Bảo tồn và phát triển không gian kiến trúc làng nghề truyền thống

Bảo tồn và phát triển không gian kiến trúc làng nghề truyền thống

(Vietnamarchi) - Trải qua hàng trăm năm lịch sử, các làng nghề không chỉ mang nhiều giá trị về mặt kinh tế mà còn là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc và mang đậm dấu ấn của kiến trúc truyền thống Việt Nam. Khai thác tiềm năng của làng nghề để thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch đang được coi là một trong những hướng đi triển vọng của đất nước. Tuy nhiên, làng nghề truyền thống trong thời kỳ đổi mới cũng đang đặt ra những thách thức đặc biệt là bảo tồn và phát triển về không gian kiến trúc.
09:41, 30/01/2024

Theo đó, không gian kiến trúc làng nghề cần có sự “chyển mình” linh hoạt để đáp ứng nhu cầu của quá trình phát triển, đồng thời cũng cần được bảo tồn để không mất đi những giá trị truyền thống vốn có.

Làng nghề truyền thống mang “hơi thở” của văn hóa dân tộc

Hiện nay, cả nước có khoảng 2.008 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận (bao gồm 1.356 làng nghề và 652 làng nghề truyền thống). Các làng nghề phân bố không đồng đều giữa các vùng, miền (miền Bắc khoảng 60%, miền Trung 30%, miền Nam 10%). Doanh thu của các làng nghề là 75.720 tỷ đồng (tăng 17.332 tỷ đồng so với năm 2020, tạo việc làm cho khoảng 1,58 triệu lao động với thu nhập bình quân từ 5 đến 6 triệu đồng/ người/ năm.

Làng nghề đã và đang góp phần phát triển kinh tế nông thôn, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động tại các địa phương. Không dừng lại ở đó, làng nghề còn là “kho tàng” chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử phong phú. Trong đó nổi bật nhất là các giá trị về văn hóa truyền thống và các di sản văn hóa khác như: công trình kiến trúc đình, chùa, cảnh quan, văn hóa ẩm thực, nghệ thuật biểu diễn, lễ hội...

Đặc biệt, không gian sáng tạo sản phẩm nghề và không gian cảnh quan làng nghề đã tạo nên sự độc đáo, mới lạ mang đặc trưng riêng của không gian kiến trúc làng nghề, góp phần tạo nên sức hút du lịch. Các di sản của làng như đình, ao, cổng làng được hòa nhập vào trong không gian có hoạt động du lịch, làm tăng thêm giá trị của di sản. Văn hóa làng nghề, làng nghề truyền thống cùng với di sản truyền thống là những tài nguyên vô giá để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nông thôn theo hướng bền vững.

Kiến trúc của Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt thuộc xã Bát Tràng (Gia Lâm - Hà Nội) được lấy cảm hứng từ những khối bàn xoay “vuốt gốm” truyền thống - lối kiến trúc mang âm hưởng nghề

Về cấu trúc tổ chức không gian, làng nghề truyền thống thường có cách tổ chức không gian theo hình thức làng nông thôn đồng bằng Bắc bộ với hình thái cấu trúc theo mô hình xương cá, khép kín… trong đó, cấu trúc hình xương cá (một số trường hợp còn gọi là răng lược), trục đường làng chính đóng vai trò trục xương sống kết nối tất cả không gian trong làng. Các công trình công cộng truyền thống nằm tại vị trí quan trọng về mặt hình thái hình học trên đường làng chính (đình ở đầu làng, giếng giữa làng, cổng làng ở cuối làng).

Công trình kiến trúc tại các làng nghề luôn có sự hài hoà với thiên nhiên, có sự mật thiết, chúng gắn kết và tôn nhau lên. Bắt đầu từ đầu làng đã có điểm mốc dẫn về không gian văn hóa (cổng làng, cây đa, cây gạo, cái cầu...).

Trải qua hàng thế kỷ phát triển, nét văn hóa làng nghề được hình thành lưu giữ phong tục tập quán, đời sống, lao động sản xuất của từng người dân. Làng nghề nước ta phản ánh cuộc sống cư dân nông nghiệp gắn liền với cơ chế sản xuất mùa vụ, mang đặc trưng của chế độ làng xã, trong đó bao gồm cả yếu tố dòng họ. Làng nghề không chỉ phản ánh mối quan hệ giữa “nghề” với “nghiệp” mà còn chứa đựng những giá trị tinh thần đậm nét, được phản ánh qua các tập tục, tín ngưỡng, lễ hội và nhiều quy định khác.

Bài toán bảo tồn và phát triển không gian, kiến trúc làng nghề?

Vấn đề bảo tồn và phát triển không gian, kiến trúc để mỗi làng nghề trở thành nơi đáng sống, địa điểm du lịch lý tưởng đã trở thành bài toán vô cùng nan giải. Nhiều làng nghề hiện đang gặp nhiều khó khăn trong vấn đề giữ gìn cảnh quan, kiến trúc, phát triển cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch. Việc quy hoạch làng nghề để bảo đảm việc phát triển cũng như duy trì được cảnh quan kiến trúc có bản sắc riêng là trăn trở lớn. Điển hình như làng nghề làm tăm hương truyền thống gần 100 năm tuổi tại xã Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa, Hà Nội) đang phải đối diện với không ít khó khăn trong vấn đề liên quan đến không gian cảnh quan, kiến trúc và trở thành trở ngại trong tiến trình phát triển của làng nghề.

Mặc dù là địa điểm đang “hot” gần đây, tuy nhiên, làng tăm hương Quảng Phú Cầu hiện đang đối diện với không ít vướng mắc về không gian cảnh quan và kiến trúc

Điểm du lịch làng nghề này được thành lập ngày 25/2/2023, tuy nhiên đến nay, vẫn còn tồn tại những bất cập về sơ sở hạ tầng, kiến trúc về không gian công cộng, không gian đón tiếp, ăn uống, lưu trú, để xe... chưa đáp ứng được nhu cầu.

Không chỉ làng nghề tăm hương truyền thống Quảng Phú Cầu mà Bát Tràng - một làng nghề nức tiếng, điểm du lịch khó có thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước khi đến Hà Nội cũng gặp không ít khó khăn.

Ngôi làng cổ với những con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo chỉ rộng khoảng 1,5 m, chỗ hẹp nhất chỉ có 0,8 m sâu hun hút, ngõ này nối tiếp ngõ kia tựa mê cung và những xưởng gốm nhỏ nằm khuất trong các cánh cổng nhỏ. Khi lượng du khách ngày một tăng, vấn đề lớn mà Bát Tràng đối mặt chính là hạn chế trong quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan. Con đường dẫn vào làng chật hẹp và trở nên bức bối, gò bó, bất tiện khi phải tiếp đông đoàn khách ghé thăm.

Hạ tầng cơ sở phục vụ phát triển du lịch tại làng nghề tại làng nón lá Tri Lễ (xã Tân Ước, Thanh Oai, Hà Nội) cũng trong tình trạng tương tự. Nhiều hạng mục cơ bản như hệ thống bãi để xe tập trung, trung tâm giới thiệu sản phẩm làng nghề,… hệ thống các công trình thông tin cho khách du lịch như phòng thông tin du lịch, bảo tàng làng nghề còn thiếu, chưa được triển khai thiết kế và đầu tư xây dựng.

Ngoài ra, nhiều làng nghề truyền thống chưa đáp ứng nhu cầu không gian chế biến, sản xuất hàng hóa, các sản phẩm làng nghề chưa được quan tâm; hệ thống hạ tầng kỹ thuật và vệ sinh môi trường chưa được quan tâm phát triển đồng bộ.

Do đó, việc định hướng phát triển không gian kiến trúc các làng nghề truyền thống phục vụ du lịch là nhiệm vụ cần thiết trong quá trình tạo dựng quy hoạch chung. Để bảo tồn và phát triển một làng nghề truyền thống, không đơn giản là lo xây dựng cơ sở hạ tầng, đường xá... mà cốt lõi bảo tồn là duy trì những hệ cấu trúc vật thể và phi vật thể nhưng phải mang lại sức sống thời đại, đảm bảo sự phát triển chung của xã hội.

“Chuyển mình” đi đôi với bảo tồn!

Các làng nghề truyền thống thường nằm ở vị trí trung tâm khu vực phát triển của địa phương, tiếp giáp hệ thống đường giao thông nội đô và đại lộ quan trọng. Tác động mạnh mẽ của quá trình đô thị làm chuyển biến lớn trong cấu trúc làng xã, chuyển đổi mô hình kinh tế nông nghiệp và biến động di dân. Nhiều làng nghề truyền thống nằm trong đô thị đang đứng trước hai nguy cơ: một là mất nghề vì không có khu vực sản xuất cung ứng nguyên liệu để làm nghề, sản xuất manh mún; hai là  “xóa sổ” làng vì quy hoạch, dự án xây dựng mới lấn át làng cũ và khó khăn trong việc xử lý môi trường ở các làng nghề nằm xen kẽ khu dân cư trong đô thị.

Điển hình là không gian kiến trúc của làng nghề Cốm Vòng (Cầu Giấy, Hà Nội). Đây là địa bàn gần rất nhiều trường đại học, nhiều cơ quan công sở, bị lấn át bởi công trình cao tầng, hiện đại và hệ thống hạ tầng đô thị. Cổng làng Cốm Vòng tuy vẫn giữ tên làng cũ nhưng lạc lõng bởi kiến trúc và màu sắc, không gian làng nghề bị thiếu đất canh tác cung ứng nguyên liệu tạo ra sản phẩm nghề. Môi trường làng nghề bị ô nhiễm không chỉ do chất thải sản xuất mà còn do tiếng ồn, khí thải của đô thị.

Cổng làng Cốm Vòng nằm giữa những ngôi nhà với kiến trúc hiện đại. (Ảnh Báo Xây dựng)

Không chỉ riêng làng nghề Cốm Vòng, làng bún Phú Đô (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng gặp nhiều trở ngại về ô nhiệm môi trường, một trong những nguyên nhân quan trọng  gây ra vấn đề này chính là do quá trình đô thị hóa nhanh, các công trình xây dựng mới mọc lên san sát, nhiều công trình xây lấn hồ, ao, nước mưa, nước thải từ cống rãnh đổ ra không có chỗ chứa, hệ thống tiêu thoát xuống cấp.

Cấu trúc làng cũ bị phá bởi những tác động quy hoạch mới, cùng với cấu trúc của đô thị bị phân cách bởi các làng hiện hữu. Biến một cụm dân cư đã được hình thành hàng trăm năm, gắn bó bền chặt với lịch sử, văn hóa và cấu trúc xã hội không đơn giản chỉ cải tạo, chỉnh trang hay sửa đổi. Đô thị hóa có tác động đến không gian kiến trúc cảnh quan hạ tầng của các làng xóm ven đô, vì vậy cũng cần phải tuân thủ việc tạo lập hình ảnh, gìn giữ giá trị cảnh quan thiên nhiên trong quá trình phát triển, tích hợp khéo léo, khoa học các giá trị vật chất, văn hóa lịch sử là những di sản của quá khứ vào không gian đô thị.

Bên cạnh đó, so với những làng truyền thống, quy hoạch kiến trúc tại các làng nghề, làng có nghề cũng cần có sự khác biệt hơn, bởi không chỉ là vấn đề về cảnh quanh, bảo tồn di sản truyền thống của cư dân trong làng, mà còn là vấn đề bảo đảm môi trường sống an toàn, vệ sinh, tạo sự kết nối về mặt kiến trúc, điểm đến, tăng giá trị kinh tế cho địa phương.

Do đó, phát triển làng nghề cần có cách tiếp cận mới trong việc xây dựng mô hình phát triển để vừa bảo đảm tính bền vững, vừa bảo tồn, phát huy được những giá trị văn hóa, kiến trúc đặc trưng của làng nghề truyền thống.

Hướng đi nào để bảo tồn và phát triển không gian kiến trúc làng nghề?

Muốn tạo lập không gian cảnh quan kiến trúc, môi trường tại nhiều làng nghề tốt hơn, có tính đặc trưng thì trước hết các quy hoạch ngành phải gắn với tổng thể quy hoạch chung xây dựng để tìm sự gắn kết từ hệ thống giao thông, từ lựa chọn khu vực hợp lý cho đô thị hoá, dành đủ đất thích hợp cho sản xuất làng nghề, đổi mới mô hình quản lý để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Lựa chọn mô hình sản xuất hợp lý (hộ cá thể, hợp tác xã, doanh nghiệp…).

Thứ hai, quy hoạch không gian làng xã nhất thiết phải lưu giữ các di sản và cảnh quan kiến trúc truyền thống còn lại. Hệ thống các di tích và các yếu tố cảnh quan (cây đa, giếng nước, ao làng, đường làng…) còn lại phải tận dụng không gian cho các hoạt động văn hóa cộng đồng và truyền dạy nghề.

Cần phải có định hướng về phát triển không gian kiến trúc các làng nghề truyền thống hiện nay

Thứ ba, xây dựng các khu chức năng dành cho các hoạt động làng nghề như: Khu hạ tầng kỹ thuật: Hệ thống giao thông nội bộ làng nghề; Hệ thống hạ tầng kỹ thuật dịch vụ du lịch được bố trí các công trình dịch vụ thuận lợi cho du khách (vệ sinh công cộng, kiốt bán hàng…); Cải tạo, chỉnh trang mặt tiền tuyến phố, công trình đối với những nhà dân còn giữ lại kiến trúc cổ/cũ để khôi phục không gian, cảnh quan khu vực làng nghề; Hệ thống thoát và xử lý nước thải, thu gom rác đảm bảo vệ sinh môi trường và cảnh quan; Hệ thống chiếu sáng đường, chiếu sáng công trình và các điểm thiết chế văn hóa dành cho sinh hoạt cộng đồng.

Thứ tư, bảo tồn, tôn tạo một số công trình nhà cổ truyền thống, nhà của nghệ nhân để làm điểm du lịch. Gìn giữ hoạt động sản xuất truyền thống, hạn chế việc sửa chữa, cơi nới tự phát nhằm đảm bảo điều kiện môi trường sinh thái và hài hòa với cảnh quan kiến trúc của làng nghề truyền thống. Mở thêm một số dịch vụ như homestay. Mô hình nhà ở này vừa kết hợp sản xuất và kinh doanh, trưng bày những sản phẩm đặc trưng của hộ gia đình. Đặc biệt nó còn có khu ở dành cho khách du lịch muốn tham quan trải nghiệm.

Thứ năm, tại các khu vực làng cũ và các khu vực dân cư mới cần được kết nối bằng hệ thống giao thông, hạ tầng đô thị. Cần xem xét các dự án quy hoạch phát triển khu đô thị mới lân cận khu vực làng nghề. Tạo quỹ đất mở xung quanh khu vực làng làm vùng đệm để phát triển dịch vụ công cộng và dãn dân.

Trong xu thế đất nước phát triển và giao lưu hội nhập quốc tế, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của làng nghề truyền thống là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp thiết. Quyết định số 801/QĐ-TTg, ngày 07/7/2022 phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 đã nêu rõ bảo tồn và phát triển làng nghề có vai trò quan trọng trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn, tạo việc làm và nâng cao đời sống của người dân; bảo vệ, giữ gìn cảnh quan, không gian làng nghề, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nông thôn mới. Do đó, bảo tồn và phát triển không gian kiến trúc làng nghề truyền thống cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm phát huy tốt những tiềm năng vốn có và thu hút khách du lịch đến với làng nghề.

Tài liệu tham khảo:

1. Tái tạo, bảo tồn không gian làng nghề, Báo Hà Nội mới

2. Phạm Ngọc Sơn, Phát triển vùng nguyên liệu cho làng nghề, ngành nghề nông thôn, Báo Nhân dân, ngày 30/06/2023.

Pháp lý xây dựng

Đề xuất cải tạo 3 nhà ga đường sắt kiến trúc Pháp

Cục Đường sắt Việt Nam vừa đề xuất Bộ Giao thông vận tải bố trí 150 tỷ đồng để sửa chữa, tôn tạo, bảo tồn 3 nhà ga Hà Nội, Hải Phòng, Đà Lạt - những công trình kiến trúc có giá trị của đường sắt Việt Nam.

Ủy ban Di sản thế giới thông qua quyết định về bảo tồn Hoàng thành Thăng Long

Hồ sơ bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được thông qua mở ra việc khơi thông Trục Hoàng Đạo, tiến tới khôi phục không gian và Chính điện Kính Thiên.

Hoàn thành trùng tu Chùa Cầu Hội An

Sau hai năm trùng tu, di tích Chùa Cầu Hội An đã hoàn thành các hạng mục chính và dự kiến sẽ khánh thành vào tháng 8 này.

Xếp hạng 3 di tích quốc gia đặc biệt

Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 694/QĐ-TTg ngày 18/7/2024 xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 15) đối với 3 di tích.

Tu bổ di tích Hưng Miếu- nơi thờ tự cha mẹ vua Gia Long

Trước thực trạng di tích Hưng Miếu - nơi thờ tự cha mẹ vua Gia Long xuống cấp trầm trọng, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa thông qua nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Bảo quản, tu bổ di tích Hưng Miếu.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi