Cải tạo chung cư cũ vẫn "giậm chân tại chỗ" 20 năm qua
Thưa ông, xin ông cho biết về thực trạng việc cải tạo những chung cư cũ tại Hà Nội đến thời điểm hiện tại?
- Giai đoạn 2012-2020, Thành phố đã tổ chức rà soát, đánh giá sơ bộ 1.579 chung cư cũ, đã kiểm định được 401/1.579 chung cư cũ, trong đó: Cấp B: 148 chung cư; Cấp C: 245 chung cư; Cấp D: 8 chung cư (trong đó 2 nhà cấp D đã hoàn thành cải tạo, xây dựng lại và đưa vào sử dụng là C1 Thành Công; B6 Giảng Võ).
Dù đã triển khai nhiều đề án, kế hoạch về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 7 chung cư cũ nguy hiểm cấp D đã cải tạo, xây dựng lại hoàn thành đưa vào sử dụng (không thuộc danh mục 1.579 chung cư cũ); có 9 dự án đang triển khai thực hiện cải tạo, xây dựng lại; có 20 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đã hoàn thành và đưa vào sử dụng (chỉ chiếm hơn 1% trên tổng số 1.579 nhà chung cư cũ) - một kết quả quá thấp.
Việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ của thành phố Hà Nội còn chậm trễ. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
- Theo tôi, nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong việc cải tạo chung cư cũ là do việc xác định lợi ích chưa rõ ràng giữa 3 bên: lợi ích của người dân, lợi ích của doanh nghiệp, lợi ích của Nhà nước.
Doanh nghiệp muốn đầu tư vào khu vực đó ngoài phần cải tạo còn có thêm phần để kinh doanh, còn đối với người dân họ coi đây là tài sản cả đời nên đòi mức hỗ trợ, bồi thường cao, từ đó làm nảy sinh những vướng mắc.
Mỗi bên đều có mục tiêu riêng và không có tiếng nói chung, thậm chí có những doanh nghiệp “hứa một đằng, làm một nẻo” với người dân, cho nên niềm tin giữa hai bên không được khẳng định, giữa người dân và doanh nghiệp không có một định chế cam kết nào.
Trong công tác cải tạo chung cư cũ hiện nay có 3 mô hình nguồn vốn: mô hình sử dụng nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn ngoài ngân sách có sự hỗ trợ từ thành phố và nguồn vốn ngoài ngân sách, ông đánh giá thế nào về các mô hình này?
- Tất cả các mô hình nguồn vốn đều đang ở trong một nền kinh tế thị trường thì mô hình vốn nào cũng phải theo quy luật thị trường. Trong thời buổi kinh tế thị trường, nhà chung cư cũ không còn là công trình phúc lợi xã hội nên Nhà nước không thể bỏ một khoản tiền lớn để xây dựng, cải tạo cho người dân. Vì vậy, muốn cải tạo, xây dựng lại buộc phải xã hội hóa, trong quá trình thực hiện giữa doanh nghiệp - người dân phải có sự thỏa thuận ngang bằng với nhau về quyền và lợi ích.
Để thúc đẩy công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố, nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong thời gian tới là gì, thưa ông?
- Từ 20 năm qua chuyện cải tạo chung cư cũ đã tiêu tốn rất nhiều tiền của nhưng hiệu quả quá thấp. Cũng bởi việc rà soát, đánh giá thiếu cơ sở khoa học, thiếu cái nhìn đa ngành, thành phố chưa có giải pháp đột phá, khả thi. Do đó, để thực hiện tốt hơn, thành phố nên mời tổ chức độc lập đánh giá, kiểm định để tránh xảy ra lợi ích nhóm.
Cần tập trung vào nghiên cứu hay tham vấn cộng đồng các giải pháp mới mang tính sáng tạo, làm một việc cải tạo chung cư cũ nhưng kết hợp với các dự án đa lợi ích, thay vì mô hình cũ kỹ, già nua "mua nhà cũ, bán nhà mới” thì mới có cơ may hiện thực hóa mục tiêu cải tạo chung cư cũ. Nếu không thì vẫn tốn tiền vô ích, mất thời gian vô bổ.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
https://laodong.vn/bat-dong-san/cai-tao-chung-cu-cu-van-giam-chan-tai-cho-20-nam-qua-1271710.ldo?gidzl=feXRSbajkNIla5DsKJAvSAcPMtH9QB9tuifSTXyyiYVdcL0cIslf9UFE1t5CQhfqj9zPScREazirMIgmTG
Ý kiến của bạn