Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện cho NCS Nguyễn Thành Công
Tới dự buổi đánh giá luận án của NCS Nguyễn Thành Công có Ban lãnh Viện Kiến trúc Quốc gia PGS.TSKT Mai Thị Liên Hương – Viện trưởng; TS.KTS Trịnh Hồng Việt – Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia; cùng tập thể giáo viên hướng dẫn, đại diện thành viên Hội đồng Khoa học Đào tạo và các đơn vị trực thuộc Viện tham dự.
Tại buổi đánh giá, Đại diện Trung tâm Đào tạo và Hợp tác quốc tế giới thiệu đại biểu, tuyên bố lý do và công bố Quyết định thành lập Hội đồng đánh giá luận án cấp Viện gồm: PGS.TSKT. Mai Thị Liên Hương-Chủ tịch hội đồng; GS.TS Nguyễn Tố Lăng-UV phản biện 1; GS.TS Doãn Minh Khôi-UV phản biện 2; PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến – UV phản biện 3; TS. Trịnh Hồng Việt-Uỷ viên; TS. Nguyễn Thị Lan Phương -Ủy viên; TS. Tạ Thị Hoàng Vân – Ủy viên là thư ký.
Tại Hội nghị, các nhận xét đều thống nhất và đánh giá cao với các đóng góp, nghiên cứu, điều tra xã hội học, đề xuất chuyển đổi, chuyển hóa, phát triển không gian kiến trúc về làng cổ vùng Đông Nam Bộ đã được trình bày trong nội dung của luận án và những vấn đề được đề cập đến trong luận án đã nêu bật được những nội dung quan trọng:
Nhận diện sự chuyển đổi không gian kiến trúc làng cổ vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) trong quá trình phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, phân tích quá trình chuyển đổi không gian 14 làng cổ đại diện của khu vực Đông Nam Bộ sẽ nhận được chuyển đổi không gian làng, một quá trính liên tục nhằm thích ứng với biến đổi và đô thị hóa mạnh ở các mặt kinh tế-văn hóa-xã hội-môi trường.
Những kết quả của luận án được đánh giá là có đóng góp mới: (1) Nhận diện sự chuyển đổi của không gian kiến trúc làng cổ trong quá trình phát triển kinh tế xã hội vùng Đông Nam Bộ, thông qua việc khái quát thực trạng phát triển và phân tích các kiểu hình thức chuyển đổi của 14 làng truyền thống đại diện cho 6 tỉnh miền ĐNB tại các khu vực khác nhau; (2) Xây dựng bộ tiêu chí nhằm xác định mức độ chuyển đổi của các làng cổ vùng Đông Nam Bộ;
(3) Định hướng giải pháp tổ chức không gian kiến trúc làng cổ theo hướng ứng xử phù hợp với các tình trạng biến đổi khác nhau. Theo đó đề xuất cấu trúc các làng có di sản cần bảo tồn, các làng cải tạo chỉnh trang và định hướng phát triển kiến trúc xây mới. Ứng dụng các nghiên cứu vào trường hợp làng cổ Phú Hội.
Kết quả nghiên cứu là tài liệu góp phần nâng cao hiểu biết về kiến trúc làng truyền thống vùng ĐNB có ý nghĩa thực tiễn trong tổ chức không gian kiến trúc đối với sự chuyển đổi các khu vực định cư truyền thống trong bối cảnh biến đổi kinh tế – xã hội và tốc độ đô thị hóa hiện nay. Cụ thể: định cư, sản xuất, sinh thái, giải trí, hoạt động cộng đồng,..
Luận án Tiến sĩ đưa ra giải pháp không gian của 3 không gian chức năng làng gồm: (1) Không gian cư trú; (2) Không gian kinh tế; (3) Không gian sinh thái – nghỉ dưỡng – sinh hoạt cộng đồng. Các không gian này không hoàn toàn bao chứa các hạng mục quỹ đất như ở các quy định hiện hành của Việt Nam về quy hoạch. Việc phân tách như trên sẽ hiệu quả hơn trong việc tổ chức không gian, vừa bảo vệ được di sản vật thể và di sản phi vật thể của làng cổ, vừa thuận lợi cho việc phát triển và điều tiết trong tương lai.
Sau phần trình bày tóm tắt luận án của NCS Nguyễn Thành Công, các thầy cô trong Hội đồng đã đọc những ý kiến phản biện, đặt những câu hỏi để Nghiên cứu sinh giải trình, làm rõ một số thuật ngữ, xác định cụ thể thời gian, giai đoạn nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu.
Hội đồng tiến hành họp, bỏ phiếu kín và đánh giá cao chất lượng, hàm lượng học thuật của luận án và tố chất nghiên cứu của Nghiên cứu sinh. Quyết nghị, NCS. Nguyễn Thành Công tiếp thu và hoàn thiện các ý kiến đóng góp tại Hội đồng. 07/07 phiếu đồng ý NCS. Nguyễn Thành Công đạt điều kiện, xứng đáng nhận học vị Tiến sĩ.
Kết thúc hội nghị, PGS.TSKT. Mai Thị Liên Hương – Viện trưởng, Chủ tịch hội đồng cảm ơn các thầy cô là thành viên hội đồng, các chuyên gia đã luôn hỗ trợ cho sự nghiệp đào tạo của Viện Kiến trúc Quốc gia nói chung và kết quả thành công của NCS Nguyễn Thành Công.
Ý kiến của bạn