NTM Bắc Giang: Quy hoạch xây dựng, đảm bảo quản lý kiến trúc vùng nông thôn.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, vừa qua, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành kế hoạch số 22/KH-UBND triển khai Chỉ thị 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống.
Theo đó, song song với việc hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, UBND tỉnh đã giao cho UBND các huyện trên cơ sở tiềm năng của từng khu vực, đẩy mạnh phát triển các yếu tố để hình thành các đô thị nhỏ trên địa bàn; phát triển các điểm dân cư tập trung có quy mô, điều kiện sống như người dân đô thị tại các vùng có kinh tế phát triển từ mức trung bình trở lên.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác lập quy hoạch xây dựng xã, đầu tư xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình phát triển đô thị; Bắc Giang phấn đấu đến năm 2030, đạt tối thiểu 80% điểm dân cư nông thôn tại trung tâm các xã được ban hành Quy chế quản lý kiến trúc theo định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030.
Đồng thời, nâng cấp các dịch vụ đô thị ở khu vực nông thôn theo hướng tiếp cận với các tiêu chuẩn của đô thị để hỗ trợ quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế. Nghiên cứu bố trí các điểm dân cư nông thôn gắn với quy hoạch xây dựng công nghiệp dịch vụ và phát triển đô thị ở các vùng.
Tại kế hoạch triển khai UBND tỉnh Bắc Giang cũng đã đề ra một số giải pháp để thực hiện, đó là tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình về nhà ở nông thôn trên địa bàn; cân đối vốn ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở; tiếp tục tuyên truyền, giải thích, vận động để người dân hiểu rõ và hưởng ứng tham gia các chính sách.
Đặc biệt là việc người dân tự nguyện vay vốn để làm nhà ở; đồng thời phải kết hợp, lồng ghép các chương trình giúp đỡ, hỗ trợ về nhà ở của các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trên địa bàn vào chương trình hỗ trợ chung để đảm bảo sự hỗ trợ công bằng, nhất quán, góp phần nâng cao chất lượng nhà ở của người dân.
Ông Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: Mục đích của kế hoạch nhằm nâng cao công tác quản lý về văn hóa kết hợp với quản lý về xây dựng, tiếp tục hoàn thiện các thể chế để từng bước xây dựng kiến trúc nông thôn tỉnh Bắc Giang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; kế thừa và phát huy giá trị di sản kiến trúc truyền thống, phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội... Đáp ứng nhu cầu đô thị hóa, hướng tới hoàn thiện theo các tiêu chí đô thị đối với các khu vực ven đô, mở rộng phát triển đô thị.
Để hoàn thành mục tiêu trên, UBND tỉnh Bắc Giang đã giao cho các Sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng, ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp, phù hợp với đặc điểm tình hình và yêu cầu, nhiệm vụ tại đơn vị, địa phương mình.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ là đơn vị chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới cấp huyện, xã.
Sở xây dựng nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương trong công tác quản lý quy hoạch xây dựng và quản lý kiến trúc nông thôn trong giai đoạn 2021 - 2025; tăng cường kiểm tra; thường xuyên rà soát, đánh giá việc lập và thực hiện quy hoạch để kịp thời khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết trong công tác quy hoạch xây dựng và quản lý kiến trúc vùng nông thôn.
Và phối hợp với UBND cấp huyện trong công tác lập, thẩm định và quản lý quy hoạch xây dựng nhằm nâng cao chất lượng thẩm định và quản lý các đồ án quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch điểm dân cư nông thôn.
Cùng với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường việc chỉ đạo công tác lập, quản lý kiến trúc trên địa bàn. Xác định rõ quy mô, ranh giới, tính chất, chức năng của khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn. Nhất là trong giai đoạn 2021 - 2030, các địa phương trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của từng khu vực, quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần đẩy mạnh phát triển các yếu tố tạo đô thị.
Tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền về chương trình quy hoạch xây dựng nông thôn mới, các chính sách có liên quan nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng khu vực nông thôn để người dân hiểu rõ hơn về nội dung quy hoạch xây dựng và chủ động tham gia vào công tác quy hoạch xây dựng cũng như đầu tư phát triển. Ông Pích cho biết thêm.
Ý kiến của bạn