Khai thác và phát huy các giá trị kiến trúc miền Bắc Việt Nam  giai đoạn 1954-1986 trong kiến trúc đương đại

Khai thác và phát huy các giá trị kiến trúc miền Bắc Việt Nam giai đoạn 1954-1986 trong kiến trúc đương đại

(Vietnamarchi) - Kiến trúc miền Bắc Việt Nam (MBVN) giai đoạn 1954-1986 đã để lại nhiều công trình kiến trúc có giá trị và là bài học cho kiến trúc đương đại có thể tiếp nối và phát huy. Bài báo xác định các giá trị của kiến trúc MBVN giai đoạn 1954-1986 có thể khai thác và phát huy trong kiến trúc đương đại ở nhiều khía cạnh, từ tổng thể mặt bằng và cảnh quan, tổ chức không gian, mặt đứng, kỹ thuật kết cấu và vật liệu, hoa văn trang trí... Các giá trị đều được tổng hợp từ kết quả khảo sát nghiên cứu các công trình kiến trúc MBVN giai đoạn 1954-1986.
17:04, 20/11/2024

1. Giới thiệu chung

Kiến trúc Miền Bắc Việt Nam giai đoạn 1954 – 1986 gắn liền với một giai đoạn lịch sử đầy biến động, giao thoa giữa chiến tranh và hòa bình. Tuy vậy, trong muôn vàn khó khăn, các công trình kiến trúc vẫn được xây dựng lên, không chỉ đáp ứng những nhu cầu cuộc sống của người dân, mà còn tạo dựng nên hình hài quy hoạch và cảnh quan kiến trúc hiện đại miền Bắc. Bên cạnh việc xây dựng tại những vị trí quan trọng và tạo dựng nên bộ mặt đô thị, các công trình kiến trúc ở miền Bắc giai đoạn 1954-1986 còn có vai trò lớn về giá trị sử dụng, giá trị thẩm mỹ trong cả một thời kỳ dài. Cho đến hôm nay, rất nhiều công trình vẫn giữ được giá trị và góp phần tạo nên diện mạo kiến trúc hiện đại và bản sắc cho các đô thị miền Bắc Việt Nam. Chúng góp phần làm nên những mắt xích quan trọng của chuỗi tiếp biến của lịch sử phát triển kiến trúc Việt Nam với đầy đủ những giá trị nghệ thuật đặc trưng và cũng đã để lại những bài học giá trị có thể khai thác, phát huy vào đương đại.

2. Tổng quan về kiến trúc MBVN giai đoạn 1954-1986

Thời kỳ này của MBVN thường được xem xét ở 03 giai đoạn nhỏ hơn gắn với những sự kiện lịch sử nổi bật:

- Giai đoạn 1954-1964 bắt đầu bởi sự giải phóng ở miền Bắc Việt Nam sau Hiệp định Genève và kết thúc bởi sự can thiệp chính thức của Mỹ vào Việt Nam. Thời gian 5 năm đầu, các cơ quan nhà nước tạm thời sử dụng các công trình công sở có sẵn, hoặc chuyển đổi một số biệt thự thành nơi làm việc, ít có công trình xây mới. Thời gian khoảng 5 năm sau MBVN cải tạo và phát triển kinh tế và thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.

- Giai đoạn 1965-1975 tiếp nối sau đó và kết thúc với thắng lợi của Hà Nội trong cuộc chiến đấu chống lại các cuộc không kích phá hoại của Mỹ. Miền Bắc vừa xây dựng vừa chiến đấu. Công việc xây dựng gặp nhiều khó khăn trở ngại do cuộc chiến tranh được mở rộng ở miền Bắc. Các khu công nghiệp trong thành phố phải sơ tán. Các cơ sở ở lại trở thành những pháo đài chống trả máy bay Mỹ và bảo vệ cơ sở, xí nghiệp. Chỉ đến 1973, Mỹ chấm dứt đánh phá, miền Bắc mới tiếp tục xây dựng các công trình mới.

- Giai đoạn 1975-1986: giai đoạn này tính từ mốc chiến thắng 30/04/1975, thống nhất đất nước, hòa bình lập lại trên toàn quốc và kết thúc bằng sự kiện Đổi mới được xác định ở Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6, đất nước chuyển đổi trạng thái từ kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường có định hướng.

Trong thời kỳ 1954 – 1975 ở MBVN không xây dựng được nhiều, các công trình có quy mô nhỏ. Công trình công cộng lớn nhất thời kỳ này là trường ĐH Bách Khoa, ngoài ra có một số khu tập thể ở giai đoạn chưa hoàn chỉnh cùng một số ít công trình khác. Từ năm 1975 đến năm 1986 là hơn 10 năm bắt đầu hoà bình, thống nhất đất nước; miền Bắc phải xây dựng lại cơ sở vật chất sau chiến tranh. Đây cũng là giai đoạn xây dựng nhiều nhất các công trình tại MBVN.

Trong quãng thời gian xấp xỉ 30 năm ấy, kiến trúc MBVN đã đi lên và để lại những công trình ấn tượng. Từ những công trình như Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc; Học viện Thủy Lợi, Trụ sở Bộ Kiến trúc, Liên cơ Vân Hồ, Bưu điện Bờ Hồ, Hội trường Ba Đình, Nhà khách Chính Phủ; Cung thiếu nhi Hà Nội…; Các khu nhà ở tập thể như Kim Liên, Giảng Võ, Thanh Xuân…; Các xí nghiệp công nghiệp như: 8 tháng 3, Cao Xà Lá;... Các công trình có trợ giúp của các nước bạn như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bách Khoa, Viện khoa học Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi, Khách sạn Thắng Lợi, Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô… Tất cả đã góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở Miền Bắc và tạo dựng cơ sở vật chất cho đất nước. Đó là những nỗ lực và chắt chiu ở những thời khắc đáng nhớ suốt bao năm tháng hào hùng, là thời kỳ kiến trúc đã để lại những dấu ấn hết sức quan trọng. [1]

3. Quan điểm xác định các giá trị kiến trúc có thể khai thác, phát huy trong kiến trúc đương đại

Với mục tiêu chắt lọc các giá trị kiến trúc để có thể khai thác và phát huy vào trong những thiết kế của kiến trúc đương đại, đối tượng nghiên cứu, khảo sát và phân tích là các công trình kiến trúc dân dụng của kiến trúc MBVN giai đoạn 1954-1986. Các cơ sở và quan điểm được lựa chọn như sau:

- Phù hợp với công năng và nhu cầu sử dụng của các công trình hiện đại - Phù hợp với đặc điểm văn hóa, xã hội, kinh tế, công nghệ kỹ thuật đương đại

- Tính khoa học và những ưu việt trong tổ chức không gian, quan hệ trong – ngoài, khai thác sử dụng vật liệu

- Thích ứng với điều kiện khí hậu/giải pháp kiến trúc tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường; các xu hướng kiến trúc mới

- Tiếp nối truyền thống kiến trúc của địa điểm, dấu ấn lịch sử

- Tính biểu tượng, hoặc những nội hàm văn hóa truyền thống được bao chứa và duy trì - Những giá trị đột phá có thể làm bài học kinh điển hoặc truyền cảm hứng cho các thiết kế tương lai.

Từ những cơ sở và quan điểm trên, nhóm nghiên cứu áp dụng các phương pháp phân tích tổng hợp và phương pháp so sánh đối chiếu để xác định các giá trị của kiến trúc MBVN giai đoạn 1954-1986 có thể khai thác và phát huy trong kiến trúc đương đại ở nhiều khía cạnh. Các nội dung và khía cạnh được triển khai theo đúng sơ đồ khung sườn (layout) của tư duy thiết kế một công trình kiến trúc: từ tổng thể mặt bằng và cảnh quan, tổ chức không gian, mặt đứng, kỹ thuật kết cấu và vật liệu, hoa văn trang trí...

4. Xác định các giá trị kiến trúc MBVN giai đoạn 1954-1986 có thể khai thác, phát huy trong kiến trúc đương đại

4.1. Các giá trị trong tổ chức tổng thể và cảnh quan, sân vườn

- Lập quy hoạch tổng thể bài bản và nghiêm túc: Với tư cách là các công trình trọng điểm của quốc gia trong mỗi giai đoạn lịch sử, các công trình đều có một quy hoạch bài bản và nghiêm túc; tiêu biểu như Trường Đại học Bách khoa, Các khu nhà ở tập thể, ... Với việc quy hoạch bài bản, đã bố trí các công trình theo chức năng chính phụ hợp lí, tuân theo địa hình địa mạo, xử lý hướng nhà phù hợp điều kiện khí hậu, có các quỹ đất dự trữ và phát triển. Thực tế cho đến nay, sau nhiều năm sử dụng, các công trình vẫn có khuôn viên xanh mát, khoảng cách giữa các khối nhà hợp lí, thông thoáng; giao thông nội bộ đảm bảo thông thoáng dù các phương tiện giao thông cơ giới đã thay đổi rất nhiều. Điều đó chứng tỏ tầm nhìn bền vững và lâu dài của quy hoạch tổng mặt bằng các công trình.

Hình 1: Khuôn viên Đại học Bách khoa và Học viện chính trị quốc gia HCM.
Hình 1: Khuôn viên Đại học Bách khoa và Học viện chính trị quốc gia HCM.

- Mật độ xây dựng công trình vừa phải, tỷ lệ không gian mở (sân, vườn, cây xanh, mặt nước...) phù hợp; tạo nên sự cân bằng sinh thái và giá trị nhân văn trong mỗi công trình: Đây là ưu thế rất lớn của các tổ hợp công trình kiến trúc giai đoạn 1954-1986. Do đặc điểm không bị chi phối nhiều bởi đô thị hóa và sức ép lớn từ việc khan hiếm quỹ đất như ngày nay, đồng thời ảnh hưởng từ tư duy quy hoạch bài bản Xô viết; các công trình giai đoạn 1954-1986 có quỹ đất xây dựng lớn, đầy đủ sân vườn, khuôn viên, các công trình phục vụ thiết yếu; khoảng cách giữa các khối nhà thông thoáng. Các khu chung cư được quy hoạch xây dựng có đầy đủ nhà trẻ, trường học, không gian chơi; các trường đại học thì có đẩy đủ các hạng mục từ giảng đường, hội trường, sân vận động,cây xanh... Mặc dù giá trị này là không mới nếu so với những lý thuyết quy hoạch trong sách vở, nhưng để làm và thực thi được trong giai đoạn hiện nay vẫn là một vấn đề lớn khi các dự án đương đại bị chi phối bởi quá nhiều vấn đề khác. Dó đó; quy hoạch tổng thể của các công trình giai đoạn 1954-1986 và sự tồn tại của chúng đến ngày nay vẫn là những bài học thực tế kinh điển và có giá trị cho công tác lập quy hoạch xây dựng.

R
Hình 2: Quy hoạch khu trung tâm Đại học Bách khoa Hà Nội.

- Khai thác và phát huy tối đa giá trị của yếu tố địa hình: Tiêu biểu cho nội dung này là Khách sạn Thắng Lợi. Công trình khai thác lợi thế tối đa của khu đất dạng bán đảo ven Hồ Tây. Hai khối nhà khách sạn chính nằm song song với nhau và bố trí hướng phòng nhìn thẳng ra mặt hồ, một phần nhà vươn ra mặt nước; thậm chí hành lang tầng 1 lối vào các phòng ngủ cũng tựa như một cây cầu dài và cửa vào các phòng ngủ có không gian tiền sảnh nhìn thẳng xuống mặt nước. Các sân vườn bên trong khuôn viên khách sạn tận dụng hoàn toàn cao độ tự nhiên với các thang dẫn, bậc lên xuống giữa các khu vực. Tổ chức sân trong, khuôn viên vườn theo lối kiến trúc nhiệt đới và hiện đại. Khách sạn Thắng Lợi là khách sạn lớn nhất suối thời kì miền Bắc xây dựng XHCN và vẫn là một kiệt tác kiến trúc lớn cho đến bây giờ.

R
Hình 3: Toàn cảnh Khách sạn Thắng Lợi.

4.2. Các giá trị trong tổ chức mặt bằng và không gian kiến trúc

- Mặt bằng tổ chức các hàng lang, hiên hợp lí, phù hợp với khí hậu nhiệt đới: Hàng lang, hiên là không gian đệm đa năng giữa trong nhà và ngoài trời, vừa là giải pháp thích ứng khí hậu miền Bắc (chống nắng xiên, mưa hắt, chuyển tiếp tránh sốc nhiệt). Đây là một lớp không gian đệm rất giá trị mà kiến trúc truyền thống đã thực hiện và được tổng kết, chỉ ra rất rõ ràng qua nhiều nghiên cứu lý thuyết. Hành lang, không gian hiên, cấu trúc không gian đệm chuyển tiếp... đã được sử dụng rất nhiều và rất thành công trong các kiến trúc công trinhg công cộng MBVN giai đoạn 1954 1986. Từ kinh nghiệm truyền thống mái hiên nhà đã biến đổi thành các dạng hành lang dài, nhà cầu dẫn, sảnh đệm... trong các kiến trúc XHCN MBVN với các lớp bao che phù hợp và là bài học cho các kiến trúc hiện đại đương đại học tập và phát huy trong các không gian công cộng, các công trình khối tính lớn phục vụ nhiều người.

R
Hình 4: Hành lang và hiên Cung văn hoá Hữu nghị Việt Xô và nhà C1- Đại học Bách khoa HN.

- Giải pháp tổ chức mặt bằng theo phương ngang, dàn các không gian phòng theo hướng có lợi với khí hậu nhất, sử dụng các nhà cầu kết nối linh hoạt tạo nên các không gian sân trong và khuôn viên độc đáo.

- Tổ chức không gian nói chung bên trong các không gian công trình công cộng không bị gò bó trong không gian nội thất của một vài phòng mà linh hoạt mở rộng ra hiên và các sảnh trước, sân sau, khuôn viên, thậm chí là mặt nước (Khách sạn Thắng Lợi). Điều đó cho tư duy chan hòa với thiên nhiên; ứng xử phù hợp với khí hậu nhiệt đới MBVN với khí hậu 4 mùa phân hóa rõ rệt. Đây là điều mà rất cần tiếp tục phát huy trong kiến trúc đương đại khi mà ngày nay con người có xu hướng lệ thuộc quá nhiều vào điều hòa phòng kín và các thiết bị công nghệ hiện đại.

R
Hình 5: Không gian Khách sạn Thắng Lợi.

- Tổ chức không gian mang tính nhân văn: Kiến trúc mang lại sự gắn kết cộng đồng qua việc tạo ra các không gian công cộng và công trình mang tính thống nhất và đoàn kết. Giá trị này thể hiện rõ trong các khu tập thể cũ. Các căn hộ thiết kế đồng loạt điển hình, dù có một số kiểu mẫu nhưng không quá khác biệt. Các không gian vui chơi, sân chơi được thiết kế đầy đủ tạo ra sự gắn bó của cư dân. Tất cả cộng đồng xây dựng cuộc sống chung, chia sẻ những không gian chung như sân chung và tiện ích công cộng khác, tạo ra một môi trường giao lưu, hỗ trợ và gắn bó.

4.3. Các giá trị trong thiết kế mặt đứng

- Đa số các công trình có tỉ lệ mặt đứng nghiêm trang, đơn giản, hiện đại nhưng vẫn có điểm nhấn toát lên vẻ đẹp riêng và đã trở thành một phong cách kiến trúc đặc trưng thời kì XHCN ở miền Bắc. Nhiều công trình kết hợp các yếu tố hiện đại phương Tây như hình thức đơn giản, không trang trí, sử dụng các đường đường thẳng, mảng phẳng, các góc vuông và sử dụng các vật liệu hiện đại như kính, thép, và bê tông cốt thép (Các khu tập thể, Đại học Bách Khoa, Học viện Hành chính Quốc gia HCM..). Các công trình này đã làm lên một phong cách Kiến trúc XHCN- Xô viết và có ảnh hưởng rất nhiều đến công trình sau này mà điển hình là Hội trường Học viện Hành chính Quốc gia HCM (Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc). Mặt chính nhà Hội trường có 6 cột cao suốt 2 tầng nhà, tạo nên một khoảng đều đặn gắn với đại sảnh theo kiểu đại thức. Giải pháp kiến trúc bình dị, hình khối đường nét tỷ lệ một cách chững chạc, có chính phụ rõ ràng với những chuẩn mực kinh điển, đọng được với thời gian. Nội dung và hình thức kiến trúc Hội trường đã một thời được coi là khuôn mẫu cho các trường đại học, các cơ quan công quyền trong các tỉnh thành trên miền Bắc làm theo. Hoặc như kiến trúc khu trung tâm trường Đại học Bách Khoa được giới kiến trúc Việt Nam và thế giới đánh giá là một trong những tác phẩm kiến trúc hiện đại bản địa thành công nhất thời bấy giờ và cho đến ngày nay.

 Học viện Hành chính Quốc gia HCM.
Hình 6: Học viện Hành chính Quốc gia HCM.

- Một số công trình kết hợp yếu tố dân tộc, các yếu tố kiến trúc truyền thống và văn hóa của dân tộc trong thiết kế, các yếu tố trang trí, các hoa văn, họa tiết dân gian, hình thức mái cong, thức cột (Lăng Bác Hồ, Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Khách sạn Thắng Lợi...). Công trình thành công nhất là lăng Bác Hồ. Hệ thống hàng cột, hành lang xung quanh là những đặc trưng không gian của kiến trúc truyền thống đã được chuyển thể thành công vào mặt đứng lăng tạo nên các phân vị dọc và độ đặc rỗng của hình khối. Cả khối tích lăng là hình ảnh ẩn dụ của hoa sen, loài hoa tiêu biểu của Việt Nam và tượng trưng cho sự tinh khiết, ngợi ca lãnh tụ.

Hai công trình mang thủ pháp ẩn dụ.
Hình 7: Hai công trình mang thủ pháp ẩn dụ.

- Độ rỗng đặc cân xứng; phản ánh công năng và nhu cầu sử dụng bên trong. Những chỗ công cộng, tiếp khách mở cửa nhiều, lấy sáng thông thoáng. Các phòng đặc biệt, kho ít mở cửa; đảm bảo kín đáo và nhu cầu an ninh, lưu trữ.

- Hệ thống bậc cấp (từ ba bậc đến nhiều bậc) tạo ra sự bề thế, nghiêm trang cho công trình, đặc biệt là đối với các công trình công cộng và công trình mang nhiều tính ý niệm, kỷ niệm. Đặc sắc trong yếu tố này chính là Lăng Bác Hồ. Với 3 bậc cấp phần đế (mô phỏng từ bậc tam cấp của kiến trúc truyền thống); đẩy lên một quy mô và tỷ xích to lớn hơn nhiều, tạo ra một phần chân đế lăng bề thế và hoành tráng hơn.

4.4. Các giá trị cấu trúc và kết cấu công trình

- Sử dụng hệ thống kết cấu bê tông lắp ghép tấm lớn; hoặc lắp ghép kết hợp bê tông đổ tại chỗ, tường xây: Đây là một ưu việt lớn của kỹ thuật xây dựng MBVN giai đoạn 1954-1986. Công nghệ lắp ghép cải thiện tốc độ xây dựng, phù hợp với các hệ thống có tính mô đun hóa và điển hình, rất thuận tiện cho các dự án công nghiệp hóa. Ưu việt này có thể tiêp tục phát huy cho kỹ thuật xây dựng đương đại với sự phát triển của các công nghệ lắp ghép mới và các vật liệu mới có khả năng tổ hợp cao như bê tông nhẹ, khung sắt tiền chế, khung nhôm hợp kim.

- Các kỹ thuật sử dụng tường xây gạch: Đối với các công trình thấp tầng: Sử dụng kết cấu tường gạch chịu lực là chính, hoặc tường gạch kết hợp bê tông; Công trình nhiều tầng hơn hoặc khung bê tông cốt thép, tường gạch vẫn đóng vai trò là lớp vỏ bao che hiệu quả. Các kỹ thuật xây và sử dụng tường gạch vẫn là một thủ pháp có thể sử dụng cho các công trình có chiều cao từ 2-3 tầng ngày nay. Hệ thống kết cấu tường gạch chịu lực, với độ dày tường gạch từ 220 đến 330; các cột trụ từ 330-450 hoặc lớn hơn vẫn có ưu việt nhất định trong kiến trúc đương đại với khả năng cách nhiệt tốt, các thủ pháp trang trí sử dụng độ nông sâu của tường và các gờ trang trí dễ dàng, dễ tạo ra các cảm giác nghiêm trang, vững chãi của công trình.

4.5. Khai thác và sử dụng vật liệu

- Khai thác và tận dụng các vật liệu bê tông lắp ghép, sản xuất trước ở nhà máy, giảm chi phí và thời gian, đáp ứng được điều kiện kinh tế khi xây dựng các khu chung cư phục vụ số đông người dân lao động. Giá trị và bài học này cần được tiếp tục phát huy cho các công trình phục vụ số đông người lao động như nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, chung cư thu nhập bình dân.

- Sử dụng vật liệu xây dựng theo hướng tạo nên tính chất trang nghiêm, cách nhiệt và phù hợp với mạch cảm xúc của công trình tưởng niệm, góp phần tạo nên giá trị tinh thần cho công trình: Nội dung này thể hiện trong Lăng Bác Hồ.

4.6. Các mô tip/hoa văn trang trí đặc trưng

- Các hoa văn trang trí kiến trúc mang nhiều tính biểu tượng, ẩn dụ. Hình thức và nội dung thấm đẫm tính triết lý và triết học phương Đông cũng như các quan niệm dân gian. Do đó các mô típ hoa văn này có thể khai thác và phát huy trong các thể loại công trình kiến trúc xây mới mang hơi hướng tiếp nối truyền thống

- Các hoa văn trang trí đặc trưng cho hành lang, hiên: Gồm gạch hoa, các loại lam bê tông, các chi tiết tương tự có công năng vừa trang trí vừa chắn nắng, thông gió... Đây là những chi tiết đặc sắc của thời kì này; mang dấu ấn và phong cách rõ ràng của thời kì XHCN và rất phù hợp để phát triển tiếp nối cho các kiến trúc nhiệt đới tương đại.

Hoa văn trang trí hành lang Cung thiếu nhi Hà Nội.
Hình 8: Hoa văn trang trí hành lang Cung thiếu nhi Hà Nội.

4.7. Các yếu tố khác

- Khai thác yếu tố mặt nước vào tận bên trong công trình: Mặt nước vừa cải thiện môi trường khí hậu, vừa đóng góp và tổ chức cảnh quan sinh động. Giải pháp sử dụng mặt nước có thể sử dụng cả ngoài nhà (khuôn viên) và cả trong nhà với sự hỗ trợ của các thiết bị công nghệ cao ngày nay (bơm hút, máy lọc, phun sương …). Khách sạn Thắng Lợi là minh chứng đỉnh cao cho khai thác yếu tố mặt nước vào tận bên trong công trình, hoà nhập với kiến trúc khi mặt nước xuất hiện và không gian mặt nước tràn vào đến tận các hành lang dẫn vào cửa phòng.

R
Hình 9: Mặt nước xuất hiện và vào đến tận cửa các phòng khách sạn Thắng Lợi.

- Sử dụng cây xanh vào thể hiện tình cảm tư tưởng: Là một đất nước nhiệt đới gió mùa nên Việt Nam có hệ thực vật phong phú. Khai thác sử cây xanh tại khuôn viên xung quanh lăng Bác là một nghệ thuật đã đạt tới đỉnh cao. Cây xanh được chọn lọc từ nhiều vùng, miền. Được trồng và tính toán cẩn thận, cây xanh thể hiện tư tưởng tình cảm của đồng bào, sự sắp đặt cây xanh ca ngợi và bày tỏ lòng tôn kính với lãnh tụ. Sử dụng cây xanh ở lăng Bác đã vượt qua các giá trị vườn cảnh thông thường mà nâng tầm lên giá trị biểu hiện và chuyên chở tình cảm, tư tưởng của nhân dân.

- Sự kết hợp và dung hòa trí tuệ giữa kiến trúc sư trong nước và quốc tế. Những công trình mang thiết kế của các kiến trúc sư quốc tế như Liên Xô, Cuba đã tận dụng được những tài năng của các chuyên gia thiết kế nước ngoài và cho thấy cách tiếp cận độc đáo của họ với giá trị và vẻ đẹp tinh hoa của kiến trúc truyền thống nước nhà (Cung văn hóa Hữu nghị, Khách sạn Thắng Lợi). Phương án thiết kế Lăng Bác Hồ lại cho thấy sự hòa hợp giữa sức mạnh tập thể của hàng trăm bộ óc các kiến trúc sư trong và ngoài nước cũng như định hướng lãnh đạo của Bộ Chính trị trong một công trình kiến trúc trọng điểm và độc nhất vô nhị ở phạm vi quốc gia. Trong bối cảnh hội nhập và trao đổi, giao lưu văn hóa kinh tế rộng khắp như ngày nay, thành công của việc hợp tác quốc tế và kết hợp tinh hoa, sức mạnh trí tuệ của các chuyên gia trong và ngoài nước ở nhiều tầng lớp và thành phần tiếp tục là bài học sáng giá cho các dự án kiến trúc đương đại, đặc biệt là các công trình kiến trúc điểm nhấn, các công trình trọng điểm là bộ mặt của quốc gia.

- Sự trao quyền quyết định lớn về mặt ý tưởng cho các kiến trúc sư cũng như đón nhận và tôn trọng những trí tuệ và thiết kế của họ. Là những công trình trọng điểm quốc gia với nhiều mong mỏi, mơ ước của cả nhân dân và chính phủ gửi gắm; có thể thấy các kiến trúc sư được đảm nhận (cả trong nước và quốc tế) cũng đã rất nỗ lực và tâm huyết, vượt nhiều điều kiện khó khăn của hoàn cảnh đương thời để có thể đưa ra được những sáng tác mang đầy dấu ấn thời đại và tính bản sắc, làm nên bộ mặt của kiến trúc cả một thời kì XHCN của MBVN. Đây cũng là bài học về công tác quản lý thiết kế cho các chủ đầu tư và cơ quan quản lí ngày nay, khi mà có vẻ như với quá nhiều yếu tố chi phối đến xây dựng một công trình, vai trò của kiến trúc sư có phần nào mờ nhạt hơn cũng như trí tuệ và chất xám của họ không được coi trọng đúng mức độ cần thiết.

5. Kết luận

Giai đoạn 1954-1986 là khoảng thời gian hơn 30 năm trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn về kinh tế và trải qua các biến động lớn. Tuy vậy các công trình kiến trúc được xây dựng ở MBVN, gồm cả các công trình được thiết kế và xây dựng bởi các kiến trúc sư, kĩ sư trong nước và các công trình được xây dựng- viện trợ từ nước bạn vẫn để lại những dấu ấn và bản sắc riêng biệt gắn liền với một thời kì lịch sử. Không những thế, chúng còn mang lại những giá trị có thể phát huy cho kiến trúc đương đại ở nhiều khía cạnh; từ tổng thể tới chi tiết, từ tổ chức không gian bên trong đến nghệ thuật xử lý hình thức bên ngoài. Nghiên cứu kỹ và lan toả những bài học này có thể truyền cảm hứng tới các thiết kế trong tương lai để tiếp tục tạo dựng nên những công trình có dấu ấn và bản sắc cho đất nước./.

Tài liệu tham khảo

1. Lê Văn Lân (2024), Nhìn lại 30 năm thử thách và sáng tạo của kiến trúc Hà Nội (từ 1954-1986), Tạp chí Kiến trúc, tháng 8/2024.

2. Ngô Huy Quỳnh (1998). Lịch sử Kiến trúc Việt nam. NXB Văn hóa thông tin.

3. Nguyễn Quốc Thông (2022), Kiến trúc Hà Nội giai đoạn 1975-1986. Báo điện tử www.vtc2.vn, ngày 14/12/2022.

4. Đặng Hoàng Vũ (2016), “Ảnh hưởng của kiến trúc Xô Viết đối với kiến trúc nhà ở và công trình tại Hà Nội giai đoạn 1954 – 1986”, Luận án tiến sĩ, Đại học Kiến trúc Hà Nội.

5. Đặng Hoàng Vũ (2009), Nhìn lại chung cư Hà Nội sau năm 1975 - Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, số tháng 5/2009.

6. Website: www.notesbook.vn (truy cập tháng 8/2024).

Bài viết có bổ sung ảnh đại diện minh họa (Nguồn ảnh: pinterest).

Pháp lý xây dựng

Chợ Bến Thành được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố

Ngày 20/11, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định về việc xếp hạng di tích cấp thành phố đối với di tích kiến trúc nghệ thuật chợ Bến Thành và một số di tích trên địa bàn thành phố.

Thừa Thiên Huế đầu tư hơn 64,6 tỷ đồng để phục hồi di tích Đại Cung Môn

Việc thực hiện tu bổ, phục hồi di tích Đại Cung Môn - Đại Nội Huế có vai trò quan trọng và ý nghĩa lớn trong quá trình phục hồi đầy đủ diện mạo kiến trúc quần thể di tích, đem lại hiệu quả cao trong việc khai thác dịch vụ du lịch, học tập và nghiên cứu.

Cư xá Những Đỉnh Núi

Thay vì gọi bằng cái tên gắn với một yếu nhân kiêm người sáng lập - Cité-jardin Amiral Jean Decoux (Cư xá-hoa viên Đô đốc Jean Decoux), hay gọn hơn, Cité Decoux (Cư xá Decoux), thì người Pháp lẫn người Việt giữa thập niên 1940 vẫn thích dùng một cái tên gắn với cảnh quan sinh thái bay bổng hơn - Cité des Pics (Cư xá Những Đỉnh Núi) - khi nói về khu cư trú mới, gồm 51 ngôi biệt thự được xây dựng ở vùng rìa phía Bắc thành phố.

Giải mã gen văn hóa kiến trúc Việt Nam

Kiến trúc là một bộ phận hữu cơ, là một thực thể được cấu thành của văn hóa. Kiến trúc mỗi vùng miền có đặc trưng giữa các vùng miền có sự đa dạng, chỉ có thể thấy nét tương đồng chứ không thể tìm ra hai nền văn hóa giống hệt nhau, dù là hai khu vực nằm sát gần nhau. Kiến trúc và văn hóa của mỗi dân tộc có cấu trúc đặc thù, giống như cấu trúc của bộ gen sinh học, tìm hiểu, nghiên cứu, làm sáng tỏ đặc trưng văn hóa, kiến trúc các vùng miền chính là việc giải mã bộ gen trong văn hóa và kiến trúc của vùng miền đó.

Phú Thọ: Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Quốc gia Đền Vân Luông

Ngày 10/11, UBND phường Vân Phú, TP. Việt Trì (Phú Thọ) phối hợp với đơn vị thi công đã khởi công dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Quốc gia Đền Vân Luông.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi