Giải pháp an toàn và tiện nghi trong tổ chức không gian và Kiến trúc - Nội thất nhà ở đô thị
Tầm quan trọng của sự an toàn, tiện nghi trong không gian sống đô thị và thực trạng tại Việt Nam
Trong tổ chức không gian và kiến trúc - nội thất nhà ở đô thị, “an toàn” và “tiện nghi” đóng vai trò cực kỳ quan trọng, bởi lẽ khi kết hợp chặt chẽ giữa “an toàn” và “tiện nghi” trong thiết kế sẽ đảm bảo được một môi trường sống bền vững và phát triển; đảm bảo cho sự bình an và sức khỏe của mọi cư dân. Bên cạnh đó, tính tiện nghi còn giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, về sự hài lòng của cư dân với môi trường sống. Điều này cũng thúc đẩy sự phát triển đô thị bền vững, hấp dẫn và thân thiện với con người.
Theo TS. KTS Nguyễn Việt Huy - Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sư Trường Đại học Xây dựng chia sẻ tại toạ đàm "Giải pháp Kiến trúc - Nội thất giúp nâng cao chất lượng không gian sống cho nhà ở đô thị" cho biết, vai trò của kiến trúc là sự kết nối giữa con người và thiên nhiên, muốn kiến trúc đảm bảo được yếu tố kết nối giữa con người và thiên nhiên thì vấn đề đầu tiên cần phải đề cập tới đó chính là sự “an toàn”, sau đó mới bàn tới tính tiện nghi…Qua đó, có thể thấy tầm quan trọng của 2 chức năng này trong việc tổ chức không gian và Kiến trúc - Nội thất.
Tại Việt Nam hiện nay, mặc dù vấn đề về “an toàn” luôn được đề cập và ưu tiên tại các ngôi nhà, tòa nhà trong đô thị khi thiết kế với các tiêu chuẩn chống cháy nổ nhằm đảm bảo an toàn cho cư dân… Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại vẫn còn xảy ra rất nhiều vụ cháy thương tâm và chủ yếu là đối với công trình nhà riêng lẻ xây đã lâu, hệ thống điện đa phần đã xuống cấp, không được được bảo trì, nâng cấp.
Đối với một số công trình xây mới, có thể ban đầu người dân chỉ tính toán phụ tải cho các thiết bị sử dụng điện trong nhà, đủ để phục vụ nhu cầu ở của gia đình. Nhưng khi đưa công trình vào sử dụng thực tế thì lại chuyển đổi mục đích khác như cho thuê phòng trọ, hoặc kết hợp kinh doanh… làm cho nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng nhanh ngoài tầm kiểm soát khiến hệ thống điện, thiết bị điện trong công trình nhà ở bị quá tải, nguy cơ cháy nổ tăng cao.
Để giải quyết các vấn đề trên, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Công an, Cảnh sát PCCC TP. Hà Nội, Cảnh sát PCCC TP. Hồ Chí Minh, căn cứ tình hình thực tiễn biên soạn “Tài liệu tham khảo Hướng dẫn nâng cao an toàn cháy đối với công trình hiện hữu”, trong đó nêu và hướng dẫn một số giải pháp kỹ thuật trên cơ sở các nguyên tắc an toàn cháy cơ bản để giải quyết bổ sung một số giải pháp nhằm đảm bảo hơn về an toàn cháy cho người và các công trình hiện hữu chưa đảm bảo các điều kiện về an toàn cháy như: đường thoát nạn, ngăn chặn cháy lan, báo cháy. Các công trình nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ hiện hữu, căn cứ tình hình thực tiễn có thể sử dụng tài liệu này để cải tạo, bổ sung các giải pháp kỹ thuật về an toàn cháy.
Đặc biệt, đối với các công trình nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ có quy mô cao từ 7 tầng trở lên (hoặc có chiều cao PCCC từ 25 m trở lên) sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của QCVN 06:2022/BXD cùng Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD do Bộ Xây dựng và Bộ công an phối hợp biên soạn. Đối với các công trình nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ có quy mô dưới 7 tầng (hoặc có chiều cao PCCC dưới 25 m) – thuộc phạm vi điều chỉnh của TCVN Nhà ở riêng lẻ - Yêu cầu chung về thiết kế, do Bộ Xây dựng và Bộ công an phối hợp biên soạn. Hiện TCVN này đã trình Bộ KHCN thẩm định để ban hành.
Giải pháp thiết kế không gian kiến trúc nội thất đối với các công trình căn hộ chung cư, nhà ống đô thị, nhà biệt thự và nhà ở nông thôn
Do tác động đến biến đổi khí hậu và an toàn phòng cháy chữa cháy… đặc biệt về vấn đề cần phải tối đa hóa không gian xanh trong nhà ống đô thị kết hợp với bên ngoài. Tại toạ đàm “Giải pháp Kiến trúc - Nội thất giúp nâng cao chất lượng không gian sống cho nhà ở đô thị”, TS. KTS Nguyễn Việt Huy - Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sư Trường Đại học Xây dựng, bên cạnh khẳng định tầm quang trọng của sự “an toàn” và đưa ra các giải pháp đảm bảo an toàn trong tổ chức không gian và Kiến trúc - Nội thất cũng đã đưa ra các quan điểm về nguyên tắc trong thiết kế bao gồm: tính tiện nghi trong công năng sử dụng; thẩm mỹ trong không gian; giao thông thuận tiện – hợp lý; phân khu công năng rõ ràng, tận dụng tối ưu không gian… Đặc biệt là không gian kết nối, liên thông và đưa không gian xanh vào tối đa công trình.
Cũng tại buổi toạ đàm, TS. KTS Nguyễn Việt Huy đã giới thiệu các dự án được ứng dụng thiết kế thực tế đảm bảo sự an toàn và tiện nghi như: Hanoi Aquacentral; căn hộ Ciputra; công trình xây mới – nhà ở gia đình – Sơn Tây; công trình xây mới – nhà phố kết hợp thương mại – Hải Dương công trình xây mới – biệt thự Ecopark…
Trước những thách thức lớn của các vấn đề nhà ở đô thị tại Việt Nam đặc biệt là tại Hà Nội ngày càng tăng, luôn đòi hỏi những ý tưởng và cách tiếp cận mới trong xây dựng. Do đó, các kiến trúc sư và chuyên gia trong ngành xây dựng cần được khuyến khích để tiếp tục tìm ra các giải pháp sáng tạo, giúp giảm thiểu tác động của các dự án xây dựng đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên, bao gồm việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, thiết kế không gian xanh và công nghệ xây dựng tiên tiến…
Ý kiến của bạn