Thủ tướng yêu cầu nâng cao chất lượng công tác phòng cháy, chữa cháy

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 475/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả 10 tháng thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới.
12:58, 19/11/2023
Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng cháy, chữa cháy (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự nỗ lực, kết quả mà các Bộ, ngành, địa phương đã đạt được trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) thời gian qua, góp phần bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân và doanh nghiệp, tạo môi trường an ninh, an toàn, sự bình yên cho cuộc sống.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác PCCC và CNCH còn tồn tại, hạn chế, yếu kém cần khẩn trương, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, huy động các nguồn lực để tập trung khắc phục.

Để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác PCCC và CNCH, trong thời gian tới, người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương phải thực sự trăn trở, trách nhiệm, tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ để nâng cao chất lượng công tác PCCC và CNCH, trong đó cần tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp về PCCC, xây dựng, điện lực, kịp thời khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót, nhất là ở cơ sở. Tiếp tục tổng rà soát, kiểm tra về công tác PCCC, nhất là đối với chung cư, nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ, cơ sở cho thuê trọ có mật độ người ở cao, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao. Xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có) theo đúng quy định pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nguồn lực xã hội cho việc phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng, hậu cần đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác PCCC và CNCH trong tình hình mới, trong đó tập trung nâng cao năng lực của lực lượng PCCC; củng cố các lực lượng tại khu dân cư, cơ sở; làm tốt công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch hạ tầng (giao thông, nguồn nước...); xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các lực lượng làm nhiệm vụ chữa cháy và CNCH…

Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, lực lượng đẩy mạnh việc xây dựng chính sách, pháp luật, hoàn thiện thể chế, hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam; nghiêm cấm "cài cắm" lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách, pháp luật. Việc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về PCCC không được gây phiền hà, khó khăn, không hợp pháp hóa sai phạm nhưng phải có giải pháp tháo gỡ để bảo đảm quyền lợi của người dân và doanh nghiệp, nhất là khi "chuyển đổi trạng thái" phải có sự chuyển tiếp để người dân, doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, khắc phục.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật PCCC và CNCH; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, nhất là Bộ Xây dựng rà soát, sửa đổi quy định về PCCC, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để bảo đảm thống nhất, giảm tối đa chi phí không cần thiết cho người dân và doanh nghiệp.

Chỉ đạo thực hiện nghiêm quy trình, quy chế thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC, kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH trên tinh thần công khai, minh bạch, không gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; nghiêm cấm các hành vi tiêu cực trong công tác này.

Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn thành tiêu chuẩn Nhà ở riêng lẻ - Yêu cầu chung về thiết kế (trước ngày 31/12/2023).

Chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, trật tự xây dựng; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thanh tra toàn diện hoạt động quản lý xây dựng nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật (báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 12/2023).

Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực, trong đó nghiên cứu bổ sung quy định về sử dụng điện an toàn sau công tơ để làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân. Trong thời gian chưa ban hành Luật này, cần có giải pháp trước mắt để giảm thiểu nguy cơ cháy, nổ do hệ thống, thiết bị điện.

Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương thực hiện việc lồng ghép kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH vào chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm trong cơ sở giáo dục và đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH cho học sinh, sinh viên phù hợp với lứa tuổi.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính có nhiệm vụ nghiên cứu, tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí nguồn vốn đầu tư công đảm bảo cho công tác PCCC và CNCH theo quy định của pháp luật; quan tâm cân đối để thực hiện Quy hoạch hạ tầng PCCC thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương hoàn thành việc rà soát, đánh giá để đề xuất sửa đổi, bổ sung theo trình tự, thủ tục rút gọn Nghị định số 54/2019/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường cho phù hợp, trong đó nghiên cứu sửa đổi quy định về cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường (hoàn thành trong tháng 12/2023).

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo hoàn thành tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC, đưa ra giải pháp trước mắt và lâu dài bảo đảm hạn chế cháy, nổ và giảm thiểu tối đa thiệt hại, hậu quả do cháy, nổ gây ra (hoàn thành trước ngày 31/12/2023).

Tăng cường quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, trật tự xây dựng; phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức thanh tra toàn diện hoạt động quản lý xây dựng nhà ở riêng lẻ nhiều căn hộ có nhiều tầng, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật (báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 12/2023).

Pháp lý xây dựng

Quốc hội chính thức thông qua Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn

Với tỷ lệ tán thành cao 455/465 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành (chiếm 94,99%), Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn (QHĐT&NT) chính thức được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.

Mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo nhà ở đối với người có công với cách mạng

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định số 21/2024/QĐ-TTg ngày 22/11/2024 về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỉ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỉ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2023 – 2025. Quyết định có hiệu lực từ ngày 9/1/2025 đến 31/12/2025.

Tăng cường công tác quản lý hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng

Vừa qua, Bộ Xây dựng đã có công văn 6288/BXD-KHCN ngày 12/11/2024 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng; hoạt động thử nghiệm, chứng nhận đối với sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng; hoạt động kiểm định kiểm tra an toàn lao động (KTATLĐ) đối với máy, thiết bị sử dụng trong thi công xây dựng.

Bộ Xây dựng ban hành Thông tư Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng

Vừa qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã ký ban hành Thông tư 10/2024/TT-BXD ngày 01/11/2024, về Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng.

Đẩy nhanh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 42/CT-TTg ngày 9/11/2024 về việc đẩy nhanh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi