Hội thảo khoa học “Huyền Trân công chúa - cuộc đời và giai thoại”
Có thể bạn quan tâm
Sáng 30/11, tại thành phố Nam Định, Viện nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định và UBND huyện Vụ Bản phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Huyền Trân Công chúa: Cuộc đời và giai thoại”.
Tham dự có các đồng chí: Trần Văn Chung, nguyên Phó Bí Thư Trường trực Tỉnh uỷ, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Minh Thắng, Uỷ viên Ban TVTU, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh; Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo: Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Viện Bảo tồn di tích (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch); lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo tỉnh, UBND huyện Vụ Bản cùng nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia lịch sử, khảo cổ, văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, Trần Lê Đoài phát biểu tại hội thảo. Ảnh: CLB Nhà báo Thành Nam
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Lê Đoài khẳng định, với vị trí địa lý ở Trung tâm khu vực Nam đồng bằng sông Hồng, Nam Định là nơi hội tụ, lưu giữ và lan tỏa nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Việt. Nam Định còn là vùng đất khởi nghiệp, phát tích của Vương triều Trần, một trong những triều đại phát triển thịnh trị bậc nhất trong tiến trình lịch sử của dân tộc ta. Trong số các nhân vật lịch sử của thời Trần, không thể không đề cập đến Huyền Trân Công chúa.
Huyền Trân công chúa (1287-1340) là con gái Phật hoàng Trần Nhân Tông và Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng thái hậu, bà là em gái vua Trần Anh Tông (1276-1320). Năm 1306, khi vừa tròn 19 tuổi, vâng lời vua cha, vì lợi ích của dân tộc công chúa Huyền Trân đã lên đường đến Champa kết hôn với vua Champa lúc đó là Chế Mân và được phong làm hoàng hậu Paramesvari. Tuy nhiên, chỉ một năm sau, vua Chế Mân đột ngột qua đời. Trở về Thăng Long, Huyền Trân công chúa xuất gia theo di mệnh của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Công chúa được Quốc sư Bảo Phác thụ Bồ tát giới ở núi Trâu Sơn, pháp danh Hương Tràng. Năm 1311, ni sư Hương Tràng cùng với thị nữ lập am tranh dưới chân núi Hổ tu hành. Sau đó, am tranh thành chùa Hổ Sơn (Quảng Nghiêm Tự). Năm 1340, ni sư Hương Tràng viên tịch tại đây. Sau khi Ni sư Hương Tràng viên tịch, nhân dân đã tôn bà làm thần Mẫu, lập đền thờ cạnh chùa Hổ Sơn.
Hội thảo là sự kiện quan trọng để bổ sung thêm những nguồn tư liệu quý góp phần làm rõ hơn về cuộc đời và những đóng góp của công chúa Huyền Trân với đất nước và Phật giáo Việt Nam; về mối quan hệ giữa hai nước láng giềng Đại Việt và Champa trong lịch sử dân tộc; đồng thời làm rõ những giai thoại liên quan đến công chúa Huyền Trân để người dân có nhận thức đầy đủ, khách quan và khoa học về cuộc đời của bà”. Đồng thời, cung cấp cơ sở luận cứ khoa học góp phần nâng cao nhận thức về vai trò, đóng góp của Huyền Trân đối với dân tộc và Phật giáo để từ đó tôn vinh Huyền Trân công chúa một cách xứng đáng.
Hội thảo gồm 2 phần: phần thứ nhất là “Cuộc đời và những đóng góp của Huyền Trân công chúa”; phần thứ hai là “Chùa Hổ Sơn và việc thờ phụng Huyền Trân công chúa”.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: CLB Nhà báo Thành Nam
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, chuyên gia lịch sử, khảo cổ, văn hoá, tôn giáo cùng các nhà quản lý và chính quyền địa phương tỉnh Nam Định đã thảo luận, tập chung vào 3 chủ đề chính gồm: Cuộc đời Huyền Trân công chúa, lịch sử và những giai thoại nhằm tìm hiểu rõ hơn về Huyền Trân công chúa ở Đại Việt và Champa; vị trí, vai trò của Công chúa Huyền Trân với dân tộc để làm rõ mục đích, ý nghĩa của cuộc hôn nhân giữa Huyền Trân công chúa với vua Chế Mân; vị trí, vai trò của Công chúa Huyền Trân với Phật giáo.
Trên cơ sở đó, Hội thảo đã đề xuất một số giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa gắn với Huyền Trân công chúa, nhất là di tích chùa Hổ Sơn tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Khu du lịch chùa Hổ Sơn từ trên nhìn xuống. Ảnh: CLB Nhà báo Thành Nam
Hiện nay, di tích chùa Hổ Sơn, nơi thờ phụng Huyền Trân công chúa, vẫn giữ được 27 tượng thờ và 27 đồ thờ cổ, trong đó nhiều cổ thư, cổ vật quý như tượng 2 công chúa, 4 sắc phong của các triều đại phong kiến phong cho 2 công chúa, một số bát hương sứ, sành mang phong cách nghệ thuật thời Lê. Với những giá trị về lịch sử và kiến trúc, năm 2006, chùa được UBND tỉnh Nam Định công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Trải qua thời gian, chùa Hổ Sơn xuống cấp nghiêm trọng, đầu năm 2021, Chùa chính thức được khởi công xây dựng lại trên nền đất của ngôi chùa cũ và được quy hoạch mở rộng khuôn viên với diện tích là 13 ha, gồm 30 hạng mục công trình lớn nhỏ. Khu thờ tự gồm: tòa tam bảo, đền thờ mẫu, đền thờ Huyền Trân công chúa, nhà thờ tổ, lầu cô, lầu cậu, cùng tượng thập bát vị La hán, nhà bia, quần thể lăng tẩm tháp tổ…
Trong khuôn viên chùa được dựng bảo tháp 13 tầng, cao 26 mét, tượng Phật Bà Quan Âm, cột cờ, giếng ngọc đá ong, nhà thuốc nam, thuyền rồng – bảo tàng công chúa Huyền Trân mô phỏng cảnh thuyền rồng đón công chúa Huyền Trân từ Chiêm Thành về nước; đặc biệt là tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông bằng đá sa-phia nguyên khối, cao 5,1 mét…
Ngôi chùa hơn 700 tuổi này được xây dựng lại khang trang, bề thế không chỉ đáp ứng nguyện vọng của nhân dân về bảo tồn di tích lịch sử văn hóa của địa phương, mà còn góp phần phát huy những giá trị văn hóa tín ngưỡng dân gian của dân tộc được lưu truyền qua các thế hệ.
Ý kiến của bạn