Bắc Ninh nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số
Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Ninh, năm 2023, đơn vị hoàn thành 100% các nhiệm vụ đăng ký với UBND tỉnh, chỉ số xếp hạng DTI (chuyển đổi số) của tỉnh duy trì ở thứ hạng cao, đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố.
Đặc biệt, tỷ trọng kinh tế số trên GRDP của tỉnh Bắc Ninh là 56,83%, đứng đầu cả nước, hoàn thành vượt kế hoạch chỉ tiêu về số thuê bao internet bình quân/100 dân.
Bên cạnh đó, ứng dụng “Phản ánh kiến nghị” thành kênh tương tác tổng hợp giữa người dân và các cơ quan Nhà nước được Bộ Thông tin và Truyền thông tuyên dương là ứng dụng tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số.
Đến nay, Bắc Ninh đã triển khai đến 252 cơ quan, đơn vị, cấp tài khoản cho hơn 1.500 người, tiếp nhận gần 4.500 phản ánh, kiến nghị ở 30 lĩnh vực trên địa bàn tỉnh, góp phần tích cực vào việc xây dựng xã hội văn minh và nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với chính quyền.
Năm 2024, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục triển khai xây dựng, phát triển nền tảng Chính quyền điện tử/Chính quyền số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; Đồng thời, xây dựng hạ tầng bưu chính viễn thông đồng bộ, hiện đại đảm bảo thông tin liên lạc an toàn, thông suốt, đáp ứng nhu cầu của xã hội; tăng cường xử lý, quản lý thông tin thuê bao di động nhằm giảm thiểu tối đa vấn nạn sim rác trên địa bàn tỉnh; xây dựng Hệ thống thông tin nguồn tỉnh để tổ chức quản lý tập trung và cung cấp thông tin nguồn cho hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn.
Đặc biệt, nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Trước mắt tập trung vào việc Tổ công nghệ số hướng dẫn người dân biết cách sử dụng dịch vụ công trực tuyến; sử dụng ứng dụng phản ánh kiến nghị, tham gia hoạt động thương mại điện tử; thanh toán không dùng tiền mặt và sử dụng các giải pháp an toàn, bảo mật thông tin trên không gian mạng. Tổ công nghệ số cần được giao chỉ tiêu thực hiện và có hình thức thống kê, đánh giá kết quả một cách phù hợp.
Bên cạnh đó, tăng cường họp không giấy tờ, sử dụng hội nghị truyền hình trực tuyến, tập huấn trực tuyến, lập hồ sơ công việc, ký số văn bản điện tử, xử lý phản ánh kiến nghị của nhân dân trên môi trường số; khắc phục hạn chế của hệ thống hội nghị truyền hình hiện nay, chất lượng phủ sóng 5G.
Ý kiến của bạn