Lập Quy chế quản lý kiến trúc cần làm thí điểm trước

Lập Quy chế quản lý kiến trúc cần làm thí điểm trước

(Vietnamarchi) - “Quy chế quản lý kiến trúc” là một công cụ pháp luật mới – quy định trong Luật Kiến trúc, cùng với “Danh mục các công trình kiến trúc có giá trị” – được kỳ vọng sẽ phát huy tác dụng quản lý nhà nước trong việc bảo vệ các công trình kiến trúc và cảnh quan đô thị có giá trị, đồng thời kiến tạo không gian kiến trúc, cảnh quan có chất lượng, từ tổng thể đến chi tiết cho các thành phố ở Việt Nam trong tiến trình phát triển. Với công cụ mới này, chúng ta hy vọng sẽ có thêm một “lớp bảo vệ” để ngăn chặn những thảm hoạ cảnh quan đô thị như việc xoá sổ các công trình kiến trúc có giá trị để thay thế bằng những dự án nhà ở thương mại cao tầng mới, mà không được đánh giá đầy đủ các tác động về giao thông, môi trường và văn hoá, đã và đang diễn ra không chỉ ở Hà Nội và khắp nơi trên cả nước.
10:18, 03/04/2023

Luận bàn xung quanh vấn đề này! Tạp chí Kiến trúc Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn với PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng). Trân trọng giới thiệu tới độc giả.

PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan

PV: Sau 02 năm, Luật Kiến trúc chính thức có hiệu lực, Quy chế quản lý kiến trúc (QCQLKT) được cho là công cụ để quản lý phát triển kiến trúc Việt Nam hướng tới bản sắc và bền vững. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai tại các địa phương đã xuất hiện nhiều bất cập. Vậy quan điểm của KTS về vấn đề này như thế nào?

PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan: Hiện nay, tôi đang tham gia lập QCQLKT cho TP Đà Nẵng, một thành phố rất đặc biệt, với cảnh quan thiên nhiên đa dạng và tuyệt đẹp, có một nền tảng kiến trúc đã định hình rất tốt theo hướng hiện đại, thích dụng, và không có những kiến trúc lai căng, pha tạp. Từ kinh nghiệm triển khai QCQLKT cho TP Đà Nẵng, tôi nhận thấy đúng là có nhiều khó khăn và bất cập khi triển khai Luật, Nghị định vào thực tiễn. Về điều này, tôi cho rằng mọi công cụ pháp luật mới khi đi vào cuộc sống đều sẽ gặp những lực cản thực tế, đến từ các yếu tố khách quan và cả chủ quan.

Mặc dù vậy, tôi thấy đây là cơ hội mới để quản lý kiến trúc, cảnh quan các thành phố tốt hơn với công cụ mới là QCQLKT; và chúng ta cũng cần thời gian để chuyển hoá quy định mới trong Luật Kiến trúc vào cuộc sống một cách nhuần nhuyễn, hiệu quả. Vì vậy, hãy giữ tinh thần lạc quan và niềm hy vọng lớn nhất cho việc này!

PV: KTS có thể làm rõ hơn về những bất cập và khó khăn trong quá trình triển khai lập QCQLKT trong thực tiễn được không?

PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan: Theo kinh nghiệm của tôi khi xây dựng QCQLKT cho TP Đà Nẵng, có một số bất cập và khó khăn như sau:

Thứ nhất, thời gian được đặt ra cho việc lập QCQLKT là khá gấp gáp, đòi hỏi phải được ban hành sớm để không làm “nghẽn mạch” đầu tư phát triển của thành phố, nhất là với thành phố năng động, có sức hút đầu tư mạnh như Đà Nẵng. Nhưng nhiệm vụ này, bản thân nó khá phức tạp, gồm rất nhiều tầng thông tin, dữ liệu thực tế; lại phủ toàn bộ một thành phố từ không gian tổng thể đến từng công trình kiến trúc cụ thể; lại liên quan đến rất nhiều nếu như không muốn nói là tất cả các bên, từ chính quyền, đến doanh nghiệp, tới người dân. Vì vậy, nhiệm vụ này thực sự cần nhiều thời gian và nguồn lực để nghiên cứu và biên soạn thật thấu đáo. Có thể khó khăn đầu tiên này là tình huống riêng với TP Đà Nẵng, các đô thị khác có thể đỡ gấp gáp hơn.

Thứ hai, cần xác định được vai trò thực chất của QCQLKT trong mối quan hệ với các công cụ quản lý đã có, đặc biệt là các quy hoạch (từ quy hoạch chung, đến quy hoạch phân khu, đến quy hoạch chi tiết và các thiết kế đô thị). Quy chế được xem là kế thừa, hay thay thế, hay bổ khuyết cho các công cụ pháp luật sẵn có? Câu trả lời có thể đơn giản là “bổ khuyết”. Nhưng bổ khuyết cái gì, chỗ nào, mức độ nào lại phụ thuộc vào tình trạng quy hoạch và quản lý theo quy hoạch thực tế của mỗi địa phương, cũng phụ thuộc vào thực trạng cảnh quan không gian của địa phương.

Thứ ba, việc tuỳ thuộc vào thực trạng quy hoạch và quản lý tại địa phương mà các cơ sở dữ liệu để lập quy chế sẽ đầy đủ hoặc thiếu rất khác nhau. Khi thông tin thiếu thì cần nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu mới đưa ra được các quy định quản lý có giá trị sử dụng thực tiễn.

Thứ tư, sự lệch về thời điểm của các quyết định, quy định pháp lý cấp địa phương cho từng dự án đầu tư, xây dựng so với thời điểm ban hành các Luật, Quy chuẩn, tiêu chuẩn ban hành từ Trung ương, dẫn đến có những dự án khi cấp phép trước đây không phạm chuẩn (theo chuẩn cũ) thì nay sẽ phạm chuẩn (khi có quy chuẩn mới). Những tồn tại này được kỳ vọng sẽ được tháo gỡ khi có QCQLKT, tuy nhiên có nhiều vấn đề nằm ngoài khả năng điều tiết của quy chế.

TP Đà Nẵng có một nền tảng kiến trúc được định hình rất tốt theo hướng hiện đại, thích dụng

Thứ năm, liên quan đến việc xác định mức độ khái quát và chi tiết đối với từng quy định sẽ được đặt ra trong quy chế. Nếu quá chi tiết thì sẽ có thể cứng nhắc, thiếu thực tế, khó áp dụng; nhưng nếu quá khái quát thì hiệu quả quản lý có thể sẽ không cao. Vì vậy, việc đặt ra các điều khoản quy định cần được cân nhắc kỹ lưỡng từ góc độ chuyên môn, đến pháp lý, đến thị trường, làm sao cho nó có thể trở thành một công cụ tốt, dẫn dắt sự phát triển mà không cản trở.

Thứ sáu, liên quan đến việc xác định vai trò của Quy chế trong cấp phép xây dựng. Luật Xây dựng quy định với các khu vực không có QHCT 1/500 hoặc TKĐT thì sẽ dùng quy chế để cấp phép, như vậy quy chế phải xây dựng với độ chi tiết cao mới có thể có tác dụng về quản lý.

Thứ bảy, liên quan đến lập danh mục các công trình kiến trúc có giá trị tại các địa phương. Việc này rất tốn thời gian và công sức. Bên cạnh các danh mục đã có (thường là các công trình di tích đã xếp hạng) thì các công trình kiến trúc có giá trị sẽ phải được đánh giá và lập mới. Trong đó, có thể có nhiều công trình nhà ở, nhà thờ họ, thuộc sở hữu tư nhân. Vì vậy, việc đo vẽ khảo sát rất khó khăn; và việc được chủ sở hữu đồng thuận để đưa vào danh mục quản lý cũng rất khó khăn; thêm nữa đơn giá nhà nước cấp cho hạng mục khảo sát và đánh giá này quá thấp, không tương xứng với khối lượng và độ khó của công việc.

Thứ tám, cần nhìn nhận quy chế như một công cụ “song kiếm hợp bích” kết hợp cả các quy định bắt buộc và các hướng dẫn, định hướng, gợi ý, các quy định định tính. Điều này cần được nhất quán giữa quan điểm của cơ quan quản lý ngành cấp Trung ương là Bộ Xây dựng, chính quyền địa phương, và chuyên gia tư vấn lập quy chế.
Một số khó khăn khác, liên quan đến phổ rộng của quy chế, trong đó đòi hỏi phải có các quy định chi tiết như hàng rào, cổng, quảng cáo, các công trình hạ tầng… và liên quan đến rất nhiều quy định pháp lý chuyên ngành cũng như vai trò các cơ quan chuyên ngành. Tích hợp nhuần nhuyễn và không có bất cập giữa các lĩnh vực trong một văn bản pháp quy cũng là việc không đơn giản.

PV: Đối với vấn đề lập Danh mục công trình có kiến trúc giá trị tại các địa phương cần được quan tâm ra sao thưa KTS?

PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan: Có khá nhiều khó khăn cho hạng mục công việc này. Nhưng đó là vì thời gian và ngân sách cho việc lập, đánh giá hạng mục này quá hạn hẹp. Còn về bản chất, hạng mục này là một “điểm mạnh” rất lớn của QCQLKT xét trên khía cạnh quản lý nhà nước. Chúng ta rất cần xác định các công trình kiến trúc có giá trị (nhưng chưa đến mức là di sản) ở các thành phố, như: các công trình kiến trúc hiện đại, đại diện cho một giai đoạn hay một kỹ thuật xây dựng, các công trình công nghiệp có kết cấu và dây chuyền sản xuất có giá trị lịch sử, hay rất nhiều đối tượng kiến trúc gắn với cảm xúc, ký ức của người dân, giúp thành phố duy trì và tiếp nối lịch sử, kể chuyện lịch sử của mình thông qua kiến trúc. Vì vậy, tôi vẫn rất ủng hộ nội dung này.

PV: Quay trở lại Đà Nẵng, vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc tại địa phương đã được thực hiện ra sao?

PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan: Tại Đà Nẵng, một bản sắc kiến trúc được các KTS, nhà quản lý khẳng định và tự hào, đó là sau hơn 30 năm phát triển mạnh mẽ, Đà Nẵng đã có một nền kiến trúc hiện đại, ngăn nắp, thích dụng và không có những kiến trúc lai căng, pha tạp, mái vòm củ hành hay kiểu trúc giả Pháp nhại cổ, không có nhà siêu mỏng siêu méo. Đây là bản sắc dễ dàng được nhận ra, được tự hào và mong muốn phát huy. Vì vậy, chúng tôi đã đưa yêu cầu về “hiện đại, thích dụng, xanh, tiết kiệm năng lượng và hài hoà tôn trọng cảnh quan tự nhiên” là những giá trị cần bảo tồn và phát huy với kiến trúc của Đà Nẵng. Như vậy bản sắc văn hoá không phải chỉ là những gì xưa cũ, nó có thể là những giá trị đương đại.

Tình trạng phá vỡ quy hoạch đã xảy ra trên trục đường Lê Văn Lương (Hà Nội)

PV: Được biết, kế hoạch triển khai thi hành Luật Kiến trúc đã quy định thời hạn Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị chuyển đổi sang QCQLKT. Tuy nhiên, tại một số số địa phương công tác chuyển đổi còn diễn ra chậm, vấn đề này đã gây nên những hệ lụy gì?

PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan: Theo tôi, từ các quy định liên quan trong Luật Kiến trúc và Nghị định 85 thì QCQLKT có nội hàm phủ cả các quy định liên quan đến phạm vi điều tiết của quy hoạch chung, các quy hoạch phân khu, rồi cả thiết kế đô thị và đến việc cấp phép cho từng công trình.

Cụ thể, QCQLKT sẽ thay thế Quy định quản lý quy hoạch (theo các đồ án quy hoạch). Việc chậm trễ chuyển đổi có thể do tiến độ lập QCQLKT chậm, hoặc do đồ án quy hoạch chung đang được điều chỉnh hoặc đang được lập… Nguyên nhân có thể do những vấn đề khách quan.

Hệ luỵ thì khá rõ, khi chưa có 1 công cụ quản lý mới (QCQLKT) mà công cụ cũ (quy định quản lý quy hoạch) lại hết hiệu lực thì địa phương không biết dựa vào cái gì để quản lý, dẫn đến làm chậm tốc độ đầu tư các dự án xây dựng và phát triển đô thị tại địa phương; nó có thể gây thiệt hại về thời gian và tài chính cho cả nhà đầu tư và địa phương. Nhưng trong nhiều trường hợp, việc có một công cụ pháp lý tốt, được nghiên cứu bài bản, dù mất thời gian, dù chậm nhưng có thể ngăn chặn những hệ luỵ tiêu cực của việc đầu tư và xây dựng thiếu kiểm soát, chạy theo lợi nhuận do thị trường dẫn dắt.

PV: Các vấn đề nảy sinh trong việc xác định đối tượng, cơ quan, trình tự thẩm định, phê duyệt QCQLKT tại nhiều địa phương còn thiếu thống nhất. Chúng ta cần giải quyết vấn đề này như thế nào?

PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan: Thực ra, tôi luôn nghĩ cần phải làm thí điểm cho một vài địa phương trước khi nhân rộng ra toàn quốc. Thí điểm cho 3 đến 5 địa phương, rút kinh nghiệm từ thực tiễn, hoàn thiện văn bản pháp luật, rồi mới ban hành thì sẽ tránh được các vấn đề phát sinh. Còn hiện nay, khi Luật và Nghị định đã ban hành, thì có lẽ vẫn nên có thời hạn áp dụng Chương II của Luật Kiến trúc (liên quan đến Quản lý kiến trúc và QCQLKT) giãn ra một chút, để áp dụng thí điểm, tổ chức hội thảo rút kinh nghiệm giữa các địa phương, các tư vấn, rồi mới triển khai nhân rộng.

Rất cần xác định các công trình kiến trúc có giá trị

PV: Công tác lý luận, phê bình và phát triển nguồn nhân lực về kiến trúc; ứng dụng khoa học công nghệ để tiến tới một nền kiến trúc tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc cần được quan tâm như thế nào?

PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan: Đây là lĩnh vực rộng, cần đầu tư dài hơi. Luật Kiến trúc đã quy định về việc các KTS cần phải cập nhật kiến thức định kỳ thông qua tích điểm. Việc này sẽ tạo cơ hội cho quá trình học tập liên tục của các KTS, mở rộng hiểu biết về lý luận, phê bình, khoa học, công nghệ, văn hoá, lịch sử và kinh tế liên quan đến kiến trúc. Đây là việc làm rất cần thiết. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác lý luận, chuyển ngữ các tài liệu sách vở quốc tế, tổ chức các nghiên cứu khoa học, các hội thảo và diễn đàn thảo luận các lý luận và thực tiễn… Tôi đã thấy các hoạt động này khởi sắc, nhưng cần được tổ chức thực hiện có hệ thống và thường xuyên hơn, và cần được truyền thông để thu hút sự chú ý của đông đảo các KTS và giới nghề hơn.

PV: Cuối cùng, để QCQLKT triển khai thực sự hiệu quả, tránh phát sinh những bất cập trong quá trình thực hiện. Chúng ta cần phải làm gì?

PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan: Như tôi đã chia sẻ, mọi vấn đề sẽ cần thời gian để trở nên nhuần nhuyễn. Quá trình chuyển hoá các quy định pháp lý vào thực tiễn là quá trình hai chiều. Khi áp dụng Luật mới vào thực tế có bất cập thì cần thời gian để giải quyết các bất cập, và quá trình thực tế sẽ phản hồi ngược trở lại (cơ quan biên soạn pháp luật) những bất cập không thể giải quyết, để chính các luật sẽ có sự hoàn thiện dần theo thời gian. Tôi nghĩ chúng ta cần khoảng 5 năm áp dụng và vận hành rồi đánh giá lại toàn diện xem có những vấn đề gì. Hiện nay bất cập là bất khả kháng, và không nên vì thế mà không vận dụng và tận dụng công cụ luật mới này.

PV: Trân trọng cảm ơn KTS về những chia sẻ hữu ích!

Pháp lý xây dựng

Giá trị bền vững trong kiến trúc

Giá trị bền vững trong kiến trúc là một phạm trù nhận thức rộng lớn. Có thể là giá trị bền vững tư tưởng-triết học, bền vững kinh tế-xã hội, giá trị bền vững văn hóa-nghệ thuật, hay đơn thuần là giá trị bền vững sinh thái của công trình kiến trúc. Chúng ta đều biết năm 1987 Ủy ban Thế giới về Môi trường và Phát triển đã định nghĩa sự phát triển bền vững là “Sự phát triển nhằm thỏa mãn các nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng thỏa mãn nhu cầu của chính các thế hệ mai sau”. Một khái niệm rất rộng và mở. Trong bài viết nhỏ này, tôi chỉ giới hạn trong một vài suy nghĩ không hệ thống về giá trị bền vững văn hóa - nghệ thuật và bền vững sinh thái trong kiến trúc.

Giá trị bền vững trong phát triển kiến trúc tại Việt Nam

Giá trị bền vững trong phát triển kiến trúc tại Việt Nam không chỉ là mục tiêu mà còn là phương tiện để xây dựng một tương lai bền vững. Việc kết hợp giữa các yếu tố kinh tế, môi trường, xã hội và văn hóa trong kiến trúc không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển lâu dài. Các công trình bền vững sẽ trở thành biểu tượng của sự tiến bộ, đồng thời là di sản quý giá cho các thế hệ mai sau.

Hướng tới sự phát triển bền vững của kiến trúc Việt Nam

Chúng ta cùng tin tưởng và mong chờ vào một nền kiến trúc mà “cơ thể” của nó được kiện toàn bởi các tiêu chuẩn xanh, “linh hồn” của nền kiến trúc ấy được dẫn dắt bởi một hệ thống lý luận hoàn chỉnh. Ở đó, người thiết kế được tạo điều kiện thoả sức sáng tạo bởi các nền tảng pháp lý tường minh. Xác định được các mục tiêu để cùng hành động, chúng ta cùng bước vào một mùa xuân vươn mình của đất nước, mùa xuân mới của kiến trúc Việt Nam.

Giá trị bền vững trong di sản kiến trúc xưa và nay - Góc nhìn từ lịch sử và bảo tồn di sản

Bền vững là một trong những yếu tố gắn liền với kiến trúc. Ở đây chúng ta cần làm rõ 2 khái niệm, đó là kiến trúc và bền vững. Kiến trúc được hiểu theo nghĩa rất rộng. Nếu như chiều kích tồn tại của con người là không gian và thời gian, kiến trúc là không gian còn lịch sử là thời gian. Kiến trúc là không gian con người tạo dựng nên từ trí tuệ, thể hiện trong việc chọn chỗ, chọn hướng, chọn không gian, đưa quỹ tích của mình vào không gian ấy. Điều đó gắn liền với mọi thời đại. Vì thế bền vững phải được hiểu trên một tiến trình, luôn luôn vận động, thay đổi.

Vai trò của lý luận phê bình trong kiến tạo kiến trúc có giá trị bền vững

Phê bình và lý luận kiến trúc còn có vai trò trong việc thúc đẩy việc sáng tác kiến trúc. Khi sản phẩm ra đời, sẽ đi theo 1 chu trình: phê bình, thẩm giá, định nghĩa trào lưu rồi cuối cùng là đưa đến quan niệm. Trong chuỗi lý thuyết phê bình, từ 4 việc trên, sau khi đúc rút thì sẽ quay trở lại để hình thành phong cách, thay đổi cách nhìn về thẩm mỹ và cuối cùng là thúc đẩy sáng tạo.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi