Lạng Sơn đạt kết quả ấn tượng trong chuyển đổi số Quý I/2024
Ngày 26/3, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành báo cáo số 150-BC-UBND về kết quả công việc chuyển đổi số Quý I/2024 trên địa bàn.
Cụ thể, trong quý I/2024, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn năm 2024, đây là cơ sở cho các cơ quan, đơn vị cụ thể hóa mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung công tác chuyển đổi số theo chức năng quản lý ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý, gắn với thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
UBND tỉnh cũng ban hành Quyết định phê duyệt nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của các cơ quan, đơn vị trong đó có nhiệm vụ về chuyển đổi số như: 100% hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực giai đoạn 2018 - 2024 được số hóa theo quy định; hoàn thành triển khai kết nối liên thông; duy trì Chỉ số chuyển đổi số DTI của tỉnh… Theo đó, Quý I/2024, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong công tác chuyển đổi số.
Tăng cường chuyển đổi số trong công tác Đảng
Về chuyển đổi số trong cơ quan Đảng, đến nay, Lạng Sơn đã triển khai 700 bản quyền phần mềm diệt virus tập trung Kaspersky Endpoint Sercurity đối với các Ban Đảng tỉnh, Đảng uỷ Khối các cơ quan tỉnh. Tiếp tục vận hành hệ thống tự động cập nhật các bản vá lỗi, lấp lỗ hổng bảo mật hệ điều hành (WSUS). Triển khai chứng chỉ bảo mật (SSL) cho các hệ thống thông tin trên mạng Internet.
Tỉnh cũng tiếp tục triển khai có hiệu quả phần mềm Hệ thống quản lý văn bản và điều hành (iOffice Tỉnh uỷ) trên mạng Internet, tổ chức triển khai trên 1.629 tài khoản đối với cán bộ, công chức từ cấp tỉnh đến cấp xã.
Tiếp tục ứng dụng, sử dụng các phần mềm phục vụ kỳ họp của Thường trực Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: phần mềm quản lý thứ tự báo cáo (qua tivi hiển thị và app trên thiết bị điện thoại thông minh); phần mềm chuyển đổi giọng nói tiếng Việt sang văn bản. Triển khai phần mềm theo dõi, giám sát mạng xã hội (VNSocial). Các cơ quan, đơn vị duy trì việc ứng dụng, sử dụng các hệ thống, phần mềm chuyên ngành
100% cơ quan Nhà nước của tỉnh ứng dụng chứng thư số, chữ ký số
Lạng Sơn tiếp tục phát triển mạnh mẽ chính quyền số, mang lại nhiều lợi ích cho chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Trong đó, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước cơ bản đáp ứng yêu cầu 100% các cơ quan, đơn vị có kết nối Internet tốc độ cao và hệ thống mạng LAN được xây dựng hoàn thiện.
Nâng cao chất lượng phủ sóng di động 4G, từng bước triển khai phủ sóng mạng di động 5G. Phổ cập Internet băng rộng như một tiện ích thiết yếu, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Thúc đẩy chuyển dịch từ dịch vụ viễn thông cơ bản sang dịch vụ số.
Từ đầu năm đến nay, Lạng Sơn đã xem xét 15 vị trí đề xuất phát triển trạm BTS của các doanh nghiệp viễn thông, trong đó đã cho ý kiến tại 13 vị trí đủ điều kiện xây dựng trạm BTS, nâng tổng số vị trí trạm BTS hiện nay là 1.410 trạm vị trí với 3.039 trạm. Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông không cho hòa mạng với các thuê bao sử dụng điện thoại không hợp quy, tuyên truyền về lộ trình tắt sóng 2G, xây dựng các chính sách hỗ trợ khách hàng chuyển đổi từ 2G sang 4G.
Đến thời điểm hiện tại đã lắp đặt hoàn chỉnh thiết bị phát sóng 5G tại 05 vị trí, trong đó thực hiện phát sóng thử nghiệm 4 vị trí trên địa bàn thành phố. Khu vực các cửa khẩu triển khai sau khi kết thúc phát sóng thử nghiệm.
Lạng Sơn đã hoàn thành triển khai Nền tảng điện toán đám mây Make-in-VietNam (Lạng Sơn Cloud), trong đó, đưa 100% hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh và các sở, ngành được quản lý tập trung tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh lên Nền tảng điện toán đám mây Lạng Sơn Cloud.
Duy trì, cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Lạng Sơn, phiên bản 2.0 phù hợp Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam và triển khai áp dụng Kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh đã được phê duyệt.
Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh được duy trì hoạt động ổn định, 100% cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đều được cấp hộp thư điện tử công vụ phục vụ trao đổi công việc mở rộng đến các đơn vị sự nghiệp, cơ quan Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội; số tài khoản thư điện tử đã cấp cho các cơ quan đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh là 36.571 tài khoản. Tỉ lệ cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên sử dụng thư điện tử trong trao đổi công việc đạt trên 85%. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh tiếp tục hoạt động ổn định, từ ngày 01/01/2024 đến nay đã tiếp nhận 55.500 hồ sơ, trong đó tiếp nhận trực tuyến 53.941 hồ sơ (đạt 97,2%), tiếp nhận trực tiếp 1.559 hồ sơ (chiếm 2,8%); đã giải quyết 55.421 hồ sơ, trong đó giải quyết trước hạn và đúng hạn 54.684 hồ sơ (đạt 99,7%), giải quyết chậm hạn 737 hồ sơ (chiếm 1,3%).
Ứng dụng chứng thư số, chữ ký số được triển khai đến 100% cơ quan Nhà nước của tỉnh từ cấp tỉnh đến cấp xã, đến thời điểm hiện tại đã cấp được 24.931 chứng thư số cho tổ chức và cá nhân.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế số, xã hội số
Phát triển kinh tế số được coi là bước đột phát lớn của tỉnh trong việc thay đổi nhận thức, cách làm truyền thống của người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử từ đó mở rộng không gian tiêu thụ các sản phẩm của địa phương ra toàn quốc.
Hiện nay, Lạng Sơn có trên 72% dân số trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử; tài khoản mua/bán (cửa hàng số) trên sàn thương mại điện tử: 239.204 tài khoản (PostMart 187.757 tài khoản); số điểm cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử (nạp và rút tiền mặt bằng Mobile Money) do VNPT và Viettel cung cấp là 1.692 điểm, trong đó VNPT cung cấp 41 điểm, Viettel cung cấp 1.651 điểm.
Về phát triển xã hội số, hiện nay, 100% các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế các huyện, thành phố đã phổ biến triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 660 trường (đạt tỉ lệ 100%) trên địa bàn triển khai thanh toán học phí, phí dịch vụ giáo dục bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Trong Quý I/2024 các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã cấp được 347 chứng thư số công cộng cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, lũy kế đã cấp được 4.329 chữ ký số (trong đó: VNPT cấp được 2.515 chứng thư số, Viettel cấp được 2.161 chứng thư số).
100% doanh nghiệp khai báo trên nền tảng cửa khẩu số
Nền tảng cửa khẩu số tiếp tục duy trì hoạt động ổn định. Từ ngày 01/01/2024 đến nay, 100% các doanh nghiệp đã khai báo trực tuyến trên Nền tảng cửa khẩu số trước khi phương tiện đến Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Cửa khẩu Tân Thanh và được xử lý trên Nền tảng cửa khẩu số.
Số phương tiện đã được xử lý trên Nền tảng cửa khẩu số là 53.718 phương tiện (trong đó 20.739 phương tiện xuất khẩu và 32.979 phương tiện nhập khẩu). Nền tảng cửa khẩu số đã 29 lần nâng cấp để phù hợp với tình hình thực tế tại cửa khẩu. Đến nay, Nền tảng cửa khẩu số đã chạy ổn định, đa số các doanh nghiệp thành thạo khai báo thông tin trực tuyến và đã có hơn 2.092 doanh nghiệp đăng ký tài khoản trên Nền tảng cửa khẩu số.
Thực hiện Quyết định số 06/2024/QĐ-UBND ngày 02/02/2024 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định sử dụng Nền tảng cửa khẩu số tỉnh Lạng Sơn, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đưa vào vận hành chính thức để quản lý đối với phương tiện Việt Nam không chở hàng ra, vào khu vực cửa khẩu từ ngày 15/3/2024 tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Cửa khẩu Tân Thanh.
Ý kiến của bạn