Giữ gìn bản sắc văn hóa trong quy hoạch kiến trúc nông thôn Bắc Giang
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, quy hoạch trong xây dựng NTM phải bảo đảm sự kết hợp hài hòa giữa hiện đại và truyền thống, phải giữ được nét kiến trúc đặc trưng vùng, miền của làng quê Việt Nam. Không lấy quy hoạch đô thị để áp vào quy hoạch nông thôn. Không “mặc đồng phục” cho đô thị ở nông thôn.
Với cùng quan điểm đó, bên cạnh hoàn thành mục tiêu về xây dựng NTM, tỉnh Bắc Giang đã và đang thực hiện tốt việc lưu giữ những nét kiến trúc đặc trưng của Nông thôn Bắc Bộ. Nhiều mô hình làng cổ được gìn giữ, tạo dựng một không gian văn hóa, kiến trúc với bản sắc riêng, có sức lan tỏa lớn. Đây có thể coi là những mô hình, cách làm điểm về bảo vệ cảnh quan, kiến trúc và văn hóa nông thôn trong đời sống mới.
Thổ Hà, làng Việt cổ bên bờ Bắc Sông Cầu (xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) hiện còn lưu giữ khoảng 15 căn nhà cổ với giá trị lịch sử văn hoá truyền thống. Hầu hết nhà cổ đã trên 100 năm tuổi, được xây dựng từ thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX….
Ông Trịnh Đắc Mùi, (xóm 4, làng Thổ Hà), chủ nhân một trong những ngôi nhà cổ nơi đây cho biết, ngôi nhà gia đình ông đã được gần 200 năm tuổi. Nhà xưa có ba nếp bố cục liên hoàn trong khuôn viên rộng, gồm: Nhà cầu 3 gian phía trước dùng để tiếp khách, nhà chính 5 gian là nơi ở và để thờ gia tiên, bên cạnh sân có ba gian nhà bếp.
Hay như ngôi nhà của gia đình ông Cáp Trọng Dưỡng (xóm 2), ngôi nhà với mái ngói sẫm màu, nền đất nện và những cột gỗ lớn chống đỡ rui kèo. Dù đã có niên đại trên 100 năm tuổi nhưng ngôi nhà vẫn còn khá nguyên vẹn, chưa phải sửa chữa gì nhiều.
Một điểm nhấn trong cảnh quan tại làng Thổ Hà khiến chúng tôi không thể quên đó là sự đồng hành cùng những ngôi nhà cổ là con đường rêu phong, cây đa, bến nước, sân đình và làng nghề truyền thống từ cha ông để lại, nuôi lớn bao thế hệ, tạo nên nét bình dị đong đầy cảm xúc của vùng quê Kinh Bắc...
“Mặc dù nông thôn giờ đã hiện đại, khác xưa, nhưng người dân làng Thổ Hà chúng tôi vẫn trân trọng giữ gìn một phần "hồn quê" qua những ngôi nhà cổ của xứ sở Kinh Bắc. Vì thế, không gian, cảnh quan làng vẫn mang dấu xưa. Đó là cách chúng tôi giữ lại hồn quê trong đời sống hiện đại”, ông Mùi giãi bày.
Cùng với Thổ Hà, bản cổ Bắc Hoa, (xã Tân Sơn, Lục Ngạn, Bắc Giang) cũng đang lưu giữ những ngôi nhà độc đáo với kiến trúc làm nhà bằng đất.
Giới thiệu về căn nhà được làm hoàn toàn bằng đất của mình, bà Lường Thị Lan, 60 tuổi cho biết, ngôi nhà được vợ chồng bà xây dựng khi mới lập gia đình cách đây gần 40 năm nhưng đến nay vẫn nguyên vẹn. Khi làm nhà, nhiều người đến giới thiệu các mẫu nhà hiện đại, đẹp mắt xong gia đình vẫn quyết định làm nhà trình tường bằng đất để bảo tồn nét đẹp văn hóa độc đáo của dân tộc mình.
"Tường nhà rộng 40-60cm, cao 3,8 đến 5m, rộng 4 gian, lợp bằng ngói vảy cá âm dương giúp bảo đảm mùa hè thì thoáng mát, mùa đông lại ấm cúng. Nhà chắc chắn, chỉ bỏ công xây dựng một lần là có thể ở cả đời mà không phải lo sơn, sửa gì" Bà Lan hồ hởi kể.
Được biết, bản Bắc Hoa hiện có 17 hộ vẫn còn giữ được nhà trình tường bằng đất. Điểm độc đáo là cả 17 căn nhà trình đất trên đều ở cạnh nhau, nằm san sát giữa bản tạo thành điểm nhấn ấn tượng. Giữa các ngôi nhà hầu như cũng không được rào chắn kiên cố theo kiểu "kín cổng cao tường", mà chỉ ngăn cách bằng bờ đá, xếp chồng lên nhau hoặc rào bằng tre, nứa, tạo nên khung cảnh làng quê thơ mộng.
Ông Vi Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Tân Sơn chia sẻ: Nhận thấy nét nổi bật và tầm quan trọng của các công trình kiến trúc làng cổ Bắc Hoa, thời gian qua chính quyền xã đã vận động nhân dân gìn giữ nét truyền thống dân tộc nơi đây để phát triển du lịch, nâng cao thu nhập từ đó góp phần hoàn thành mục tiêu về đích xây dựng NTM năm 2024.
“Trong nỗ lực giữ lại không gian cảnh quan kiến trúc xưa, huyện Lục Ngạn đã trình UBND tỉnh Bắc Giang thông qua quy hoạch phát triển du lịch tại bản Bắc Hoa. Cùng với đó là đầu tư xây dựng đường giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng, bảo tàng sinh thái…” lãnh đạo Phòng Văn hóa huyện Lục Ngạn cho biết.
Không thể phủ nhận, đời sống ở các vùng quê đang có sự chuyển biến mạnh mẽ. Nhiều địa phương đang nỗ lực xây dựng những phòng trào đời sống mới để tái tạo không gian đáng sống cho người dân. Các phong trào “Sáng - xanh - sạch - đẹp”, tổ dân phố văn hóa, tia đình văn hóa... lan tỏa rộng, tạo nên đời sống văn hóa nông thôn sinh động và nền nếp hơn.
Vì vậy, để hài hòa giữa hiện đại và truyền thống trong xây dựng NTM và thực hiện Chỉ thị số 4/CT-TTg ngày 07/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tỉnh Bắc Giang đã ban hành kế hoạch triển khai nhằm bảo vệ phát huy không gian kiến trúc truyền thống, bảo vệ di tích văn hóa lịch sử, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống đến các tầng lớp nhân dân và cán bộ cơ sở.
Đồng thời, nâng cao công tác quản lý về văn hóa kết hợp với quản lý về xây dựng, tiếp tục hoàn thiện các thể chế để từng bước xây dựng kiến trúc nông thôn tỉnh Bắc Giang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; kế thừa và phát huy giá trị di sản kiến trúc truyền thống, phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội, yêu cầu quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Ý kiến của bạn