Chùa Việt mới – Ước vọng về tương lai kiến trúc Việt
Từ bé chúng tôi đã sang chơi sân chùa Chân Tiên (phố Bà Triệu). Đi sơ tán về quê nào cũng có chùa. Về Hà Nội, thầy phụ trách Đội vẽ – Cung Thiếu nhi Hà Nội đưa chúng tôi đi vẽ phong cảnh các ngôi chùa cổ xứ Đoài, xứ Đông. Khi đã lớn, chúng tôi đạp xe vòng quanh hồ Tây – nơi những ngôi chùa làng còn nguyên hình ảnh xưa cũ. Khoảng năm 1990, thầy tôi cho theo vào chùa Đỏ (ngày ấy thuộc thị xã Hà Đông) gặp cố Thượng tọa Thích Viên Thành bàn chuyện xây Tàng Kinh Các trong khuôn viên Thiên Trù – Chùa Hương. Nhiều năm sau do, nhờ nhân duyên mà tôi được tham gia sửa chữa, xây mới các công trình trong khuôn viên các chùa quanh Hà Nội… Hình ảnh các ngôi chùa Việt cứ thấm dần vào cách quan sát, cảm nhận như hít thở không khí trong trẻo mỗi sớm mai.
Trước thời mở cửa, các ngôi chùa Việt đã được xây dựng trong nhiều thời kỳ. Nhiều ngôi chùa quanh Hà Nội được trùng tu lớn, xây lại từ đầu thế kỷ 20 đã có kiến trúc cách tân một cách khéo léo.
Chùa Quán Sứ, có gốc tích từ thế kỷ 15, đến năm 1934, Tổng hội Phật giáo Bắc Kỳ thành lập, chùa Quán Sứ được chọn làm trụ sở. Năm 1942, Chùa đã được xây dựng lại theo bản thiết kế của hai KTS Nguyễn Ngọc Ngoạn và Nguyễn Xuân Tùng do chính Tổ Vĩnh Nghiêm duyệt. Nghệ thuật kiến trúc và trang trí kết hợp tất cả tinh hoa các đại già lam miền Bắc. Nếu so tượng pháp trong chùa với những pho tượng chùa Mía (Sơn Tây) chế tác từ đất luyện đã có kích thước lớn hơn nhiều… Tượng lớn thì Tam Bảo phải xây cao, rộng, lại thêm Chùa có 02 tầng nên cao hơn các ngôi chùa Việt cổ.
Sau 1947, nhiều ngôi chùa trong phố Hà Nội cũng được xây lại, sửa chữa sau khi bị hư hỏng do chiến sự, nhưng cơ bản vẫn tựa vào tượng Phật còn lưu để dựng chùa cho phù hợp, lại thêm kết cấu bê tông, gạch hoa thay cho gạch vữa cũ nên bề rộng, bề cao, các chi tiết trang trí cũng thêm mới vào – làm cho kiến trúc chùa cũng có phần đổi mới khác xưa.
Trước năm 1986, kinh tế cả nước còn eo hẹp, các việc sửa chữa chùa cậy nhờ vào Ngân sách, ngành bảo tồn nghiêm ngặt, lại thêm các vị Trụ trì các ngôi chùa đều chân tu, uyên bác nên kiến trúc Chùa Việt gần như giữ được nguyên vẹn tinh thần, được Nhà văn hóa Hữu Ngọc trích lời hòa thượng Viên Minh (Nguyệt san Giác ngộ – tháng 7/2006):
“Chùa Việt Nam không tỉ mỉ như Trung Hoa mà ưa đơn giản, không nhẹ nhàng như Nhật Bản mà ưa trầm tư, không màu mè như Triều Tiên mà thích thanh nhã, không u mật như Tây Tạng mà ưa quang minh, không nguy nga như Thái Lan mà yêu bình dị. Một ngôi chùa (nguyên thủy) Việt Nam cần thể hiện được 03 yếu tố:
Thứ nhất, Tính đặc thù của Phật giáo nguyên thủy: Hiểu nguyên thủy ở đây là tính yên nguyên của Đạo khi chưa chia thành các phái, nghĩa là có những đặc điểm này: bằng trí tuệ hơn là đức tin; tin vào tự tánh hơn là tha lực; giác ngộ ở thực tại, không tìm cõi Phật ở bên ngoài; chỉ bằng sự thật hơn là qua biểu tượng, ẩn ngữ, tu hành là sống thuận pháp hơn là cầu nguyện, không áp dụng hệ thống tư tưởng khác, không thiên về nhập thế cực đoan. Qua tinh thần này, kiến trúc phải giản dị, sáng sủa, thanh nhu, mạnh mẽ. Tránh dùng biểu tượng hoa mỹ, lòe loẹt, âm u. Phải tôn nghiêm (thí dụ không dùng đèn nhấp nháy).
Thứ hai, Tính dân tộc Việt Nam: khó nói mẫu chùa Việt Nam nhưng cái thần là: khiêm tốn, khoan thai, u nhã, hòa hợp với thiên nhiên. Kiến trúc Lý, Trần (chùa Thày, chùa Tây Phương, chùa Một Cột…) là đỉnh cao tính Việt, tính sáng tạo, phần nào thoát ra khỏi ảnh hưởng Trung Quốc.
Thứ ba, Tính hiện đại: Rất cần vì vẻ đẹp không lặp lại, chùa cổ đẹp vì phản ánh đời sống hiện đại của thời đã qua. Phải tìm riêng cho ta phong cách, do phát triển khoa học kỹ thuật và vật liệu mới.”
Chùa mới xây tại Việt Nam chưa chắc đã là chùa Việt
Trong 20 năm gần đây, nhiều ngôi chùa được xây mới trên đất chùa cũ. Phần lớn có quy mô lớn, ngoài tòa Tam Bảo, nhà Tổ, nơi ở, nhà bếp/nhà ăn (trai phòng) có thêm nhiều hạng mục mới xuất hiện: đại đường, thư viện, giảng đường, bảo tháp, thủy đình, ga ra ô tô…
Nhiều ngôi chùa học hỏi trong nước và quốc tế, nên có nhiều hình thức hiện đại, mới lạ. Có những ngôi chùa may mắn do được các vị Trụ trì tài giỏi xây nên, các ngôi chùa đó dù có kích thước lớn, nhưng vẫn mô phỏng kiến trúc chùa Việt truyền thống, song do không gian nội tự cao rộng hơn, bước gian nhiều hơn, lớn hơn nên tượng pháp cũng phải làm mới lớn hơn gấp đôi, gấp ba chùa cũ. Các ngôi chùa này vẫn duy trì được các hoạt động tín ngưỡng trong cộng đồng địa phương, kết hợp mở rộng phục vụ khách thập phương từ các nơi khác, có quy mô lớn hơn chùa cũ hàng chục lần.
Có những ngôi chùa mới xây trên đất mới tự tạo ra cấu trúc, hạng mục mới, không theo chùa cũ như Chùa Ba Vàng. Trong tổ hợp kiến trúc này có nhiều tầng gác để làm nơi ở cho các nhà sư, có bề rộng để đỗ ô tô của chùa và của khách thập phương, có những hành lang có mái chạy vòng quanh sân lát đá rộng mênh mông. Có những cổng ngõ mô phỏng cổng thành thời nhà Minh. Tam Bảo có trang trí bằng những bức tranh tường, phóng to từ những bức tranh tôn giáo xuất bản ở Ấn Độ, Đài Loan hay Thái Lan… Trông xa thì chỉ có cái vỏ mô phỏng chùa Việt với mái cong, cột tròn (phóng to nhiều lần), đến gần thì không thể thấy cái tỷ lệ con người, thậm chí có những cánh cửa khổng lồ, to nặng tới mức không có khung cửa, bản lề nào mang nổi, thế là đành làm cửa đẩy có bánh xe.
Những công trình thể loại này được lặp lại ở Đà Nẵng, Ninh Bình, Thái Bình, Quảng Ninh và nhiều địa phương khác. Để có đất rộng xây chùa to nên phải san đồi bạt núi, phá rừng để tạo mặt bằng, mở đường lớn, thay đổi thô bạo cảnh quan thiên nhiên, địa mạo tự nhiên.
Chùa mới cũng xuất hiện nhiều hoạt động mới: nhiều chùa kết hợp “Thiền Viện” – một loại hình mới xuất hiện với nhiều nội dung khác hẳn với những ngôi chùa truyền thống mà chúng ta đã đề cập ở trên. Những xu hướng này phải chăng đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng mới, khi người dân đến với các công trình tôn giáo không vì tâm thế hướng nội, tu tập giác ngộ để vượt ra khỏi thế giới tục lụy như xưa mà nay cần nhập thế hơn, lồng ghép nhu cầu nghỉ dưỡng, du ngoạn hay bổ sung những sinh hoạt của đời thường, những sự kiện phô trương, hướng ngoại hơn… và chính vì vậy quy mô, hình thức các tổ hợp này cần đáp ứng.
Một hình thức khác của chùa mới là tạo nên các quần thể danh lam thắng cảnh du lịch dịch vụ thương mại gắn với kiến trúc chùa. Ví dụ như Bái Đính, Tam Chúc, Việt Nam Quốc Tự… Nhiều địa phương tạo điều kiện cấp đất xây dựng những công trình này với hy vọng là điểm thu hút khách du lịch tâm linh, đem lại những khoản thu cho ngân sách, tạo nhiều dịch vụ đi theo, mang lại nhiều việc làm và lợi ích cho địa phương.
Tuy còn nhiều ẩn số do không nằm trong quy trình giao đất cho hoạt động tôn giáo tín ngưỡng; Quản lý tài chính còn buông lỏng, nên việc quản lý đất đai còn bất cập, nhưng vẫn thu hút nhiều chủ đầu tư hào hứng tham gia.
Các KTS thì dường như không có mấy cơ hội tham gia nên càng mờ mịt về nhận thức, thiếu hiểu biết về biến thể của các “chùa mới” này. Có vài KTS có cơ hội tham gia thiết kế thì cũng dễ dàng thỏa hiệp để cho ra đời những công trình “chùa mới” phóng to tỷ lệ từ các ngôi chùa cũ. Các chi tiết chạm khắc trang trí không thể phóng to, nên vay mượn các chạm khắc từ nhiều công trình kiến trúc tôn giáo từ các nền văn hóa Nam Á, Đông Nam Á, pha trộn giữa Phật Giáo và Ấn Độ giáo, tôn giáo bản địa (Nam Đảo – Polynesia)… mới lạ nhưng rất xa lạ với quá trình tinh lọc để trở thành những kiệt tác nghệ thuật trang trí chùa Việt truyền thống.
Chùa mới xây phải chứa đựng ước vọng về tương lai kiến trúc Việt
Chùa mới xây trên đất chùa cũ, trên đất mới hay công trình du lịch dịch vụ thương mại mượn hình thức chùa trong những năm qua đã đáp ứng được các hoạt động thực hành tôn giáo tín ngưỡng của người dân. Nhiều công trình đã chú ý đến vệ sinh, tiện nghi phù hợp với cuộc sống hiện đại… Nhưng kiến trúc của tất cả các loại hình này hiện diễn ra tự phát, các cơ quan quản lý liên quan còn chưa chủ động quản lý, hướng dẫn đã tồn tại nhiều bất cập. Một số chùa mới xây quy mô lớn nhưng không có thiết kế nên đã sập đổ ngay trong quá trình thi công. Một số công trình cảnh quan còn tùy tiện xây dựng phá hủy cảnh quan nên đã phải đình chỉ dỡ bỏ… Việc xây chùa mới với hình thức khác lạ đã phá hủy di sản kiến trúc chùa Việt truyền thống diễn ra tràn lan tại các địa phương.
Ngoài việc cần làm rõ loại hình kinh doanh du lịch dịch vụ thương mại mượn hình thức chùa để quản lý tài chính, đất đai theo Luật thì các nội dung kiến trúc cảnh quan phù hợp với truyền thống Việt Nam cũng cần pháp điển hóa.
Những ngôi chùa Việt mới do Nhà nước đầu tư xây dựng tại biên giới, hải đảo hay những địa điểm di tích lịch sử Cách mạng, dân tộc cũng là công trình văn hóa có tính biểu tượng cao nên cần thi tuyển theo Luật để chùa Việt mãi là của người Việt – dân tộc Việt có lịch sử lâu đời và vững tin đi tới tương lai cường thịnh, tiến hóa không ngừng cùng nhân loại.
Ước vọng chùa Việt mãi mãi là những hình ảnh đẹp đẽ trong trái tim con dân đất Việt ta./.
Chuyên gia Trần Huy Ánh – Ủy viên Ban thường vụ Hội KTS Hà Nội
Ý kiến của bạn