Di sản công nghiệp cần được đặc biệt quan tâm

Di sản công nghiệp cần được đặc biệt quan tâm

(Vietnamarchi) - (KTVN) – Theo Giáo sư Helmuth Albrecht, di sản công nghiệp cần được đặc biệt quan tâm và phải thúc đẩy sự tham gia, sự sáng tạo của xã hội và đặc biệt là người trẻ.
14:46, 17/05/2023

Trong 02 ngày 14-15/10 vừa qua, tại 282 Workshop (156 Phú Viên, Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội) đã diễn ra Hội thảo Tái thiết Di sản Công nghiệp 2022 với 2 chuyên đề: “Thảo luận kế hoạch chuyển đổi bền vững sáng tạo cho 9 công trình tại Hà Nội và kiến tạo cơ hội hợp tác đa bên” và “Thiết kế, xây dựng và vận hành bền vững các dự án Tái thiết di sản công nghiệp tại Việt Nam”.

Trong phiên Hội thảo khai mạc chiều 14/10, các đại biểu tập trung làm rõ kế hoạch chuyển đổi bền vững sáng tạo cho 9 công trình tại Hà Nội và kiến tạo cơ hội hợp tác đa bên, với sự tham gia của PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan (đại diện Mạng lưới bảo tồn di sản công nghiệp châu Á tại Việt Nam), GS Helmuth Albrecht (thành viên Ban lãnh đạo Ủy ban Quốc tế về Bảo tồn Di sản Công nghiệp) cùng một số giám đốc các dự án chuyển đổi di sản công nghiệp của châu Âu.

Các đại biểu cùng khách mời tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Theo định nghĩa của Uỷ ban Quốc tế về Bảo tồn Di sản Công nghiệp, di sản công nghiệp là những gì còn lại của “văn hóa công nghiệp” như các giá trị lịch sử, khoa học, công nghệ, xã hội, kiến trúc…, bao gồm các toà nhà, công xưởng, máy móc, các mỏ, nơi chế biến, kho và cửa hàng, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, và cả những địa điểm phục vụ sinh hoạt của lực lượng xã hội tham gia vào quá trình sản xuất công nghiệp như nhà ở, nơi thờ phụng, các thực hành nghi lễ tôn giáo, các cơ sở đào tạo cho công nhân – lực lượng lao động trong các cơ sở công nghiệp đó.

Theo PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan, di sản công nghiệp là một phần không thể tách rời của di sản văn hoá nói chung, phản ánh một sự tiến bộ vượt bậc (mang tính cách mạng) trong lịch sử văn minh nhân loại, một sự “thông thái” được kế thừa; một tiến trình phát triển của xã hội hiện đại.

Các di sản công nghiệp mang nhiều giá trị và ý nghĩa. Đầu tiên đó là giá trị lịch sử, là bằng chứng của các hoạt động sản xuất theo phương thức công nghiệp, đã và đang tiếp tục để lại những hệ quả sâu sắc đến ngày nay. Tiếp đến là giá trị xã hội: phản ánh một phần bức tranh cuộc sống của những người công nhân bình thường ở một nơi, và như vậy, nó tăng khả năng nhận diện bản sắc của địa phương. Tiếp đến là giá trị về công nghệ và khoa học trong lịch sử của sản xuất, kỹ thuật, xây dựng; và giá trị thẩm mỹ của các công trình công nghiệp…

PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan cho rằng, các cơ sở công nghiệp cũ cũng có thể trở thành di sản khi chúng ta hiểu rằng đó là những công trình, những địa điểm, những không gian và cảnh quan mang các giá trị nổi trội về lịch sử, về khoa học kỹ thuật, về kiến trúc và thẩm mỹ. Các cơ sở công nghiệp quy mô lớn cũng thường gắn với lịch sử thuộc địa hoá, hiện đại hoá, công nghiệp hoá, đô thị hoá của các địa phương, các quốc gia. Nó là những vật chứng, giúp chúng ta kể các câu chuyện về nơi chốn và thành phố, chính là duy trì bản sắc của các đô thị.

“Vì vậy, các công trình công nghiệp hoàn toàn xứng đáng là đối tượng được đánh giá, xem xét và đưa vào danh sách các công trình kiến trúc có giá trị của các địa phương, để từ đó có giải pháp bảo tồn, khai thác, sử dụng hợp lý như những gì được quy định và mong đợi ở Luật Kiến trúc”, PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan nhấn mạnh.

Về kinh nghiệm tái thiết di sản công nghiệp tại Châu Âu, GS Helmuth Albrecht cho rằng, di sản công nghiệp không chỉ có giá trị và ý nghĩa với riêng thành phố nơi chúng hiện diện, mà di sản công nghiệp cần được đặt trong một bối cảnh rộng lớn hơn, chúng cần được nhìn nhận như một phần của văn hóa, của dân tộc, của lịch sử xã hội. Vì vậy, vấn đề bảo tồn và tái thiết di sản công nghiệp cần được đặc biệt quan tâm và phải thúc đẩy sự tham gia, sự sáng tạo của xã hội (nhất là các bên liên quan chặt chẽ như kiến trúc, quy hoạch), và đặc biệt là người trẻ trong câu chuyện này.

“Phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo cũng như thành phố sáng tạo là một lĩnh vực khá mới mẻ đối với Thủ đô Hà Nội và chúng tôi chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, chúng tôi rất quan tâm và hy vọng trong tương lai di sản công nghiệp sẽ trở thành một phần của di sản đô thị, di sản văn hóa của thành phố Hà Nội”, bà Phạm Lan Anh – đại diện Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhấn mạnh tại Hội thảo.

Quang Tuyền

Pháp lý xây dựng

“Tiếp sức” cho nhà vườn cổ xứ Huế

Thừa Thiên Huế vừa tiếp tục triển khai các giải pháp để gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng. Trong đó, các chính sách hỗ trợ cho trùng tu là nguồn lực giúp các nhà vườn giữ được di sản kiến trúc độc đáo của cha ông, đồng thời mở ra cơ hội để phát triển du lịch.

Tu bổ, tôn tạo Đền Thượng, Đền Trung: Bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá, kiến trúc xứ Đoài

Đền Thượng, đền Trung, tọa lạc tại hệ thống núi Ba Vì, núi Tản, là 02 công trình nằm trong khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền thờ Tản Viên Sơn Thánh (đền Hạ, đền Trung, đền Thượng) - vị thánh đứng đầu trong “Tứ bất tử” của Việt Nam, tượng trưng cho ước vọng chinh phục tự nhiên, chiến thắng thiên tai của nhân dân ta, có giá trị to lớn về văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng của Việt Nam. Tuy nhiên, dưới tác động của môi trường, qua thời gian, một số hạng mục công trình tại di tích đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân.

Bình Định: Phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo di tích quốc đặc biệt Tháp Dương Long

UBND tỉnh Bình Định vừa có Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng và kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án tu bổ, tôn tạo di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt tháp Dương Long ở xã Tây Bình và Bình Hòa, huyện Tây Sơn với kinh phí hơn 93 tỷ đồng.

Hoàn thành tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia đền Hồ Đề đưa vào sử dụng

Sáng 8/12, tại Di tích lịch sử quốc gia đền Hồ Đề, Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội đã long trọng tổ chức lễ khánh thành và bàn giao công trình tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia đền Hồ Đề.

Cộng đồng trách nhiệm, hướng tới xây dựng Quần thể Danh thắng Tràng An trở thành “trái tim” của “Đô thị di sản thiên niên kỷ”

Quần thể danh thắng Tràng An là điểm nhấn đặc biệt của thiên nhiên, con người Ninh Bình; là dấu gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa lịch sử và cảnh quan, tạo nên mối giao thoa hài hoà trong không gian văn hoá cộng sinh. Năm 2014, Quần thể danh thắng Tràng An đã chính thức được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, trở thành di sản hỗn hợp thứ 31 trên thế giới, thứ 11 ở châu Á-Thái Bình Dương và là Di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á theo 3 tiêu chí nổi bật toàn cầu: văn hóa, vẻ đẹp thẩm mỹ và địa chất-địa mạo. Sau 10 năm được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, Quần thể danh thắng Tràng An thực sự đã là trung tâm thúc đẩy phát triển và khẳng định vị trí du lịch Ninh Bình trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh và bền vững của tỉnh cũng như cả nước.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi