Mục tiêu đến năm 2050, Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

(Vietnamarchi) - Sáng 30/1, UBND tỉnh Hà Nam đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị Hà Nam cần đẩy mạnh phát triển chuỗi đô thị vệ tinh để tận dụng lợi thế của Vùng Thủ đô và hệ thống hạ tầng kết nối; đảm bảo quỹ đất phát triển đô thị theo chức năng như đô thị đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, y tế.
18:22, 31/01/2024
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Nam. (Nguồn ảnh: VGP).

Phát triển kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ cao

Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương; lãnh đạo một số tỉnh, thành phố lân cận trong vùng đồng bằng sông Hồng.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, tỉnh Hà Nam cần chú trọng đẩy nhanh chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số dựa trên nền tảng công nghệ cao.

Trong phát triển sản xuất nông nghiệp, tỉnh cần quy hoạch vùng nuôi trồng và chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, sản xuất an toàn, hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao để cung cấp cho thị trường Hà Nội và các đô thị.

Theo báo cáo của Sở NN & PTNT tỉnh Hà Nam, đến năm 2022, UBND tỉnh Hà Nam đã phê duyệt 06 khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với diện tích đất quy hoạch là 646,842 ha; trong đó, diện tích đất đã tích tụ, đưa vào triển khai thực hiện là 222,172 ha.

Hà Nam thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư các khu nhà kính công nghệ cao trồng dưa chuột, cà chua, dưa lưới giá trị sản xuất đạt từ 3 - 3,5 tỷ đồng/ha/năm; đối với những diện tích sản xuất ngoài trời, sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng một phần công nghệ cao trong một số khâu sản xuất đạt bình quân 445 - 665 triệu đồng/ha/năm.

Trong phát triển công nghiệp, tỉnh cần triển khai đồng bộ, quyết liệt việc tái sử dụng, tái chế chất thải rắn, nước thải đô thị, công nghiệp, làng nghề bằng công nghệ hiện đại.

Hà Nam phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 11,2%/năm. Cơ cấu kinh tế ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 70,5%, ngành dịch vụ chiếm 26%, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 3,5%. GRDP bình quân đầu người đạt trên 230 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Hà Nam cần đẩy mạnh phát triển chuỗi đô thị vệ tinh để tận dụng lợi thế của Vùng Thủ đô và hệ thống hạ tầng kết nối; đảm bảo quỹ đất cho phát triển đô thị theo chức năng như đô thị đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, y tế.

3 đột phá và 5 trụ cột tăng trưởng kinh tế

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy, Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới, phù hợp với chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước; Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược Phát triển Kinh tế-Xã hội của cả nước, quy hoạch cấp quốc gia, Quy hoạch Vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX.

Hà Nam lựa chọn 3 đột phá phát triển gồm: đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đầu tư phát triển nguồn nhân lực, khoa học công ngh).

Năm trụ cột tăng trưởng kinh tế được tỉnh xác định gồm: phát triển công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; phát triển công nghệ cao, trọng tâm là phát triển khu công nghệ cao Hà Nam; khai thác và phát huy hiệu quả tài nguyên du lịch; tập trung phát triển khu du lịch quốc gia Tam Chúc; mở rộng không gian đô thị, xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng khung đô thị, tạo động lực phát triển thương mại, dịch vụ và logistics; phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hàng hóa, sản xuất an toàn, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao.

Tỉnh Hà Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 xây dựng tỉnh Hà Nam giàu đẹp, văn minh, phấn đấu đạt mức phát triển khá của Vùng đồng bằng sông Hồng; tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị thông minh, hiện đại; là trung tâm hậu cần về công nghiệp, công nghệ cao, y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, dịch vụ du lịch, thương mại của Vùng đồng bằng sông Hồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy trao Giấy chứng nhận đăng ký đầy tư Dự án Công viên chủ đề kết hợp nhà ở và dự án Khu Đô thị mới Bắc Châu Giang, thành phố Phủ Lý. (Ảnh: Đại Nghĩa/TTXVN).

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy khẳng định tỉnh sẽ tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng, phát huy nội lực, không ngừng đổi mới, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển tỉnh Hà Nam theo Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt.

Đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, hiệu quả, phát triển bền vững

Để thực hiện tốt nội dung theo Quy hoạch, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam đề nghị các cấp, các ngành, địa phương phối hợp tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo tính liên kết, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn, định hướng phát triển tổng thể; chủ động nâng cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả công tác quản lý quy hoạch để vừa bảo đảm bảo việc triển khai trong thực tế, vừa tận dụng tối đa các nguồn lực trong quá trình thực hiện.

Các ngành, địa phương khẩn trương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành, nhất là quy hoạch về đất đai, xây dựng theo quy định; tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy hoạch, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật; tập trung thực hiện các định hướng lớn tạo đột phá trong phát triển, trọng tâm là phát triển 5 trụ cột kinh tế quan trọng; tiếp tục đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, lấy chính quyền số làm động lực để phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo đột phá trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Tỉnh cần quan tâm đầu tư phát triển văn hóa hài hòa với kinh tế, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát triển văn hóa, bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...

Để thúc đẩy chuyển đổi mô hình kinh tế, nâng cao năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, Hà Nam cần tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án y tế, giáo dục; thu hút các trường đại học, bệnh viện, cơ quan nghiên cứu đầu tư các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, phát triển các hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo hướng tới mục tiêu trở thành một trong những trung tâm cung cấp dịch vụ y tế, sức khỏe, giáo dục, đào tạo chất lượng cao của Thủ đô và vùng đồng bằng sông Hồng.

Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả các chính sách về nhà ở nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, đảm bảo dịch vụ xã hội và hệ thống an sinh cho mọi người dân, tạo nên sức hút hấp dẫn cho lao động có trình độ cao đến với địa phương.

Hà Nam cần ưu tiên triển khai các dự án hạ tầng kết nối liên vùng, hạ tầng số, logistics; phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, có tính lan tỏa lớn...

Cùng với đó, phát triển hạ tầng xã hội, không gian văn hóa công cộng đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ của người dân; khai thác, phát huy hiệu quả những công trình hạ tầng hiện đại đã, đang hoặc sẽ được đầu tư mở ra không gian phát triển rộng mở, đa chiều, đa trung tâm…, để đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Tỉnh tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; đổi mới tác phong lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng chính quyền số gắn với cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Pháp lý xây dựng

Diễn giả quốc tế: VinFuture thúc đẩy tiến bộ khoa học công nghệ toàn cầu

Biến đổi khí hậu, ô nhiễm và cạn kiệt tài nguyên đang đe dọa sự phát triển bền vững của nhân loại. Do vậy, việc nghiên cứu và ứng dụng vật liệu bền vững trở thành một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu. Với chủ đề “Vật liệu cho Tương lai Bền vững”, tọa đàm của Quỹ VinFuture sẽ quy tụ các nhà khoa học hàng đầu thế giới, nhằm mang tới những góc nhìn sâu sắc và trao đổi khoa học chất lượng cao về tương lai của vật liệu bền vững.

Hà Nội thông qua Nghị quyết quản lý công trình kiến trúc có giá trị

Ngày 19/11, tại Kỳ họp thứ 19, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định việc nhượng quyền khai thác, quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của thành phố, theo điểm a, b khoản 4 Điều 41 Luật Thủ đô.

Tọa đàm ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong kiến trúc và quy hoạch

Ngày 28/11/2024, Hội KTS Hà Nội tổ chức Tọa đàm Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong kiến trúc và quy hoạch tại Hội trường Viện Quy hoạch Xây Dựng Hà Nội, Tầng 15, Tòa nhà liên cơ thành phố Hà Nội, Đường Võ Chí Công, Quận Tây Hồ, TP Hà Nội. Mỗi KTS tham gia đầy đủ sẽ được cấp chứng chỉ xác nhận tích lũy 1,8 điểm CPD.

Viện Kiến trúc Quốc gia trao bằng tiến sĩ cho 5 nghiên cứu sinh

Sáng 19/11, Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng) tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam và trao bằng cho 5 tân tiến sĩ được đào tạo tại Viện. Tham dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị chức năng của Bộ Xây dựng; đông đảo cán bộ, nhân viên Viện Kiến trúc Quốc gia, cùng các thầy, cô giáo, chuyên gia chuyên ngành quy hoạch - kiến trúc và các nghiên cứu sinh của Viện Kiến trúc Quốc gia.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong kiến trúc – quy hoạch

Công nghệ số và trí tuệ nhân tạo đã phổ biến trong cuộc sống toàn cầu và ảnh hưởng mọi mặt tới cuộc sống chúng ta. Trong Kiến trúc – Quy hoạch – Quản lý đô thị đã có thay đổi cơ bản. Tuy vậy, các hoạt động tư vất thiết kế hay quản lý đô thị tại Việt Nam hầu như chưa tiếp cận …Thực trạng này đã làm chậm bước phát triển của đất nước ta so với thế giới.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi