Phát huy giá trị kiến trúc nhà sàn của người Tày - Nùng ở Cao Bằng
Nhà sàn truyền thống ở xóm Dìa Trên, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa
Nhà sàn truyền thống của người Tày – Nùng
Đến Cao Bằng, chúng ta dễ dàng bắt gặp nhiều ngôi nhà sàn của người Tày – Nùng nằm yên bình dưới chân các ngọn núi hoặc ven các con suối. Trải qua thời gian, những ngôi nhà sàn của đồng bào vẫn trường tồn, vững chãi, chở che cho người dân địa phương chất phác, hồn hậu.
Nghệ nhân Nông Thị Hoa, người dân tộc Tày ở huyện Thạch An (Cao Bằng) cho biết, người Tày - Nùng sinh sống gần nhau nên có những nét văn hóa khá tương đồng. Trải qua hàng nghìn năm sinh sống và cư trú, người Tày – Nùng đã hình thành và cải biến để có được kiểu kiến trúc nhà sàn như hiện nay.
“Nhà sàn của người Tày - Nùng thường lợp ngói âm dương. Nguyên liệu để làm nhà là gỗ, tre, ngói, cột, kèo, xà được làm bằng gỗ, phổ biến nhất là gỗ nghiến, gỗ đinh… Nhà sàn có diện tích sử dụng rộng rãi, được chia thành các gian và mỗi gian đều có chức năng riêng. Trong nhà sàn, từ cách bố trí không gian thờ cúng tổ tiên, nơi tiếp khách, bếp đến chỗ ngủ của mỗi thành viên trong gia đình, đều thể hiện rõ phong tục, tập quán, nền nếp của đồng bào Tày – Nùng”, nghệ nhân Nông Thị Hoa cho hay.
Kết cấu chính của ngôi nhà gồm có 36 cột, trong đó, 28 cột chính và 8 cột phụ, đây là bộ khung quyết định sự vững chãi và tạo nên hình dáng của ngôi nhà. Cột nhà được tạo nên từ các khối gỗ lim, bên dưới là các phiến đá được đẽo tròn kê chân cột. Với kỹ thuật khéo léo của những người thợ tài hoa, ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày - Nùng ít dùng đến đinh sắt mà chỉ dùng mộng gỗ nối kèo cột tạo thành ngôi nhà.
Thông thường người Tày - Nùng làm nhà ba gian, gian giữa là gian để bàn thờ tổ tiên, các gian phụ được dùng để ở, sinh hoạt, để đồ đạc. Gầm sàn là nơi để dụng cụ sản xuất. Cầu thang nhà sàn làm bằng gỗ và thường có chín bậc, mỗi bậc tượng trưng cho một vía của người phụ nữ.
Bản của người Tày, làng Khuổi Ky, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh
Với người Tày – Nùng, nhà sàn không chỉ là nơi ở, nơi sinh hoạt thường ngày mà còn là nơi hội tụ nét sinh hoạt văn hóa của gia đình, đồng thời cũng là hình ảnh thu nhỏ của văn hóa dân tộc. Thuở xưa, khi đường sá xa xôi, xã hội chỉ thu nhỏ trong phạm vi thôn, bản thì mọi sinh hoạt gia đình, giao tiếp cộng đồng cùng những mối liên hệ của con người chủ yếu diễn ra trong ngôi nhà sàn. Chính vì vậy, ngôi nhà sàn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối bà con dân tộc Tày – Nùng.
Để nhà sàn truyền thống không bị mai một
Ngày nay, trong sự thay đổi của đời sống - xã hội, của tốc độ đô thị hóa, nhiều nơi ở Cao Bằng, những ngôi nhà sàn truyền thống dần nhường chỗ cho những ngôi nhà cao tầng hiện đại, nhà xây tường với mái lợp prô xi măng hoặc tôn chống nóng. Với nhiều người dân, nhà sàn không còn quan trọng. Họ sẵn sàng phá hoặc bán nhà sàn đi để làm nhà xây kiên cố. Chính quyền không thể cấm người dân bán nhà sàn, làm nhà gạch.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Ma Thanh Sợi cho biết, mấy năm trở lại đây, số lượng nhà sàn của người Tày - Nùng đã giảm đáng kể và cứ đà này, trong tương lai, nhà sàn của người Tày – Nùng sẽ dần biến mất. Điều đó, đồng nghĩa với nguy cơ mai một các giá trị văn hóa truyền thống, những nét đẹp trong phong tục tập quán của đồng bào.
“Cho nên, Nhà nước cần có kế hoạch bảo tồn và khuyến khích đồng bào dân tộc giữ lại nhà sàn cũng như nếp văn hóa dân tộc mình”, Nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Ma Thanh Sợi cho hay.
Người Tày – Nùng ở xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh đã cải tiến ngôi nhà sàn cũ bằng những vật liệu hiện đại hơn, tuy nhiên vẫn giữ được nét truyền thống vốn có của nhà sàn
Một trong những chính sách bảo tồn nhà sàn truyền thống của người Tày - Nùng của chính quyền Cao Bằng, là hỗ trợ cho các địa phương bảo tồn, lưu giữ kiến trúc nhà ở truyền thống kết hợp với phát triển du lịch tại địa phương. Hướng dẫn địa phương thúc đẩy xây dựng đời sống văn hóa, phát triển du lịch nông thôn gắn với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, kiến trúc nhà truyền thống.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân bảo tồn, dựng mới các ngôi nhà truyền thống dân tộc (khi xây dựng mới, có thể thay thế một số vật liệu phù hợp) hoặc tu sửa, cải tạo lại ngôi nhà sàn đang sinh sống, nhưng vẫn giữ được kiến trúc truyền thống. Khi bản làng được xếp hạng và có du khách đến tham quan, tạo ra được nguồn thu, thì người dân sẽ có ý thức hơn trong việc giữ gìn ngôi nhà sàn truyền thống…
Hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền về việc giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có kiến trúc nhà sàn, xóm Rai Khang, xã Chí Thảo, huyện Quảng Uyên cách trung tâm huyện gần 10km đã lưu giữ 20 ngôi nhà sàn truyền thống.
Có thể thấy, những ngôi nhà sàn vững chãi, còn nguyên vẹn về kết cấu, kiểu dáng từ hàng trăm năm trước, mang đặc trưng riêng của người Tày - Nùng. Cùng với những làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc, những nghi lễ, những món ăn dân giã, cùng với nếp nhà sàn truyền thống... đều là những giá trị, tiềm năng cho phát triển du lịch, tạo công ăn, việc làm cho người dân địa phương hiện nay.
Nhà sàn đá ở làng Khuổi Ky, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh được sử dụng làm Homestay, thu hút khách du lịch đến lưu trú
Rong ruổi trong huyện Trùng Khánh, chúng tôi biết đến một ngôi làng đẹp như tranh vẽ của người Tày, cách thác Bản Giốc khoảng 2km - làng Khuổi Ky ở xã Đàm Thủy. Điểm đặc biệt là, tất cả những ngôi nhà sàn trong làng đều được làm bằng đá có lịch sử hơn 400 năm, tạo nên không gian vừa cổ kính vừa độc đáo ở vùng biên cương.
Khuổi Ky hiện có 16 hộ gia đình người Tày sinh sống, với 14 ngôi nhà sàn đá được xây dựng từ thế kỷ XVI, kiến trúc được giữ nguyên như lúc ban đầu. Hiện nay, làng Khuổi Ky trở thành một điểm đến hấp dẫn của du khách khi có dịp đến tham quan thác Bản Giốc.
Có thể thấy, nhà sàn ở làng Khuổi Ky được tạo dựng khá đẹp mắt với tường và cầu thang dẫn lên nhà sàn được làm bằng đá rất chắc chắn. Nhà sàn có 2 mái, được lợp ngói âm dương, cột nhà trong tầng 2 được tạo nên từ các khối gỗ lim, cột đỡ bên dưới sàn nhà là các cột đá.
Bên trong nhà, có gian bếp lửa, gian thờ cúng tổ tiên, phòng ngủ cho các thành viên trong gia đình. Bên dưới sàn có độ cao khoảng 2m là nơi để nông cụ. Trước cửa hoặc bên hiên nhà có sàn phơi ngô, thóc...
Anh Nông Văn Thơ, chủ homestay Quang Thuận ở Khuổi Ky chia sẻ: “Ngôi nhà sàn đá của tôi đã được xây dựng cách đây gần 60 năm. Khi xã Đàm Thủy có chủ trương chọn làng Khuổi Ky làm điểm phát triển du lịch cộng đồng, gia đình tôi đã vay vốn, tu sửa ngôi nhà, mua sắm thêm các vật dụng để phục vụ lưu trú, ăn nghỉ cho du khách khi có dịp đến tham quan thác Bản Giốc. Rất nhiều du khách đến đây thăm phong cảnh đã rất thích thú khi được nghỉ trong ngôi nhà sàn bằng đá truyền thống này”.
Theo Thanh Thuận/ baodantoc.vn
Ý kiến của bạn