Sự đồng hóa & bản sắc – Bài toán trong thiết kế đô thị
Bản sắc và sự đồng hóa trong thiết kế đô thị – đối lập trong sự thống nhất
Thiết kế đô thị (Urban Design) được xem là việc cụ thể hóa nội dung của đồ án quy hoạch xây dựng đô thị, là một công cụ hữu hiệu với mục đích đem lại sự đa dạng, sôi động, đa văn hóa cho thành phố, nhưng vẫn cần giữ được hồn cốt kiến trúc truyền thống để tạo nên cộng đồng đô thị bền vững có bản sắc. Việc có được cá tính bản sắc riêng trong sự thống nhất tổng thể chung luôn là một bài toán khó đối với công tác thiết kế đô thị và quy hoạch đô thị bởi đặc điểm “đối lập trong sự thống nhất” của 2 nội dung này.
Sự đồng hóa trong các dự án phát triển đô thị. Trong những năm gần đây, sự đồng hóa có thể thấy rõ trong thiết kế các dự án phát triển đô thị và sự thay đổi của lối sống thành thị.
Một mặt, sự đồng hóa mang đến hiệu quả “ngăn nắp” trong phạm vi quy mô lớn. Nhưng ở góc độ ngược lại, tương đồng trong quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị một cách máy móc tạo ra các công trình đồng nhất về kiến trúc, đơn điệu và lặp lại. Các công trình giống nhau trong các dự án đã trở nên phổ biến, tạo ra các khu đô thị “Phi nơi chốn – Placelessness” – không có sự khác biệt, thiếu đặc trưng và tiện nghi tương xứng.
Về giao thông, các khu nhà cao tầng đông đúc quá mức cần thiết, sự mở rộng cơ học về quy mô đô thị và sự gia tăng chóng mặt phương tiện giao thông cá nhân tại các đô thị, đặc biệt là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã tác động mạnh tới chất lượng đời sống xã hội ở những cấp độ khác nhau. Sự xơ cứng trong quy hoạch phân khu, đồng hóa mạnh nhưng lại tập trung ưu tiên tràn lan cho phân khúc khách hàng có thu nhập cao, chú ý quá mức giao thông cá nhân, đỗ xe ô tô đã làm thu hẹp các không gian và tiện ích đô thị. Khu đô thị mới có thể dễ dàng được những người thuộc tầng lớp thượng lưu và trung lưu chấp nhận nhưng nó thực sự gây khó khăn và cô lập với phần lớn cộng đồng dân cư, đặc biệt là đối với người già, trẻ nhỏ và những người có hoàn cảnh khó khăn rất cần đến các dịch vụ và phương tiện giao thông cộng cộng. Chính điều này tiềm ẩn những bất ổn và phát triển thiếu bền vững cho đô thị.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là: “Vì sao tính đồng nhất của hệ thống không gian đô thị lại có tầm quan trọng trong phát riển đô thị như vậy”? Một mặt, vì các đặc trưng của bản sắc vốn có trong cấu trúc của đô thị nói chung đang bị mất đi, nét đặc trưng vùng miền không còn, thay vào đó là “tính đồng phục” trong các thiết kế từ công trình làm việc của các cơ quan công quyền cho đến các thiết chế văn hoá, vui chơi, giải trí; mặt khác, một ý tưởng hết sức ấu trĩ và thiếu hiểu biết đang rất phổ biến hiện nay cho rằng càng thiết kế cầu kỳ thì càng làm tăng bản sắc của đô thị.
Ý nghĩa bản sắc trong thiết kế đô thị. Đối lập với sự đồng hóa, bản sắc chính là những yếu tố tạo nên “sự khác biệt” của đô thị này so với đô thị khác. Cả về lý thuyết và thực tiễn, bản sắc đô thị có thể được truyền tải trong nhiều yếu tố thông qua công tác thiết kế và quy hoạch đô thị. Sự cảm nhận về không gian đô thị luôn có hai mặt: xã hội học và tâm lý học. Nếu cộng đồng cảm thấy mất đi giá trị lịch sử, thiếu cảm giác thân thuộc với vùng đất sinh sống, khi đó chính các nhà thiết kế, các nhà quy hoạch đã tiếp tay đánh mất sự cảm nhận, cảm xúc về không gian của người dân.
Tuy nhiên tạo lập bản sắc một cách máy móc lại tạo nên sự cô lập của không gian đô thị với tổng thể. Kết quả là hình thành các bất động sản rời rạc, nhang nhác giống nhau, biệt lập, bất khả xâm phạm mà những ai không sống và làm việc trong khu này đều không được phép tiếp cận, chất lượng môi trường đô thị vì thế mà suy giảm. Hậu quả là, lối sống người dân cũng thay đổi, họ sống khép kín, ít giao tiếp hơn và không còn giữ được mối liên kết quan hệ xóm giềng truyền thống trước đây.
Tính hai mặt trong cảm giác của con người thể hiện rất rõ khi tiếp cận một khu đô thị. Họ luôn có tính hướng ngoại tới một cộng đồng lớn hơn, nhưng cũng luôn hoài cổ, “ước gì cho đến ngày xưa”. Bởi vậy, cùng với việc đồng hóa không gian xây dựng và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, tiện ích và dịch vụ đô thị, cần chú ý tới dấu hiệu nhận diện riêng về cảnh quan, tạo dựng các không gian công cộng với cá tính riêng mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy văn hóa đô thị đặc trưng, điều đó sẽ tác động tích cực đối với cảm xúc và đời sống của người dân đô thị.
Mối tương quan giữa đồng hóa và bản sắc trong thiết kế đô thị. Theo định nghĩa của giới chuyên môn, bản sắc đô thị là sự thể hiện ra bên ngoài của các tố chất tinh thần đô thị, thông qua các di tích lịch sử và văn hóa, phong tục tập quán, kiến trúc đô thị, hoạt động cộng đồng, tác phong người dân trong cuộc sống và giao tiếp, và bao hàm cả cảnh quan thiên nhiên đặc sắc. Bản sắc đô thị ngày nay càng trở nên hết sức quan trọng vì hiện đại hóa, toàn cầu hóa đang có xu hướng làm cho diện mạo và lối sống đô thị các nước trở nên giống nhau hơn bao giờ hết.
Cũng có ý kiến cho rằng sự đồng hóa làm đánh mất bản sắc là hệ quả tất yếu của xu thế toàn cầu hóa. Tuy nhiên, các nhà xã hội học và các nhà lý luận kiến trúc đã chỉ ra rằng bản sắc của điểm dân cư nơi con người sinh sống là một bộ phận quan trọng của cơ chế tự xác định của con người. Con người vốn xem bản thân như một bộ phận của cộng đồng rộng lớn và coi thuộc tính này là một giá trị. Việc tự xem mình là một phần của cộng đồng xã hội đã được duy trì qua bao đời nay, tạo thành một nét đặc sắc riêng gắn liền với con người và nơi sinh sống của họ.
Tại các đô thị lớn, các đặc điểm mang tính riêng có khu vực và địa phương đang mất dần do tính đồng nhất về cơ sở kết cấu của hoạt động xây dựng. Trước tác động của các công nghệ xây dựng mới, đất đai bị cắt nhỏ và đắp cao, đặc trưng cảnh quan bị mất dần, số tầng cao tăng, cấu trúc không gian nhân tạo lấn át tự nhiên, các di sản kiến trúc đặc trưng của điểm dân cư cũng không tránh khỏi bị xâm phạm, thậm chí phá huỷ hoàn toàn.
Bản sắc của một đô thị được sinh ra từ tính đồng nhất giữa không gian, kiến trúc, bố cục của đô thị, tạo nên một tổng thể cân đối và hài hoà, nương vào nhau để cùng tồn tại và phát triển. Thế nhưng, các giải pháp kiến trúc hiện đại được áp dụng không phù hợp, hình thành nên những khu đô thị “tự kỷ” với xung quanh, đơn điệu, mờ nhạt, rời rạc, khô khốc. Với những công trình như vậy thì làm sao bản sắc mới có thể hình thành?
Tạo dựng tính hòa đồng và có bản sắc của không gian đô thị
Người thiết kế đô thị cần óc tưởng tượng hoàn hảo, suy tính logic để kết hợp các yếu tố của không gian hiện hữu và không gian sẽ được tạo ra trong tương lai. Đạt được sự cân bằng giữa các quy chuẩn, tiêu chuẩn của một đô thị hiện đại với việc giữ được cái “chất”, cái “Tôi” vùng miền là bài toán không hề đơn giản với các nhà làm chuyên môn.
– Bản sắc, phát triển nhưng cần tôn trọng cả những điểm hạn chế của khu vực; chi tiết phải thể hiện được điểm mạnh của địa phương, tránh tình trạng “thiếu sự nhận diện” khi tiêu chuẩn hóa các giải pháp thiết kế.
– Cảnh quan, thiết kế cảnh quan hấp dẫn, chú ý tới các chi tiết để thúc đẩy sự phát triển, hấp dẫn các nhà đầu tư và cư dân.
– Cơ sở hạ tầng đô thị: cần được nâng cấp và hiện đại hóa, giao thông an toàn, không gian mở tiện nghi, nâng cao tiện ích cộng đồng và quan tâm tới người đi bộ.
– Hoạt động, thiết kế đô thị không chỉ quan tâm tới các yếu tố đường phố, công viên, quảng trường, kiến trúc các công trình mà còn bao gồm cả những sự kiện diễn ra trong đó. Những sự kiện này phản ánh sự đa dạng của nhu cầu kinh tế xã hội tạo ra một sức sống mãnh liệt cho môi trường đô thị, cân bằng với định hướng phát triển chung của thành phố.
Tuy nhiên, sự “đồng hóa” không có nghĩa là giống nhau theo kiểu “copy – paste”, nhàm chán và đơn điệu. Trong bối cảnh đó, đô thị nào giữ gìn và phát huy được bản sắc của riêng mình sẽ tạo được sự gắn bó cộng đồng và sự hấp dẫn mạnh mẽ đối với bên ngoài. Thiết kế đô thị có thể được coi là một môn nghệ thuật năng động nhấn mạnh đến tính sáng tạo, đồng thời đó là một quá trình thiết kế, kiến tạo, xây dựng và quản lý không gian và địa điểm cho con người và vì con người. Thiết kế đô thị kết hợp chặt chẽ với “triết lý thiết kế”, cần một phương pháp tiếp cận cũng như xác định các nguyên tắc và các mẫu thiết kế chu đáo và phù hợp để tạo nên môi trường không gian đô thị đặc trưng.
Không gian đường phố. Đường phố tạo ra các ranh giới không gian và hoạt động công cộng, là thành phần quan trọng ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của cư dân. Đường phố cần nhiều tác dụng hơn là chỉ để phục vụ giao thông, nó là một không gian đa chức năng được kết nối với các dịch vụ và tiện ích xã hội đảm bảo các tiêu chí về chất lượng: Tạo sự thoải mái và an toàn cho người đi bộ và người khuyết tật – hướng đến mục tiêu “giao thông công bằng – Fair Transport”; Thiết kế đa chức năng và không bị chi phối bởi một chức năng riêng biệt nào; Trực quan, đơn giản và rõ ràng của vật liệu lát, đồ nội thất đường phố, chiếu sáng và cảnh quan mới là những gì quan trọng; quản lý và bảo dưỡng chu đáo, kỹ lưỡng với các tiện ích, bảng chỉ dẫn…..
Mặt đứng và khoảng lùi công trình. Các thành phần của công trình đóng góp vào sự liên tục của tuyến phố, tạo ra một mặt phố phù hợp cho các hoạt động công cộng. Các yếu tố như hàng hiên, tiền sảnh, cửa, ban công, biển báo, mầu sắc, chiếu sáng rất quan trọng trong việc thiết lập mặt đứng đô thị giúp chúng ta có những cảm nhận riêng về khu vực. Đối với các công trình thương mại hay các công trình hỗn hợp có quy mô nhỏ, nên bố trí nằm gần ranh giới đi bộ để bổ sung tiện ích và tạo ra một trải nghiệm chất lượng cho du khách. Khoảng lùi phụ thuộc vào loại hình công trình, hình thức xây dựng bảo đảm tỷ lệ hài hòa với các không gian đô thị.
Dựa vào điều kiện địa hình tự nhiên, khoảng lùi và cây xanh được đặc biệt chú ý trong thiết kế đô thị đường tránh quốc lộ 3 thành phố Cao Bằng, đối với công trình có quy mô lớn như trụ sở cơ quan, văn phòng đều có những khoảng sân vườn, cây xanh phía trước để làm dịu đi khối tích công trình. Đối với nhà ở gia đình đơn lẻ, biệt thự khoàng lùi được khống chế từ 2-4m so với chỉ giới đường đỏ. Khoảng lùi này đảm bảo tạo ra một không gian phát triển thích hợp cho cây xanh, tạo ra một môi trường có chất lượng cho người đi bộ và đi xe đạp.
Kiến trúc công trình – hình mẫu xây dựng. Các hình thức xây dựng ảnh hưởng lớn đến tính chất của không gian, để đảm bảo được tính đồng nhất trong đô thị cần chú ý đến ba thành phần chính là đế, thân và mái công trình:
Phần đế là bộ phận trực tiếp đóng góp và nâng cao chất lượng không gian đường phố, cần chú ý tới các thành phần như cổng vòm, mái hiên, vật liệu và chiếu sáng.
Phần thân tôn lên các đặc điểm kiến trúc của phần đế, cần quan tâm tới phân vị, tỷ lệ, chi tiết và mầu sắc công trình để duy trì quy mô tổng thể của đường phố.
Phần mái cần dung hợp với phần đế và phần thân tạo nên một cấu trúc xây dựng trực quan, mạch lạc, đối với các công trình nhỏ đó là tỷ lệ, vật liệu và hình thức của các gờ và mái nhà….
Bố cục và tỷ lệ được xác định bởi chiều cao với chiều rộng công trình, tạo nên ranh giới các không gian. Tỷ lệ phụ thuộc vào độ lớn của không gian và loại đường phố được thiết kế, đây là một nguyên tắc cơ bản thiết kế đô thị. Để đảm bảo tạo ra một môi trường đô thị có chất lượng, không gian xanh giữa các đường phố, tại các khu vực công cộng và trước các công trình cần phải được thiết kế và quản lý cẩn thận vì nó đánh dấu sự chuyển đổi từ không gian công cộng sang khu vực riêng tư.
Kết luận
Có thể khẳng định rằng thiết kế đô thị là một công cụ hữu hiệu để quản lý và phát triển không gian một cách toàn diện, giảm thiểu mâu thuẫn giữa sự đồng hóa và bản sắc: Tính bền vững; Nghệ thuật; Môi trường sống của các khu dân cư an toàn và hấp dẫn; Tiện ích công cộng, thiết kế; Quy chế quản lý.
Cần chú ý rằng, các yếu tố xã hội, môi trường và cảnh quan cần được quan tâm trước khi nghĩ tới các nguyên tắc hình học, qua đó các nhà quy hoạch, các kiến trúc sư có thể tạo ra hoặc làm mới bản sắc và giá trị văn hóa của địa phương./.
Ý kiến của bạn