theo ĐBQH Phan Đức Hiếu, Nghị quyết 198 là một minh chứng cho thấy đây là cách nhanh nhất để giải quyết câu chuyện "nghị quyết chờ sửa luật". Do vậy có thể nói, đó là kết quả bước đầu của Nghị quyết 68, rất khẩn trương, rất tích cực và đã có kết quả. Nếu không có 2 hành động cụ thể như trên là sửa nhiều luật và ban hành Nghị quyết 198 thì Nghị quyết 68 vẫn đang tuyên truyền ở mức chủ trương.
Thực hiện Nghị quyết không chỉ là hoàn thành chỉ tiêu mà phải để ý vào chất lượng
Thông về một số nội dung cơ bản của Nghị quyết 198, ĐBQH Phan Đức Hiếu đã tóm gọn một số ý nổi bật, trọng tâm như: Một là thanh tra hoặc kiểm tra không quá 1 lần/doanh nghiệp/năm. Nếu thanh tra thì không kiểm tra và ngược lại;
Hai là hỗ trợ 2% lãi suất với những dự án xanh, tuần hoàn, ESG; Ba là miễn 3 năm thuế TNDN cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;
Bốn là bình quân 20ha/khu-cụm công nghiệp hoặc 5% tổng diện tích khu-cụm công nghiệp dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thì hỗ trợ ít nhất 30% tiền thuê đất trong 5 năm;
Năm là miễn phí nền tảng số, phần mềm kế toán cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ;
Sáu là đặt hàng, đấu thầu sẽ hạn chế hơn. Thay vào đó là chỉ định thầu với nhưng dự án quan trọng, trọng điểm, chiến lược;
Bảy là gói xây lắp, mua hàng dưới 20 tỷ đồng thì sẽ ưu tiên dành riêng doanh nghiệp nhỏ và vừa;
Tám là nếu doanh nghiệp chủ động khắc phục hậu quả tốt thì sẽ được căn cứ xem xét không khởi tố;
Về một số lưu ý, ĐBQH Phan Đức Hiếu nhấn mạnh rằng, chỉ khi nào việc thực thi Nghị quyết 68 mạnh mẽ, kịp thời, có kết quả thì khi đó chúng ta mới có thể ghi nhận và tuyên dương. Các kết quả ở đây là việc ban hành các văn bản và việc thi hành thực thi văn bản hiệu quả, thực chất của các cơ quan. Tức là kết quả không chỉ là hoàn thành chỉ tiêu mà phải để ý vào chất lượng.
Tuy nhiên, ĐBQH Phan Đức Hiếu cũng cho rằng, công việc để thực hiện Nghị quyết 68 sẽ còn nhiều, còn thách thức.
Theo ĐBQH Phan Đức Hiếu, việc Hiệp hội ý kiến, phát hiện, phản biện của cộng đồng doanh nghiệp về bất cập thể chế là rất cần thiết.
Để giải đáp cho câu hỏi làm thế nào để cơ quan có thẩm quyền biết được đâu là những vướng mắc thực sự chứ không phải vướng mắc râu ria để có sự điều chỉnh chính sách và ai làm được việc này? ĐBQH Phan Đức Hiếu khẳng định, không ai khác ngoài Hiệp hội đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp. Chính vì vậy, vai trò của Hiệp hội - đại diện của các doanh nghiệp, bên cạnh vai trò của từng doanh nghiệp là vô cùng quan trọng.
“Đối với nhà báo, cần bám sát tinh thần của Nghị quyết, đặc biệt tập trung vào những điểm mới, trọng tâm, trọng điểm. Cùng với đó, cần phản ánh chính xác, kịp thời kết quả cả tích cực và khó khăn, thách thức trong triển khai thi hành Nghị quyết. Tiếp đó là khi phản ánh thông tin phải hướng tới đưa ra giải pháp cụ thể…”, ĐBQH Phan Đức Hiếu cho biết.
Đối với doanh nghiệp, cần phải hiểu rõ cơ hội bứt phá vươn lên của doanh nghiệp, đồng thời với nguy cơ lớn về đào thải. Vì vậy, không có cách nào khác, các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực, chuyên nghiệp hoá sản phẩm.
Ý kiến của bạn