Trống Và Thạp Đồng Kính Hoa - Bảo vật Quốc gia
Đông Sơn là một nền văn hóa cổ đại nổi tiếng không những ở Việt Nam mà cả trên thế giới, có niên đại khoảng thế kỷ VII trước Công Nguyên đến thế kỷ I-II sau Công Nguyên. Văn hóa Đông Sơn được định danh từ năm 1924 nhờ sự phát hiện ngẫu nhiên của người làng Đông Sơn tìm thấy nhiều hiện vật thuộc văn hóa này ở làng Đông Sơn ven bờ sông Mã, phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa. Đến nay đã tròn một thế kỷ phát hiện, nghiên cứu và lan tỏa của văn hóa Đông Sơn.
Tuy nhiên, trước đó thì những hiện vật đã được phát hiện ngẫu nhiên từ trước đó vài chục năm như các trống đồng Ngọc Lũ (phát hiện năm 1893), Sông Đà (1889)…Các học giả Phương Tây bấy giờ đã phải sững sờ vì vẻ đẹp của chúng. Trong số đó, có chiếc đã được xếp hạng Bảo vật Quốc gia ngay trong đợt 1 như trống Ngọc Lũ.
Cho đến nay, hàng trăm di tích và hàng vạn di vật của văn hóa Đông Sơn đã được phát hiện, mà hiện vật nổi bật, kết tụ được hồn cốt của nền văn hóa và tâm thức của người Đông Sơn vẫn là những chiếc trống đồng và thạp đồng. Đã có những chiếc trống đẹp bên cạnh Ngọc Lũ như trống Hoàng Hạ, Cổ Loa thuộc sở hữu của bảo tàng công lập đã được xếp hạng là Bảo vật Quốc gia. Ngoài ra, một số trống đồng, thạp đồng thuộc sở hữu tư nhân cũng đã được nhà nước vinh danh là Bảo vật Quốc gia, mà chiếc trống đầu tiên có được vinh dự này (xếp hạng đợt 9 năm 2020) là trống Kính Hoa thuộc sở hữu của kỹ sư Nguyễn Văn Kính ở Hà Nội. Mới đây, chiếc trống Kính Hoa 3 của nhà sưu tập này lại được xếp hạng Bảo vật Quốc gia, nâng tổng số Bảo vật Quốc gia trong sưu tập lên tới 5 chiếc gồm 3 trống đồng và 2 thạp đồng Đông Sơn. Đây cũng là dịp sưu tập này được trưng bày, giới thiệu cho đông đảo các nhà khoa học, mỹ thuật học trong và ngoài nước, công chúng được biết đến một kho di sản quý hiếm của tổ tiên người Việt Nam truyền lại.
Ý kiến của bạn